VÌ TÌNH YÊU, CHÚNG TA
PHẢI LÀM NHIỀU HƠN NỮA
PHẢI LÀM NHIỀU HƠN NỮA
James Kallam kể lại một mẩu chuyện vui
trong các bài viết của ông như sau: Cách đây nhiều năm, có một thanh niên làm
nghề bán sách rong từ nhà này đến nhà kia, anh đến hành nghề tại một vùng quê nọ.
Một hôm, anh vào nhà một nông gia, ông này đang ngồi trên chiếc ghế xích đu ở cổng
trước. Chàng thanh niên đến gần người nông dân nhiệt tình ngỏ lời: "Thưa ông, tôi có bán một cuốn sách chỉ
cách canh tác sinh lợi gấp 10 lần cách ông đang làm".
Người nông dân chẳng thèm ngước lên. Ông
tiếp tục đong đưa chiếc ghế đu. Cuối cùng, sau vài phút, ông ta liếc mắt nhìn
chàng thanh niên rồi nói: "Này anh bạn
trẻ, tôi chả cần sách của anh, tôi cũng biết làm thế nào để canh tác sinh lợi gấp
10 lần cách thức tôi hiện đang làm".
Câu chuyện trên giúp ta hiểu rõ điều
Chúa Giêsu đang nói trong bài Phúc Âm hôm nay. Người nông dân có khả năng canh
tác tốt hơn nhưng ông ta lại thiếu nhiệt tình để dấn thân làm điều ấy. Chàng
thanh niên giàu có trong bài Tin Mừng cũng dư sức làm nhiều hơn là chỉ tuân giữ
các giới luật, nhưng anh ta chả có nhiệt tình để làm điều ấy. Bài Phúc Âm hôm
nay nói thẳng cho ta thấy Kitô giáo không chỉ hệ tại việc tuân giữ các lệnh
truyền. Chúa Giêsu tra vấn anh chàng giàu có về sự tuân giữ lệnh truyền như là
khởi điểm cho đời sống Kitô hữu. Chàng trả lời là đã tuân giữ tất cả lệnh truyền
ấy, tức là chưa hề làm gì thương tổn ai… Về điểm này Chúa Giêsu tỏ ra thán phục
anh ta. Nhưng đồng thời Ngài lại cho chàng ta thấy rõ Kitô giáo không chỉ là việc
tuân giữ các huấn lệnh tiêu cực ấy như đừng trộm cắp hay lừa đảo…. Kitô giáo
mang tính tích cực hơn nhiều: Ngài nói thẳng với anh chàng giàu có: "Anh chưa bao giờ gây
thương tổn cho ai quả là đáng khen, nhưng anh đã làm gì để giúp đỡ ai chưa? Anh
đã biết dùng của cải để cho kẻ đói ăn, cho kẻ trần truồng mặc, cho kẻ vô gia cư
trú ngụ chưa?"
Chính khi nghe điều này anh chàng giàu
có kia nhận ra mình vẫn còn khiếm khuyết biết bao. Vì vậy Chúa Giêsu bèn thách
thức anh: Nếu muốn theo tôi thì anh hãy thay đổi cách nhìn đi, đừng chỉ nhắm đến
sự tốt lành một cách tiêu cực, tỉ như không gây thiệt hại cho ai – và anh hãy
nhắm sống tốt lành một cách tích cực hơn, chẳng hạn như giúp đỡ người khác. Cứ
thực hành điều này, anh sẽ tìm thấy hạnh phúc ngay trong cuộc sống này và cả
trong cuộc sống mai sau.
Thách đố Chúa Giêsu đặt ra cho anh chàng
giàu có thể tóm lược như sau: Anh có dám chấp nhận mọi thiệt thòi để đạt được
cuộc sống vĩnh cửu mà anh mong muốn không? Anh có quan niệm bước theo tôi là bị
thiệt thòi không? Nghĩa là anh có sẵn sàng hy sinh của cải của anh để được sống
vĩnh cửu, cũng như để theo tôi không?
