KINH
NGHIỆM CỦA TIÊN TRI
"Không
một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương"
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các
môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và
nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: "Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông
được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này
chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon
sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" Và họ vấp phạm vì Người.
Chúa Giêsu liền bảo họ: "Không một tiên tri nào mà không bị
khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình". Ở đó Người không làm
phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì
họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.
SUY
NIỆM:
Chúa nhật trước các bài Kinh Thánh đã
nói với chúng ta về đức tin. Hôm nay Lời Chúa nhắc lại những kinh nghiệm trong
cuộc đời của dân Israel,
của Ðức Yêsu và của thánh Phaolô để khuyến khích đức tin của chúng ta trong những
hoàn cảnh đặc biệt. Ước gì chúng ta hiểu những lời Kinh Thánh vừa nghe đọc. Và
cho được như vậy chúng ta cần tìm hiểu thêm.
1. Kinh
Nghiệm Của Israel
Bài sách Ezekiel đưa chúng ta trở về đợt
lưu đày đầu tiên của dân Israel,
vào khoảng năm 597 trước Ðức Yêsu ra đời. Nhà tiên tri ở trong đám dân khổ sở
đó. Bị đày xa quê hương và đền thờ ông cũng như mọi người tưởng rằng như vậy là
hết rồi. Giao ước giữa Chúa và dân không còn nữa. Họ đã bất tín đến nỗi Người
phải trừng trị. Hoàn cảnh lưu đày này làm chứng Người đã bỏ dân.
Ðang khi họ suy nghĩ như vậy thì này đột
nhiên Ezekiel được một thị kiến ngay nơi đất khách. Sự kiện làm ông bàng hoàng
tự nghĩ: làm sao Thiên Chúa có thể hiện ra với ông nơi dân ngoại? Yavê có quyền
cả ở địa phương này sao? Và hơn nữa Người chưa hoàn toàn bỏ dân ư?
Rồi không những có thị kiến, mà còn có
tiếng nói. Lời Chúa nói với Ezekiel và sai ông đi đến với dân phản loạn. Rõ
ràng Thiên Chúa không bỏ kẻ có tội. Người ta bất tín, nhưng Người vẫn tín
thành.
Người sai Ezekiel đến với họ như đã sai
Môsê đến với Pharaon: vì Israel
lúc này cũng lòng chai đá, mặt trơ tráo như vua Aicập ngày trước (Xh 7,13). Và
như vậy, đoạn Kinh Thánh hôm nay ám chỉ Chúa đã bắt đầu nghĩ đến truyện cứu dân
lưu đày. Và cuộc giải cứu này một cách nào đó sẽ lập lại cuộc giải phóng khỏi
Aicập mà Israel
vẫn nhớ lại với lòng khâm phục cảm mến.
Do đó Ezekiel cũng phần nào đó giống như
Môsê. Ông được đặt làm tiên tri đến với dân nhân danh Chúa. Ông sẽ nói với những
người đang làm tôi mọi dân ngoại rằng: đừng quên Chúa: Người phán như thế này;
Người sẽ ra tay uy hùng cứu kẻ tin vào Người.
Dĩ nhiên bắt đầu người ta sẽ không tin lời
cứu độ đâu, cũng như xưa Pharaô từ chối lời của Môsê. Nhưng Chúa sẽ ở với
Ezekiel như đã ở với Môsê. Ezekiel sẽ là khí cụ để Chúa biểu dương quyền lực của
Người trước mặt dân ngoại. Ông sẽ không làm những việc lạ kỳ như Môsê ở trước
nhan Pharaô, vì đối với dân ngoại cần có những dấu hiệu đó để họ nhận biết quyền
năng của Chúa. Nhưng còn đối với Israel, dân đã từng thấy những việc
kỳ diệu, không cần phép lạ nữa và những phép lạ này cũng không đủ nữa. Ðối với
những kẻ đã "thấy", bây giờ phải làm cho họ "biết" và
"hiểu". Và vì thế Ezekiel phải mạnh về "Lời", về mạc khải,
nói với lòng dân thay vì với mắt họ trước đây, để Israel sẽ thay lòng đổi dạ hầu
có một trái tim thịt máu thay vì trái tim chai đá hiện nay.
