NÀY LÀ MÌNH THẦY
HÃY CẦM LẤY MÀ ĂN
Ngài không chỉ làm ra bánh cho họ ăn mà
chính Ngài đã trở nên bánh cho họ: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy.”
Vào đầu thế kỷ 20, tại Luân đôn, có
gia đình ông bà Vaughan đông con và rất nghèo khó. Chồng suốt ngày ở trong xí
nghiệp còn vợ thì ở nhà làm nghề phụ, thêm vào với việc nội trợ. Đầu tắt mặt tối
nhưng trưa nào bà cũng dành một giờ chầu Chúa ở nhà thờ. Có người thắc mắc tại
sao bà vẫn xếp giờ đến chầu Chúa, mặc dù công việc lo cho 13 người con thật
không ít bề bộn. Bà Vaughan tươi cười trả lời:
“Một bầy con đông đúc, ăn bữa nay chạy bữa mai, tôi lo lắm. Hơn thế, lúc
đi học, chúng có thể theo bạn bè rủ rê đây đó, gặp nhiều nguy hiểm, tôi lại
càng thao thức hơn. Vì thế, dù bận việc tới đâu, mỗi ngày tôi cũng bỏ ra một giờ
để chầu Chúa, sốt sắng xin Ngài ban ơn cho vợ chồng tôi nuôi các cháu hằng ngày
dùng đủ, và dạy dỗ chúng nên người đạo đức.”
Chúa đã nhận lời và ân thưởng cho
lòng tin cùng sự hy sinh của bà Vaugran: trong 13 người con, một người làm Hồng
Y Tổng Giám mục giáo phận Luân Đôn, một người khác làm Tổng Giám mục, hai người
làm linh mục hai nam tu sĩ, hai nữ tu sĩ; còn 5 người ở thế gian lập gia đình lưu
truyền nòi giống, sống cuộc đời đạo đức thánh thiện. (Những người lữ hành trên
đường hy vọng).
Thật là đúng với lời Chúa dạy “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người
ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5).
Ngày xưa Dân Chúa phải vượt qua sa mạc
trước khi vào Đất Hứa, ngày nay Dân Chúa cũng đang ở “nơi hoang địa” trước khi
được gặp Chúa mặt giáp mặt. Trần gian này đúng thật là “nơi hoang địa” vì đó là
nơi mà mọi hạnh phúc tạm bợ cũng không thể làm cho con người quên đi một sự thiếu
thốn từ đáy lòng họ: “Linh hồn con khao
khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến - vào bệ kiến Tôn
Nhan?” (Tv 42,3).
Từ sâu thẳm tâm hồn, ai cũng thấy đời
mình là một cuộc lữ hành với nhiều yếu đuối và thiếu thốn trên đường đi tìm kiếm
một hạnh phúc chân thực: “Sao con phải
lang thang tiều tụy, bị quân thù áp bức mãi không thôi?” (Tv 42,10), “cơm Ngài cho ăn chỉ là châu luỵ, nước Ngài
cho uống là suối lệ chứa chan” (Tv 80,6).
Nhưng Chúa thương chúng ta: “Tôi đã hết lòng trông đợi Chúa, Người
nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu” (Tv 39,2). Ngài để mắt đến mọi kẻ
tin theo Ngài trước khi họ kêu cầu Chúa. Đức Kitô bảo các tông đồ: “Các con hãy cho họ ăn đi”,
Bảo các tông đồ cho họ ăn, nhưng ai
là người làm cho bánh và cá hoá ra nhiều? Đó chính là Chúa! Ngài không chỉ làm
ra bánh cho họ ăn mà chính Ngài đã trở nên bánh cho họ: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy.”
Thánh Thể là một hồng ân lớn lao! “Tất cả đều ăn no nê” vì ai còn đói được
khi chính Thiên Chúa là bánh ăn của họ: "Chính
tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng
khát bao giờ!” (Ga 6,35). Thánh Thể là hồng ân trên hết giữa muôn hồng ân
mà không lời nào nói cho hết được: “Dầu
con muốn loan đi kể lại, nhưng quá nhiều đếm nổi làm sao!” (Tv 39,6). Còn
gì an ủi hơn, còn gì nâng đỡ hơn, còn gì làm vững tâm hơn cho chúng ta đang lữ
hành trong hoang địa, khi được nếm trước hạnh phúc mai sau: “Này đây bánh của các thiên thần, biến thành
lương thực của khách hành hương” (Lauda, Sion).
Về phía dân chúng, người ta chỉ có
năm chiếc bánh và hai con cá. Chỉ có bánh và rượu, nhưng qua Đức Kitô -
Melkisêđê, Thượng tế tới muôn đời của Thiên Chúa, những điều tầm thường và nhỏ
bé đã trở nên lễ dâng xứng đáng cho Thiên Chúa, và nên nguồn ân phúc bao la cho
con người; bởi đó, trong Đức Kitô, đời sống nhỏ bé tầm thường của chúng ta lại
có thể trở nên hy lễ tuyệt hảo đẹp lòng Thiên Chúa Tối Cao, và trong lễ dâng
Thánh Thể có cả những hy sinh âm thầm rút ra từ đời sống của những ai theo
Chúa.
Một ngày kia, đang đến trường thì
Saviô gặp một linh mục kiệu Mình Thánh cho kẻ liệt. Nghe tiếng chuông, Saviô
quì gối mà không để ý gì đến đường xá dơ bẩn. Hai vết bùn in rõ trên đầu gối quần
cậu. Một người bạn lúc nãy đã cẩn thận quì xuống một nơi khô ráo sạch sẽ mới
nói với cậu: “Thiên Chúa đâu có đòi chúng
ta phải hy sinh quá như vậy.”
Saviô trả lời: “… Tôi còn quăng mình vào lửa nếu Chúa Giêsu muốn, để cảm tạ Ngài vì đã
cháy lửa yêu chúng ta trong phép Mình Thánh.”
Thánh Thể được gọi là “của ăn đàng”
cho kẻ liệt, nhưng không chỉ là của ăn đàng cho kẻ liệt mà Thánh Thể thực sự là
của ăn đàng dành cho hết những ai đang trên đường lữ hành, đang trong “nơi hoang địa.”
“Lạy Chúa ẩn dật, Chúa tạo thành thiên địa! Chúa xử với chúng con lạ
lùng quá! Chúa đối với người Chúa chọn cách hiền hậu và nhân từ quá! Vì Chúa
ban chính mình làm của nuôi họ trong bí tích Thánh Thể” (Imit IV, I, 39).