Suy niệm hạnh thánh _ 24/2


Thánh LUCA BELLUDI
(1200-1285)  
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Năm 1220, khi Thánh Antôn rao giảng cho cư dân ở Padua thì một thanh niên thuộc dòng dõi quý tộc, là Luca Belludi, đã đến với thánh nhân và xin được theo nếp sống của những môn đệ Thánh Phanxicô. Thánh Antôn rất mến mộ tài năng, kiến thức của Luca và đích thân giới thiệu anh với Thánh Phanxicô, sau đó chính thánh nhân đã nhận anh vào dòng.
Lúc ấy, Luca chỉ mới 20 tuổi, là bạn đồng hành của Thánh Antôn trong những công tác rao giảng, đã săn sóc thánh nhân vào những ngày cuối đời và sau khi Thánh Antôn từ trần, Luca đã thế chỗ của thánh nhân. Sau đó ngài được bổ nhiệm việc quản lý các tu sĩ Phanxicô ở Padua.
Vào năm 1239, thành phố rơi vào tay quân thù. Những người quý tộc bị tử hình, thị trưởng và hội đồng thành phố bị dẹp bỏ, trường đại học ở Padua từ từ bị đóng cửa và việc xây cất nhà thờ để kính nhớ Thánh Antôn phải bỏ dở. Chính Luca bị trục xuất ra khỏi thành phố nhưng ngài bí mật trở về. Hàng đêm, ngài và thầy quản lý xuống mộ Thánh Antôn trong nguyện đường đang xây cất dở dang để cầu xin sự trợ giúp. Một đêm kia, có tiếng nói vang lên từ ngôi mộ, đảm bảo với các ngài là thành phố sẽ thoát khỏi tay bạo chúa hung dữ.
Sau khi lời tiên đoán ấy thành sự thật, Luca được bầu làm bề trên tỉnh dòng và sau đó ngài hoàn tất vương cung thánh đường để kính nhớ Thánh Antôn, là thầy của ngài. Trong cuộc đời của Chân Phước Luca, ngài thành lập nhiều tu viện, và cũng như Thánh Antôn, ngài được ơn làm phép lạ. Sau khi từ trần, ngài được an nghỉ trong chính vương cung thánh đường mà ngài đã giúp hoàn tất và được tiếp tục sùng kính cho đến ngày nay.
Suy niệm 1: Thanh niên
Năm 1220, khi Thánh Antôn rao giảng cho cư dân ở Padua thì một thanh niên thuộc dòng dõi quý tộc, là Luca Belludi, đã đến với thánh nhân và xin được theo nếp sống của những môn đệ Thánh Phanxicô.
Giới thanh niên có một ưu điểm là tràn đầy nhiệt huyết và luôn kỳ vọng một tương lai tốt đẹp. Tinh thần này đã đốc thúc chàng thanh niên giàu có tìm đến gặp Đức Giêsu để xin chỉ dẫn về việc sở hữu sự sống đời đời. Nhưng tiếc thay của cải đã cản lối đi của anh.
Chàng thanh niên Luca Belludi thì khác. Dầu xuất thân từ hàng quý tộc, nhưng Luca vượt qua được rào cản giàu sang để thực hiện được chí nguyện nên thánh bằng việc theo đuổi nếp sống tu trì.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng làm nôlệ nhưng làm chủ được của cải.
Suy niệm 2: Giới thiệu
Thánh Antôn rất mến mộ tài năng, kiến thức của Luca và đích thân giới thiệu anh với Thánh Phanxicô, sau đó chính thánh nhân đã nhận anh vào dòng.
Việc giới thiệu luôn đóng một vai trò quan trọng trong các mối tương liên trong xã hội. Có được lời giới thiệu của một nhân vật đáng kính giới thiệu thật không gì quý hơn. Luca đã được diễm phúc này.
Lời giới thiệu cũng như nhân vật giới thiệu đều cần thiết, nhưng điều tối cần là người được giới thiệu có hoàn toàn trung thực để xứng như vậy không? Riêng Luca thì thật xứng đáng, vì thế đã được Thánh Phanxicô nhận vào dòng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống tốt cả tài và đức, để không phụ lòng người giới thiệu.
