Sức khỏe _ tai hại của tức giận

TAI HẠI CỦA SỰ TỨC GIẬN
“Tính xấu đặc biệt thường thấy trong những người đau bệnh động mạch, là tính thù vặt, tính tức giận...”
Lm. Đỗ Đình Tiệm & Lm. Phạm Minh Công
Theo tờ tạp chí Life, thì ý muốn trả thù có thể làm hại sức khỏe bạn, làm bạn vĩnh viễn suy nhược. Tác giải một bài đăng trong tờ Life có viết rằng: “Tính xấu đặc biệt thường thấy trong những người đau bệnh động mạch, là tính thù vặt, tính tức giận, khi tính xấu này luôn luôn biểu lộ, nó sẽ làm cho bệnh đó thành kinh niên và có khi biến ra bệnh đau tim.”
Chúng ta đọc thấy một tờ thông tri của công ty cảnh sát Milwauki những lời lẽ khuyên bảo, không khác gì một triết gia khuyên bảo đồ đệ: “Nếu những kẻ ích kỷ, tìm cách lừa dối bạn, thấy bạn tử tế lại làm quá, thì bạn đừng giao du với chúng nữa, coi chúng như không có, nhưng chớ nên tìm cách trả thù. Khi bạn nghĩ cách để trả thù, tức là bạn đã tự làm cho mình đau đớn hơn là làm cho họ phải đau đớn….”
Khi ta thù oán ai, tức là ta đã cho họ ảnh hưởng tới đời ta, ảnh hưởng đến giấc ngủ, đến bữa ăn, đến tìm lực, đến sức khỏe và sự yên tĩnh trong tinh thần của ta. Những người thù ghét ta, chỉ cần biết chúng ta đang khổ sở, là họ đã sung sướng. Ta thù oán họ, nhiều khi họ chẳng cảm thấy đau khổ gì, còn chính chúng ta, chúng ta lại cảm thấy bứt rứt, khó chịu.
Cô Darshani Deane trong cuốn “Wisdom, Bliss and common sense” có thuật câu chuyện: “Gary là một thanh niên, ăn mặc lịch sự, làm việc cho một công ty buôn bán chứng khoán lớn ở Nữu Ước, ông tham dự một buổi diễn thuyết về đề tài: “Chinh phục sự nóng giận.”
Khi tôi vừa dứt lời, ông đã giơ tay phát biểu ý kiến và nói lớn bằng một giọng vô cùng tức giận: “Dĩ nhiên ai chả biết sự tức giận không tốt cho tình trạnh sức khỏe, nhưng trong cuộc đời đầy dẫy bất công này, người ta có quyền tức giận một chút chứ, tháng trước chủ tôi đã thăng chức cho một phụ nữ, rất trẻ, lên địa vị cao hơn tôi, kinh nghiệm của cô này chỉ bằng nửa của tôi, vậy mà lương của cô ta lại gấp đôi lương của tôi.
“Khi biết điều này, tôi đã nổi nóng; dĩ nhiên tôi biết sự ghen tị không tốt, nhưng bà hãy nghĩ xem, tình đời khốn nạn như vậy đó, một đứa con nít “hỷ mũi chưa sạch” mà được đặt vào một địa vị rất cao, có số lương bổng rất hậu. Một địa vị mà một người lỗi lạc như tôi, đã cố gắng bao năm, vẫn chưa đạt được. Nghĩ cho cùng trong trường hợp này, tôi có quyền tức giận chứ?”
Cô Darshani trả lời rằng: “Này anh bạn, cách đây vài hôm, tôi đọc trên báo một chuyện như sau: có một phụ nữ kia cãi lộn với chồng, họ đã sử dụng những danh từ tục tằn, thô bạo nhất với nhau. Sau một lúc cãi vã, người chồng giận dữ bỏ đi sau khi đập mạnh cánh cửa như muốn lôi sập căn nhà. Phụ nữ nọ tiếp tục ngồi lại, lải nhải chửi thêm mấy tiếng đồng hồ, cho đến khi phải cho con bú.
“Vừa bú mẹ xong, đứa nhỏ ba tháng, bỗng xám ngắt, làm kinh, rồi tắt thở chết. Cuộc khám nghiệm cho thấy đứa nhỏ chết vì nhiễm độc. Này anh bạn, y học đã chứng minh rằng: Khi giận dữ, độc tố từ các hạch nội tiết có thể chạy vào huyết quản, huyết quản của anh, chứ không phải huyết quản của người chủ hay của cô bạn của anh, khi anh tức giận, số lượng của bạch huyết cầu của anh có thể giảm sút một cách nhanh chóng và khi quá thấp, nó có thể làm hại hệ thống miễn nhiễm của cơ thể (hệ thống miễn nhiễm của cơ thể anh, chứ không phải của ông chủ hay cô bạn đồng nghiệp). Tóm lại, chính sự tức giận của anh đã tàn phá cơ thể của anh, hủy hoại cuộc đời của anh, chứ không phải của người khác. Tức giận chính là một hình thức tự sát vậy.”
Lm. Đỗ Đình Tiệm & Lm. Phạm Minh Công