Lời Chúa cntn 12 c _ các con bảo Thầy là ai?

CÁC CON BẢO THẦY LÀ AI?
Mặc dù rất đau khổ khi nghe tin cậu con trai yêu quí Jacques vừa tử trận, nữ bá tước Littry vẫn không quên việc phục vụ các bệnh nhân trong bệnh viện do bà sáng lập năm 1870 ở thung lũng Marne, xứ Eperny.
Một hôm, người ta chở đến bệnh viện một thương binh người Đức. Dù anh ta là đồng đội của những người đã làm con mình chết, bà vẫn vui vẻ tiếp nhận và săn sóc. Nhưng thật bất ngờ là trong đồ đạc của anh ta bà đã bắt gặp chiếc ví và đồng hồ của con trai mình.
Ai có thể diễn tả được tâm trạng đau đớn của một người mẹ khi gặp kẻ giết chết người con thân yêu của mình. May thay! một mảnh giấy trong cái ví của Jacques rơi xuống. Bà cúi xuống nhặt lên. Những nét chữ thân quen như mang theo cả giọng nói của người con thân yêu mới qua đời vừa an ủi vừa thêm sức mạnh cho bà: “… Mẹ yêu quí, con luôn nhớ đến mẹ và cầu nguyện cho mẹ. Nếu chẳng may con bị tử trận, xin mẹ đừng quá bi lụy, nhưng hãy can đảm, quảng đại chịu đau khổ để cầu nguyện cho con …”
Thế là bà lại cúi xuống tiếp tục săn sóc anh lính Đức, dù rất đau lòng.
Không ai mà không có những cảm nghiệm đau đớn về một sự mất mát. Mỗi cái mất có một nỗi đau riêng: Ai cũng thấy cảm thương và đau xót cho các nạn nhân của một thiên tai hay một cuộc khủng bố nào đó; nhưng có sự khác biệt đáng kể giữa nỗi đau nơi một người xem tin thế giới và nỗi đau nơi thân nhân của một nạn nhân. Nỗi đau này thực sự chạm đến và làm thay đổi cuộc sống của họ; nỗi đau không để cho họ ngồi yên.
Khi đến để cứu độ con người, Đức Kitô chỉ có một công việc là nói cho mọi người về Thiên Chúa, vì ơn cứu độ được bắt đầu khi người ta biết Chúa. Khi biết Chúa, người ta biết được tình yêu, và thấy được hạnh phúc thật của mình: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khao khát Chúa”.
Biết Đức Kitô là biết Thiên Chúa, biết Đức Kitô cũng là biết được chính mình, nên vấn đề ơn cứu độ nằm ngay trong câu hỏi của Đức Kitô “các con bảo Thầy là ai?”.
Phêrô vừa tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”, thì Chúa tiên báo ngay về cuộc khổ nạn. Cuộc khổ nạn của Chúa giúp cho chúng ta tránh xa những sai lạc, để có một cái biết đúng đắn về Đức Kitô, tình yêu hiến thân của Chúa, và về con người mới, hoa trái của ơn cứu độ.
Biết Đức Kitô là cái biết đem lại ơn cứu độ, nhưng cũng là một cái biết gây đau đớn vì khi nhận ra tình yêu của Chúa cũng chính là lúc chúng ta ý thức được mình đã phản bội Chúa, đã gạt Thiên Chúa - Tình Yêu ra khỏi cuộc sống. Càng biết tình Chúa yêu, càng thấy mình bất xứng; càng biết mình bất xứng, càng thấy rõ hơn tình yêu bao la của Chúa: “Họ sẽ ngước mắt nhìn Ta, Đấng họ đã đâm thâu qua”. Đó là một nỗi đau sống động và hiện sinh: “họ sẽ khóc than người như khóc than con một, họ sẽ thương tiếc người như quen thương tiếc đứa con đầu lòng đã chết”; mà tột đỉnh của nỗi đau đó là thấy mình đã đánh mất chính mình khi lìa bỏ Chúa, nỗi đau của vua Giôsia khi tử thương tại Ađad-remmon, trong cánh đồng Magêđon, vì bất tuân lời Chúa. (x. 2 Sb 35,22-25)
Như thế, biết Đức Kitô là khởi điểm và thành toàn của ơn cứu độ. Cái biết đó làm cho chúng ta vừa đau đớn nhận biết sự bất xứng của mình, vừa được an ủi khi thấy tình yêu tác sinh của Chúa. Cái biết đó thúc đẩy và dẫn đưa chúng ta bước vào quĩ đạo của tình yêu Chúa, con đường dẫn đến hạnh phúc: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì kẻ nào muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất nó. Còn kẻ nào mất mạng mình vì Ta thì sẽ cứu được mạng sống mình”.
Nói cách khác, biết Đức Kitô là biết được ơn gọi của mình khi chịu phép rửa tội, là mặc lấy Đức Kitô, là để tình yêu Chúa hướng dẫn và thúc đẩy, là sống tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống con người.
Cuộc đời thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu rất bình dị nhưng cũng rất vĩ đại, nhiều đau khổ nhưng tất cả đều mang lại hạnh phúc, vì ngài đã hoàn toàn để tình yêu Chúa hướng dẫn và nâng đỡ, như lời ngài kể lại:
“Một lần tại nhà giặt, con ngồi giặt ở đằng trước một chị. Chị này giặt khăn tay, chốc chốc lại làm bắn nước bẩn vào con. Thoạt đầu, con muốn lùi ngay ra lau mặt cho chị ấy biết để giúp con một điều là đừng làm bắn nước bẩn vào con nữa. Nhưng nghĩ lại, con thấy thế là dại, vì bỏ mất những hạt ngọc người ta tặng mình một cách rất đại lượng, và con đã thôi không tỏ vẻ khó chịu gì hết. Hơn nữa con lại cố nén mình để ước ao nước bẩn ấy bắn lên con nhiều hơn. Qua nửa giờ, con đã cảm thấy sự vui thú được vấy nước bẩn. Con định bụng hễ sau này có dịp, lại đến chốn đất lành ấy để làm giàu một cách không mấy khó khăn.”
Thập giá là tình yêu hiến mạng vì người mình yêu, tình yêu tác sinh, tình yêu giải thoát. Đấng Cứu Chuộc tôi đã không ngần ngại vác lấy nó. Tại sao tôi lại ngại ngần?
Lm. HK