Thánh MARGARET ở Tô Cách Lan
(1045-1093)
Lược sử
Thánh Margaret ở Tô
Cách Lan quả thật là một phụ nữ tự do-- trong ý nghĩa tự do để trở nên con người đích thực. Đối với ngài,
điều đó có nghĩa được tự do để yêu mến Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.
Margaret không phải là
người Tô Cách Lan. Ngài là con gái của Công Chúa Agatha Hung Gia Lợi và Thái Tử
Edward Atheling của Anglo-Saxon. Thời niên thiếu, ngài sống trong triều đình
của người bác là Edward, vua nước Anh, người bảo vệ đức tin. Khi bị William xâm
chiếm, trên đường chạy trốn, gia tộc ngài bị đắm tầu ở bờ biển Tô Cách Lan. Vua
Malcolm của Tô Cách Lan làm quen với hoàng tộc này và ông đã say mê sự duyên
dáng cũng như vẻ đẹp của Margaret. Và họ đã kết hôn ở lâu đài Dunfermline năm 1070.
Vua Malcolm là người
tốt bụng, nhưng cộc cằn và không có học thức, cũng giống như quê hương của ông.
Vì tình yêu của Malcolm dành cho Margaret mà bà có thể thay đổi tính tình nóng
nẩy của ông, cũng như chỉ bảo cách đối xử và giúp ông trở nên một vị vua nhân
đức. Bà đã biến triều đình thành một nơi lịch thiệp và mỹ miều. Ông đã để mọi
việc trong nước cho bà quản trị và thường hỏi ý của bà khi có vấn đề quốc sự.
Margaret là một ơn huệ Chúa ban
cho người dân Tô Cách Lan.
Margaret không chỉ là
một hoàng hậu mà còn là một người mẹ gương mẫu. Thiên Chúa đã ban cho ông bà
sáu con trai và hai con gái. Đích thân bà trông coi việc giáo dục cũng như dạy
giáo lý cho con. Người con út của bà sau này là Thánh David.
Năm 1093, Vua William
Rufus bất ngờ tấn công vào thành Alnwick. Vua Malcolm và người con cả là Edward
bị giết chết. Bà Margaret, cũng bị thương nặng, và bốn ngày sau khi chồng bà từ
trần thì bà cũng trút hơi thở cuối cùng.
Suy niệm 1: Yêu mến Thiên Chúa
Được tự do để yêu mến Thiên Chúa và phục vụ
tha nhân.
Mặc dù rất bận rộn với công việc nhà cũng
như việc nước, Margaret cố giữ mình khỏi bị ảnh hưởng của thế gian, ngài luôn
xếp giờ dự lễ, cầu nguyện và đọc Thánh Kinh hằng ngày. Đời sống riêng tư của
ngài rất khắc khổ. Ngài dành thời giờ để cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Ngài ăn
uống thanh cảnh và ngủ rất ít để có thời giờ suy niệm. Hàng năm, hai ông bà
tuân giữ hai mùa Chay, một lần trước Phục sinh và một lần trước Giáng Sinh.
Trong thời gian này ngài thường thức giấc vào nửa đêm để đi dự Thánh Lễ.
"Khi ngài lên tiếng, trong lời nói đầy
sự khôn ngoan ấy có sức thay đổi lòng người. Khi ngài im lặng, sự thinh lặng
đầy suy tư. Toàn thể bề ngoài của ngài phù hợp với tính tình trầm lặng mà dường
như ngài được sinh ra với một cuộc đời nhân đức" (Turgot, cha giải tội của
Thánh Margaret).
Thánh Margaret qua đời năm 1093 tại lâu đài
Ediburgh như rất nhiều vị thánh, vào lúc mà mọi công trình xem ra tiêu tan hết.
Vua nước Anh xâm chiếm một pháo đài. Malcoln và hai người con cả đi tái chiếm.
