CON ĐƯỜNG VỀ TRỜI

§1 - TIẾNG GỌI VỀ TRỜI

Hồng y Fulton Sheen
Đường lối chúng ta sống ảnh hưởng nhiều đến việc chúng ta suy nghĩ. Nói vậy không có nghĩa là chúng ta từ chối những yếu tố trí tuệ trong đức tin. Nhưng chỉ có ý nhấn mạnh một yếu tố hay bị bỏ quên.
Một số người tưởng tượng rằng mình có thể mang ai đó vào đạo, vào tình yêu Thiên Chúa nguyên chỉ do trả lời thỏa mãn các câu hỏi họ đặt ra. Họ cho rằng người ta vô đạo bởi lẽ họ dốt nát không hiểu chi, rằng nếu người vô tôn giáo chỉ cần đọc vài cuốn sách tốt, lắng nghe vài cuộc tranh luận chọn lọc, về thượng giới, tức khắc họ sẽ xin trở lại đạo. Như vậy, tôn giáo xem ra chỉ là điều chi phải được thông hiểu thế thôi, chứ không phải là một ngôi vị được yêu mến, sống và chấp nhận. Nói như vậy thật quá đáng. Chúa chúng ta, là đường, là sự thật, sự sống, vậy mà đã không thuyết phục nổi các Pharisêu, thượng tế, luật sư và ký lục, cũng như một số tội nhân khác. Họ bị thượng trí của Ngài tấn công đến nỗi chỉ một lần gặp gỡ họ đã rút lui, không dám hỏi Ngài điều chi nữa. Nhưng họ vẫn không tin mà trở lại. Chúa Kitô đã nói với những ai xem thấy Lazarô sống lại rằng một số người trong họ không tin mặc dù hàng ngày người ta trỗi dậy từ cõi chết. Kiến thức của trí tuệ không phải là điều cần tuyệt đối. Cho nên không phải bất cứ ai có bằng cấp, học vị đều là thánh và những ai dốt nát đều là quỷ sứ. Thực tế có một số môn học chỉ giáo dục người ta từ ích kỷ dốt nát thành ích kỷ tinh khôn. Trong cả hai loại, dốt nát có cơ hội được cứu rỗi nhiều hơn.

Khám phá ra sự thật không mấy khó khăn, nhưng đối mặt với sự thật rất khó và chấp nhận sự thật càng khó hơn. Cho nên giáo dục tân thời được "lái" sang cái mà người ta gọi là "mở rộng biên cương chân lý". Đôi khi lý tưởng này được ca ngợi và dùng làm lý do để người ta khỏi phải hành động trên những sự thật đã được biết. Biết khoảng cách giữa các vì sao không phát sinh một bổn phận luân lý nào. Nhưng chân lý ngàn đời về bản chất và định mệnh của con người có thể là lời khiển trách lối sống của chúng ta. Một số tâm lý học, xã hội học đi gần đến sự thật về con người nhưng họ lập tức bỏ chạy khi cánh cửa chân lý hé mở để bày tỏ loài người phải lệ thuộc vào Thiên Chúa. Chỉ những người thật sự đạt tới chân lý về Thiên Chúa là những kẻ khi cánh cửa mở thì mau mắn chấp nhận sự thật và ghé vai gánh vác trách nhiệm nảy sinh. Nó đòi hỏi nhiều can đảm hơn là trí óc học biết Thiên Chúa. Thực tế, Thiên Chúa là sự kiện rõ ràng nhất cho loài người kinh nghiệm. Nhưng chấp nhận Ngài lại là công việc khó khăn nhất. Có hai nhân tố không thuộc trí tuệ ảnh hưởng nặng nề đến đức tin: 1/ ý chí ngay lành, 2/ các thói quen của cuộc sống.
Tại sao cùng một luận chứng vững vàng về đức tin trình bày cho hai người A và B. Người A chấp nhận, người B từ chối? Đúng lý, nguyên nhân như nhau thì kết quả cũng như nhau. Nhưng không phải vậy, vậy thì nhất định phải còn một nhân tố nào khác nữa chen vào? Nó thúc đẩy một người chấp nhận và một người khước từ chân lý. Nó đụng đến trí não người ta. Ánh sáng chiếu vào bức tường hình như khác với ánh sáng chiếu vào tấm kính cửa sổ. Giống như vậy nhân tố X khiến một người vâng theo chân lý siêu nhiên người khác chạy trốn, là ý chí hay lòng muốn. Thánh Thomas diễn tả rất hay: "Những sự thật thần linh, được người ta nhận biết trong nhiều đường lối, tùy theo thái độ của họ. Những ai có lòng ngay lành sẽ chấp nhận màu nhiệm như sự thật, những ai không có lòng ngay lành sẽ nhận biết nó một cách lộn xộn làm cho họ nghi ngờ và cảm thấy mình lầm lẫn."