Do đó Chúa không đặt Ezekiel làm người
lãnh đạo dân như Môsê, nhưng làm tiên tri. Và như vậy không phải chính trị sẽ
hướng dẫn, nhưng là Lời Chúa sẽ đưa dân đến giải thoát cứu độ. Dân sẽ không thấy
có thẩm phán, vua quan hay lãnh tụ ở với mình thay quyền Chúa như trước nữa,
nhưng sẽ có tiên tri của Người ở giữa dân và giúp dân đi theo đường lối của
Chúa. Sự hiện diện của nhà tiên tri nói lên sự hiện diện của Chúa thay thế cho
sự hiện diện của Người nơi đất Thánh và chốn đền thờ, thay thế cho sự có mặt của
hoàng đế và tư tế, từng lãnh đạo dân trong nhiều thế kỷ trước đây.
Bài sách Ezekiel, vì thế, mở ra trước mắt
dân lưu đày một viễn tượng hoàn toàn mới mẻ. Họ có thể thấy Chúa chưa bỏ họ
trong cảnh lầm than. Người đang đi trước họ, giới thiệu con đường cứu độ mới. Từ
nay Người sẽ dùng tiên tri và dùng Lời của Người để dạy dỗ và hướng dẫn dân, để
ai tin thì sẽ được cứu độ.
Chúng ta không được an ủi sau khi hiểu
bài sách Ezekiel như thế. Ðền thờ và hàng tư tế vẫn quý và cần thiết cho đời sống
đạo. Nhưng có những lúc Chúa muốn hướng dẫn chúng ta nguyên bằng Lời của Người,
tức là bằng sách thánh, và bằng những tiên tri biết đem lời của Chúa trình bày
cho anh em. Chúng luôn muốn kêu gọi những tiên tri như vậy. Ai đáp lời không những
sẽ như Ezekiel mà còn giống như Ðức Yêsu nữa, vì chính Người mới là vị tiên tri
tuyệt diệu của Thiên Chúa mà Ezekiel và mọi tiên tri khác chỉ như bóng sánh với
hình. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta cơ hội chiêm ngưỡng vị tiên tri tuyệt
diệu ấy.
2. Kinh
Nghiệm Của Ðức Yêsu
Cho đến nay người ta vẫn không ngớt thắc
mắc về đoạn sách Marcô này. Nó đâu có làm vẻ vang gì cho Ðức Yêsu mà tác giả
sách thánh đã viết ra? Và như vậy có lợi gì đâu mà phụng vụ ngày nay còn đem nó
ra đọc trong thánh lễ? Nó cho chúng ta thấy một Ðức Yêsu bị thất bại và bất lực
ngay nơi các người đồng hương bà con của Người. Nó liệt Người vào thân phận của
mọi tiên tri chẳng bao giờ được quý trọng nơi quê quán, nếu không muốn nói rằng
Người còn thua kém họ nữa, vì chắc chắn đã có nhiều vị tiên tri tuy không được
kính trọng nhưng cũng không đến nỗi bị chống đối, phủ nhận nơi bà con của mình.
Marcô hôm nay cho chúng ta thấy vị tiên
tri thành Nadarét bất lực quá: chẳng làm được phép lạ nào trước sự cứng lòng
tin của họ hàng thân thuộc. Người còn là vị tiên tri không tự chủ ngay nơi bản
thân Người nữa. Vì khi thì như Người thừa hiểu hoàn cảnh; lúc lại như thể Người
ngạc nhiên về thái độ của người ta. Hay là Marcô đã dùng những từ ngữ không chỉnh
và mâu thuẫn? Trong một câu ông khẳng định cả việc Ðức Yêsu không làm được phép
lạ nào, cả việc Người chữa lành một số ít người đau ốm. Những việc chữa lành
này không phải là phép lạ sao?
Nhận thấy những lời văn khó hiểu, và nhất
là thấy ý tưởng chung bất lợi cho Ðức Yêsu quá, nhiều người thắc mắc không hiểu
tạo sao có đoạn văn này trong sách Marcô. Và người ta đưa ra không biết bao
nhiêu lý lẽ và giả thiết. Nhưng mọi cố gắng làm suy yếu đoạn văn này đều vấp phải
một sự hiển nhiên: đoạn văn nằm đó trong sách của Marcô với những lời lẽ mà chẳng
ai có thể tẩy xóa hay sửa chữa được nữa. Và bổn phận của chúng ta bây giờ là phải
chấp nhận và tìm hiểu nó.