Thánh nữ cảm thấy âu lo. Ngày kia Edgar con ngài trở về, thánh nữ hiểu ngay
thực tế khủng khiếp là vua và người con kia đã chết. Đau đớn, thánh nữ chỉ biết
nói: Chúa ơi, còn đau thương nào lớn hơn đau thương này!? Lạy Chúa toàn năng,
Chúa đã gửi cho con sự đau đớn lớn lao này để thanh tẩy tâm hồn con, con xin
chúc tung Chúa. Cầu mong thánh giá này thanh tẩy con khỏi mọi tội nhơ!
Ngài không than trách, đức tin và lòng dũng
cảm không rung chuyển, ngài đã qua đời. Hôm đó là ngày 16 tháng 11 năm 1093,
bốn ngày sau khi vua Malcolm và hoàng tử Edward tử trận. Hoàng hậu Margaret
được chôn cất tại nguyện đường đan viện Dunfermline, và được phong thánh năm
1250. Ba người con của ngài tiếp tục cai trị trên ngai vàng, công cuộc của
người mẹ được tăng cường và đi tới hoàn thành.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo gương thánh nhân đón nhận thánh giá để rửa
sạch tội lỗi chúng con.
Suy niệm 2: Phục vụ tha nhân
Được tự do để yêu mến Thiên Chúa và phục vụ
tha nhân.
Có hai cách thi hành việc bác ái: cách
"sạch sẽ" và cách "bẩn thỉu." Cách "sạch sẽ" là
tặng tiền bạc, quần áo cho các tổ chức phục vụ người nghèo. Cách "bẩn
thỉu" là dùng chính bàn tay của mình để phục vụ mà không sợ dơ bẩn. Nhân
đức trổi vượt của Thánh Margaret là lòng thương người nghèo. Mặc dù rất giầu
sang, nhưng ngài đã đích thân thăm viếng người bệnh hoạn và chăm sóc họ với
chính đôi tay của mình. Trong mùa Vọng và mùa Chay, hai ông bà đã quỳ xuống để
phục vụ các trẻ em mồ côi và người nghèo hèn. Giống như Đức Kitô, bà đã thi
hành bác ái trong phương cách "bẩn thỉu." Thật thế trên đường dự lễ
về, ngài rửa chân cho sáu người nghèo và bố thí cho họ. Mỗi khi ngài xuất hiện
nơi công cộng là bị những người ăn xin vây quanh và không bao giờ ngài từ chối
họ. Người ta kể rằng, trước khi ngài ngồi xuống dùng bữa tối, ngài thường dọn
thức ăn cho chín trẻ mồ côi và 24 người nghèo.
Thánh Magarita dùng nhiều thì giờ và tiền
của cho các công cuộc bác ái, chính ngài hầu hạ người nghèo khó, già cả, côi
cút và yếu đau. Ngài khám phá ra mọi hình thức khổ cực, giúp đỡ các gia đình
phá sản phục hồi, chuộc lại các tù nhân, xây dựng nhà thương, nhà vãng lai cho
du khách. Người lạ biết rằng: họ có thể luôn tìm được chỗ trú ngụ nơi ngài khi
ra khỏi nhà. Cả đoàn người bất hạnh vây quanh ngài và đây mới là triều đình
thật của ngài. Khi trở về nhà, Ngài chỉ muốn ngồi vào bàn ăn sau khi đã hầu bàn
cho 300 người nghèo ngồi đầy một phòng ăn lớn.
Là người Công Giáo chân chính, ngay từ khởi
đầu cuộc đời hôn nhân, Margaret đã hướng tâm trí chồng vào công cuộc từ thiện
bác ái. Tay ngài luôn mở rộng, đón nghe lời van nài của người nghèo khổ. Vừa
bước ra khỏi lâu đài, hoàng hậu Margaret liền được bọn nghèo khổ, kẻ túng đói,
người tật nguyền vây quanh. Họ biết rõ lòng từ ái của ngài. Ai ai cũng được
ngài tận tình giúp đỡ. Ngài đến từng căn nhà tồi tàn săn sóc bệnh nhân, thăm
nom người nghèo.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con nếu không có điều kiện sống đức ái cách
"bẩn thỉu" thì ít là phải sống cách "sạch sẽ".
