Bài này trình bày lai lịch của ngày
lễ Mình Máu Thánh Chúa, cũng như lai lịch của ngày chầu lượt trong các xứ đạo,
và sau cùng là ghi nhận của một nhà báo Anh được dự và rước lễ trong một trường
hợp hy hữu.
I. Lai lịch lễ kính Mình Máu Thánh Chúa
Lễ kính Mình Máu Thánh
Chúa hôm nay là do một biến cố, quen gọi là phép lạ Orvietto.
Đức Thánh Cha Urbanô
IV tên thật là Jacques Pantaléon. Ngài làm cha chính địa phận Liège (nước Bỉ).
Năm 1230, ngài được Đức Cha địa phận gieo cho nhiệm vụ điều tra về việc Chúa
hiện ra với nữ tu có tên là Julienne trong tu viện Mont Cornillon gần Liège. Chúa
muốn thiết lập một lễ kính Mình Máu Thánh Chúa cách long trọng ngoài lễ Mình
Thánh cử hành vào Thứ Năm tuần thánh.
Nhưng công việc điều
tra chưa có kết quả hoàn toàn thì nữ tu Julienne qua đời vào năm 1258.
Tới năm 1261, cha
Jacques Pantaléon được đắc cử giáo hoàng, lấy danh hiệu là Urbanô IV.
Sau khi đắc cử giáo
chủ một năm, tức là vào năm 1262, đang lúc ngài có việc tại Orvietto (nước Ý)
thì tại Bolsena xảy ra việc lạ: Một linh mục cử hành thánh lễ tại thánh đường
Bolsena, sau khi truyền Mình Máu Thánh, linh mục này hoài nghi về việc Chúa ngự
thực trong bí tích Thánh Thể! Và linh mục than thở với Chúa rằng: “Lạy Chúa, có thực Chúa ngự trên bàn thờ này
không?” bỗng linh mục thấy từ Mình Thánh Chúa một dòng máu đỏ chảy ra làm
ướt cả khăn thánh, các giáo hữu dự lễ cũng được chứng kiến sự kiện này. Tin này
được loan đi khắp vùng Bolsena. Đức Urbanô IV truyền đưa khăn thánh này về
Orvietto. Ngài cho điều tra sự việc, và rồi ngài truyền cho cả Giáo Hội phải tổ
chức lễ Mình Máu Thánh Chúa, kính vào sau lễ Chúa Ba Ngôi.
II. Lai lịch ngày chầu lượt tại các xứ đạo
Cách đây hơn 400 năm,
hay nói đúng hơn, vào năm 1534, Đức tổng giám mục địa phận Milan lúc đó là
thánh Carolo Boromeo thấy một số người công giáo lo tổ chức ăn chơi, phóng đãng
trước những ngày vào mùa chay thánh, nhất là vào thứ ba trước lễ tro, nên ngài
mới truyền cho các nhà thờ trong địa phận Milan của ngài đặt Mình Thánh Chúa ba
ngày: từ Chúa nhật cho đến hết ngày thứ ba trước lễ tro, hơn kém mỗi ngày 13
giờ. Do đó mới có tên là chầu Mình Thánh Chúa 40 giờ. Việc chầu Mình Thánh này
nhằm mục đích giúp các tín hữu tin tưởng mạnh mẽ vào bí tích Thánh Thể mà phạt
tạ Chúa vì tội lỗi người ta, và cũng để sốt sắng cầu nguyện cho mình, và cho
mọi người, chuẩn bị tâm hồn cho mùa chay thánh.
