Ơn thiên triệu _ linh mục, một đời mắc nợ

Linh mục, một cuộc đời mắc nợ
“Để là hòn đất, cất lên là bụt”, linh mục luôn ý thức tự bản chất, mình chỉ là con người bình thường với một cuộc đời bình thường như muôn ngàn người bình thường khác... Khi Chúa cất một người lên làm linh mục thì không do tài năng công cán của người ấy, mà hoàn toàn do ơn tuyển chọn của Chúa.  
ĐGM Giuse Vũ Duy Thống _ Lễ Truyền Dầu GP Phan Thiết 2013
Trong Năm Đức Tin, mỗi lần nghĩ về đời linh mục, tôi như bị quay cuồng với những lời cật vấn từ nhiều phía: từ phía Thiên Chúa; từ phía Giáo Hội; và từ phía anh chị em lương dân. Rồi từ lời cật vấn đến cố gắng tìm lời giải đáp đã dần dà hình thành trong tôi một hình ảnh về đời linh mục, không giống hình ảnh từ truyền thống công giáo là “Chúa Kitô khác”, cũng chẳng giống hình ảnh từ văn hóa Á châu là “con người của linh thánh”, mà là một hình ảnh có vẻ đời hơn và cũng thời sự hơn, đó là: linh mục, một cuộc đời mắc nợ. Hôm nay, lễ Truyền Dầu, cũng là ngày sinh nhật của mọi linh mục, xin chia sẻ với cộng đoàn về món nợ một đời này.
1. Nợ Thiên Chúa lễ hiến dâng
Theo nhãn giới của thư Do Thái, linh mục là người được chọn giữa thế gian để dành riêng cho Chúa và thuộc trọn về Chúa. “Để là hòn đất, cất lên là bụt”, linh mục luôn ý thức tự bản chất, mình chỉ là con người bình thường với một cuộc đời bình thường như muôn ngàn người bình thường khác, vì mình cũng là con cháu Adong, bởi đất mà ra; nhưng từ ngày được bàn tay của Chúa yêu thương đụng chạm đến, mình không còn như trước đây nữa mà đã được cất lên, trở thành con người mới trong một thiên chức mới với một sứ mạng mới. Khi Chúa cất một người lên làm linh mục thì không do tài năng công cán của người ấy, mà hoàn toàn do ơn tuyển chọn của Chúa mà thôi, đến nỗi linh mục cả đời chẳng bao giờ hiểu nổi tại sao Chúa lại chọn mình, mà không chọn người khác nhiều khi hoàn hảo hơn mình. Đó là một huyền nhiệm. Chính vì thế, linh mục trong thánh chức luôn cảm nhận nơi mình sự bất xứng và càng cảm nhận mình bất xứng bao nhiêu càng thấy mình mắc nợ ơn Chúa bấy nhiêu.
Đây không phải là nợ nần cân đong đo đếm của trật tự xã hội, mà là đền đáp tình yêu của trật tự thiêng liêng. Nợ nần xã hội có thể trả, nhưng nợ nần thiêng liêng như trong ơn gọi linh mục thì chỉ có một cách đáp đền khả dĩ là đem hết cuộc đời mình ra mà thanh thỏa. Nếu Chúa yêu thương đã chọn tôi trở nên “người phân phát các mầu nhiệm thánh”, thì tôi, nói theo kiểu thánh Augustinô, cũng phải từng ngày “trở nên điều mình là” để đáp lại tình yêu của Chúa, không phải một vài lần như trong dịp mở tay hoặc kỷ niệm ngân khánh, kim khánh, mà là mọi ngày trong suốt cuộc đời linh mục. Liên kết với Chúa Kitô, trở nên giống Người một cách trọn vẹn chính là món nợ hiến dâng làm nên ý nghĩa đời sống linh mục.
2. Nợ Giáo Hội đời phục vụ
Nhưng linh mục không phải là siêu nhân không rõ gốc nguồn, mà là những con người thuộc về một Giáo Hội địa phương nhất định có giấy tờ minh chứng đường hoàng. Không chứng minh được về phương diện này thì chắc là linh mục giả rồi. Chính Giáo Hội địa phương là nơi cưu mang mình, là nơi mình nhập tịch và cũng là nơi mình ra công phục vụ. Nếu món nợ thiêng liêng là đáp trả tình yêu của Chúa dành cho mình, thì món nợ mục vụ chính là trả đáp tình thương của Giáo Hội tuyển chọn mình. Không phải vô tình mà ngay trong lễ truyền chức phó tế, cấp đầu tiên của hàng giáo sĩ, lời thẩm vấn đã lấy Chúa Giêsu, Đấng đến “không để được phục vụ mà để phục vụ”, ra làm gương mẫu, mà hữu ý cho thấy hình ảnh linh mục ngay trong bước khởi đầu giữa lòng Giáo Hội phải là con người của phục vụ.