Suy niệm 3: Chạy trốn
Trên đường chạy trốn, gia tộc Margaret bị
đắm tầu ở bờ biển Tô Cách Lan.
Toàn lãnh thổ Anh Quốc xôn xao náo động khi
hay tin nhà vua tử trận, ngai vàng rơi vào tay quân xâm lăng! Hoàng tử Edgar
tuyên bố lên ngôi thế quyền vua cha chống giặc xâm lăng. Ðể tránh đổ máu, trong
cuộc chinh phục Norman năm 1066, Margaret cùng với mẹ và anh chị em ngài bị lưu
đày một lần nữa. Họ trốn sang Tô Cách Lan, dầu lúc ấy đang có chiến tranh giữa
hai nước, vua Tô Cách Lan là Malcolm Cannore cũng đã nhân ái tiếp nhận những kẻ
lưu đày.
Công Chúa Margaret nhìn theo bờ biển với
những gợn sóng nhấp nhô từ từ mờ dần phía xa, nàng thở dài nói: “Từ biệt Anh
Quốc, có lẽ ta sẽ chẳng bao giờ còn thấy mi nữa.” Margaret, một thiếu nữ trẻ
đẹp tuổi 20, đã sống và lớn lên ở Anh Quốc, nàng yêu tha thiết đất nước này
trong thời gian 10 năm cư ngụ ở đó. Ông nội của nàng, Edmund, là một vì vua ở
một hòn đảo nhỏ, nhưng bị người Đan Mạch xâm lấn và cướp mất ngôi vị của cha
nàng. Edgar, em trai nàng muốn lấy lại ngôi báu nhưng lại bị dân Norman xâm
chiếm. Nàng đành đáp tầu qua Âu Châu với
mẹ, với người em gái và em trai của nàng, vì Hoàng Đế Hung Gia Lợi là người bà
con của nàng bằng lòng tiếp nhận mẹ con
nàng vô lãnh thổ của ông.
“Margaret, hãy xuống đây!” Mẹ nàng gọi với giọng lo lắng. “Cơn bão đang
đi tới đó! ” Nàng đáp: “Dạ, thưa mẹ.” rồi trèo xuống dưới cuối mạn tầu. Trong
khi đám thủy thủ trên sàn tầu la lối, chiếc tầu nhỏ bắt đầu chòng trành dữ dội
giữa sóng biển chập chùng. Margaret ép
mình vô một góc tầu. Nàng nhìn Edgar mỉm
cười và cậu em toét miệng lại với chị. Cậu em nảy chưa bao giờ được đặt chân
trên tầu bao giờ nên cậu rất vui được mạo hiểm chuyến đi này. Chiếc tầu nhỏ đã
lướt trên mặt biển trong nhiều giờ với cơn giận dữ của bão táp. Khi sóng gió
bắt đầu yên lặng trở lại thì con tầu bị lạc hướng. Cuối cùng họ bị đẩy vô vùng
đất liền mạn tây bắc. “Đó là bờ biển của người Tô Cách Lan.”
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con vượt biển thế gian đến bến thiên đàng an toàn.
Suy niệm 4: Kết hôn
Họ đã kết hôn ở lâu đài Dunfermline năm
1070.
Vị thuyền trưởng tuyên bố: “Hoàng đế
Malcom”. Margaret thì thầm với mẹ: “Ông ta bị lưu đày ở Anh Quốc trước khi
chiếm Tô Cách Lan và phục hưng ngôi vị của tiên đế.” Mẹ nàng đáp: “Trong trường
hợp đó con phải sửa soạn để gặp những loại người hoang dã và hay gây chiến đấy.
