Lời Chúa cntn 12a _ cái sợ đem lại bình an

CÁI SỢ ĐEM LẠI BÌNH AN
Thánh tử đạo Lwanga là một nhân vật có nhiều uy tín tại triều đình Uganda và chịu nhiều ảnh hưởng từ Joseph Mukasa, vị tổng quản đứng đầu đội thị vệ của nhà vua. Khi nhà vua giết hại một nhà truyền giáo, Mukasa không ngần ngại trách cứ nhà vua, và đã đem cả sinh mạng ra trả giá cho lời nói đó: Ngày 15.10.1885 quan Joseph Mukasa chịu xử trảm, rồi bị thiêu cháy. Tuy được chỉ định thay thế Mukasa đứng đầu đội thị vệ, nhưng cái chết dũng cảm của Mukasa vẫn rực sáng trong lòng Lwanga.
Một đứa trẻ được triệu đến hoàng cung cho nhà vua thoả mãn tật ấu dâm của ông. Không thấy đứa trẻ đến, nhà vua phát hiện ra một thị vệ đã dạy giáo lý Công giáo cho đứa trẻ đó. Lên cơn cuồng nộ, nhà vua ra lệnh xử trảm người dạy giáo lý, và ra lệnh mọi Kitô hữu trong hoàng cung phải bị điệu ra toà chịu xét xử. Nhà vua tuyên bố: “Ai không cầu nguyện, hãy đứng bên ta, còn những ai cầu nguyện, thì đứng ra đàng kia”. Nghe thế, Lwanga tụ họp các Kitô hữu lại để cầu nguyện cho mọi người được thêm mạnh tin, và khi nhà vua hỏi có ai dám chịu chết vì đức tin không thì tất cả hiên ngang bước ra tuyên xưng tình yêu đối với Đức Kitô. Thấy thế, cả một thị vệ đứng bên vua cũng bước ra xin đứng cùng hàng với họ!
Tất cả đều bị hành hạ dã man cho đến chết, trong đó có một số bị thiêu sống. Các lý hình hết sức bỡ ngỡ khi Lwanga bước ra giúp họ chất củi lên giàn thiêu sắp thiêu sống ngài. Khi thánh Lwanga sắp tắt thở, người ta nghe ngài kêu lên: “Katonda!” (Lạy Thiên Chúa của con!).
Ai cũng phải đối diện với nhiều nỗi sợ hãi. Thoạt nhìn thì những nỗi sợ hãi có vẻ nguy hại và chỉ làm cho người ta nên khiếp nhược: sợ hãi làm cho người này quị lụy, người kia trốn chạy ... không dám đứng thẳng như một con người mà chỉ bò lê như một con vật; nhưng sự sợ hãi lại rất cần thiết như một cuộc thanh lọc mà ai cũng phải trải qua để thành toàn chính mình qua việc chọn lựa cái gì đáng sợ hơn, giữa chịu thua thiệt và mất hoà khí, giữa đói nghèo và buôn gian bán lận, giữa tự mình làm bài thi và quay bài v.v... để rồi vượt lên trên mọi sự sợ hãi bằng một nỗi sợ duy nhất: sợ không trở nên một con người như Chúa mong muốn: “Kính sợ Đức Chúa là bước đầu của khôn ngoan” (Cn 9,10).
Như vậy, sự sợ hãi là một dấu chỉ cho con người thấy thân phận của họ là cao quí và luôn hướng về một giá trị cao quí, đồng thời cũng cho họ biết bản chất yếu hèn của mình trước cái khát vọng vươn tới một cuộc sống vẹn toàn, khiến họ phải sợ hãi khi chọn lựa, như đang ở trong một cuộc chiến hay một cuộc thi v.v...: “Lạy Chúa, xin làm cho chúng phải kinh hoàng, chư dân phải nhận biết: mình chỉ là phàm nhân” (Tv 9,21).
Nhưng chính khi cho con người thấy mình hèn mọn của cũng là lúc Chúa cho họ thấy tình yêu bao la của Chúa luôn ở bên để giúp họ vượt qua sự hèn yếu và mọi nỗi sợ hãi: “Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người, ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi” (Tv 100,3); nhờ đó dẫu biết mình hèn yếu, người ta vẫn tin tưởng vào tình yêu Chúa mà bước lên chỗ đứng của người con Chúa, chia sẻ sự sống Thiên Chúa, vì “sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa” (Rm 5,15).
Đó cũng là kinh nghiệm của thánh Phaolô sau những cảm nghiệm về tình yêu Chúa trong ơn gọi cao quí Chúa ban cũng như trong bản tính yếu đuối của con người để cuối cùng ngài phải khoe khoang “như một người điên” về những việc làm anh hùng Chúa đã thực hiện trong bản tính yếu đuối của một con người nơi ngài: “Tôi nói như người điên: tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết ... Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên? Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi” (2Cr 11,23-30).
Đúng thế, trong niềm tin vào tình yêu và quyền năng Chúa không có chỗ cho bất kỳ một sự sợ hãi nào, như chính Đức Kitô đã nói với các tông đồ: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Mt 10,29-31).
Vì thế, sau khi báo cho các tông đồ về sự khốn cực sẽ đến cho những ai tin theo Ngài, Đức Kitô hướng các ông đến sự chọn lựa cuối cùng đem lại bình an là sợ mất Chúa, hạnh phúc đời đời của họ: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (Mt 10,28).
Một cái sợ đem lại bình an: “Con ơi! Hãy cứ để Cha định đoạt về con mặc ý Cha. Cha biết tỏ cái gì hợp cho con” (Imit. III, XVII, 1)!
Lm. HK