Trong thánh lễ này, có phần “lặp lại lời hứa linh mục” qua đó các linh mục tái cam kết trung thành phục vụ Giáo Hội qua những nhiệm vụ được trao phó. Quả là một nghi thức cảm động làm nên ý nghĩa ngày sinh nhật của chức linh mục. Cam kết trước mặt giáo dân, linh mục hiểu mình là người phục vụ dân Chúa, cách riêng cộng đoàn được trao phó cho mình; cam kết cùng với linh mục đoàn, linh mục hiểu hơn về tình hiệp thông, bác ái và liên đới giữa các linh mục trong chương trình mục vụ chung của giáo phận; còn cam kết vào Thứ Năm Tuần Thánh lại là dịp đặc biệt để linh mục là môn đệ Chúa Kitô hiểu thêm sâu sắc về gốc nguồn thánh chức cũng như về gương sống phục vụ của Thầy chí thánh, Đấng có tình yêu lớn là dám sống dám chết cho những người mình yêu. Nếu nợ Thiên Chúa phải có trọn đời để trả, thì nợ Giáo Hội bằng việc phục vụ cũng đòi cả một kiếp để trang trải mới có thể xong mình.
3. Nợ muôn người lời rao giảng
Mục đích của ơn gọi linh mục, theo nhãn giới của Phúc Âm thánh Marcô, có hai mặt là “để ở lại với Chúa”, sống trong tình thân của Ngài và “để Ngài sai đi rao giảng Tin Mừng”, vì thế cùng với hai món nợ không thể sao nhãng với Chúa và với Giáo Hội, linh mục còn mắc nợ mọi người trong đó có cả lương dân, lời truyền rao chân lý cứu độ. Tất nhiên đối với các linh mục giáo phận, việc chăm sóc mục vụ cho các tín hữu, ngoan đạo hay bê bối đạo đi nữa, tự nó đã hàm chứa sứ mạng loan báo Tin Mừng rồi, nhưng bởi vì lương dân sống trong phạm vi ranh giới một giáo xứ cũng thuộc trách nhiệm quản sóc của vị quản xứ nơi đó, nên linh mục lại có thêm khoản nợ nữa: nợ lương dân lời rao giảng Phúc Âm. Món nợ này, thú thực, ít khi được nhắc đến; đôi khi bị quên, bị xù; hoặc thường khi được trang trải nhẹ nhàng dưới hình thức gián tiếp của những công tác bác ái, kiểu cứu trợ khi gặp thiên tai, cung cấp học bổng cho học sinh thiếu thốn, chẩn bệnh phát thuốc cho bệnh nhân nghèo không phân biệt lương giáo…
Nhưng nợ vẫn cứ là nợ thôi. Chúa Giêsu ngày xưa được xức dầu thánh hiến và được sai đi rao giảng Tin Mừng, các linh mục ngày nay cũng thế, khi đã được xức dầu trong lễ truyền chức để trở thành linh mục cũng là lúc nhận lấy sứ mạng giảng truyền Phúc Âm, và đến khi nhận bài sai của giám mục để trở thành chủ chăn riêng của một nơi, cũng là lúc bắt đầu mang công nợ truyền giáo cho mọi người trong địa sở của mình. Nghi thức làm phép dầu bệnh nhân, dầu dự tòng và dầu thánh trong thánh lễ hôm nay là một gợi ý tốt. Ba loại dầu đều được linh mục sử dụng để cử hành các bí tích, trực tiếp trong tư cách là thừa tác viên phân phát các mầu nhiệm thánh, nhưng gián tiếp trong tư cách là sứ giả loan báo Tin Mừng cho mọi người. Mong rằng khi cử hành các bí tích liên quan đến ba loại dầu này, linh mục trong nhãn giới truyền giáo, cũng ý thức trang trải phần nào khoản nợ thuộc về sứ mạng đời mình.
Tóm lại, nghĩ về đời linh mục với những khoản nợ không có ý làm giảm niềm vui tạ ơn của thánh lễ hôm nay, mà chỉ muốn bổ sung cuộc rà soát lại nghĩa hiến dâng đời linh mục trong Năm Đức Tin. Xin cho mỗi linh mục, khi ý thức về hồng ân thánh hiến, không bao giờ quên món nợ trường kỳ, để qua nhiệm vụ chu toàn, cũng đón nhận được bình an và hạnh phúc vốn là món quà Chúa dành cho những tôi tớ trung thành.
“Ôi linh mục, một cuộc đời mắc nợ!
Đến bao giờ mới trả hết cho xong.
Ôi linh mục, phận người thật long đong!
Nợ ngoài trong từ thuở tiến lên bàn thờ”
(thơ Lm. Trương Đình Hiền).
Xin cộng đoàn cũng thêm lời cầu nguyện cho linh mục.