Những người Tô Cách Lan này không phải như những loại người văn minh như con đã
từng sống trước đây đâu.” Nhưng mẹ con nàng đã ngạc nhiên không ít khi hoàng đế
Malcolm tiếp rước họ một cách chí tình. Ông rất lịch sự và rộng rãi, mời mẹ con
nàng ở lại trong lâu đài của ông trong vài tháng. “Hoàng hậu trẫm đã qua đời”
Hoàng đế Malcolm giải thích. “Hoàng cung thật hoang vắng khi thiếu nàng. Tôi
rất cảm kích nếu bà ở lại đây.” Margaret và mẹ nàng thật sự đã làm cho cung
điện này được ấm cúng thêm lên.
Họ được vua Malcolm niềm nở tiếp đón. Sự
đón nhận thân thiện và ấm cúng hơn khi vua Tô Cách Lan "phải lòng"
Margaret, công chúa Anh Quốc. Nàng công Chúa Margaret nhan sắc tuyệt vời; tính
tình thùy mỵ, đoan trang và trầm lặng. Chính những tư cách đó đã "thu hồn"
nhà lãnh đạo Tô Cách Lan, vốn bẩm tính nóng nẩy bồng bột. Tuy nhiên, Margaret
đã khám phá nơi Malcolm sự chân thành đạo hạnh như những kho tàng quí giá ẩn
sâu dưới bề mặt gập ghềnh như vùng đồi núi xứ Tô.
Hoàng đế rất ái mộ nhan sắc và sự vui vẻ
của Margaret, nhưng trên tất cả là tấm lòng nhân ái và sự tử tế của nàng.
Margaret ham thích cầu nguyện, và có một đức tin mạnh mẽ. Nàng muốn sống như
đời sống Chúa Giêsu. Một ngày kia, Hoàng Đế Malcolm nói với mẹ nàng: “Thưa bà
Agatha! Ái nữ của bà là một người đẹp và tốt lành. Tôi muốn xin phép bà để cưới
nàng được không?” Bà mẹ Margaret ngập ngừng: “Tôi rất vui nếu công chúa của tôi
nhận lời bệ hạ, nhưng Margaret luôn luôn có ý định trở thành một nữ tu, tôi
phải hỏi nàng trước đã.” Margaret không vui trước tin cầu hôn này. Nàng thích
vị hoàng đế và nếp sống trong cung điện, nhưng nàng yêu Chúa hơn tất cả và đã
mơ ước được tận hiến đời mình cho Ngài. Để giải quyết vấn đề nàng cầu nguyện
xin Chúa cho giải đáp. Một sáng kia, sau khi rước lễ. Margaret biết phải làm gì
rồi. Nàng nghe tiếng Chúa Giêsu nói với nàng: “Đây là nơi chốn của con. Chính
nơi này Ta muốn con phục vụ Ta. Trong
hoàng cung này, con sẽ có nhiều cơ hội để làm việc lành và trở nên thánh
thiện.” Những nghi ngờ của Margaret tan biến ngay; Hoàng đế Malcolm rất vui
mừng khi được nàng nhận lời cầu hôn của mình.
Hai người yêu nhau. Lễ thành hôn cử hành năm 1070 vừa khi Margaret tròn
24 tuổi đời. Thật là ngày trọng đại cho toàn dân Tô Cách Lan nói chung và cho
vua Malcolm nói riêng. Margaret trở thành Hoàng Hậu Tô Cách Lan.
Cuộc sống chung của họ được mô tả với vài
chi tiết trong một tập hồi ký có lẽ do cha giải tội của ngài là Turgot, sau là
giám mục viết. Đây là một câu chuyện thích thú về sự gặp gỡ giữa một người đàn
bà trẻ khôn ngoan và thánh thiện với người chồng hung hăng ít được giáo dục
nhưng hứơng chiều về sự thánh thiện của vợ mình.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp các đôi phấu ngẫu biết dùng tình yêu chân chính và đời
sống thánh thiện để thánh hóa mình và tha nhân.
