Năm đức tin _ niềm tin người ngoại đạo

Niềm tin người ngoại đạo
VRNs (27.12.2012) – Sài Gòn - Giáng Sinh luôn có điều gì đó kỳ diệu mà người ta khó có thể diễn tả một cách trọn vẹn. Theo thiển ý của tôi, điều kỳ diệu đó rất có thể là NIỀM TIN. Vì niềm tin vô hình và trừu tượng nên khó nhận biết, khó nhận biết nên khó diễn tả. Ngay cả những người không có niềm tin tôn giáo hoặc vô thần cũng vẫn có niềm tin, nhất là khi người ta cảm thấy bất lực, đành thúc thủ, người Công giáo gọi niềm tin đó là Đức Tin.
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (1) không là người Công giáo nhưng vẫn ảnh hưởng “điều kỳ diệu” của Lễ Giáng Sinh, bằng chứng là ông đã viết ca khúc “Lạy Chúa, con là người ngoại đạo”.
Tuy là người ngoại đạo, nhưng ông xác định: “Lạy Chúa tôi, con người không đạo, nhưng tin có Chúa ở trên cao”. Ca khúc này được viết trong thời chiến tranh tại Việt Nam, ông đã thổ lộ với Đức Chúa về thực tại lúc đó: “Con nghe trong đêm Việt Nam tối tăm, những mìn bom hoen dấu”. Chỗ nào cũng thấy dấu đạn, mìn, bom,… Đáng sợ thật! Không ai làm gì được. Và ông thắc mắc: “Lạy Chúa trên cao Chúa ở nơi nào?”. Không chỉ người ngoại đạo “thắc mắc” mà chính những người mang danh Kitô hữu cũng đã có những lúc “thắc mắc” như vậy khi gặp vấn nạn mà Ông Trời vẫn im lặng!
Tuy có vẻ “mơ hồ” như vậy, nhưng ông vẫn tin: “Lạy Chúa tôi, tuy người không đạo, nhưng yêu nhớ lắm nhạc chuông khuya”. Ông không nói rõ, mà ông chỉ nói theo cách diễn tả của một nhạc sĩ rằng ông “yêu và nhớ nhạc chuông khuya”. Nhạc chuông khuya không phải nhạc chuông điện thoại reo lúc đêm khuya, mà đó là “chuông nhà thờ đổ vang lúc cử hành Thánh lễ đêm Giáng Sinh”. Nhiều năm trôi qua, ông đã quen và thấy nhớ tiếng chuông đó.
Vì thấy thiếu cái gì đó, ông lại hướng tâm lên Đấng mà ông tin: “Khi con bơ vơ chắp tay nguyện cầu cho người thương còn xa mãi xa, mà suốt đêm dài ánh sáng chưa qua”. Người thương mà ông cầu nguyện cho có thể là người yêu, người thân, hoặc chính những người Việt ở khắp đất nước bốn ngàn năm văn hiến này.
Bản thân ông cũng là một binh sĩ thời chiến, nhưng ông hoạt động trong lĩnh vực tâm lý chiến, ông mô tả một thực tế đau thương: “Xác người nào trôi sông, quay đầu về biển Đông, những bước chân nào đi, có khi không trở lại. Đứa nhỏ ngồi ôm em, không còn nghe đạn nổ, một người phơi tóc bạc, đếm thầm 20 năm”. Chiến tranh là thế, có người đi mà không hẹn ngày về, đứa bé ngồi ôm đứa em chết trên tay, cha mẹ già chờ con mòn mỏi đến nỗi tóc bạc phơ màu thời gian. Gia cảnh buồn biết bao!
Những điều thực tế đó cho thấy con người hoàn toàn bất lực, do đó mà người ta phải tin tưởng trọn vẹn vào một Đấng-Ngự-Trên-Cao. Ông bày tỏ niềm-tin-của-người-ngoại-đạo: “Chúa ơi, Chúa ơi, con người không đạo, nhưng tin Chúa giúp đời thương đau”. Không ai có thể cứu giúp cuộc đời đầy đau thương này, ngoại trừ Thiên Chúa. Và rồi ông dẫn chứng: “Như con tin trong một lần đã lâu, những hờn đau thu ngắn, để đám mây hồng âu yếm giăng ngang”.
