GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - THÁNH LỄ

GIẢI THÍCH MỘT SỐ TỪ PHỤNG VỤ
Kinh Tin Kính
Có hai bản kinh Tin Kính: kinh Tin Kính các Tông Đồ và kinh Tin Kính Nicée. Dưới hình thức này hay hình thức khác, kinh Tin Kính được cộng đoàn đọc trong các thánh lễ Chúa nhật và lễ trọng sau bài Tin Mừng và bài giảng.
° Kinh Tin Kính các Tông Đồ, cũng gọi là Biểu Tín các Tông Đồ (symbole des Apôtres), là bản kinh Tin Kính xưa nhất, có từ thế kỷ thứ II. Bản này tổng hợp các công thức đã có trước đó. Từ thế kỷ thứ VI, bản này có hình thức như chúng ta thấy hiện nay. Đây là bản tuyên xưng những tín điều chính yếu nhất khi chịu phép Rửa.
° Kinh Tin Kính Nixêa do Công Đồng Nixêa (Nicée) chấp thuận vào năm 325 nhằm đối phó với lạc thuyết arianô chối bỏ thần tính của Chúa Giêsu Kitô. Sau đó bản này được Công Đồng Constantinople bổ túc vào năm 381 nhằm để xác quyết thần tính của Chúa Thánh Thần do nhiều bè rối chối bỏ, vì thế đôi khi người ta gọi bản này là kinh Tin Kính của các Công Đồng Nixêa-Constantinople. Giáo dân Việt Nam thường đọc bản này trong thánh lễ.
Kinh Vinh Danh
Bài thánh ca này đã có từ lâu đời cũng được gọi là "khúc hát thiên thần" (le cantique des anges). Giáo Hội, được đoàn tụ trong Chúa Thánh Thần, dùng kinh Vinh Danh để tôn vinh Chúa Cha và cầu khẩn Chúa Chiên Con. Kinh Vinh Danh được hát hay đọc vào phần đầu thánh lễ Chúa nhật (trừ Mùa Vọng và Mùa Chay), trong các lễ trọng, lễ kính và trong các dịp lễ khá long trọng. Người ta không biết tác giả là ai cũng như năm sáng tác, nhưng biết rằng kinh Vinh Danh đã có trong kinh sáng bên Đông Phương vào thế kỷ thứ IV.
Lễ Misa
Trong Sách Lễ Rôma, bản chính bằng tiếng la-tinh, để kết thúc thánh lễ, chủ tế đọc "Ite missa est". Missa (do động từ la-tinh mittere: gửi đi) có nghĩa là sự trả về. Do đó "Ite missa est" có nghĩa là "Hãy đi, đây là lúc giải tán", cũng như khi ta nói: "Thôi về đi, mọi việc đã xong rồi !" Đương nhiên, chúng ta biết công thức bằng tiếng Việt: "Lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bình an" (xem câu hỏi số 34).
Từ thế kỷ thứ IV, chữ missa chỉ định toàn bộ thánh lễ. Từ đó, có tiếng Pháp Messe, tiếng Anh Mass, và tiếng Việt Lễ Misa.