Suy niệm 5: Ơn huệ
Margaret là một ơn huệ Chúa ban cho người
dân Tô Cách Lan.
Trước khi ngài đến đây, có rất nhiều người
dốt nát và nhiều hủ tục trong nước. Ngài tìm cách cải tiến quê hương chồng bằng
cách cổ võ việc giáo dục và nghệ thuật. Về cải cách tôn giáo, ngài khích lệ tổ
chức các thượng hội đồng và đích thân tham dự các buổi thảo luận nhằm chấn
chỉnh những tệ đoan tôn giáo rất phổ thông thời ấy của tu sĩ cũng như giáo dân,
tỉ như vấn đề buôn thần bán thánh, cho vay lời cắt cổ và loạn luân. Cùng với
đức lang quân, ngài xây dựng nhiều nhà thờ trong nước và chính tay ngài thêu áo
lễ cho các linh mục.
Hoàng Hậu Magaret đã có nhiều cơ hội để cải
cách Tô Cách Lan. Đa số người dân ở đây có nếp sống nghèo nàn. Bất hạnh thay
những người giầu có thì dùng thời giờ để tập kích người dân Anh Quốc. Ngài đã
nghĩ ra được giải pháp để giúp kẻ nghèo và đám cướp. Ngài tâu lên hoàng đế mời
các vị tu sĩ dòng Biển Đức từ Anh Quốc và lục địa Âu Châu qua Tô Cách Lan. Những vị tu sĩ này bắt đầu giảng dạy cho
người dân Tô Cách Lan biết cách trồng trọt để có thành quả tốt đẹp. Họ cất nhà
thờ, xây nhà dòng với những giúp đỡ của đám người chuyên đi đánh phá nếp
sống dân Anh Quốc. Con trẻ thì được tới
nhà dòng qua sự dạy dỗ của các cha mà cha mẹ chúng đã không bao giờ biết dạy
chúng những điều như vậy. Nhiều đứa trẻ lớn lên và đã trở thành linh mục, tu
sĩ, dì phước. Có những nhà truyền giáo dạy về đức tin Kitô Hữu cho những dân
sống ở những hòn đảo lân bang. Từ nhiều năm rồi, các giám mục ở Tô Cách Lan đã
không liên lạc với Đức Giáo Hoàng, Hoàng hậu phải mời các linh mục ở Anh Quốc
qua gặp các giám mục để bàn luận nhiều vấn đề của các ngài và những khó khăn mà
họ phải đương đầu ở Tô Cách Lan lúc đó. Chính hoàng hậu cũng tham dự buổi nói
chuyện này và thảo luận nhiều vấn đề gúc mắc mà nó đem lại rất nhiều lợi ích
cho Tô Cách Lan. Hoàng Hậu rất năng động. Ngài đi lễ mỗi ngày, cầu nguyện mỗi
ngày, giúp đỡ những người nghèo khó bịnh tật ốm đau, đi thăm tù nhân là những
công việc choán hết cả ngày giờ của ngài.
Kết quả trông thấy! Giáo Hội Tô Cách Lan
ngày một cải tiến. Người ta xây nhà thờ mới, sửa chữa nhà thờ cũ. Các nhà
truyền giáo ngoại quốc được mời đến truyền đạo. Nhiều tu viện được thành lập,
trong đó có đan viện Dunfermline do chính hoàng hậu Margaret và vua Malcolm
thiết lập. Con em được giáo dục chu đáo. Cũng thế những cố gắng đưa văn hóa Âu
Châu vào Tô Cách Lan của Ngài rất thành
công. Trong khi bên Anh, cuộc chinh phục Norman đã để lại một di sản cay đắng
thì ở Tô Cách Lan dưới ảnh hưởng của Margaret và các con của ngài, việc lan
tràn văn hóa Trung Cổ đã mang lại cho Tô Cách Lan một thời đại hoàng kim kéo
dài cả 2000 năm sau khi thánh nữ qua đời.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin ban cho thế giới có được nhiều ơn huệ sống động như thánh nhân.