Nhìn vào vị trí của đoạn văn trong sách
của Marcô, chúng ta thấy đã đến lúc Ðức Kitô sắp bỏ Galilêa để xuống thi hành sứ
vụ ở Yuđêa. Và như vậy cũng là lúc để có một cái nhìn tổng quát về sứ vụ ở
Galilêa, nếu không muốn nói rằng tác giả Marcô đã muốn lợi dụng lúc này để cho
chúng ta một cái nhìn chung về những năm giảng đạo của Ðức Kitô. Có thể Marcô
cũng muốn tựa vào kinh nghiệm của vị tiên tri thành Nadarét để nói về thân phận
của Hội Thánh nói chung và của từng tông đồ nói riêng. Dù sao, đây cũng là một
cái nhìn tổng quát về đời hoạt động của một tiên tri.
Thế nên tác giả Marcô có thể lấy lại một
cái nhìn cổ điển của Cựu Ước: mọi tiên tri trong các thời đại trước đều đã
không được số phận may mắn. Ezekiel chẳng hạn. Hôm nay sách thánh viết rõ ông
đã được sai đến với dân phản loạn mặt trơ tráo và lòng chai đá. Nhưng người ta
vẫn phải biết ông là tiên tri. Ðức Yêsu cũng là tiên tri và hơn mọi tiên tri nữa.
Ở nơi Người các nét tả chính yếu về bậc tiên tri phải nổi hơn, nổi nhất. Người
phải đối diện với một dân lòng chai dạ đá. Hơn nữa, họ phải phản đối kình địch
với Người hơn mọi tiên tri khác. Sự cay đắng chua xót của Người phải nhiều hơn.
Người gặp thấy nó ngay trong hàng bà con thân thích để Yoan có thể viết rằng:
Người đã đến nhà của Người, nhưng gia nhân Người đã không chấp nhận Người. Ðó
là điều Cựu Ước thường viết về Yavê Thiên Chúa: Người ra tay làm bao việc lạ
cho dân mà dân vẫn tỏ lòng chai đá bội bạc.
Nhưng nơi nhà tiên tri không phải chỉ có
thất bại. Ðúng hơn nữa, sự chống đối ông gặp phải nói lên tội lỗi của người ta
chứ không tố cáo sự bất lực của ông. Nơi ông vẫn có "dấu tay uy quyền của
Chúa". Chính vì vậy mà Ðức Yêsu vẫn chữa lành được cho một số ít bệnh nhân
khi họ có điều kiện mà đa số không có. Họ có lòng tin đang khi những người khác
cứng lòng tin. Nói theo loài người, Ðức Kitô có thể ngạc nhiên về thái độ của
đa số: thấy giáo lý khác thường và các phép lạ Người làm mà họ không mềm lòng
ra. Nhưng với cái nhìn của Thiên Chúa hay của đức tin, thì điều này cũng không
lạ, bởi vì cả lịch sử thánh cho thấy loài người luôn luôn cưỡng lại tình thương
của Thiên Chúa. Trừ một số ít. Số ít này là những kẻ được cứu vớt. Họ sẽ làm
thành đàn chiên nhỏ. Họ sẽ thừa tự Nước Trời vì họ tin rằng: có nhà tiên tri của
Chúa ở giữa họ, mặc dù bề ngoài có nhiều điều cản trở niềm tin này.
Do đó bài Tin Mừng hôm nay là cả một bài
học quý giá cho chúng ta. Không nên căn cứ vào câu "chẳng tiên tri nào được
kính trọng tại quê nhà" để bao biện cho các khuyết điểm và thất bại trong
đời sống tông đồ. Tin Mừng của Chúa không bao giờ muốn an ủi kiểu như vậy. Luôn
luôn nó muốn chất vấn lương tâm người ta thường có thái độ nào đối với một Ðấng
Thiên Chúa và một Ðức Kitô Người sai đến như vậy? Người ta có sẵn sàng tin sứ
điệp tình yêu và cứu độ mà Thiên Chúa gửi đến nơi Lời Kinh Thánh, nơi vị tiên
tri, nơi Hội Thánh của Người không? Hay người ta luôn luôn là những người
Do thái ở thời Ezekiel và ở thời Ðức Kitô, chỉ muốn tin vào sứ điệp và sứ giả
nào hứa hẹn những lợi ích trước mắt? Thiết tưởng bài thư Phaolô cũng phải được
hiểu theo chiều hướng này.
