Gặp được
Chúa Cứu Thế
Bao lâu Phúc Âm còn rao giảng đều luôn luôn
có những đạo sĩ, đó là những người tìm kiếm Chúa bằng cách này hay bằng cách
khác.
Hôm nay chúng
ta mừng lễ ba Vua, tức lễ Hiển Linh. Dựa vào Thánh Kinh và Thánh Truyền kể lại
việc tìm kiếm Chúa của Ba Vua từ Phương Đông miền đất Palestina, theo sự hướng
dẫn của một vì sao lạ. Các ngài đã khám phá ra dấu lạ, rủ nhau lần mò dò dẫm
tìm đến Bethlem, và cuối cùng sau cuộc lộ trình đường xa nhiều gian khổ và nguy
nan, các ngài đã gặp được Chúa Cứu Thế.
Như ngày lễ
Giáng Sinh, lễ Hiển Linh biểu lộ một niềm vui, đó là những hình ảnh, những gói quà, lạc đà, Ba
Vua, ngôi sao, nhưng còn vui hơn vì ý nghĩa quan trọng chứa đựng trong ngày lễ
này, đó là việc Chúa tỏ mình ra cho các dân, các nước. Ngài là Vua các vua và mọi
dân tộc khắp bờ cõi trái đất đều phải tôn thờ Ngài.
Nơi bài đọc I,
Giáo hội dùng bài ca trở về của dân Do Thái nơi sách tiên tri Isaia để diễn tả
niềm vui của người được cứu thoát khi vinh quang của Chúa bừng dậy. Một số những
người nô lệ ở Babylon thuộc dân Do Thái nghĩ mình đang sống trong đêm tối, họ mất
hết niềm vui, không còn hứng thú gì để đàn ca xướng hát. Họ đặt những nhạc khí,
họ treo những cây đàn nơi gốc cây, nơi cành cây dọc bên bờ sông Babylon, và nơi
bờ sông họ ngồi khóc nhớ Sion, nhớ về Thành Thánh Jérusalem.
Nhưng vui mừng
biết bao ngày cứu thoát đến, ngày trở về quê hương, ngày được gặp lại
Jérusalem, được lên đền thờ dâng lễ tạ ơn Chúa. Và điều đặc biệt là ánh sáng bừng
lên ở Jérusalem. Đây không phải là ánh sáng của trần gian mà là ánh sáng của
chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là ánh sáng và khi Chúa là ánh sáng thì Ngài không
phải chỉ là ánh sáng của Israel mà thôi nhưng Ngài còn là ánh sáng của muôn dân, muôn nước. Từ đó những kho tàng bể khơi tuốn đến Jérusalem,
nguồn phú túc của chư dân sẽ tới Jérusalem. Tất cả muôn người lũ lượt từ các
nơi tuôn đến Jérusalem. miệng cao rao những lời ngợi khen Thiên Chúa.
Nếu bài đọc I
trình bày một hình ảnh vui tươi của Jérusalem ngày đại lễ, ngày muôn dân tiến đến
trong huy hoàng rực rỡ sang trọng, thì nơi bài đọc II thánh Phaolô đưa hình ảnh
ấy lên hàng siêu nhiên. Nơi bài I sự giàu sang phú quí từ các nơi được đưa về để
tung hô Chúa, thì nơi bài đọc II đáp lại ân sủng Chúa ban phát dư tràn cho mọi
người qua các tông đồ, các tiên tri, nhờ Chúa Thánh Thần thánh hóa. Nhờ lòng
thương xót bao la ấy của Thiên Chúa, tất cả dân tộc trên mặt đất đều trở nên
người thừa tự, trở nên người cùng một thân thể và thông phần với lời hứa của
Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô.
Nhìn chung cả
hai bài đọc đều diễn tả tình yêu thương hài hòa giữa Thiên Chúa và con người với
nhau. Con người một lòng một dạ nhìn nhận Thiên Chúa là Vua. Chúa ban ơn cho
con người, nhất là ơn được làm nghĩa tử trong Đức Giêsu Kitô, không phân biệt
ai cả.
Bài Phúc Âm diễn
tả rõ ràng hơn, cụ thể hơn và sinh động hơn trước mắt ta cuộc tìm kiếm Chúa, rồi
được Chúa giúp đỡ ban ơn hướng dẫn. Con người không ngại gian lao cực nhọc và
cuối cùng gặp được Chúa. Con người quì gối sụp lạy và dâng lễ vật cho Ngài.
Xong trở nên con người mới, đi con đường khác, trở về với đời sống hằng ngày
của mình.
Dựa vào đoạn
Phúc Âm duy nhất của thánh Matthêu diễn tả cuộc viếng thăm kỳ diệu này, người
ta hay trưng bày vao hang đá trong ngày lễ Hiển Linh ba vị vua. Thật ra, không
có chỗ nào nói đó là các vị vua, cũng không có chỗ nào cho biết con số của họ
là bao nhiêu. Nhưng truyền thống gọi là ba, vì dựa vào ba lễ vật thánh Matthêu
kể ra: vàng, nhũ hương và mộc dược.
Về tên của ba
vua là: Kalbar, Manthior và Bankasa, nhưng đến thế kỷ IX người ta mới đề cập đến.
Thật ra, tất cả những chi tiết nhỏ này không có nền tảng trong Kinh Thánh và
ngôi sao lạ hiện vẫn còn là đối tượng của những giải thích khác nhau. Dầu vậy
những điểm chính đã dễ cho chúng ta suy niệm đó là những con người đến từ những
xứ xa xôi để tìm vị Vua Do Thái mới sinh ra và khi gặp được Ngài, họ quì gối xuống
sụp lạy Ngài.
Hình ảnh ấy cho
chúng ta thấy mãi mãi bao lâu Phúc Âm còn rao giảng đều luôn luôn có những đạo
sĩ, đó là những người tìm kiếm Chúa bằng cách này hay bằng cách khác. Và khi đã
gặp được Chúa, thì thành tâm thực lòng thờ lạy Chúa, nhìn nhận Người là Vua, là
Chúa của mình, của đời sống mình, của gia đình mình và cuối cùng là của toàn thể
nhân loại.
Cùng với Ba Vua
bên máng cỏ, chúng ta hãy tôn thờ uy quyền tối cao của Hài Nhi Giêsu và xin cho
chúng ta luôn nhạy cảm đối với những cảm hứng khích lệ của quyền năng Chúa
trong tâm hồn mình.
Để có việc làm
cụ thể, trong tuần này tôi hình dung ra những tác động của Ba Vua trên con đường
tìm Chúa. Đó là để tâm, để ý tìm hiểu sự kiện. Dám chấp nhận dấn thân quyết chí tìm gặp cho được Chúa. Khi gặp được Người thì phủ
phục tôn thờ và dâng lễ vật. Rồi sau cùng, từ bỏ con đường cũ, đi theo con đường mới, con đường của tin yêu và hy vọng, con đường của sự
sống bất diệt trên thiên quốc.
(Trích trong
‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)