Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô VII
(1020-1085)
Ðức Grêgôriô đã tái khẳng
định sự hiệp nhất của toàn thể Giáo Hội dựa trên Ðức Kitô và được diễn đạt qua
Ðức Giám Mục Rôma, đấng kế vị Thánh Phêrô.
Thế kỷ thứ 10 và tiền bán
thế kỷ 11 là những ngày u tối cho Giáo Hội, một phần là vì giáo triều chỉ là con
cờ của một vài gia tộc ở Rôma. Vào năm 1049, mọi sự bắt đầu thay đổi khi Ðức
Giáo Hoàng Lêô IX, một nhà cải cách, được bầu làm giáo hoàng. Ngài đem theo một
đan sĩ trẻ tuổi tên là Hilderbrand đến Rôma làm cố vấn và đại diện đặc biệt cho
ngài trong các sứ vụ quan trọng. Sau này, đan sĩ ấy trở thành Ðức Giáo Hoàng
Grêgôriô VII.
Thời ấy, ba tai họa quấy
rối Giáo Hội là nạn buôn thần bán thánh (mua bán các chức vụ cũng như đồ vật
thiêng liêng), nạn giáo sĩ kết hôn bất hợp pháp và nạn giáo dân tấn phong giáo
sĩ (vua và các nhà quý tộc kiểm soát việc bài sai các viên chức Giáo Hội). Ðức
Hildebrand đã trực tiếp chống đối các tệ đoan này qua lời khuyên nhủ đức giáo
hoàng tiền nhiệm, cũng như trong thời ngài làm giáo hoàng (1073-1085).
Các tông thư của Ðức Grêgôriô
nhấn mạnh đến vai trò của vị Giám Mục Rôma là Ðại Diện Ðức Kitô, và là điểm hợp
nhất hữu hình của Giáo Hội. Ngài nổi tiếng về cuộc tranh luận lâu dài với Thánh
Ðế Rôma Henry IV về vấn đề ai là người kiểm soát việc tuyển chọn các giám mục
và tu viện trưởng.
Ðức Grêgôriô hăng hái chống
trả mọi tấn công vào sự tự do của Giáo Hội. Vì lý do đó ngài phải đau khổ và
sau cùng bị chết trong khi lưu đầy. Ngài nói, "Tôi yêu quý công bằng và
ghét bỏ sự bất công; do đó tôi chết trong cảnh lưu đầy." Ba mươi năm sau,
Giáo Hội mới thắng được cuộc chiến đấu chống với nạn giáo dân tấn phong giáo
sĩ.
Lời Bàn
Cuộc Canh Tân Grêgôriô, một
sự kiện quan trọng trong lịch sử Giáo Hội, được mang tên của một người đã cố gắng
giải thoát giáo triều và toàn thể Giáo Hội khỏi sự kiểm soát của nhà cầm quyền
thế tục. Chống với loại chủ nghĩa dân tộc không lành mạnh ở một số vùng, Ðức
Grêgôriô đã tái khẳng định sự hiệp nhất của toàn thể Giáo Hội dựa trên Ðức Kitô
và được diễn đạt qua Ðức Giám Mục Rôma, đấng kế vị Thánh Phêrô.
Lời Trích
Ðức Grêgôriô như đã nói với
thời đại chúng ta mà trong đó nhà cầm quyền dân sự hay tôn giáo trong nước đang
có những đòi hỏi ngấm ngầm: "Trong bất
cứ quốc gia nào, ngay cả người phụ nữ nghèo hèn nhất cũng được kết hôn một cách
hợp pháp theo luật lệ quốc gia và theo sự lựa chọn của họ; nhưng, qua những
khát vọng và thói tục xấu xa của người độc ác, Giáo Hội Thánh Thiện, là nàng
dâu của Thiên Chúa và là mẹ của tất cả chúng ta, không được phép bám víu lấy
người hôn phu ở trái đất này theo như luật lệ của Thiên Chúa và ý muốn của Giáo
Hội" (Lời Kêu Gọi Tín Hữu).