TÌNH YÊU
Thánh Augustinô đã nói rất đúng: “Ubi
amatur, non laboratur”: khi đã yêu thì không còn biết cực nhọc.
Một giọt nước nếu nhìn bằng mắt thường
thì cũng chỉ là một giọt nước, nhưng nếu nhìn bằng kính hiển vi thì lại là cả một
thế giới sống động. Một cái hồ nếu được nhìn bởi một người nông dân thì cũng chỉ
là một cái hồ, nhưng dưới mắt của một nghệ sĩ thì lại là cả một cảnh đẹp thiên
nhiên tuyệt vời không thể nào tả xiết.
Như thế nghĩa là gì? Nghĩa là cùng một
sự việc nhưng có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau tùy những cách nhìn khác
nhau. Sự việc đã xảy ra trên hồ Tibêria cũng thế: lúc ấy trời còn tờ mờ tối,
Chúa Giêsu Phục sinh hiện đến với các tông đồ đang lúc các ông thả lưới đánh
cá. Các ông tưởng là ma nên run sợ và định chạy trốn. Riêng có Gioan là nhận ra
ngay ấy là Thầy. Do đâu mà Gioan đã nhận định sắc sảo được như thế? Thưa vì
Gioan là tông đồ yêu mến Chúa nhiều nhất. Chính tình yêu đã mở mắt cho Gioan và
giúp Gioan thấy được cái mà người khác không thấy. Người ta nói rằng tình yêu
là một năng lực diệu kỳ, làm cho người ta mạnh thêm, có thêm nhiều nghị lực để
vượt qua những chướng ngại, chịu đựng những hy sinh và cuộc sống thêm lạc quan.
Điều này thật ra rất bình thường chẳng
có gì khó hiểu. Chúng ta thử điểm lại một số kinh nghiệm trong cuộc sống của
mình xem. Tại sao khi yêu, người ta thích tặng quà cho nhau? Thích chở nhau đi
chơi? Thích lặn lội mưa nắng đến tìm nhau? Nếu không yêu thì đem số tiền dành dụm
để mua một món đồ đưa cho người khác thì quả là dại! Nếu không yêu thì gò lưng
đạp xe chở người ta đi chơi thì quả là ngu! Nếu không yêu mà lặn lội mưa nắng
đi tìm người ta thì quả là khờ! Phải không? Nhưng khi đã yêu thì tất cả đều đổi
khác: Tặng quà là một niềm vui, được chở người ta là một sự sung sướng, lặn lội
mưa nắng tìm đến nhau là bằng chứng của cả một tấm lòng thiết tha! Cho nên
thánh Augustinô đã nói rất đúng: “Ubi amatur, non laboratur”: khi đã yêu thì
không còn biết cực nhọc.
Đối với Chúa cũng thế. Nếu ta không
yêu mến Chúa hay yêu mến quá ít thì cầu nguyện là việc chán ngán, đến nhà thờ
là một gánh nặng, vác thánh giá là một cực hình. Còn nếu ta yêu Chúa nhiều thì
đương nhiên ta thích cầu nguyện, thì đương nhiên ta ham đến nhà thờ, đương
nhiên ta sẵn sàng vác những thánh giá hy sinh Chúa gởi đến hàng ngày. Cho nên
muốn sống đạo tốt thì cần thiết phải có lòng yêu mến Chúa. Yêu mến Chúa nhiều
thì hăng say sống đạo tích cực, yêu mến Chúa ít thì ít hăng hái tích cực hơn,
và nếu không yêu mến Chúa thì đạo trở thành gánh nặng, làm những bổn phận trong
đạo không khác nào con trâu kéo cày.