DẤU CHỈ THỜI ĐẠI
Tôi đang sống trong một thời đại nhiều biến cố. Có những biến cố chỉ đụng chạm tới tôi. Có những biến cố làm xôn xao cả nước. Có những biến cố liên hệ đến toàn thể Giáo Hội và thế giới.
Sự xuất hiện của những phong trào gây sôi động cũng là những biến cố.
Mỗi biến cố là một dấu chỉ. Mỗi dấu chỉ đều có một ý nghĩa. Nhiều khi Chúa muốn nói với tôi qua biến cố. Nhưng tôi phải khiêm tốn và bình lặng mới nghe thấy được.
Mỗi biến cố đều mang một ẩn số. Ẩn số đó gói một sứ điệp Chúa muốn gởi cho tôi. Nhưng tôi phải chăm chú và vô tư lắm mới khám phá được sứ điệp đó.
Mỗi biến cố là một bài toán. Bài toán đó gài vào đời tôi. Nhưng tôi phải phục thiện lắm mới tìm ra được giải pháp.
Không phải vô lý mà Công đồng Vatican II đã khuyên tôi phải để ý đến những dấu chỉ của thời đại. (Hiến chế Gaudium et Spes)
Thời đại cho thấy nhân loại không ngừng đổi thay. Nhưng nếu trong những đổi thay đó Chúa vẫn luôn luôn hiện diện và cũng muốn tôi hiện diện như một chứng nhân của Ngài, thì tôi phải làm gì đây?
Câu hỏi trên đây nhiều khi làm tôi bứt rứt.
Để tìm trả lời, có lúc tôi thử đặt tôi vào thời của Chúa Cứu Thế, để dò coi phản ứng của tôi thế nào. Thời đó được coi là thời có nhiều biến cố và khởi xướng nhiều thay đổi. Đại khái thế này:
Chúa Cứu Thế sinh ra trong cảnh cơ cực nghèo nàn. Ấy thế mà sự sinh ra của Ngài đã bị coi là một biến cố gây xáo trộn, nên vua Hêrôđê đã hạ lệnh giết hết các trẻ em vùng Bêlem, với hy vọng giết luôn được Chúa.
Ba mươi năm sau, Chúa Cứu Thế công khai đi rao giảng việc canh tân lòng người. Ngài lại bị cánh Pharisiêu kết án đủ tội.
- Tội không kiêng việc ngày lễ (Ga 9,16).
- Tội không giữ luật lệ cha ông dạy phải rửa tay trước khi ăn. (Lc 11, 38)
- Tội nhờ phép quỷ mà làm điều lạ (Mt 12,24)
- Tội đi lại ăn uống với người tội lỗi (Mt 9, 11)
- Tội gây nguy hại cho nền an ninh quốc gia (Ga 11,48)
Thế rồi đến 33 tuổi, Ngài bị bắt và bị kết án tử hình, vì cho rằng Ngài xách động quần chúng (Lc 23,2) gian ác (Gn 18,30) và lộng ngôn (Mc 14,64).
Giáo quyền tố cáo, chính quyền kết án, dân chúng a dua, toàn là biến cố động trời.
Giả như tôi sống trong thời đó, tôi sẽ đứng về phía nào? Liệu tôi có dám bênh Chúa không? Tôi nghi tôi quá. Những biến cố xảy ra có dạy tôi điều gì không?
Hoàn cảnh của tôi bây giờ không hoàn toàn giống thời đó. Vì tôi có một Giáo Hội cởi mở và khôn ngoan. Chính Giáo Hội chủ trương lắng nghe dấu chỉ của thời đại để kịp thời canh tân và thích ứng Phúc âm vào lịch sử.
Tuy nhiên, trong việc cắt nghĩa những dấu chỉ của thời đại, tôi không nên vội vàng thiên kiến. Tìm thực sự bao giờ cũng là một việc phải dò dẫm. Tìm ý Chúa bao giờ cũng đòi một sự khiêm tốn và vô tư.
Tôi hãy biết ghi nhận trung thực các sự kiện.
Tôi hãy lắng nghe tiếng nói của mọi phía.
Tôi hãy đón nhận khát vọng của mọi tầng lớp.
Tôi hãy quan sát chiều hướng của các diễn biến.
Tôi hãy cầu nguyện và bàn bạc với Chúa.
Phải rất khiêm tốn và ngay thẳng mới trông tìm được đúng ý nghĩa của các dấu chỉ hiện nay.
Nếu tôi có thành thực, các dấu chỉ hiện nay sẽ cho tôi biết rõ hơn về tôi, về tình thế, và về ý Chúa.
Có lẽ điều quan trọng hơn cả là phải can đảm, dám chấp nhận ý nghĩa Chúa muốn gởi vào các dấu chỉ.
Sự thật nhiều khi bi đát. Bởi vì sự thật có thể sẽ kết án và bắt tôi phải sửa lại tất cả nếp sống.
ĐGM Bùi Tuần