Việc đặt Mình Thánh
công khai này đụa lại nhiều kết quả nên năm 1592, ĐGH Clêmentê VIII truyền cho
các nhà thờ trong giáo phận Rôma thay phiên nhau chầu Chúa 40 giờ trong ba
ngày, cứ nhà thờ nọ tiếp nối nhà thờ kia. Rồi thói quen này được lan tràn ra
khắp các địa phận trong nước Ý, Pháp, Thụy Sĩ v.v. và tới ngày nay, trên khắp
thế giới, các địa phận thay vì chầu 40 giờ, lần lượt các xứ chia nhau chầu Mình
Thánh Chúa vào mỗi Chúa Nhật, để các giáo hữu thêm lòng tin kính bí tích Thánh
Thể, đền tạ Chúa vì tội lỗi mọi người, và sốt sắng cầu xin cho mình, cho gia
đình, cho xứ đạo, và cho cả địa phận.
III. Ghi nhận của một nhà báo Anh
được dự và rước lễ trong một trường hợp hy hữu
Một phóng viên người
Anh cùng đi cải tạo với một linh mục Trung Quốc tên là Shah, thời kỳ cách mạng
văn hóa. Khi trở lại Anh, ông đã viết bài báo sau:
“Tôi đi cải tạo trong một trại thuộc miền nam Trung Quốc. Trong
trại có một ông già trạc tuổi 60, tên ông là Shah. Người ta biết ông là một
linh mục dòng Xitô, người Trung Quốc. Trại cải tạo ăn uống rất kham khổ, kỷ
luật khắt khe, công tác lao động lại nặng nề. Chúng tôi đào đất và gánh những
gánh thật nặng đổ trên một ngọn đồi cao. Linh mục Shah là người có lòng bác ái.
Ông không khỏe nhưng ai mệt được ông gánh giúp. Ai gánh nặng không nổi, ông đổi
cho gánh nhẹ của ông. Ông luôn vui vẻ, động viên anh em. Trong trại ai cũng quý
mến ông.
“Tôi là người công giáo, nhưng suốt bao tháng năm, tôi chẳng
sống đạo tí nào. Tôi khô khan lắm. Không hiểu sao ông Shah biết tôi là người có
đạo. Lạ quá! Một hôm giữa trời đông giá rét, vào giờ giải lao, ông Shah cầm tay
kéo tôi đi và nói:
“Anh là người công giáo phải không?”
Tôi đáp: “Phải”
Ông Shah nói: “Hôm nay là ngày gì anh có biết không?”
Tôi đáp: “Tôi không biết”
Ông Shah nói: “Hôm nay là lễ Giáng Sinh, nhắc tới lễ Giáng Sinh,
chắc anh nhớ gia đình và bao kỷ niệm. Thôi, đi theo tôi, ta cùng xuống hố đất
đằng kia, tôi sẽ cùng anh dâng lễ.”
Có một sức gì thu hút tôi nên tôi phải bước. Cả hai chúng tôi
xuống một hố sâu. Chung quanh miệng hố đất đào lên đắp cao thành hai mô vững
chắc. Tôi chẳng hiểu làm sao mà ông lại có một tí rượu nho trong cái bát nhỏ,
và một mẩu bánh mì. Ông để cả hai trên mô đất, giữa cảnh hoang tàn giá rét, đôi
tay ông giang ra, ông cầu nguyện, rồi dâng Mình Thánh Chúa lên cao. Nét mặt ông
sáng ngời, tôi chăm chú nhìn và tự nhiên đầu gối tôi quỵ xuống. Tôi cầu nguyện,
tôi ăn năn sám hối. Ông cho tôi rước lễ. Mắt tôi nhòa lệ. Lòng tôi cũng như
lòng ông ấm áp hẳn lên, và chúng tôi vội vàng trở lại chỗcũ.
Trong cuộc đời tôi, không bao giờ tôi quên được cảnh tượng ngày
hôm ấy: Một dáng người cao cao, hai tay giơ lên, mặt gầy gò nhưng toát vẻ thánh
thiện, áo quần rách nát tung bay theo gió, giữa trời và đất, ông Shah và Chúa.
Chưa bao giờ, có lẽ không bao giờ, đời tôi có một lễ Giáng Sinh sốt sắng như
thế. Cũng từ ngày ấy, đức tin sống lại trong tôi.
Đề
tựa của Lm. HK