Một người chấp nhận sự thật tùy vào bản chất của con người ấy hoặc vào lý tưởng người ấy muốn theo đuổi. Ý chí thay vì đón nhận chân lý thuyết phục trí khôn, thì vẫn có thể chối bỏ, gạt sang một bên hay ngăn cản trí khôn đón nhận. Mục tiêu của Thiên Chúa nhắm vào trí tuệ buộc phải thất bại, trừ phi ý chí cũng theo đuổi sự thiện. Thông điệp các thiên sứ loan báo cho nhân loại trong đêm Giáng Sinh nói rằng chỉ những linh hồn ngay lành mới là bạn hữu của Thiên Chúa. Như vậy, yếu tố lòng ngay rất quan trọng để đón nhận Tin Mừng. Ngược lại, có thể nói rằng không có người vô thần xét về mặt trí tuệ, chỉ có người vô thần xét về lòng muốn. Họ cố tình chối bỏ Thiên Chúa, khước từ sự hiện diện của Ngài, mặc dầu trí khôn chấp nhận sự thật. Vì vậy Thánh vịnh không đặt tính vô thần vào trí tuệ, mà vào trái tim: "Kẻ ngu xuẩn nói trong lòng rằng, không có Thiên Chúa." Sự đòi hỏi tiên quyết về thiện tâm không những cần thiết cho những ai tìm kiếm chân lý siêu nhiên, mà còn cho những ai muốn tiến triển về đàng tinh thần. Ơn huệ của Thiên Chúa không bao giờ thiếu vắng, nếu người ta sẵn lòng cộng tác với nó. Ý chí khát khao của cải làm cho người ta nên giàu có. Lòng muốn làm môn đệ Chúa biến đổi chúng ta thành tín hữu.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến việc đón nhận chân lý siêu nhiên là các thói quen trong nếp sống. Đây là căn do thất bại của con người hành động theo sự chỉ dẫn của lẽ phải luân lý mà chúng ta đã biết khi chân lý siêu nhiên đến với linh hồn, nó được nhận thức theo nếp sống của chúng ta, đúng như câu châm ngôn: ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Một số người có vô số thành kiến, hành động vô thức, thói quen cố hữu, ước mong vô độ, sẵn sàng gây chiến với ơn thánh Chúa, xóa bỏ thúc đẩy của Chúa Thánh Linh thì làm sao gọi được là thiện tâm để chấp nhận Tin Mừng? Điều trí khôn tiếp thu là tiếp thu với một bối cảnh. Bối cảnh này lập nên cái thói quen của nếp sống và người ta khó lòng từ bỏ mẫu mực sống của mình. Bất cứ sự thay đổi nhỏ nào cũng làm người ta khó chịu. Trước những sự thật siêu nhiên toàn bộ con người hạ đẳng và các thói xấu của nó, nổi dậy phản kháng với động lực cao hơn, nảy sinh từ trí tuệ để hướng về chân lý. Và như vậy, có người nói: Tôi sợ người ta cười khi trở thành một tín hữu. Tôi sợ gia đình tôi không chấp nhận. Tôi sợ bạn bè từ bỏ và trở nên kẻ thù với tôi… rất nhiều chống chế tương tự vì thói quen cũ.
Lm. Thomas Túy, O.P. dịch