Suy niệm 3: Bạn đồng hành
Luca chỉ mới 20 tuổi, là bạn đồng hành của Thánh Antôn trong những công tác rao giảng, đã săn sóc thánh nhân vào những ngày cuối đời và sau khi Thánh Antôn từ trần, Luca đã thế chỗ của thánh nhân.
Luca quả xứng danh là bạn đồng hành của thánh Antôn. Chẳng những ngài cọng tác trong sứ vụ rao giảng, mà còn săn sóc lúc hấp hối và kế tục sứ vụ, nghĩa là luôn hiện diện trong cuộc đời thánh Antôn.
Thật là một trường hợp họa hiếm, vì không thiếu những bạn đồng hành dầu thánh thiện và nhiệt thành nhưng cũng chỉ làm việc với nhau được trong thời gian thôi, chẳng hạn đôi bạn Banaba và Phaolô (Cv 13,2).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các bạn đồng hành luôn trân trọng thời gian được làm việc chung với nhau.
Suy niệm 4: Nhà thờ
Vào năm 1239, thành phố rơi vào tay quân thù. Những người quý tộc bị tử hình, thị trưởng và hội đồng thành phố bị dẹp bỏ, trường đại học ở Padua từ từ bị đóng cửa và việc xây cất nhà thờ để kính nhớ Thánh Antôn phải bỏ dở.
Nhà thờ vốn là biểu tượng và cũng là tụ điểm thuận lợi để bày tỏ lòng kính nhớ cũng như cầu xin cùng thánh Antôn. Nhưng đó không phải là tất cả. Vì thế cho dầu không có hoặc đang xây dựng dở dang cũng không sao.
Tinh thần vốn không bị giam cầm hoặc bị hạn chế trong một nơi chốn, thậm chí cả không gian và thời gian. Do đó miễn có lòng kính nhớ thì nơi nào và lúc nào cũng có thể thực hiện được. Luca hiểu, sống và đã thu lượm được kết quả.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn giữ vững tinh thần trong những tình huống bất khả.
Suy niệm 5: Tiên đoán
Sau khi lời tiên đoán ấy thành sự thật, Luca được bầu làm bề trên tỉnh dòng và sau đó ngài hoàn tất vương cung thánh đường để kính nhớ Thánh Antôn, là thầy của ngài.
Lời tiên đoán luôn hướng về một tương lai chưa đến. Chỉ khi xảy ra thì mới thấy được giá trị của nó là thật hay không. Tuy nhiên giá trị của lời tiên đoán có thể được cảm nghiệm từ thế giá của người tiên đoán.
Thật vậy lời tiên đoán của các ngôn sứ giả và của ngôn sứ Mikhagiơhu đều trái ngược nhau về chiến trận của vua Akháp. Và dĩ nhiên vua tử trận đúng như lời tiên đoán của ngôn sứ thật, chứ không thành công như các ngôn sứ giả (1V 22,6tt).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cẩn trọng tìm biết nguồn gốc của lời tiên đoán đến từ ai.
Suy niệm 6: Phép lạ
Trong cuộc đời của Chân Phước Luca, ngài thành lập nhiều tu viện, và cũng như Thánh Antôn, ngài được ơn làm phép lạ.
Ơn làm phép lạ là một hồng ân Chúa đặc ban cho Luca, nhưng thật chính đáng để giúp cho Luca thực thi đức bác ái cách hữu hiệu hơn, vì đức mến phải được thể hiện trong hành động thì mới có giá trị thuyết phục.
Đàng khác nếu có được ơn làm phép lạ hoặc các đặc ân khác mà không có đức mến thì cũng chẳng là gì (1Cr 13,1-3), vì tất cả đều mang tính nhất thời, chỉ có đức mến thì không bao giờ mất được (1Cr 13,8).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con phải luôn đặt tình bác ái lên trên hết (2Cr 2,8), vì đức mến thì vượt trên hết mọi đức tính (Cl 3,14).