3. Kinh
Nghiệm Của Phaolô
Người đang nói với giáo dân Côrintô yêu
quý của người. Họ đã được nhiều tông đồ có óc Do thái đến viếng thăm. Những người
này gièm pha Phaolô đủ điều, cốt để người Côrintô đừng tin vào giáo lý cứu độ của
Phaolô nữa. Nhưng nếu bỏ niềm tin này, thì làm sao được cứu độ? Phaolô phải can
thiệp ngay. Người gửi thư không phải để chữa mình hay để lấy lại uy tín. Người
quá tâm lý để biết rằng làm như vậy sẽ chỉ thêm thất bại. Nhất là lòng đạo đức
và tinh thần tông đồ đã giết chết khuynh hướng tự tôn ở nơi người từ lâu rồi.
Người viết thư hôm nay là để thi hành sứ vụ tiên tri, rao giảng ơn cứu độ của
Thiên Chúa.
Người không khoe khoang, mặc dù người có
rất nhiều điều hay để nói về mình. Không những gia thế, học lực và những nét Do
thái cao quý ở nơi người; mà cả những thành quả, lao công trong cuộc đời tông đồ;
thậm chí những thị kiến và mạc khải cao siêu nữa... Tất cả đều không được người
để ý và gán cho một chút vinh quang nào. Ngược lại, người nhấn mạnh đến một cái
"dằm" ở trong thân xác người. Nó làm đau, làm nhục người triền miên.
Nó là cái gì người không xác định; nên ai có ý tưởng nào cũng chỉ là suy đoán.
Ðiều quan trọng mà Người muốn nói là cái dằm trong xác thịt ấy luôn luôn tố cáo
sự yếu đuối của người ở trước mặt Chúa để người ý thức không phải mình sống nhưng
là Ðức Kitô sống trong mình, không phải mình mạnh nhưng là quyền năng của Ðức
Kitô đậu lại ở nơi mình. Và như thế người sẽ như Ðức Kitô, như Ezekiel, như mọi
tiên tri.
Cuộc đời của những vị này luôn mang hình
thức yếu đuối, bất lực, thất bại trước mắt thế gian, nhưng dưới cái nhìn của đức
tin lại là nơi quyền năng cứu độ của Thiên Chúa đang hoạt động.
Như vậy chúng ta có phải bắt chước các
ngài không, tức là tạo ra trong đời sống của mình một hình dạng yếu đuối nào
đó? Không cần như vậy. Ðiều cần trước hết là chúng ta phát triển niềm tin vào kế
hoạch cứu độ của Thiên Chúa, cho dù có bao nét bề ngoài của kế hoạch đó dường
như muốn làm chúng ta nản lòng. Chúa đã đòi dân Do thái thời Ezekiel phải tin
vào Lời Người và vào vị tiên tri khi họ không còn quê hương, đền thờ. Người đã
đòi bà con thân thuộc của Ðức Yêsu lướt thắng những cản trở bên ngoài thuộc gia
thế và địa vị xã hội của nhà tiên tri thành Nadarét để đón nhận ơn cứu độ. Hằng
ngày Chúa vẫn đòi chúng ta phải có niềm tin như vậy qua mọi thử thách trần
gian. Hơn nữa Chúa lại muốn chúng ta trở nên các tiên tri của Người để giúp anh
em đồng bào nhận ra Tin Mừng cứu độ. Chúng ta có sẵn sàng đi vào đường lối của
Ezekie, của Phaolô và của Ðức Kitô không?
Tất cả những điều này sẽ diễn ra trong
thánh lễ. Ở đây niềm tin đòi mọi người phải lướt thắng nhiều nét bên ngoài để đạt
tới các mầu nhiệm thâm sâu. Ở đây chúng ta phải đón nhận một Ðức Yêsu Kitô tử nạn
và phục sinh. Và chính Người lại là Ðấng Cứu thế... Người kêu gọi chúng ta tin
vào đường lối của Người, trở thành tông đồ của Người, sống như Người để làm lan
rộng ơn cứu độ. Chúng ta có nhiệt tình đáp lại chờ mong của Người không, để Lời
Chúa và Mình Thánh Chúa hôm nay đem lại hiệu quả thật sự trong đời sống hằng
ngày của chúng ta.
Gm. Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm