Sống đạo _ lời Chúa trong đời sống đức tin


 LỜI CHÚA TRONG
ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỦA TÔI
1.      Lời Chúa giữ một vị trí rất quan trọng trong đời sống đức tin của tôi. Lời Chúa thấm nhập vào tôi qua nhiều ngả, như:
-         Qua Sách Thánh.
-         Qua những kinh nguyện mang Lời Chúa. Thí dụ kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, các kinh nguyện trong thánh lễ.
-         Qua những sách báo đạo đức và những người đạo đức. Tôi xin nhấn mạnh “đạo đức”, để phân biệt với những sách báo và những người không đạo đức. Loại này đôi khi trích Lời Chúa, nhưng để lạm dụng vì mục đích xấu. Satan xưa cũng đã dùng Lời Chúa, để cám dỗ Chúa Giêsu trong sa mạc (x. Lc 4,9-11).
-         Qua những tình hình thực tế. Chẳng hạn, trước một tình hình cụ thể như thế này, thì một Lời Chúa thích hợp được Chúa gởi đến với tôi là: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (Mc 14,38).
Trước một tình hình cụ thể như thế kia, thì một Lời Chúa khác thích hợp được Chúa gợi lên trong lòng tôi là: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21,6).
-         Qua cả trong những lúc tôi ngủ với một tình trạng nào đó. Như một đêm nọ, Lời Chúa sau đây đã đến với tôi từ tiềm thức và đánh thức tôi: “Khi tới gần thành đô, Chúa Giêsu nhìn thành và khóc” (Lc 19,41). Tôi hiểu là Chúa nhìn tôi và Người đã khóc. Lời đó khiến tôi phải thanh tẩy bản thân tôi. Như vậy, Lời Chúa đến với tôi tận lớp tiềm thức và vô thức.
2.      Những Lời Chúa đã thấm nhập vào tôi, từ lớp ý thức đến lớp tiềm thức và vô thức. Thâm nhập không phải là âm thanh của Lời nói, mà là nội dung của Lời nói.
Lời Chúa gởi vào hồn tôi nhiều nội dung phong phú.
Có khi là một lịch sử cứu độ.
Có khi là một bài học đạo đức.
Có khi là một cảnh báo.
Có khi là một an ủi.
Có khi là một chỉ dẫn.
Có khi là một chân trời mới.
Chân trời mới quan trọng nhất, mà Lời Chúa hé mở cho tôi thấy, là tôi có một Người Cha trên trời. Đời sống của tôi là chuyến đi về Trời để gặp Cha của tôi. Chuyến đi này có vô vàn trắc trở. Tôi phải biết đón nhận Chúa Cứu độ và ơn Chúa đổi mới tôi. Chân trời này chan chứa tình yêu thương.
3.      Lời Chúa không cưỡng ép tôi, nhưng vẫn để tôi tự do. Khi tôi khiêm nhường đón nhận với tâm tình cảm tạ, thì tôi nghe như có một nội dung khác đến gõ nhẹ lòng tôi. Với tâm tình khao khát, tôi mở cửa lòng ra. Tôi thấy chính Chúa Giêsu. Người là nội dung căn bản của Lời Chúa. Chính Người là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể.
4.      Cảm nhận đầu tiên của tôi về Chúa Giêsu, mà tôi được gặp, là thấy Người yêu thương tôi một cách hiền lành và khiêm nhường (x. Mt 11,29). Hiện diện của Chúa luôn tế nhị và ẩn dật.
Tự nhiên, tôi trở nên như trẻ nhỏ. Chúa Giêsu đối xử với tôi như đối xử với một em bé. Người ở bên tôi. Người gọi tên tôi. Người cầm tay tôi. Người hỏi thăm tôi. Người ôm lấy tôi (x. Mc 10,18).
Người không dạy tôi những lề luật khó hiểu, nhưng chỉ dạy một điều răn đơn sơ dễ hiểu, đó là yêu thương. “Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương các con” (Ga 13,34).
Người không dạy tôi phải làm chứng cho Người bằng hoạt động nào khác, mà hãy tập trung vào sự yêu thương  nhau: “Ở điểm này, mọi người, sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Người không dạy tôi dùng ý chí rập theo khuôn khổ, để thực thi điều răn yêu thương, nhưng hãy mềm mỏng kết hợp mật thiết với Người như cành nho với cây nho (x. Ga 15,1-6).
