Lễ thăng thiên _ Thầy ở cùng anh em

THẦY Ở CÙNG ANH EM
Tôi sống trên mặt đất này, nhưng tôi là con Thiên Chúa.
Lm. HK
Terry Fox đang theo học một đại học ở Canada thì các bác sĩ chẩn đoán anh bị ung thư xương. Một thời gian ngắn sau đó, người ta phải cắt bỏ chân phải của anh đến trên đầu gối. Không ngồi than thân trách phận, anh đã quyết định thực hiện một cuộc chạy xuyên Canada để đánh động lòng người về những đau khổ đến từ bệnh ung thư.
Ngày 12/4/1980, anh nhúng cái chân giả vào Đại tây dương để bắt đầu “Cuộc Maratông cho Niềm Hy vọng.” Ngày 01/9/1980, những bước chân bền bỉ của anh đã bị thu ngắn lại vì bệnh ung thư đã lan đến phổi.
Ngày 28/6/1981, một tháng trước sinh nhật thứ 23 của mình, anh qua đời! Nhưng giấc mơ của anh muốn thu góp mỗi người dân Canada một đôla để nghiên cứu chống ung thư đã được thực hiện. “Cuộc Maratông cho Niềm Hy vọng” đã mang về cho Hội chống ung thư hơn 24 triệu đôla.
Terry Fox đã trở nên một người hùng được nhiều bạn trẻ hâm mộ. Nhưng từ đâu mà anh có được cái sức mạnh đáng thán phục đó?
Niềm tin vào một thế giới khác đã mang lại cho anh - “một cái xác đang chết” - có được sức bật dậy thật mạnh đó, như lời anh nói: “Có một nơi mà đau khổ phải dừng lại” (somewhere the hurting must stop).
Giữa cảnh ‘đời là bể khổ’, đi đến đâu người ta cũng sờ được cái ‘tội nghiệp’ của mình qua mấy chữ sinh, lão, bệnh, tử, thì Đức Kitô Phục sinh chính là Tin Mừng cho mọi người, mọi cảnh sống. Từ khi sống lại cho đến lúc lên trời, Đức Kitô đã “dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình” (Cv 1,3).
Vâng, còn gì là đáng sợ nữa đâu khi người ta đã tận mắt thấy một sự sống vượt trên mọi đau khổ, vượt trên cả cái chết; một thế giới giải trừ hết mọi lệ thuộc và tăm tối của đời người: “Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, mà Người đã biểu dương nơi Đức Kitô, khi làm cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời” (Ep 1,18-20).
Đức Kitô về trời không phải là lìa xa nhân loại mà để minh giải cho tình thương Ngài dành cho chúng ta trong mầu nhiệm nhập thể: “Người đã lên nghĩa là gì, nếu không phải là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất.” Tình thương đó chiếu một luồng sáng rực rỡ vào thân phận con người, mở ra một cánh cửa thênh thang cho chúng ta bước vào đời sống thần linh khi đạt “tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,9.13).
Thế mới hay làm người là một ân huệ vô cùng cao quí. Dù có là ai đi nữa thì mỗi người cũng mang nơi mình cái bản tính được Chúa dựng nên theo hình ảnh Ngài, và chính Ngài đã mang lấy. Cuộc sống con người cao quí như thế nên không có gì là lạ khi Mẹ Têrêxa Calcutta nài nỉ tại Liên hiệp quốc: “Quí bà, quí ông có con cái, xin đừng giết chúng. Ai không muốn nuôi chúng thì cứ đem đến chúng tôi nuôi cho.”
Khi bản tính ấy được đưa về trời với Đức Kitô chính là lúc trời đến gần với con người, và là lúc nhân loại được mời gọi hướng về thế giới của Chúa, chứ không phải là thế giới này: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.” (Cl 3,1-2)
Trời mưa to trong một cơn giông bão, từ tổ chim đại bàng trên chỏm núi cao rớt ra một quả trứng. May thay! Quả trứng đó được một bác tiều phu nhặt lấy mang về bỏ vào ổ gà đang ấp sau vườn. Quả trứng đó được gà mẹ chăm sóc cho đến khi nở ra. Ngày ngày “chú gà con” đó chạy theo gà mẹ bới rác, mổ dế bắt giun.
Một hôm nó ngước nhìn lên trời cao và thấy một cánh chim oai phong băng băng giữa gió lộng, thỉnh thoảng nhịp cánh một cái. Nó hỏi một con gà khác: “Cái gì vậy?” Con gà kia ngẫm nghĩ một chút và trả lời: “Đó là chim đại bàng, vua của các loài chim. Đại bàng thuộc về trời cao, còn chúng ta thuộc về mặt đất.”
Thế rồi nó lại cắm cúi bắt giun dế bên đống rác cuối vườn như một con gà, không hề biết mình là đại bàng.
Tôi sống trên mặt đất này, nhưng tôi là con Thiên Chúa. Mặt đất này không phải là quê hương thật của tôi vì sẽ đến ngày tôi chẳng còn dính bén một chút gì với nó. Đó là ngày tôi bước vào một đời sống mới, chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, Đấng đã từ trời cao mà bước xuống ở với tôi để đưa tôi về với Ngài!
Tại sao tôi vẫn còn chạy đuổi theo những điều sẽ lìa bỏ tôi mà không tìm đến với Đấng đã đến tìm tôi, mà dửng dưng trước lời mời gọi của Đấng yêu thương tôi?
Lm. HK