Chúng ta sẽ cùng sống với Người
Ngôi Hai xuống thế để dẫn tôi lên trời.
Việc tôi phải làm là bước theo Ngài, không chút lưỡng lự…
Một bé gái cầm tay cha đi dọc theo một
con đường miền quê. Bầu trời đêm rất trong. Đứa bé bị mê hoặc bởi vẻ tráng lệ của
bầu trời đêm đầy sao lấp lánh. Bỗng em ngước nhìn cha rồi nói: “Cha ơi, bên dưới bầu trời còn đẹp như thế
thì bên trên chắc phải tuyệt vời lắm cha nhỉ.”
Một câu nói đơn sơ mà toát lên cái
trăn trở của nhân loại xưa nay lúc nào cũng mải mê tìm kiếm hạnh phúc. Đứng trước
cuộc sống nhiều bấp bênh và thấy rõ sự yếu đuối của bản tính con người, ai cũng
thấy hạnh phúc như nằm ngoài tầm tay của mình. Chỉ với niềm tin, người ta mới
nghe được một câu đoan chắc vững vàng về chữ phúc: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường
quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề
luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (Tv 1,1-2).
Nhưng trong cuộc đời, khi sống theo
niềm tin, người ta cũng nghe thấy tiếng phản bác của những thế lực trần thế.
Kìa! “Kẻ ác khoe khoang tham vọng của
mình, bóc lột người ta, xúc phạm khinh thường Chúa. Kẻ ác dám ngông nghênh bảo
rằng: "Chúa chẳng phạt, vì có Chúa đâu!" Tư tưởng nó chung quy là vậy.”
Phần người tin luôn phải chịu thử
thách cho chọn lựa của mình, khi thấy kẻ ác “làm
gì cũng vẫn thành công, đối với nó, phán quyết Ngài thật quá xa vời. Mọi thù địch,
nó khinh thường tất cả, lại còn tự nhủ: "Ta không hề nao núng, chẳng đời
nào phải hoạn nạn đâu!” (Tv 10,3-4.5).
“Ăn có nhai, làm có nghĩ”, chẳng ai mà không thấy cái thành công của kẻ ác sẽ có ngày chấm dứt.
Cái dấu chấm hết đó làm cho niềm tin vào Chúa có thế mạnh tuyệt đối: Bất chấp mọi
đau khổ, kể cả cái chết, niềm tin vào Chúa đặt hạnh phúc vào tầm tay của mọi người.
Hạnh phúc đó không một chút tuỳ thuộc vào những cái được-thua thế tục chóng qua
mà nằm ở một cuộc sống sau cái chết: Các môn đệ Đức Kitô được Người “dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy
là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện
ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (Cv 1,3).
Thế nhưng ngay cả các môn đệ ba năm
theo Chúa mà vẫn còn xa lạ với tinh thần của Ngài, chỉ mong đợi và tìm kiếm
phúc lợi thế tục: “Thưa Thầy, có phải bây
giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?” Bởi thế mà Đức Kitô dạy
họ phải luôn chịu tuỳ thuộc vào Thiên Chúa, và hứa ban Thánh Thần để họ làm chứng
về ơn cứu độ bằng đời sống của họ: “Anh
em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em
sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ
anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê,
Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,6-8).
Vâng, chứng nhân của ơn cứu độ phải
được tràn đầy Thánh Thần của Đức Kitô trong cuộc sống, để có thể “đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô”,
mang trong mình sự sống vượt trên mọi cùng cực của phận người yếu hèn, vượt
trên mọi sợ hãi trước thế lực của bóng tối, trước sự bất trắc của thời sự, của
lòng người. Cuộc sống đó là Tin Mừng mà các tông đồ phải sống và loan báo: “Tôi là Phaolô, người đang bị tù vì Chúa,
tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho
anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác
ái mà chịu đựng lẫn nhau.” (Ep 4,1-2).
Chuyện xưa kể Lư Sinh thi rớt, xấu hổ
và buồn rầu, tính đi tự tử. Dọc đường gặp quán chè kê chàng vào nghỉ chân vì mệt
mỏi đường xa, lại thức trắng đêm không ngủ. Chủ quán lấy gối bông êm cho ngủ.
Lư Sinh nằm mơ thấy mình có tên trên
bảng vàng, được vinh qui, làm quan, lại được phong vương, giàu có, vợ đẹp con
khôn đông đủ thật hạnh phúc, người hầu kẻ hạ, khách khứa bạn bè đủ loại tấp nập.
Một hôm vợ chết, con cái ngã bệnh, của
cải hao tán, bạn bè phản bội dèm pha khiến anh bị thất sủng, bị cách chức đầy
đoạ. Trước sung sướng bao nhiêu thì nay khốn cùng bấy nhiêu. Lư Sinh bứt tóc dậm
chân than thở: “Phải chi ta đừng thi đậu,
thì đâu đến nông nỗi này.”
Anh đá chân làm đổ nồi cháo kê bên cạnh.
Chủ quán tỏ ra thông cảm, ôn tồn nói với anh: “Cậu đã thoả giấc mộng vàng chưa?”
Giấc mơ của Lư Sinh là những gì đang
thực sự diễn ra trên thế giới hôm nay, và đôi khi tôi cũng đã phát điên lên vì
một giấc mộng vàng!
Giấc mộng chỉ là giấc mộng, chẳng đưa
ai lên trời. Ngôi Hai xuống thế để dẫn tôi lên trời. Việc tôi phải làm là bước
theo Ngài, không chút lưỡng lự, vì “nếu
chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó
là niềm tin của chúng ta” (Rm 6,8).