QUYỀN NĂNG CỦA THIÊN CHÚA
I. SÓNG GIÓ TRÊN BIỂN KHƠI.
1. Gió và biển.
“Trong ngôn ngữ Do thái, cùng một tiếng “gió” cũng có nghĩa là “thần
trí”. Ngoài ra trong Kinh thánh, biển thường là biểu tượng những thế lực gian
tà mà Thiên Chúa phải đánh gục để kế hoạch của Người toàn thắng. Ở đây, biển động
dữ dội do ảnh hưởng của cuồng phong. Ta phải hiểu là có “thần trí xấu” (Satan
chăng?) đang tung những ma lực dưới quyền để ùa đến tấn công con thuyền, tức là
tấn công các môn đệ”(Boismard, Jésus, un homme de Nazareth, 1966, tr 78).
Làm cho bão tố yên lặng là một dấu chỉ đặc biệt về quyền năng của Thiên
Chúa, bởi vì biển và gió được coi như là những sức mạnh của xấu xa và hỗn loạn,
mà chỉ Thiên Chúa mới có thể làm chủ, điều khiển chúng (Bài đọc 1).
2. Biển hồ Tibériade.
Biển hồ này cũng có tên gọi là biển hồ Galilê. Biển có chiều dài 21 km
và chỗ rộng nhất là 13 km. Thung lũng Jordan là một vết nứt sâu trên mặt
đất và biển Tibériade là một phần của vết nứt đó. Nó thấp hơn mặt biển 200 mét
nên khí hậu ấm áp dễ chịu, nhưng cũng đem lại nhiều nguy hiểm. Bên phía tây có
núi non, thung lũng, khe suối, nên khi gió lạnh từ phía tây thổi đến thì thung
lũng, khe suối này có tác dụng như những cái phễu lớn. Gió bị nén trong đó và
thổi ào ào xuống hồ bất thình lình với sức gió mạnh dữ dội đến nỗi mặt hồ phẳng
lặng biến thành sóng gió gào thét. Vì thể, biển Tibériade hay nổi lên những cơn
sóng gió bão táp vào ban chiều hay ban đêm.
II. CHÚA DẸP YÊN SÓNG GIÓ.
1. Câu chuyện giông tố.
Đức Giêsu cũng có một số môn đệ để giúp phổ biến giáo thuyết của Ngài.
Các môn đệ này không phải là những nhà trí thức hay ít ra là những người học thức
trung bình, nhưng thực ra họ là những người ít học: họ là những người chài lưới.
Chúa cần phải giáo dục họ từng bước để trở thành những môn đệ kiên cường và
trung thành trong việc rao giảng Tin mừng. Họ cần phải đặt tin tưởng vào Chúa
nhất là trong những cơn gian nan khốn khó lúc này và về sau.
Ngài phải thử thách họ bằng những tình huống nguy hiểm. Vi thế, sau một
ngày giảng cho dân chúng những dụ ngôn về Nước Trời. Đức Giêsu bảo các môn đệ
xuống thuyền sang bờ biển bên kia, là vùng của dân ngoại để truyền giáo cho họ.
Nhưng mục đích chính là để thử thách họ và cho họ thấy quyền năng của Ngài. Vì
thế, một cơn sóng gió nổi lên hầu nhận chìm con thuyền của các ông mà Đức Giêsu
thì nằm ở đàng lái mà ngủ, coi như không có chuyện gì xẩy ra. Các môn đệ vừa cầu
cứu vừa có vẻ hơi trách móc Ngài. Lúc ấy Ngài mời bình tĩnh đứng lên, truyền lệnh
cho sóng gió phải ngưng hoạt động, tức thì gió im, biển trở nên lặng như tờ.
Trước cảnh tượng này các môn đệ hết sức kinh ngạc và thán phục Đức Giêsu nên mới
nói với nhau: “Ngài là ai mà cả gió và biển đều phải tuân lệnh Ngài?” Các ông
đã nhìn ra quyền năng của Ngài và tin tưởng vào Ngài hơn.
2. Ý nghĩa câu truyện.
a) Củng cố niềm tin cho môn đệ.
Đức Giêsu truyền cho các môn đệ xuống thuyền ra biển là có ý tỏ quyền
năng của Ngài để các ông tin tưởng vào Ngài. Sóng gió bão táp cũng có nghĩa là
những thử thách và đau buồn mà người công chính phải chịu đựng và chỉ có quyền
năng của Thiên Chúa mới có thể cứu họ ra khỏi tình trạng ấy.
Các môn đệ chưa hiểu rõ con người Đức Giêsu, các ông coi Ngài cũng chỉ
là một đấng tiên tri có quyền phép, làm được nhiều phép lạ để cho nhiều người
tin theo nên các ông mới thắc mắc với câu hỏi “Người này là ai?” Khi bão tố yên
lặng, các ông chứng kiến một việc mà chỉ Thiên Chúa mới có thể hoàn thành. Điều
đó có ý nghĩa là Đức Giêsu có quyền năng của Thiên Chúa. Thực ra, họ mới biết Đức
Giêsu theo quan niệm của loài người. Đồng thời, nhờ phép lạ này cho thấy Đức
Giêsu chăm sóc các môn đệ của Ngài.
