NÓI VỚI CHÍNH MÌNH _ nói năng

NÓI NĂNG
ĐGM Bùi Tuần
Im lặng là quê hương của kẻ mạnh. Vì trong im lặng mới phát sinh được những tư tưởng mạnh, nhờ im  lặng mới nung nấu được những động lực mạnh, và để im lặng thường phải có ý chí mạnh.
  Im lặng là vàng.
  Tuy nhiên không phải luôn luôn nên im lặng. Nhiều khi phải nói. Nói đâu phải xấu. Xấu tốt là do nội dung, ý hướng và cung cách.
  Nội dung lời nói phải là sự thật.
  Đã nói phải nói sự thật. Nhưng không phải sự thật nào cũng nên nói. Gán cho người điều xấu không có, đó là vu khống. Tiết lộ hay phổ biến điều xấu người ta có, đó là nói hành. Gièm pha, thêm bớt, xuyên tạc, đó là những hình thức và mức độ khác nhau của vu khống và nói xấu: tất cả đều xấu.
  Ý hướng lời nói phải là sự thiện.
  Nói để thông tri. Nói để xây dựng. Nhưng có khi nói sự thật với chủ ý phô trương, có khi nói đạo đức với thêm quảng cáo chính mình, có khi chỉ trích sự tội kẻ khác với thâm ý hại họ và đề cao bản thân, có khi bênh vực chân lý với hậu ý bênh vực tự ái.
  Cung cách lời nói phải là lịch sự.
  Nói là truyền thông tư tưởng, nhưng cũng đã diễn tả chính mình. Có những kiểu nói cộc cằn, biểu lộ tâm hồn thiếu tế nhị. Có những giọng nói hách dịch, tố cáo một khuynh hướng kiêu căng.Có những lời nói cứng cỏi phơi bày một tính tình nghèo thiện cảm. Tất cả đều xấu.
  Lời nói là người.
  Có người càng nói nhiều, càng tỏ mình trống rỗng. Người ta dễ khen người ít nói. Chẳng mấy ai khen kẻ nói nhiều.
  Kẻ ít nói và kẻ nói nhiều, cả hai cùng đáng sợ. Nhưng hai cái sợ khác nhau. Sợ kẻ nói ít vì họ vẫn còn những gì mình nên dè dặt. Sợ kẻ nói nhiều vì họ dễ trở thành nguyên nhân phiền rầy.
  Nói nhiều chưa chắc đã làm nhiều. Làm nhiều nói ít thì hơn là nói nhiều làm ít.
  Nói hay, không tại hay nói. Thà nói ít mà tư tưởng phong phú rõ rệt, còn hơn là hay nói mà tư tưởng nghèo hèn luộm thuộm.
  Nói nhiều, khó tránh khỏi sai lỗi và dư thừa. Sai lỗi tất nhiên không tốt, mà dư thừa cũng chẳng là điều hay.
  Nói dai dẳng, nói hoài, nói không để ai nói, nói không cần ai nghe, đó là cách gây ác cảm rất thành công.
  Lời nói là một ký hiệu.
  Ký hiệu là dấu bề ngoài. Gọi là dấu bề ngoài, vì nó dùng để chỉ một sự bên trong. Không thấy được bên trong, nên phải dùng dấu bề ngoài. Dấu chỉ có thể mang nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa một ngôn từ thường được hình thành do một sáng kiến, một thói quen. Nó có thể biến đổi. Một ngôn từ khi đã dùng cho nhiều nghĩa khác nhau thì việc chọn lựa phải rất thận trọng. Vì tâm lý con người thường dễ liên tưởng từ nghĩa nọ sang nghĩa kia. Ví dụ đẹp và kêu như danh từ dấn thân, nhưng đến nay đã dùng cho quá nhiều nghĩa, từ tốt nhất, hay tới xấu nhất. Hiện tượng đó coi là một kinh nghiệm.
  Chọn lời mà nói. Chọn chữ mà dùng. Ăn phải nhai, nói phải nghĩ. Nói hợp với người nghe. Việc đó không dễ. Chắc không phải vô cớ mà thánh Giacôbê đã quả quyết: “Ai không lỗi trong lời nói, người dó là người hoàn toàn’’ (Giacôbê 3, 2). Thế mà có bao giờ tôi chịu khó xét mình về vấn đề nói năng không?
ĐGM Bùi Tuần