HỌC LÀM NGƯỜI

CẬU BÉ DÙNG CHÂN THAY TAY

Nhìn con trai chào đời với đôi tay cụt sát vai, hai vợ chồng làm thuê tại Vịnh Tre, An Giang, ôm nhau khóc cả tháng, bởi ngày đó, trong cái túng quẫn sẵn có, thêm một đứa con như vậy tương lai càng mịt mờ hơn.
"Lau nước mắt, an ủi vợ, chúng tôi đặt tên con là Nguyễn Minh Trí. Không ngờ như thấu hiểu được nỗi khổ của cha mẹ, Trí ngoan ngoãn, kiên trì vượt qua nỗi khổ cụt tay để giờ đây, sau 17 năm, Trí trở thành một con ngoan trò giỏi", ông Nguyễn Văn An, bố Trí nói.

Không có tay, Trí vẫn quyết tâm trở thành họa sĩ. Ảnh: Gia Bảo.
Ông An kể, từ nhỏ cậu bé đã luôn thể hiện một nghị lực phi thường: "Không có tay mỗi lần bị té thay vì nằm khóc, nó luôn vùng vẫy để ngồi dậy. Lúc lên 3 tuổi, bị muỗi cắn nhìn thấy nó hút no máu, Trí chỉ vẫn cố nhúc nhích cho muỗi bay. Vợ chồng tôi thường đi làm, sợ Trí ở nhà té xuống nước chết nên 4 tuổi tôi đã tập cho cháu bơi lội đến bơi xuồng ghe. Giờ đây chỉ với đôi chân Trí đã bơi qua kênh như “nhái”.
Bắt đầu đến tuổi đi học, Trí càng tỏ ra siêng năng chăm chỉ. Tập viết, lật sách, cho tập vở vào cặp, tất cả mọi việc đều tự mình Trí làm mà không cần ai giúp đỡ. Trí khiến thầy cô bạn bè thương yêu hơn khi thành tích học tập luôn đứng đầu lớp.
"Con phải cố học để trở thành giáo viên dạy hội họa. Con thích truyền đạt những kiến thức mình học được để giúp ích cho gia đình và xã hội. Chỉ sợ gia đình nghèo quá, cha mẹ phải làm thuê nên không đủ tiền trang trải mà thôi", cậu học trò lớp 9A2, trường Trung học cơ sở xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú, tỉnh An Giang, nói.
Như ý thức mình tàn tật là gánh nặng của gia đình, ngoài giờ học, mẹ Trí cho biết, Trí giúp mẹ đủ việc, từ nấu ăn, lau nhà, rửa chén, trồng được cả cây kiểng đến nuôi cá lia thia. Hằng ngày, sau giờ học Trí còn đi bắt ốc bươu vàng làm thức ăn cho hơn 1.000 con ếch Thái là nguồn sống cho cả nhà.
Có khách đến thăm, Trí bước nhanh xuống mé kênh, dùng đôi chân tháo dây mũi xuồng rồi nhẹ nhàng dùng chân đưa dầm lên đưa máy dầm xuống nước chở khách sang kênh. Lúc cha tiếp khách, Trí đã kẹp mâm nước trà trên cổ mang ra, rồi dùng chân lần lượt rót mời từng người một.
Chèo thuyền bằng chân và vai.

Neo thuyền bằng chân.


Cởi áo.

Đội mũ.

Chuẩn bị tập vở để đến trường.

Gia Bảo (Vnexpress) 
Thương cháu quá
Thương quá đi cháu ơi! Đời cháu sao bất hạnh như thế. Cầu Trời Phật cho cháu luôn luôn được khỏe mạnh để đạt được ước mơ của mình. Thân thương
( handa kiyoshi )
Khâm phục bé
Đọc bài viết và xem ảnh, tôi thực sự rất khâm phục ý chí và nghị lực của em. Mong mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với em. Với tôi, em thực sự là một ngôi sao sáng.
( Nguyễn Hải Anh )
Hãy cho tôi địa chỉ của bé
Chào tòa soạn, mong tòa soạn hãy email cho tôi địa chỉ của em trai này, tôi muốn gửi cho em một ít sách vở, bút...
( Phong Đặng )
Thật đáng được trân trọng
Tôi thấy em Trí có một nghị lực phi thường. Có thể nói là trong triệu người chỉ có một.
Thật đáng nể và đáng được trân trọng.
( Nguyễn Bá Thông )
Cố lên em ơi!
Cố lên em nhé!
( Vũ Hanh )
Một nghị lực thật đáng khen
Cuộc đời vốn đã khổ, khi con người được sinh ra có thân hình không lành lặn lại khổ hơn. Khi đọc được những dòng trang báo viết, tôi thật khâm phục trước nghị lực của em Trí, thật đúng với cái tên của em. Một con người không lành lặn, nhưng đã thể hiện được một ý chí bất khuất, với một cái trí thật đáng khen ngợi, có thể làm gương cho những người khác xung quanh. Cuộc sống là phải phấn đấu, phải biết vươn lên bằng tất cả ý chí nghị lực, mình không có đôi tay, nhưng mình lại có một khối óc, một cái trí dũng mãnh. Hy vọng rằng cuộc đời không quá nghiệt ngã đối với một người có ý chí như em Trí. Chúc em với cái "Trí" vươn lên hơn nữa.
( lê chí quốc )
Khâm phục con
Khâm phục con quá, cố lên con trai nhé!
( Minh Hà )

“Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su” (1Tx 5,16-18)