GIẢI THÍCH MỘT SỐ TỪ PHỤNG VỤ
Thánh lễ đồng tế:
Thánh lễ đồng tế do nhiều linh mục cùng cử hành, và dưới sự chủ tọa của một vị.
° Tại Tây Phương, trước thế kỷ thứ XIII, thánh lễ được đồng tế "âm thầm", nghĩa là chỉ có vị chủ tế, là người có chức vụ lớn nhất, đọc kinh Tạ Ơn (Kinh nguyện Thánh Thể) mà thôi. Vào thế kỷ thứ XIII tại Rôma, các vị đồng tế cùng đọc kinh Tạ Ơn với Đức Giáo Hoàng, và mỗi vị cầm một bánh lễ trong tay của mình. Khoảng cuối thời Trung cổ, thánh lễ đồng tế không còn phổ thông nữa.
Công Đồng Vaticanô II (1962-1965) xác định giá trị cao cả của thánh lễ đồng tế, vì việc đồng tế biểu lộ cách thích đáng của chức linh mục và của hy tế, cũng như sự hợp nhất của toàn dân Chúa.
° Tại Đông Phương, thánh lễ đồng tế vẫn được duy trì từ xưa tới nay.
"Thánh ! Thánh ! Chí Thánh !"
Bài hát này là bản tổng hợp của một số câu Kinh Thánh: (theo bản dịch mới)
° Thánh ! Thánh ! Chí Thánh ! Thiên Chúa, Chúa Tể càn khôn là Đấng Thánh (Is 6, 3; Kh 4, 8).
° Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa (Is 6, 3).
° Hoan hô Chúa trên các tầng trời (Mt 21, 9).
° Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa (Tv 117, 26; Mt 21, 9).
° Hoan hô Chúa trên các tầng trời (Mt 21, 9).
Câu trong Isaia (6, 3) gồm: "(Toàn trái) đất rạng ngời vinh quang Chúa". Phụng vụ thêm chữ "trời". Viễn ảnh trở nên bao la: cả trên trời và dưới đất, cả các thiên thần, các thánh và loài người, với muôn loài tạo vật, đồng thanh tung hô vinh danh Chúa Cha.
Theo sách Khải Huyền (4, 8), bài "Thánh ! Thánh ! Chí Thánh" là lời tung hô của các thiên thần và các thánh trên trời. Như thế, mỗi thánh lễ được cử hành làm cho chúng ta hướng về lời tán tụng muôn đời này.