Suy niệm 6: Người mẹ
Margaret không chỉ là một hoàng hậu mà còn là
một người mẹ gương mẫu.
Mặc dù bận rộn cũng không làm cho ngài quên
bổn phận với gia đình. Đối với đức vua
ngài là một người vợ rất đẹp lòng chồng, người mà ngài không ngừng cầu nguyện
cho ông. Ngài luôn thiết tha sủng ái và phục vụ chồng. Thêm vào đó nàng phải
nuôi nấng và giáo gục 8 người con: 6 hoàng tử và 2 công chúa. Ngài thường nói
với con: “Hãy cầu nguyện với Đức Mẹ. Đối
xử tốt với người nghèo khổ; và sống xa lánh tội lỗi. Sống thánh thiện và chia
sẻ đức tin với những kẻ khác.” Hoàng hậu chỉ chấp nhận cho những gương lành tới
gần các tâm hồn trẻ thơ này và không một người xấu nào dám tới triều đình.
Những hoàng tử công chúa này lớn lên và tham gia vào các công cuộc của người mẹ
thánh thiện và của người cha đã trở thành vị vua gương mẫu. Ngày ngày cung điện
hoàng gia vang dội lời cầu kinh hai buổi sáng chiều.
Khi hoàng hậu được 47 tuổi, bà trở bịnh
nặng. Ngày qua ngày bà cảm thấy không
còn sức lực. Bà nói với vị chủ chăn: “Con nghĩ con sắp chết.” Trong lúc đó,
người Anh Quốc tấn công thành Tô Cách Lan. Malcolm phải từ giã Margaret và
triệu tập quân binh để ra trận. Hai vị hoàng tử lớn tháp tùng ông là Edward và
Edgar. Trong ngày cuối đời, Margaret đã hết sức cầu nguyện cho chồng và các
con. Bà dâng tất cả những đau đớn lên Thiên Chúa để mọi người được ra đi bình
yên, nhưng tiên vàn là phần hồn của họ.
Một ngày sau đó, Hoàng tử Edgar hiện ra
ngay trên khung cửa phòng của hoàng hậu với tấm thân tàn tạ, máu me đầy người,
thêm vào là cát bụi đường xa. Với sự đau khổ trên khuôn mặt, Edgar lết vô phòng
và quỳ bên cạnh giường bà. Hoàng hậu hỏi
một câu: “Cha con sao?” nhưng linh tính của bà đã đọc được tất cả sự thật.
Edgar nức nở vùi mặt trong lòng bàn tay: “Mẹ ơi! Cha con và Edward đã tử trận.”
“Có những đau khổ còn lớn hơn niềm đau này.” Bà lẩm bẩm. Sau khi an ủi Edgar,
bà gọi người hầu vô băng bó vết thương cho hoàng tử. Margaret tới gặp cha tuyên
úy: “Con muốn yêu cầu cha hai điều này,
ngày nào cha còn sống xin cha vui lòng nhớ đến linh hồn chồng con và linh hồn khốn
khổ đứa con của con trong Thánh Lễ và lời cầu nguyện. Và xin để mắt tới các con
của con, dạy dỗ chúng nó kính mến Chúa và làm theo Thánh Ý của Ngài.” Cha tuyên
úy nhận lời bà, một người vợ và một người mẹ trung thành. Bà xưng tội nhận lãnh
Mình Thánh Chúa, chịu sức dầu và ra đi một cách bình an, giã biệt cái cái vương
quốc đầy lo lắng, ưu tư phiền muộn, chiến đấu không ngừng để về với một một vương quốc an bình thiên thu.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin ban cho thế giới chúng con có được những hiền mẫu như thánh
nhân.