Lời Chúa Lễ Thăng Thiên _ giới răn của Thầy

GIỚI RĂN CỦA THẦY
Nhân loại luôn bị cám dỗ đi tìm một con đường sống không có Thiên Chúa... Nhưng đánh mất chính mình cách trầm trọng và thê thảm là cái hậu quả không thể tránh khỏi của con đường đó.
Lm. HK
Theo sách Lã Thị Xuân Thu, ông Mật Tử Tiện, học trò của Đức Khổng Tử, làm chức Tri Huyện Đan Phú, thường ngày người ta thấy quan Huyện đánh đàn cầm nơi sảnh đường, rất nhàn hạ, mà công việc dân trong huyện vẫn an ổn. Sau đó có ông Vu Mã Tử Kỳ được bổ nhiệm đến thay thế Mật Tử Tiện. Ông Vu Mã nhậm chức, làm việc ở công đường lu bù cả ngày thì công việc nơi huyện mới xong, dân sự trong huyện mới đặng an ổn. Vu Mã hỏi ông Mật Tử Tiện: “Tôi làm việc cả ngày không nghỉ mới giải quyết hết các công việc trong huyện; còn ông chỉ ngồi đánh đàn mà sao công việc cũng đều chu toàn tất cả?”
Mật Tử Tiện đáp: “Tôi điều khiển kẻ khác làm, còn ông tự làm lấy. Ai biết dùng người thì khỏe, ai tự làm thì mệt.”
Vu Mã Tử Kỳ than thở: “Tôi thực không bằng ông.”
Vu Mã Tử Kỳ than thở như thế cũng phải vì dùng người không chỉ đơn giản là vấn đề một kỹ năng, mà là cả một nghệ thuật sống.
Là một tướng lãnh tài ba, Napoléon xác tín: “Không có lính dở mà chỉ có chỉ huy kém.” Xác tín của Napoléon nhấn mạnh đến khả năng hướng dẫn và thúc đẩy lòng người nơi các lãnh đạo thiên tài, để tinh thần của của người lãnh đạo sống động trong các thuộc viên.
Đó cũng là vấn đề của Đức Kitô hôm nay. Cứu độ là công trình của Thiên Chúa: “Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Người thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta!” (Tv 65,5). Chuyện kinh ngạc được bắt đầu khi Con Thiên Chúa đến sống giữa loài người để ban ơn cứu độ, nhưng mọi việc nay sẽ ra sao khi Ngài rời bỏ họ?
Tại sao Chúa lại phải rời họ mà đi? Chúa trả lời: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em.” Nhưng tại sao “trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở” mà Chúa lại phải đi dọn chỗ?
Đi dọn chỗ là một thời gian vắng mặt cần thiết để sự sống Chúa mang đến thực sự trở nên chọn lựa riêng của mỗi môn đệ, để “tôi sống không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”, như Phaolô.
Khởi đi từ cuộc sa ngã đầu tiên, nhân loại luôn bị cám dỗ đi tìm một con đường sống không có Thiên Chúa, tưởng rằng có như thế mình mới là mình hơn lúc nào hết. Nhưng đánh mất chính mình cách trầm trọng và thê thảm là cái hậu quả không thể tránh khỏi của con đường đó.
ĐGH Bênêđíctô đã chia sẻ với các bạn trẻ về chủ nghĩa Quốc Xã nhân dịp tông du Hoa kỳ đầu năm 2008: “Thời niên thiếu cha đã bị băng hoại bởi một chế độ hung ác và nghĩ rằng nó có tất cả mọi câu trả lời; các ảnh hưởng của nó gia tăng - thấm nhiễm các trường học và các cơ quan dân sự, cũng như chính trị và ngay cả tôn giáo - trước khi người ta hoàn toàn nhận ra nó là một quái vật nguyên hình. Nó trục xuất Thiên Chúa và như thế nó trở nên không hiểu được những gì là chân thật và tốt lành.”
Victor Hugo, trong tác phẩm “Những kẻ khốn cùng”, qua lời đối đáp của Đức Giám mục Myriel với viên thượng nghị sĩ già, đã khéo léo cho thấy thuyết vô thần làm cho cuộc sống con người nên xa lạ với ý niệm về chính mình: “Kẻ nào tạo được cho mình cái duy vật quí hoá ấy sẽ lấy làm vui khi thấy mình chẳng chịu trách nhiệm về cái gì cả.”
Chẳng chịu trách nhiệm về cái gì cả là mặt trái của một đời sống vô vọng, một cái chết trong tâm hồn! Còn niềm tin, trái lại, nói với người ta về tình yêu, sự sống Thiên Chúa, sự toàn hảo của ơn gọi làm người. Khó tìm được ở đâu trong kho tàng khôn ngoan của nhân loại một mệnh lệnh mạnh mẽ và tự hào hơn lời thánh Phêrô: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.” (1Pr 3,15)
Niềm hy vọng của người Kitô hữu là Thiên Chúa. Tình yêu là con đường Chúa đến với nhân loại, thì cũng tình yêu đưa người ta lên tới Chúa: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn của Thầy” (Ga 14,15).
Chúa ra đi nhưng Ngài vẫn còn đó trong các môn đệ giữ giới luật yêu thương của Ngài. Có Chúa ở cùng, công trình cứu độ vẫn được tiếp tục trong mỗi Kitô hữu. Mẹ Têrêxa kể truyện có một bác sĩ Ấn độ, khi thấy một nữ tu chăm sóc cho người bệnh mà giới y khoa đã tuyên bố là vô phương cứu chữa, đã nói với Mẹ: “Tôi đã đến đây mà không có Chúa, nhưng bây giờ tôi trở về cùng Chúa.”
Hai chữ yêu thương đưa Thiên Chúa đến gần con người, và đưa con người lên gần Thiên Chúa. Đó là hai chữ toát lên sức mạnh của niềm hy vọng Kitô giáo, như Mẹ Têrêxa đã nói: “Chúng ta hãy chinh phục thế giới bằng tình yêu thương (…)
 “Chiến tranh và hoà bình bắt đầu dưới mái nhà của mỗi con người. Nếu chúng ta muốn hoà bình cho nhân loại, chúng ta hẵy bắt đầu bằng việc yêu thương những người trong gia đình mình.”
Hãy sống yêu thương nếu tôi coi Chúa là sức mạnh và hy vọng của tôi.