Tái
Ngộ
Một người đàn ông khi còn sống chuyên
môn làm nghề quảng cáo, đến lúc chết ông ta xuống gặp ngay Diêm vương. Diêm
vương ân cần bèn hỏi: “Muốn ở thiên đàng hay ở hỏa ngục”. Người đàn ông ngập ngừng
đáp: “Chưa thấy thiên đàng hay hỏa ngục như thế nào thì làm sao mà chọn”.
Diêm
vương bàn dẫn ông ta đến một nơi và chỉ cho thấy cảnh thiên đàng: đó là một nơi
mát mẻ, yên lặng, người người dịu dàng đi lại, nói chuyện nhẹ nhàng, chơi cờ
thanh thản… Đoạn dẫn đến một nơi gọi là hỏa ngục thì thấy vui nhộn hơn, có những
đám ăn nhậu với đủ thứ thức ăn và rượu ngon, có cả văn nghệ với nhạc rập rình,
có các cô đào trẻ đẹp múa hát…
Sau khi đã nhìn thấy hai nơi rồi, ông ta mau mắn
trả lời: “Ở thiên đàng buồn quá, tôi thích chọn hỏa ngục vui sướng hơn”. Thế là
Diêm vương sai hai thằng quỉ ném ông ta vào hỏa ngục. Vừa đến nơi ông ta la hoảng
lên vì nóng quá, chả có ăn nhậu, văn nghệ gì ráo trọi, mà chỉ thấy toàn lũ quỉ
đen, nham nhở đang vui thích hành hạ các tội nhân. Ông ta sừng sững sờ quay lại
hỏi Diêm vương: “Thế hỏa ngục lúc nãy Ngài cho tôi thấy nó ở đâu?”. Diêm vương
khoái chí cười ha hả đáp: “Ngu ơi là ngu, quảng cáo mà mày!”.
Đời là thế đấy! đúng là “sinh ư tử nghiệp”
“sống sao thác vậy”. Nói một cách rõ ràng hơn thì người đàn ông trong câu chuyện
đã bị “gậy ông đập lưng ông” vì khi còn sống ông ta đã dùng mánh khóe, xảo thuật
để quảng cáo đánh lừa người khác làm lợi cho mình. Đến khi chết đi, ông ta vẫn
mang dòng máu tham lam, ham lợi đó nên đã bị Diêm vương cao tay hơn dùng chính
lối quảng cáo đánh lừa ông ta là vậy. Nhưng nếu suy rộng ra thì đây cũng là một
mẫu người tiêu biểu cho lối sống của nhiều người thời nay.
Hơn bao giờ hết, người thời nay với lối
sống xô bồ, đua tốc độ với thời gian, lấy vật chất làm động lực sống, coi hưởng
thụ khoái lạc làm mục tiêu hành động nên đã sử dụng môn quảng cáo như là một
tuyệt chiêu để tranh sống và sinh tồn ở đời. Do đó, người ta đua nhau tổ chức
cuộc sống mình đặt trên cơ sở lấy ngắn thay cho dài hạn, lấy lợi trước mắt quên
tác hại sâu xa, lấy bên ngoài quan trọng hơn bên trong, lấy xác hơn hồn. Tất cả
những sai lầm nguy hiểm trên đương nhiên ai cũng chưa biết, nhưng người ta vẫn
cứ sống, vẫn cứ coi thường.
Hôm nay cũng như bao lần khác, chúng ta
cùng nhau mừng lễ Chúa lên trời. Và mỗi lần như thế chắc chắn Chúa vẫn kêu mời
mỗi người chúng ta hãy nghĩ và đặt lại hướng đi cuộc đời của mình cho đúng. Hay
nói cách khác Chúa muốn chúng ta, nhân cơ hội kỷ niệm biến cố Ngài về trời,
sáng suốt nhận ra được đâu là mục đích chính của đời sống tại dương thế. Thảm
thương thay! không hiểu tại sao mọi người chúng ta hình như cứ mải mê cố tình
hoặc khờ khạo coi nhẹ sự sống đời đời.
Sở dĩ có tình trạng mê lầm mất phương hướng
này một phần do những đòi hỏi của cuộc sống mang vẻ hợp pháp đã đánh lừa nhiều
người khiến họ cứ tưởng mình sống không đến nỗi xấu xa lắm: nào là “có thực mới
vực được đạo”, nào là sống đạo cốt tại tâm, nào là phải lo đủ thứ bổn phận
trách nhiệm trong gia đình ngoài xã hội, nào là phải liên tục đương đầu để giải
quyết biết bao công việc khó khăn. Tất cả những thứ đó có đủ mãnh lực mê hoặc,
ru ngủ chúng ta đến nỗi chúng ta cho việc lơ là phần thiêng đạo đức, bỏ bê việc
lành, thông cảm với những yếu đuối sa ngã, khô khan nguội lạnh đôi chút đều
không có gì phải ân hận, nuối tiếc cả.
Phần khác là do ảnh hưởng bên ngoài đầu
độc. Chẳng hạn, thời nay hầu như ai cũng lấy lợi nhuận, hưởng thụ làm mục tiêu
sống, trong khi kẻ nào chủ trương ăn ngay ở lành, ăn chay đền tội thì người ta
cho là dại khờ. Thêm vào đó, nhiều chủ thuyết cổ võ lối sống tự do phóng
khoáng, phi đạo đức luân lý, đả kích tôn giáo khiến đức tin của một số người
đâm lung lay và hoài nghi những chân lý trong đạo. Đặc biệt ma quỉ đâu chịu ngồi
yên, chúng dùng mưu mô xảo quyệt, lợi dụng tối đa mọi hoàn cảnh để ra sức dụ dỗ
con người nghi ngờ Chúa, quên đời sau.
Ngay cả những giây phút cùng nhau chia sẻ
lời Chúa này, có những người tự bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình:
nghĩa là họ thỏa mãn những gì họ đang có, còn đạo đức chỉ là chuyện thứ yếu và
chuyện đời đời lại quá xa vời, không quan tâm vội. Chính khi suy nghĩ như thế
cũng đã đủ để minh chứng rằng nhiều người đang sống xa Nước Trời.
Vậy những ai xác tín rằng quê hương đích
thực của đời mình là ở trên trời cao thì trước hết và trên hết hãy qui hướng tất
cả mọi sự trong cuộc sống, vận dụng mọi hoàn cảnh về nơi đó để cố gắng chiếm đoạt
cho bằng được dù phải trả bất cứ giá nào. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là
phải chạy trốn khỏi cuộc sống khốn khổ này, trái lại phải vui tươi, can đảm chu
toàn những trách nhiệm, bổn phận mà Chúa giao phó cho mỗi người với điều kiện đừng
để cho bản thân, gia đình, của cải, danh lợi làm chủ, điều khiển đến độ quên hết
đời sau.