Rõ ràng đã có lần ông tin Đấng-Ngự-Trên-Cao, rồi ông được giảm bớt đau khổ, và lại còn được “đám mây hồng âu yếm giăng ngang” – tức là ông thực sự cảm thấy sự bình an trong tâm hồn. Vậy là Thiên Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của ông, và đó cũng chính là phép lạ dành cho ông – một con người thương nước, thương dân, và luôn khao khát hòa bình.
Khi NS Trần Thiện Thanh chưa đi định cư tại Hoa Kỳ, tôi có dịp gặp ông 2 lần tại Saigon, khi ông đi hát ở mấy tụ điểm ca nhạc, những nơi mà tôi sinh hoạt về âm nhạc. Ông rất bình dị và hay cười, điều đó chứng tỏ ông là người có tâm hồn tốt lành. Thiết tưởng, cuộc sống của NS Trần Thiện Thanh rất gần với Thiên Chúa, vì ông là người-ngoại-đạo-có-niềm-tin-vào-Chúa.

Nói về niềm tin, hẳn có nhiều người biết bài thơ “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” của Thi sĩ Kiên Giang (2). Bài thơ nổi tiếng này đã được một nhạc sĩ phổ nhạc và cũng khá phổ biến.
Thi sĩ Kiên Giang cũng có niềm tâm sự của một người-ngoại-đạo-có-niềm-tin. Khổ thơ cuối của bài thơ “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” được ông kết bằng một lời cầu nguyện chân thành:
Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên trời
Trong lòng con, giữa màu hoa trắng
Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi!
Ngay cả những người ngoại đạo cũng phải cầu xin Thiên Chúa ban ơn cứu rỗi, huống chi những người đã và đang có niềm tin vào Thiên Chúa, biết tín thác vào Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế từ trời sinh xuống gian trần.
Kinh thánh cũng cho biết một số người ngoại đạo mà lại liên quan niềm tin tôn giáo. Trên đường lên Can-vê, Chúa Giêsu đã được ông Simon vác đỡ Thập giá. Ông Simon là người ngoại đạo thuộc xứ Kyrênê (Lc 23:26).
Và rồi một hôm, khi Đức Giêsu vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm”. Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó”. Viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8:5-8). Chúa Giêsu đã khen đức tin của viên đội trưởng, rồi Ngài nói thẳng: “Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 8:11-12).
Thánh sử Luca kể: Trên đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê. Lúc Người vào một làng kia, có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” (Lc 17:13). Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế”. Vì hồi đó, bệnh nhân phong nào cũng bị coi là ô uế. Đang khi họ đi thì họ được sạch. Phép lạ nhãn tiền. Thấy mình được khỏi thì một người trong số họ liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Mà anh ta lại là người Samari, tức là người ngoại đạo. Thấy vậy, Đức Giêsu mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17:17-18). Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17:19).
Người ngoại đạo không chỉ có đức tin mạnh và còn biết trở lại để tạ ơn Chúa sau khi được ơn. Còn 9 người có đạo lại “qua cầu rút ván”, phủi tay là xong, không hề biết tạ ơn.
Lại một người ngoại đạo khác biết thể hiện đức tin qua việc yêu thương và giúp đỡ người khác: Có một người trên đường đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, một thầy tư tế đi qua con đường ấy, trông thấy nạn nhân, nhưng ông ta tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy nạn nhân nhưng cũng tránh qua bên kia mà đi.
Sau đó, một người Samari kia đi ngang qua chỗ ấy, cũng thấy nạn nhân, và thấy chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, băng bó vết thương cho người ấy, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (Lc 10:35). Người ngoại đạo mà sống đức tin cụ thể như vậy đó. Còn những người có chức vụ và quyền hành trong Giáo hội lại nhẫn tâm làm ngơ, giảng hay mà làm không hay. Chúng ta mệnh danh là Kitô hữu nhưng cũng chỉ là cái “mác”, là “nhãn hiệu”, hành động có khi còn trái ngược! Những người hoạt động Lòng Chúa Thương Xót và Giáo huấn Xã hội Công giáo cũng chưa thực sự khá hơn. Đức tin bị mai một hay đã chết?