Anh chàng giàu có trả lời: "Thưa thầy, tôi cũng muốn
theo Ngài lắm, nhưng tôi không muốn chấp nhận sự thiệt thòi kia."
Thế là anh chàng thanh niên giàu có đành
từ chối lời mời gọi của Chúa Giêsu. Việc dùng của cải không chỉ cho bản thân và
gia đình xem ra là một hy sinh quá lớn đối với anh.
Điều này bày ra trước mắt mỗi người
chúng ta ngay bây giờ hình ảnh sau: Nhiều người trong chúng ta giống như anh
nông dân ngồi chơi trước cổng nhà. Chúng ta biết rõ chính mình có thể trở thành
một Kitô hữu, tốt hơn gấp mười lần tình trạng hiện nay nhưng chúng ta vẫn thiếu
nhiệt tình để làm điều ấy.
Chúng ta khác nào anh chàng giàu có
trong Phúc Âm hôm nay. Chúng ta cũng đã tuân giữ những luật truyền, nhưng chúng
ta vẫn chưa đủ quảng đại hết sức có thể đối với những người túng thiếu, kẻ trần
trụi và người đói khát.
Vì công việc đó đòi hỏi chúng ta phải hy
sinh, phải chấp nhận thiệt thòi, đau khổ, phải can đảm và phải khôn ngoan sáng
suốt để nhận ra rằng sự hy đó là cần thiết để đem lại an bình và vui tươi trong
tâm hồn. Và để có thể hy sinh và chấp nhận những thiệt thòi đau khổ đó, điều hết
sức quan trọng là phải có một động lực mạnh để thúc đẩy ta, và động lực đó
chính là tình yêu: yêu Thiên Chúa và thương tha nhân. Tình yêu đó sẽ thúc đẩy
chúng ta làm nhiều hơn những đòi hỏi tiêu cực của lề luật: cấm hại người, cấm
gian dối, cấm trộm cắp…
Một thanh niên yêu một thiếu nữ sẽ không
chỉ hài lòng với việc không làm hại cô ấy, không nói dối, không xúc phạm đến cô
ấy.. Tình yêu khiến anh phải làm hơn như thế rất nhiều, và nếu không làm hơn được
như thế, chắc chắn đó không phải là tình yêu. Cũng vậy, nếu chúng ta chỉ hài
lòng với những giới luật Chúa dạy, chúng ta mới chỉ là người "quen biết"
với Chúa, chưa phải là người yêu Chúa. Nếu chúng ta không muốn làm điều gì tích
cực hơn nữa, chính là vì chúng ta thiếu tình yêu, chúng ta chưa yêu Chúa và
thương tha nhân.
Chắc chắn nhiều người trong chúng ta đã
biết mình phải làm gì để trở thành một Kitô hữu tốt hơn gấp mười lần hiện nay,
nhưng chúng ta đã không làm, vì chúng ta thiếu tình yêu, thiếu nhiệt tình. Cũng
như anh chàng nông dân ngồi trên ghế xích đu kia, anh đã biết rõ phải làm gì để
canh tác có hiệu quả gấp mười lần phương pháp anh đang làm, nhưng anh đã không
thèm làm. Lý do có thể là anh ngại ngùng phải bỏ vốn ra nhiều hơn, phải bỏ ra
nhiều công sức hơn, phải mệt mỏi hơn. Lý do sâu xa hơn khiến anh ngại là vì anh
chưa thấy nhu cầu của vợ con anh đang càng ngày càng tăng lên, hay anh chưa đủ
quan tâm đến những nhu cầu ấy, hay nói cách khác đi là tình yêu của anh đối với
những người thân của mình chưa đủ mạnh để thúc đẩy anh hoạt động, làm những gì
phải làm và nên làm.
Tình trạng đó Thánh Phaolô cũng đã cảm
nghiệm được nơi con người của ngài. Ngài viết: "Quả thực ngay những gì điều tôi làm tôi cũng không hiểu được nữa,
vì những gì tôi muốn thì tôi lại không làm, còn những gì tôi không muốn thì tôi
lại cứ làm" (Rm 7:15). Và ngài đã giải thích tình trạng đó như sau:
không phải là tôi hành động, mà là tội lỗi ở trong tôi đã hành động (Rm 7:20).
