Sống đức tin _ về hoạt động của con người

Về họat động của con người  
Vì họat động của con người phát xuất từ con người, nên cũng quy hướng về con người. 
Quả thế, khi họat động, không những con người biến đổi sự vật và xã hội, mà còn kiện toàn chính bản thân. Con người học hỏi nhiều điều, trau dồi tài năng, ra khỏi mình và vượt lên trên chính mình. Sự phát triển đó, nếu hiểu cho đúng, thì quý giá hơn của cải bên ngoài người ta có thể thu tích được. Con người có giá trị vì tư cách con người hơn là vì sở hữu.
Cũng vậy, mọi họat động của con người nhằm đạt tới một sự công bình cao hơn, một tình huynh đệ rộng hơn, và một tổ chức nhân đạo hơn trong các mối tương giao xã hội, thì có giá trị hơn các tiến bộ kỹ thuật. Quả vậy, những tiến bộ đó có thể cung cấp điều kiện vật chất cho công cuộc thăng tiến con người : nhưng tự mình, chúng không tài nào thực hiện nổi công cuộc ấy.
Do đó, đây là quy luật cho họat động của con người : theo dự định và ý muốn của Thiên Chúa, họat động đó vừa phải phù hợp với lợi ích đích thực của nhân loại, vừa phải giúp con người cá biệt hay con người sống trong xã hội vun trồng và thực hiện đầy đủ ơn gọi toàn diện của mình.
Tuy nhiên, nhiều người đương thời với chúng ta xem ra sợ rằng sự liên kết quá chặt chẽ giữa họat động của con người với tôn giáo gây trở ngại cho quyền tự lập của con người, của xã hội hay của khoa học. Thực ra, thiên nhiên và chính các xã hội loài người đều có những định luật và giá trị riêng mà con người dần dần phải khám phá, sử dụng và xếp đặt. Nếu hiểu quyền tự lập là như thế, thì đòi hỏi cho các thực tại trần gian quyền đó, là điều hoàn toàn hợp lý. Điều đó không những đáp ứng nguyện vọng của người thời đại chúng ta, mà còn phù hợp với ý muốn của Đấng Tạo Thành. Quả thế, vì là thọ tạp nên vạn vật đều thành thiết lập vững chắc, chân thật, tốt lành, có luật lệ riêng trong trật tự hài hòa. Những điều đó, con người phải tôn trọng đồng thời vẫn nhìn nhận các phương pháp riêng của từng khoa học và nghệ thuật.
Do đó, chúng ta phải lấy làm tiếc là có những thành kiến cho rằng đức tin và khoa học mâu thuẫn nhau, kể cả nơi một số Ki-tô hữu ; những thành kiến đó nảy sinh do việc không nhận thức rõ tính độc lập chính đáng của khoa học, cũng như do những cuộc tranh luận và bất đồng ý kiến phát xuất từ sự thiếu nhận thức đó.
Trái lại, nếu hiểu biết “quyền tự lập của các thực tại trần thế” là các thọ tạo không tùy thuộc Thiên Chúa, và con người có thể sự cụng chúng mà không quy hướng về Thiên Chúa, thì không ai nhận biết có Thiên Chúa mà không cảm thấy những quan điểm đó thật là sai lầm. Quả thế, không có Đấng Tạo Thành, thọ tạo sẽ trở về hư vô.
Trích hiến chế mục vụ vui mừng và hy vọng của Công đồng Vat.II về Hội Thánh trong thế giới ngày nay