Chúa Giêsu hỏi: “Trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” (Lc 10:36). Lúc đó, người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy” (Lc 10:37a). Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10:37). Lời này cũng là lời Chúa Giêsu nói riêng với mỗi chúng ta.
Thánh sử Gioan nói: “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nổi đã ban Người Con Một, để ai tin nhận Người Con đó thì sẽ không phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Tin bằng môi miệng thì ai cũng tin được, tin bằng hành động cụ thể mới là điều Chúa muốn. Vậy mà nhiều người ngoại đạo đã làm được. Bạn có thấy xấu hổ không?
Ngay đêm Chúa Giáng Sinh, một Ánh Sao Lạ xuất hiện trên bầu trời Belem. Những người tai to mặt lớn, chức quyền cao sang đã tìm những chuyên gia cắt nghĩa lời ngôn sứ, nhưng họ chỉ như vịt nghe sấm, miệng chữ A và mắt chữ O. Tới khi những người ngoại đạo từ phương xa tới và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2:2). Vua Hêrôđê lúc đó mới tá hỏa tam tinh!
Tại Belem năm ấy, tại nhiều nơi ngày nay cũng đã và đang có những người thốt lên lời cầu nguyện chân thành như NS Trần Thiện Thanh: “Lạy Chúa, con là người ngoại đạo, nhưng tin có Chúa ngự trên cao”.
TRẦM THIÊN THU
Giáng Sinh 2012
 (1) Trần Thiện Thanh sinh ngày 12-6-1942 tại Phan Thiết, vào Saigon năm 1958. là một nhạc sĩ “chuyên trị” nhạc trữ tình, là người viết nhiều ca khúc về những chuyện tình có thật ngoài đời. Bút hiệu ông thường dùng là Trần Thiện Thanh nhưng thỉnh thoảng ông cũng ký tên Anh Chương (tên con trai ông), Trần Thiện Thanh Toàn (em trai ông, tử trận). Ông còn là ca sĩ nổi tiếng với nghệ danh Nhật Trường. Ông là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng từ trước 1975, được xem là một trong bốn giọng nam nổi tiếng nhất của “nhạc vàng” (gọi là “tứ trụ nhạc vàng”), ba người kia là Hùng Cường, Duy Khánh, và Chế Linh.
Ông định cư tại Hoa Kỳ năm 1993 theo diện ODP (đoàn tụ gia đình), và qua đời ngày 13-5-2005. Ông có khá nhiều ca khúc phổ biến như: Anh Không Chết Đâu Anh, Bảy Ngày Đợi Mong, Biển Mặn, Chiếc Áo Bà Ba, Chuyện Hẹn Hò (ký tên Thanh Trân Trần Thị), Chuyện Tình Mộng Thường, Đám Cưới Đầu Xuân, Gặp Nhau Làm Ngơ, Hàn Mặc Tử, Hoa Trinh Nữ, Hoa Nở về Đêm, Không Bao Giờ Ngăn Cách, Lâu Đài Tình Ái (phổ thơ Lê Trung Tĩnh), Mùa Đông Của Anh, Người Ở Lại Charlie, Tạ Từ Trong Đêm, Tình Đầu Tình Cuối, Trên Đỉnh Mùa Đông, Yêu Người Như Thế Đó,…
 (2) Thi sĩ Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh, sinh ngày 17-2-1929 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, ông làm thơ và soạn các vở cải lương nổi tiếng như Áo Cưới Trước Cổng Chùa, Lưu Bình – Dương Lễ, Trương Chi – Mỵ Nương,… Hiện nay, soạn giả Kiên Giang đang tá túc tại nhà một người quen ở quận 2, Saigon.