HỌC LÀM NGƯỜI _ tập sống thản nhiên


TẬP SỐNG THẢN NHIÊN
Ta phải luôn luôn kiên nhẫn, chuyên cần, cố gắng đạt được mục đích đã vạch ra. Tập tính hiền dịu, nhưng đôi khi thấy mình còn nóng nảy, thì lại dốc quyết rút kinh nghiệm tập lại… 
Học tập để thi cho có kết quả, nhưng nếu rủi ro bị trượt thì lại cố gắng học lại để đạt được kết quả mong muốn…
Nhưng có nhiều việc biết rõ ràng, chống lại cũng vô ích, không có cách nào làm tốt hơn được nữa, ví dụ như những người thân yêu như cha mẹ qua đời, như những mất mát, những thất bại không thể lấy lại được nữa thì chúng ta hãy tập sống thản nhiên, bình tĩnh, mà đừng quay cuồng ngó trước, ngó sau, ước muốn những tình thế tốt đẹp hơn. Làm thế chẳng những không được lợi gì mà còn làm hại chính con người chúng ta, làm hại bộ thần kinh và sức khoẻ ta.
“Tuỳ kỹ”, cuốn sách chép truyện các việc đời nhà Tuỳ có thuật lại: 
Ngưu Hoằng, Ngưu Bật, hai anh em ở chung với nhau. Bật có tính hay chén, mà hễ chén vào thì thường khi nát rượu.
Một hôm anh đi vắng, Bật ở nhà uống say tuý luý, bắn chết mất con trâu của anh.
Kịp lúc anh về, người vợ đón cửa, săm săm bảo rằng: “Này này! chú nó ở nhà bắn chết trâu rồi!”
Hoằng nói: “Trâu chết thì bảo cho đem làm thịt”.
Hoằng vào nhà, ngồi vừa yên, vợ lại chạy đến hăm hở nói: “Chú nó bắn chết trâu là chuyện to lắm, có phải việc thường đâu”.
Hoằng nét mặt vẫn hoà nhã tự nhiên, nói: “Phải, tôi đã biết rồi mà”. Rồi lấy sách dở xem như không có chuyện gì cả.
Vợ thấy thế nguôi cơn giận không dám nói gì nữa.
Ông khoa trưởng Hawkes ở trường đại học Columbia đã lấy bài ca sau đây làm châm ngôn:
“Trời sinh mỗi bệnh ở đời,
có phương chữa được, không thời vô phương.
Có phương hãy ráng tìm phương,
vô phương thì chịu, quay cuồng làm chi!”
Ông J.C. Penney, người sáng lập ra tiệm hàng hoá Penney có chi nhánh trong khắp nước Mỹ, nói : “Dù có bị phá sản cho tới không còn đồng bạc nào nữa, tôi cũng không lo buốn, vì tôi biết rằng lo buồn không ích gì cả. Hết sức làm được tới đâu thì làm, còn kết quả phó cho trời”.
Ông Henry Fort cũng nghĩ tương tự : “Khi tôi không điều khiển được biến cố, thì cho biến cố nó tự điều khiển lấy”.
Có người phỏng vấn ông K.T. Keller, hội trưởng nghiệp đoàn Chrysler, làm cách nào cho khỏi buồn phiền ưu tư, ông đáp : “Gặp một tình thế khó khăn, nếu có cách cải thiện được thì tôi cải thiện. Nếu không có cách nào thì tôi không thèm nghĩ tới nó nữa, quên nó đi, không bao giờ tôi lo lắng về tương lai hết, vì tôi hiểu không một ai có thể tưởng tượng ra tương lai được”.
(Alphongsô, Ingatô, Francois De Sales)
Lm. Đỗ Đình Tiệm & Lm. Phạm Minh Công