Thứ Sáu Tuần Thánh _ thế là đã hoàn tất

 THẾ LÀ ĐÃ HOÀN TẤT
Đức Giêsu Kitô đã trở về với Cha bằng con đường khó đi. Người Kitô hữu cũng về với Thiên Chúa bằng con đường hẹp. Ước gì chúng ta sống cuộc Khổ nạn của mình với sự bình an, can đảm của Giêsu.  
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Vào Chúa nhật Lễ Lá chúng ta đã nghe đọc bài Thương Khó trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm. Vào thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta luôn nghe đọc bài Thương Khó theo Gioan. Thánh Gioan kể lại cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu với những nét riêng của ông. Chúng ta trân trọng cái nhìn bổ sung của thánh Gioan cho những Tin Mừng khác.
Trong cuộc Khổ Nạn, Đức Giêsu của Gioan tỏ ra là người chủ động. Ngài biết trước các biến cố sắp xảy ra, và Ngài có quyền năng làm chủ mọi sự. Chính Ngài tiến ra và hỏi các kẻ đến bắt Ngài: “Các anh tìm ai?” Câu trả lời của Ngài đủ làm họ lùi lại và ngã xuống đất (18, 4-9).
Đức Giêsu bình an và uy nghiêm bước vào cuộc Khổ nạn, vì Ngài đã chấp nhận chén đắng Cha trao (18, 11). Khi bị vị thượng tế Khanna tra hỏi về giáo huấn, chẳng chút sợ hãi, Ngài đã thẳng thắn từ chối trả lời (18, 19-21). Khi bị vả mặt, Ngài cũng đòi kẻ xúc phạm Ngài phải nói rõ tại sao (18, 23).
Đức Giêsu bị đem tới dinh tổng trấn Philatô lúc trời đã sáng. Philatô là người xét xử Đức Giêsu, nhưng có vẻ ông là người bị động. Ông bị giằng co giữa một bên là Đức Giêsu đang ở trong dinh, bên kia là đám đông và các nhà lãnh đạo Do-thái giáo đang ở ngoài dinh. Một bên là ông Giêsu mà ông không tìm thấy lý do nào để kết tội (18, 38; 19, 4. 6). Bên kia là chức tổng trấn và chức “Bạn của Xê-da” mà ông đang nắm giữ (19, 12). Philatô không biết phải theo ai, chọn ai trong tình cảnh căng thẳng này. Vì thế ông đã đi ra, đi vào cả thảy bảy lần (18, 18, 29. 33. 38; 19, 1. 4. 9. 13). Đức Giêsu đã đối thoại khá dài với Philatô về Nước của Ngài (18, 36-37), một nước không có trên bản đồ, không có quân đội, không dùng bạo lực. Nước của Ngài gồm những người biết nghe sự thật và đứng về phía sự thật, sự thật này được Ngài làm chứng và cất tiếng nói lên.
“Đây là Vua các người”, Philatô đã giới thiệu Đức Giêsu như thế (19, 14) và ông đã cương quyết giữ lại tấm bảng treo trên thập giá mang dòng chữ: “Giêsu Nadarét, Vua dân Do-thái” (19, 19). Đức Giêsu đã tự mình vác thập giá lên đồi Sọ và bị đóng đinh vào giữa trưa. Chiên Thiên Chúa bị giết đúng vào lúc ở Đền Thờ người ta giết chiên Vượt qua. Đức Giêsu không cô đơn trên thập giá vì có Mẹ và người môn đệ dấu yêu. Suốt một đời Ngài đã sống cho sứ mạng Cha trao, nay Ngài biết nó đã hoàn tất. Chủ động cả trong cái chết, Ngài “gục đầu xuống và trao Thần Khí” (19, 30). Qua cái chết trên thập giá, Đức Giêsu cho thấy tình yêu lớn nhất của Ngài (15, 13), tình yêu trao hiến cả Máu và Nước từ trái tim bị đâm thâu (19, 34). Nhưng thập giá cũng cho thấy tình yêu của Cha khi ban Con Một cho ta (3, 16).
Đức Giêsu Kitô đã trở về với Cha bằng con đường khó đi. Người Kitô hữu cũng về với Thiên Chúa bằng con đường hẹp. Ước gì chúng ta sống cuộc Khổ nạn của mình với sự bình an, can đảm của Giêsu.
LỜI NGUYỆN:
Lạy Chúa Giêsu,
vì Chúa đã bẻ tấm bánh trao cho chúng con,
xin cho những người nghèo khổ được no đủ
Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Dầu,
xin cho các bạn trẻ đủ sức đối diện với những khó khăn gay gắt của cuộc sống.
Vì Chúa bị kết án bất công,
xin cho chúng con can đảm bênh vực sự thật.
Vì Chúa bị làm nhục và nhạo báng,
xin cho phụ nữ và trẻ em được tôn trọng.
Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề,
xin cho những người bệnh tật được đỡ nâng.
Vì Chúa bị lột áo và đóng đinh,
xin cho sự hiền hòa thắng được bạo lực.
Vì Chúa dang tay chết trên thập giá,
xin cho đất nối lại với trời,
con người nối lại mối dây liên đới với nhau.
Vì Chúa đã phục sinh trong niềm vui òa vỡ,
xin cho chúng con biết đón lấy đời thường
với tâm hồn thanh thản bình an. Amen.