HỌC LÀM NGƯỜI _ giá một ly nước chanh

GIÁ CỦA MỘT LY NƯỚC CHANH
Đây là một câu chuyện trên Interntet. Một cậu bé 9 tuổi mỗi ngày đi học được mẹ cho 2000đ, chỉ đủ để uống một ly nước chanh. Lần nọ, cậu rụt rè xin mẹ thêm 2000đ nữa để đãi bạn cùng uống nuốc vì lý do rất chính đáng: “Hôm qua, bạn mời con ăn bánh”. Bà Mẹ hỏi: “Khi ăn bánh của bạn, con có nghĩ ra được cách nào để có tiền đãi bạn, ngoài cách xin mẹ tiền không?”. Cậu bé hồn nhiên trả lời: “Dạ không ạ”. “Thế sao con lại ăn bánh của bạn? Đúng ra, con nên suy nghĩ trước rồi hãy nhận lời. Ta sẽ giải quyết thế này vậy: Hôm nay con mang nước lọc đi học, để dành 2000đ lại, cộng với 2000đ của ngày mai, con sẽ đủ tiền đãi bạn cùng uống nước”.
Nếu bạn nghĩ rằng bà mẹ quá nghiêm khắc, có lẽ bạn nên xem tiếp câu chuyện dưới đây.
GIÁ 15 THÁNG CHƠI GAME
N. năm nay học lớp 11. Bố mẹ N. đều là lãnh đạo của những ngân hàng lớn. Như mọi bậc cha mẹ khác, anh chị động viên con cố gắng học tốt và định hướng thi đại học rõ ràng để sau này đạt mức thu nhập trên 2000 USD/tháng . Vừa nghe dứt lời, N. quy đổi lập tức 2000 USD ra tương đương với 40 triệu, Với 40 triệu, cậu sẽ được… chơi game thả cửa trong 15 tháng. Bố mẹ N. hết hồn. Đây không nói đến chuyện cậu bé mơ ước điều gì, nỗi “hết hồn” của bố mẹ N. là nhận ra con mình không biết phân biệt giữa “cái muốn” và “cái cần”.
Nên nói thêm, N. không phải là trường hợp cá biệt, một điều tra năm 2010 cho thấy 25% học sinh tại các thành phố lớn cảm thấy không bao giờ có đủ tiền để tiêu xài. Phần lớn tiền ăn sáng của các em không phải để ăn sáng mà để ăn vặt, uống trà sữa và xem phim. Tương tự, tiền các em được cho để để dành luôn dành để “bù lỗ” những khoản lạm chi. Kết quả là 32% học sinh phải đối mặt với cảnh “túng bấn” khi bất ngờ phát sinh một khoản chi lớn, dẫn đến việc phải vay mượn. Dưới mắt của người làm trong ngành tài chính, bố mẹ N. biết, khi không biết phân biệt giữa “cái muốn” và “cái cần”, trẻ rất dễ hình thành thói quen tiêu xài hoang phí. Và quan trọng hơn, theo đà phát triển về tín dụng của các ngân hàng, tình hình tài chính cá nhân ngày càng phức tạp, những đứa trẻ như N. rất dễ trở thành các con nợ trong tương tai.
Cuộc điều tra trên cũng cho thấy điều trớ trêu là phần lớn phụ huynh thống nhất rằng thanh  thiếu niên bây giờ tiêu tiền hoang phí, ngoại trừ… con mình. Hầu hết bố mẹ mặc nhiên cho rằng con mình biết tiêu tiền, trong khi lại rất ít có dịp kiểm tra xem con sử dụng tiền có đúng mục đích không.
MỌI THỨ ĐỀU CÓ GIÁ…
Năm 2005, một cậu bé Singapore tên Jeremy Tio, lúc đó mới 9 tuổi, đi lạc trong rừng cùng với 3 người anh họ suốt 3 ngày. Khi nhóm cứu hộ tìm được, cả 4 cậu bé đã gần như kiệt sức và hoảng loạn. Khi hiểu ra mình vừa được cứu, Jeremy Tio thốt lên: “Cháu yêu các chú!”. Cậu không khóc nhưng người cứu hộ trào nước mắt vì cảm động và vui mừng. “Hãy đưa cháu về nhà. Cháu sẽ cảm tạ chú bằng tất cả số tiền cháu có”. Sau câu nói ấy, Tio trở thành một “hiện tượng” của nền giáo dục Singapore. Người ta không chê trách cậu bé, vì em còn nhỏ và sau những gì em đã trải qua. Tuy nhiên, chính nhờ Tio, Singapore nhận ra rằng họ đã đào tạo được một thế hệ vô cùng thực dụng, tin rằng có thể mua mọi thứ bằng tiền hoặc bằng… nhiều tiền.
Như vậy, rõ ràng là cho con tiền thì dễ, dạy con cách tiêu tiền mới khó. Khó hơn nữa là không có công thức chung trong việc dạy trẻ chi tiêu bởi mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi đửa trẻ mỗi tính nết. Quan trọng hơn cả, phụ huynh cần làm gương cho trẻ trong việc lập kế hoạch chi tiêu và thực hành tiết kiệm. Qua những câu chuyện trong bữa cơm, nên thường xuyên chia sẻ với trẻ các khoản chi tiêu trong gia đình. Rủ con đi chợ, đi siêu thị cũng là một cách hay để giúp trẻ biết cân nhắc việc tiêu xài. Hãy hướng dẫn con kỹ năng quản lý tài chính thay vì cằn nhằn khi con xin tiền hoặc soi mói, lục lọi túi để tìm hiểu tiền để dành của con.
Lý nước chanh trong câu chuyện trên đây đâu phải chỉ có giá 2000đ. Nó vô giá, bởi bài học giáo dục tài chính ấy ứng dụng trong suốt cả cuộc đời.
THÁI MAI