CẦU NGUYỆN TRƯỚC CHÚA HÀI ĐỒNG
1. Một việc tôi cho là rất quan trọng, khi mừng Chúa Giáng Sinh, đó là cầu nguyện. Cầu nguyện này được gợi ý từ Kinh Thánh. Kinh Thánh soi sáng cho tôi biết: Chúa Giáng Sinh nhắm mục đích được ở với loài người (x. Mt 1,23).
Nhờ soi sáng đó, tôi hiểu Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ đợi mỗi người chúng ta hãy đón Người về căn nhà của mình. Nhà mà Người muốn đến thăm không phải là căn nhà vật chất, mà là tấm lòng của mỗi người chúng ta.
Với nhận thức như trên, tôi cầu nguyện với Chúa một cách hồn nhiên, “Lạy Chúa, xin mời Chúa đến căn nhà của con. Căn nhà của con là một tấm lòng hèn mọn. Xin Chúa ở lại đó. Xin Chúa coi đó như là căn nhà Chúa ngự”.
Tôi cầu nguyện như thế với tất cả tâm tình khao khát đợi chờ.
Tôi tin Chúa sẽ nhận lời tôi. Và, thực sự Chúa không chê bỏ ý nguyện chân thành tha thiết của tôi. Tôi nhận được sự trả lời của Chúa qua cuộc trao đổi thân thương trong nội tâm sâu thẳm.
Chúa nói, tôi trả lời. Tôi nói, Chúa trả lời. Nói và trả lời như những bước đi nhẹ nhàng của hai tình yêu, mặc dầu hai tình yêu ấy rất khác nhau.
Tôi xin ghi lại ở đây vắn tắt những bước đi nhẹ nhàng đó.
2.
Trước hết, Chúa cho tôi biết: Để đón Chúa vào căn nhà của tôi, thì căn nhà đó phải sạch sẽ.
Lời Chúa dạy làm tôi nhớ lại những gì thánh Gioan Tiền Hô đã giảng về bổn phận sám hối và sửa mình để đón Chúa (x. Lc 3,4-6).
Ơn Chúa dắt tôi xem lại căn nhà của tôi, tôi thấy căn nhà đó không sạch sẽ chút nào. Lý trí không sạch, ý muốn không sạch, trí nhớ không sạch, trí vẽ không sạch, tình cảm không sạch, giác quan không sạch.
Cảnh tội lỗi trong tôi khiến tôi khiêm tốn. Sự khiêm tốn đã giúp thánh vương Đavít cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm” (Tv 50,3). “Xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ” (Tv 50,12).
Tôi cũng mượn lời trên đây của thánh vương Đavít để tỏ bày sự sám hối của tôi. Hơn nữa, tôi còn dựa vào lời khuyên của thánh Phêrô mà thưa với Chúa rằng: “Xin Chúa dùng máu châu báu của Chúa đã đổ ra, mà cứu chuộc con khỏi tội lỗi” (x. 1 Pr 1,19).
Khi tôi thưa với Chúa những lời trên đây, tôi nhận ra sự thực này: Làm cho tâm hồn mình nên sạch sẽ không chỉ là việc của thiện chí mà thôi, nhưng còn phải nhờ vào ơn Chúa. Tôi phải nhờ vào ơn Chúa, đó mới là yếu tố chính. Tôi dâng nhận định ấy lên Chúa. Tôi cảm nhận được sự dâng lên đó được Chúa đoái nhận như một của lễ đẹp lòng Chúa. Tôi cảm thấy Chúa gần lại sát bên tôi.
3.
Chúa cho tôi biết thêm ý Chúa: “Căn nhà sạch sẽ là một điều kiện tốt. Nhưng để Chúa đến và ở lại trong đó, tôi phải tỉnh thức”.
Lời nhắn bảo vắn tắt về tỉnh thức gói ghém rất nhiều điều Chúa đã dạy trong Phúc Âm. Được Chúa cho biết: Chúa sẽ đến căn nhà của tôi vào lúc bất ngờ. Chúa cũng sẽ đến đó dưới nhiều hình thức bất ngờ. Bất ngờ, nghĩa là Chúa đến không theo giờ tôi định cho Người, mà theo giờ nào Chúa muốn. Bất ngờ, nghĩa là Chúa đến không theo hình thức mà tôi tưởng, như dưới hình thức cao sang, nhưng dưới hình thức mà chính Người chọn, có thể như dưới hình dạng của một người thân thương, hay như một biến cố thảm thương.