Theo suy luận của J. Hervieux. thì “khi đọc lại câu chuyện Chúa đi qua
biển và dẹp yên sóng gió như vậy, Marcô cố gắng đáp ứng những nhu cầu hiện thực
của Giáo hội thời Ngài. Những tín hữu Rôma đang phải điêu đứng vì những cuộc
bách hại. Họ đang sống trong nỗi sợ hãi, giống như các môn đệ trong con thuyền
vượt biển xưa. Đối với họ, Đức Kitô hình như đang ngủ. Việc Ngài “vắng mặt” rõ
ràng trong những biến cố bi thảm họ đang sống, tạo cho họ thêm e dè sợ sệt!
Chúa phải làm gì để giải thoát họ khỏi cảnh chết chóc đang rình rập (Fiches
dominicales, năm B, tr 207).
b) Chúa vẫn có mặt ở đó.
Cơn sóng gió nổi lên dữ dội, các môn đệ bất lực, không chèo chống nổi,
nước tràn vào đầy thuyền và sắp ngập, khi đó Đức Giêsu lại đang nằm ngủ ở đàng
lái! Ngài ở chỗ quan trọng nhất vì số phận con thuyền tùy ở tay lái. Thế mà
đang lúc khó khăn nguy hiểm tột độ, Ngài lại nằm ngủ. Đối với Marcô, Ngài nằm
ngủ như thế là hình ảnh về Thiên Chúa như nhắm mắt làm ngơ và ngủ say quên mất
rằng loài người chúng ta sắp chết rồi, con thuyền Hội thánh đang sắp chìm và bản
thân chúng ta sắp bị vùi giập trong nguy hiểm. Thái độ lạ lùng này khiến loài
người phải đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề đau khổ và sự dữ: có Thiên Chúa hay không?
Ngài không biết chúng ta đang đau khổ sao? Ngài bất lực hay đa đoan như người ta
thường nói về “Con Tạo?”
Bài đọc 1 cũng đặt ra cho chúng ta một câu hỏi, giống như thời ông Gióp;
chúng ta cũng tra hỏi, chất vấn, sửng sốt, đòi hỏi Chúa phải giải thích và
trình bầy cho ra nhẽ! Tại sao vẫn xẩy ra những vụ tàn sát những người vô tội,
những cảnh chém giết nhau không nương tay, những cuộc bách hại đẫm máu, những
trận dịch kinh hoàng, những bất công chỉ biết kêu trời báo oán, những cảnh chết
đói khiến phải đào mồ chôn tập thể?
Thật ra, đường lối sư phạm của Thiên Chúa rất huyền diệu, ta không hiểu
nổi, nhưng dầu sao nó cũng nhằm giúp chúng ta tin tưởng rằng trong mọi nơi mọi
lúc “Con thuyền Giáo hội lúc nào cũng bị sóng gió dập dồn” (theo Tertullianô),
nhưng không sao, không bị chìm được vì luôn có Ngài ở đó, Ngài có vẻ ngủ nhưng
thực ra Ngài vẫn thức để theo dõi chúng ta chèo chống và chờ đợi chúng ta kêu cầu
Ngài giúp đỡ. Theo nhận xét của chúng ta, dù có Đức Giêsu ở trong thuyền với
các môn đệ thì bão tố vẫn xẩy ra. Vì thế, dù bão tố có chụp xuống chúng ta, điều
đó không có nghĩa là Thiên Chúa đã bỏ rơi chúng ta. Nếu chúng ta có đức tin,
chúng ta sẽ không nghi ngờ Ngài ở với chúng ta, và chúng ta sẽ hướng về Ngài để
cầu xin và tin chắc rằng Ngài sẽ đến giúp đỡ.
Một ngày kia, viên lái đò chở hoàng đế César qua sông, thấy sóng cả đã ngã
tay chèo, được hoàng đế phán ra một câu bất hủ: “Anh không biết là anh đang chở
hoàng đế César sao?”
Một vị hoàng đế sẽ bất lực trước cơn cuồng phong dữ dội, thế mà dám nói
những lời như thế. Thì huống hồ ở đây, không phải là vị vua trần thế mà là vua cả
trên trời Ngài làm cho sóng gió bão táp phải lặng yên sao. Thánh vịnh đã nói:
Đổi phong ba thành
gió thoảng nhẹ nhàng
Sóng đang gầm, bỗng im tiếng.
Họ vui mừng vì trời yên bể lặng
Và Chúa dẫn đưa về bến mong chờ.
(Tv 107, 29-30)
Sóng đang gầm, bỗng im tiếng.
Họ vui mừng vì trời yên bể lặng
Và Chúa dẫn đưa về bến mong chờ.