Với tinh thần thơ ấu, tự nhiên tôi nhớ tới Lời Chúa Giêsu đã cầu nguyện xưa: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21). Tôi cầu nguyện theo.
5.      Khi nội dung Lời Chúa là chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa Tình Yêu, đến gặp tôi, thì việc suy gẫm Lời Chúa như thế là một bầu khí thiêng liêng, rất khác với việc suy gẫm Lời Chúa chỉ chú trọng đến học hỏi, bàn luận về Lời Chúa như một giáo thuyết.
Bầu khí thiêng liêng đó sẽ phải rất thinh lặng, nhất là trong nội tâm. Thinh lặng ở đây không chỉ là vắng ồn ào, nhưng còn là khiêm tốn, khó nghèo và khao khát, đặc biệt là dạt dào yêu thương. Trong tu đức, không gì gây ồn ào trong nội tâm bằng kiêu căng, tự mãn, dửng dưng và ghen ghét.
Bầu khí thiêng liêng đó là kết quả của nhiều phấn đấu.
  1. Tôi được may mắn tham dự bầu khí thinh lặng âm thầm của Lời Chúa ở nhiều nhóm trên thế giới. Thường là những nhóm nhỏ. Có khi chỉ hai ba người. Dù ở xa, dù ở gần, những người thuộc nhóm được liên kết với nhau bằng sợi dây yêu thương. Họ cùng nhau cầu nguyện theo Lời Chúa. Tôi thấy Lời Chúa phán xưa được ứng nghiệm: “Đâu có hai ba người họp nhau cầu nguyện nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ” (Mt 18,20). Chúa Giêsu ở giữa họ. Họ là nhóm hai người, nhưng trở thành ba. Họ là nhóm ba người, nhưng trở thành bốn. Bởi vì Chúa Giêsu ở giữa họ. Chúa Giêsu ở giữa họ, vừa để soi sáng trí khôn họ, vừa để đốt nóng trái tim họ, vừa để giúp họ trở thành của lễ. Lời Chúa không còn chỉ là Lời nói về Chúa, mà là chính Ngôi Lời Thiên Chúa. Suy gẫm Lời Chúa trở thành gặp gỡ chính Chúa.
Những nhóm nhỏ này là những nhân chứng của đức tin. Tuy âm thầm, nhưng họ vẫn chuyển tải Tin Mừng một cách có hiệu quả. Họ không để mình chịu áp lực nào sai khiến. Lời Chúa và Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa Tình Yêu giải cứu họ, trong sự hiệp thông mật thiết với Hội Thánh của Người.
7.      Cũng như họ, tôi coi mối liên hệ sống động với Chúa Giêsu là căn bản của đức tin, một đức tin dẫn tới tình yêu thương cao quý.
Liên hệ mật thiết đó chủ yếu là tin vào Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể của Thiên Chúa: Người đã chết và đã sống lại. Người làm chứng rằng: Chúa yêu thương tôi, Chúa cứu chuộc tôi, Chúa thánh hoá tôi. Chúa sẽ ban cho tôi một tương lai tốt đẹp.
Tương lai ấy được Chúa chúc phúc. Vì thế, tôi không sợ đề cập đến các vấn đề về tương lai, mà phần đông ngại nghĩ đến, đó là sự chết, phán xét, thiên đàng, hoả ngục. Bởi vì, một khi đã gặp được Chúa Giêsu, tôi tin chắc chắn vững vàng: Người là hy vọng của tôi trong tương lai, dù tương lai đó là rất khó khăn. Hy vọng đó đem lại cho tôi sự bình an, nhưng vẫn không cho phép tôi ỷ lại, mà phải làm hết sức mình với tinh thần trách nhiệm, nhất là trách nhiệm vác thánh giá cùng với Chúa Giêsu vì yêu thương.
Lạy Mẹ Maria, xưa trong những ngày đen tối nhất của Tuần Thánh, Mẹ đã nêu gương đức tin ở điểm quan trọng nhất là tin vào Chúa Giêsu như hy vọng tuyệt đối rạng ngời cho một tương lai dù đen tối nhất. Xin Mẹ thương giúp con cũng được một niềm tin vững vàng như thế trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn đen tối của đời con.
ĐGM. GB Bùi Tuần