4.
Tôi hiểu sự tỉnh thức mà Chúa nhắn bảo là điều kiện xác đáng và rất quý giá. Nhưng, khi nhìn vào chính mình, tôi thấy mình quá yếu đuối.
Tôi nhớ lại các tông đồ Chúa tối ngày thứ Năm Tuần thánh. Sau khi được chịu chức thánh và được dự thánh lễ tiệc ly, với bao nhiều điều Chúa dặn dò tâm huyết, các ngài đã cùng với Chúa vào vườn Cây Dầu. Ở đó Chúa yêu cầu các ngài hãy tỉnh thức và cầu nguyện. Nhưng các ngài đã ngủ. Không phải vì các ngài không muốn vâng lời Chúa. Nhưng vì các ngài quá yếu đuối, không sao cưỡng lại được nhu cầu nặng nề của thân xác.
Tôi lạm phép đưa ra trường hợp yếu đuối trên đây của các tông đồ, để thưa với Chúa về sự yếu đuối của tôi. Sự yếu đuối của tôi còn nặng nề và đáng trách hơn sự yếu đuối của các tông đồ. Sự yếu đuối của tôi là một thứ bệnh tật rất khó trị, hầu như không thể chữa khỏi. Tôi sực nhớ lời Chúa phán: “Người khoẻ mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Lc 9,12). Lời Chúa cho tôi niềm tin vào lòng xót thương Chúa. Với niềm tin vững vàng, tôi xin Chúa đến chữa trị bệnh thiếu tỉnh thức của tôi. Tôi vui mừng được Chúa thương chữa trị. Chữa trị của Người là sự tha thứ đầy xót thương.
Trong giây lát, tôi cảm nhận được Chúa chính là Đấng Cứu độ. Người là Đấng giàu lòng thương xót. Người đi vào tâm hồn tôi một cách âm thầm.
5.
Dần dần tôi cảm thấy trong tôi một thứ lửa thiêng bừng cháy. Tôi nhớ lại lời Chúa phán xưa: “Ta đến đem lửa vào mặt đất. Và Ta những ước mong phải chi lửa ấy bùng lên” (Lc 12,49).
Lửa ấy bừng cháy trong tôi làm cho tôi xác tín: Tôi được Chúa thương, tôi được Chúa cứu, tôi được Chúa gọi, tôi được Chúa sai đi, Chúa chính là Tin Mừng của tôi.
Để đáp lại tình Chúa xót thương vô vàn, tôi chỉ biết thưa với Chúa rằng: “Này con xin đến, để làm theo ý Chúa” (Dt 10,9).
Lời cầu xin phó thác ấy được Chúa trả lời tôi: Ý Chúa về tôi là tôi hãy tiếp tục ơn gọi của Đấng Cứu thế, đó là sống như một của lễ. Của lễ đó sẽ âm thầm, như lời Chúa phán xưa: “Thầy bảo thật các con, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất, mà không thối đi, nó sẽ trơ trọi một mình. Còn nếu nó thối đi, nó mới sinh ra nhiều hạt khác” (Ga 12,24).
6.
Trên đây là chia sẻ của một người yếu đuối. Thiết tưởng nó thích hợp với mọi người bé mọn. Nó là một kỷ niệm cho tôi. Nó là một nhắn gởi cho những người bé mọn Chúa thương.
Chúa Giáng sinh sẽ đến và ở lại trong lòng mỗi người chúng ta. Miễn là chúng ta biết đón nhận Người. Người sẽ làm cho những người yếu đuối bé mọn trở thành nhân chứng tình yêu của Người. Người sẽ đưa chúng ta về Nhà Cha bằng con đường đơn giản là gắn bó mật thiết với Người.
Gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, để cùng với Người, trong Người và nhờ Người, chúng ta phục vụ yêu thương theo chương trình cứu độ của Chúa.
Lạy Chúa, xin thương đến thăm con và ở lại trong con.