(Tv 107, 29-30)
III. THÁI ĐỘ CỦA CHÚNG TA.
Câu chuyện trong bài Tin mừng hôm nay dạy chúng ta bài học: hãy tin cậy
vào Chúa và cầu nguyện. Ai cũng thích sóng yên bể lặng, xuôi chèo mát mái.
Nhưng cuộc đời nào mà chẳng có giông tố? Tuy nhiên, chính giông tố mới giúp
chúng ta nhận ra chính mình: mình còn yếu đuối và bất lực, còn nhát đảm và kém
tin. Cũng chính giông tố sẽ đưa ta đến với Chúa, để ta hoàn toàn phó thác cho sự
quan phòng của Ngài. Cũng chính giông tố sẽ giúp chúng ta biểu lộ đức tin. Có
thể nói, đức tin sẽ lớn lên ít nhiều sau mỗi lần giông tố. Khi đã biết con người
hoàn toàn yếu đuối và bất lực thì chỉ còn biết trông cậy vào Chúa và xin Ngài đến
cứu giúp, không phải chỉ cầu xin khi gặp hoạn nạn, nhưng phải tin Chúa và cầu xin
Ngài mọi nơi mọi lúc trong lúc được bình yên.
Truyện: Cầu nguyện khi bình yên
Có câu chuyện về một đại úy hải quân, khi về hưu làm thuyền trưởng trên
một chiếc tầu đưa khách đến đảo Shetland tham quan trong ngày. Trong một chuyến
đi chơi, tầu chở toàn thanh niên. Họ cười nhạo ông đại úy gìa khi thấy ông này
cầu nguyện trước lúc ra khơi, bởi vì đó là một ngày trời đẹp và biển êm.
Nhưng biển không êm lâu khi một trận cuồng phong bất ngờ thổi tới và chiếc
tầu bắt đầu chồm lên chồm xuống dữ dội. Các hành khách hoảng sợ chạy đến ông đại
úy thuyền trưởng để yêu cầu ông cùng cầu nguyện với họ. Nhưng ông đáp: “Tôi đã cầu nguyện lúc trời êm bể lặng. Khi
sóng gió nổi lên, tôi phải lo cho con tầu của tôi”.
Đó là một bài học cho chúng ta. Nếu chúng ta không thể hoặc không muốn
tìm đến Thiên Chúa trong những lúc yên tĩnh của đời mình thì chúng ta có lẽ sẽ
không tìm thấy Người khi cơn rối loạn chụp xuống. Có lẽ chúng ta hoảng sợ nhiều
hơn. Nhưng nếu chúng ta đã biết tìm đến Người và phó thác nơi Người trong những
lúc bình yên thì hầu như chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy Người khi sóng gió nổi
lên (Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật B, tr 458).
Mỗi người chúng ta không khác gì chiếc thuyền nan chồng chềnh giữa biển
trần gian đầy sóng gió bão táp, khó khăn nối tiếp khó khăn. Nếu chúng ta chỉ dựa
vào sức mình hay dựa vào một quyền năng nào đó thì chúng ta sẽ thất bại. Ai có
thể cứu chúng ta thoát khỏi sóng gió ba đào khi chiếc thuyền của chúng ta sắp
chìm? Chỉ còn có Thiên Chúa. Ngài như người cha lái con tầu vững chắc trên biển
cả, chúng ta là con chỉ biết tin tưởng vào quyền năng của người Cha trên trời.
Có Chúa trong đời, Ngài sẽ hướng dẫn cuộc đời của mỗi chúng ta. Lúc đó, những
cô đơn như bị xóa nhòa, những khó khăn dường như nhỏ lại, những yếu đuối như được
mạnh sức. Chúng ta không cầu xin cho cuộc đời mình như biển lặng, nhưng xin cho
cõi lòng chúng ta được tĩnh lặng ngay giữa lúc biển động.
Truyện: Cha tôi cầm lái tầu
Một thi sĩ người Anh, ông Byron, có viết một câu chuyện như sau:
Hôm ấy, một con tầu đang rẽ sóng lướt đi trên mặt biển mênh mông. Bỗng
chốc, bầu trời kéo mây đen đặc. Rồi giông tố ầm ầm nổi lên, sấm chớp kinh
hoàng. Mưa càng lớn, gió càng mạnh. Các hành khách kêu la hỗn loạn. Duy có một
em bé cứ ngồi chơi trên boong tầu như không có gì xẩy ra.
Lạ lùng, một thủy thủ dương to đôi mắt hỏi em:
-
Em
không sợ chết sao?
Cậu bé thản nhiên trả lời:
-
Sao
lại sợ? Chính ba cháu cầm lái con tầu này mà!
Câu chuyện trong bài Tin mừng hôm nay thách đố sự tin tưởng của chúng ta
vào quyền năng của Thiên Chúa. Khi đã có đức tin, chúng ta không cần đứng ra chỉ
huy mọi sự. Đã có Chúa Tình yêu, Ngài sẽ làm tất cả.
Lm Giuse Đinh lập Liễm