Và theo ngài chỉ có Đức Kitô mới có thể cứu ta ra khỏi tình trạng ấy. (Rm
7:24). Do đó, muốn thoát khỏi tình trạng ù lỳ không chịu làm những gì cần phải
làm, ta phải tin tưởng vào ngài đã đến để giải phóng ta khỏi tình trạng đó, và
ta cũng phải hết lòng yêu mến ngài qua những người sống bên cạnh ta, chung
quanh ta. Chỉ có tình yêu mới giải phóng ta khỏi tình trạng ù lỳ đó. Tình yêu
phát sinh sức mạnh.
Rất nhiều người trong chúng ta có tâm trạng
hài lòng vì mình đã theo được chính đạo, và tự mãn vì mình đã giữ luật Chúa một
cách trọn vẹn từ hồi nhỏ, giống như anh chàng thanh niên giàu có trong bài Tin
Mừng hôm nay. Đó là một điều rất đáng khen, và Thiên Chúa cũng rất hài lòng vì
ta đã sống được như vậy. Chính Chúa Giêsu cũng đã nhìn chàng thanh niên đó một
cách thiện cảm và đem lòng yêu thương. Nhưng qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức
Giêsu còn kêu mời chúng ta đi xa hơn một bước kia, là sẵn sàng hy sinh nhiều
hơn nữa cho Thiên Chúa và tha nhân. Đang khi bên cạnh chúng ta còn biết bao
nhiêu người nghèo khổ túng thiếu, hay cần tới sự giúp đỡ cụ thể của chúng ta,
chúng ta không thể vừa nói mình yêu Chúa lại vừa làm ngơ hay phớt lờ những nhu
cầu của họ. Tình yêu thúc đẩy ta phải làm một cái gì cụ thể để thoả mãn phần
nào những nhu cầu đó của anh em. Và chúng ta cũng cần phải có con mắt nhận xét
và tâm hồn nhạy bén để nhận ra những nhu cầu ấy nơi những người sống gần mình
nhất.
Để đi vào cụ thể, tôi xin đề nghị với
anh chị em là mỗi ngày chúng ta dành ra ít phút suy nghĩ để xét xem những người
ở gần ta có nhu cầu gì mà ta có thể giúp đỡ cụ thể được, và chúng ta quyết định
mỗi ngày làm một hai việc cụ thể giúp
ích cho người khác, việc đó càng buộc ta phải hy sinh, thiệt thòi, mất mát
thì càng tốt, và tối đến ta xét lại xem mình đã thực hành quyết định đó thế
nào. Làm được như thế, chính là đã áp dụng phần nào tinh thần của bài Tin Mừng
hôm nay.
Để kết thúc, tôi xin nhắc lại lời kinh
Cáo Mình mà chúng ta đọc mỗi khi chuẩn bị dâng Thánh Lễ, trong đó có câu; "tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng,
lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót". Tôi xin nhấn mạnh đến "những
điều thiếu sót", là những gì mà chúng ta đáng lẽ phải làm, nên
làm, mà chúng ta đã không làm. Là những lần đáng lẽ chúng ta phải ra tay cứu
giúp người khác mà ta đã không ra tay. Là những lần đáng lẽ chúng ta phải hy
sinh cho người khác mà ta đã không hy sinh, vì chúng ta không muốn bị thiệt
thòi, bị mất mát, bị phiền hà, là những lần đáng lẽ chúng ta phải bỏ tiền bạc
ra để cứu giúp ai đó, nhưng vì tính bỏn xẻn, tính toán, khiến chúng ta lại
thôi. Là những lần đáng lẽ chúng ta phải can đảm đứng ra bênh vực lẽ phải,
nhưng vì sợ bị liên lụy, sợ bị lôi thôi, mà chúng ta đành làm ngơ để cho bất
công được tự do hoành hoành. Mỗi lần đọc kinh Cáo Mình khi dâng Thánh lễ, chúng
ta phải nghĩ đến những thiếu sót đó.
Lm. Mark Link, S.J.