KHI CON TRẺ ĐUA ĐÒI
Có thể nói nhiều bậc phụ huynh đều không hài lòng, nếu không nói là khó chịu, bực tức khi thấy con trẻ có những phục trang quá thoải mái, hớ hênh, khêu gợi. Tuy nhiên thực tế cho thấy không phải cha mẹ nào cũng biết cách giúp trẻ điều chỉnh thị hiếu thẩm mĩ sao cho đứng đắn phù hợp với lứa tuổi, và văn hoá truyền thống cũng như đời sống kinh tế của từng gia đình.
KHI CON TRẺ ĐUA ĐÒI
Hiện tượng trang sức “tốt khoe xấu che” của một số bạn trẻ hiện nay, nói cách khác là ăn mặc hỏ hang ở một số bạn trẻ đặc biệt là giới nữ ngày càng phổ biến. Hiện tượng này phổ biến một cách tự nhiên là do nhiều nguyên nhân tạo ra.
1. Do đặc điểm lứa tuổi của các em. Các em đang ở tuổi vị thành niên là lứa tuổi có nhu cầu tự khẳng định mình rất cao. Từ đó các em rất chú ý đến vẻ đẹp bề ngoài. Bởi vì ở tuổi này của các em chưa có ý thức đầy đủ nên các em thường ngộ nhận “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Coi vẻ đẹp bên ngoài chính là vẻ đẹp của bản thân. Mặt khác các em đang hướng về xã hội, hướng về tập thể. Ở đó có vai trò của nhóm qui chiếu. Nhóm quy chiếu chính là nhóm sẽ định hướng suy nghĩ và hành vi của của các thành viên trong nhóm, trong đó các em là thành viên, và nhóm quy chiếu này làm cho cách lựa chọn trang phục và trang sức của các em vị thành niên bị ảnh hưởng theo. Nghĩa là các em sẽ bị lây nhiễm bởi bạn bè hay nhóm quy chiếu.
Các em đang ở lứa tuổi không còn là trẻ con và cũng chưa là người lớn. Do vậy có sự mâu thuẫn giữa vốn hiểu biết và sự phát triển về mặt cơ thể. Các em muốn làm người lớn trong khi tâm hồn tri thức chưa đủ để làm người lớn. Các em thích những vẻ đẹp của cơ thể nhưng lại thiếu trình độ về văn hoá phục sức, nên chí muốn khoe tất cả những vẻ đẹp của cơ thể mình.
2. Do ảnh hưởng của mội trường sống, đặc biệt là ảnh hưởng về văn hoá phục sức của Phương Tây, qua các buổi trình diễn thời trang, qua phim ảnh, qua mạng Internet, qua các cuộc thi người đẹp người mẫu.
3. Do ảnh hưởng của giáo dục tức là việc giáo dục gia đình. Sở dĩ các em thường lâm vào tình cảnh “ tốt khoe xấu che” như vậy là bởi vì gia đình đã chưa định hướng trang phục cho các em. Gia đình chưa quan tâm chú ý đến các em ngay từ nhỏ. Gia đình chưa giúp các em tự khẳng định vẻ đẹp, những mặt trội và những hạn chế trong việc phát triển vẻ đẹp bề ngoài của cơ thể. Bên cạnh đó, gia đình cũng chưa hướng dẫn việc lựa chọn trang phục và cách trang sức sao cho phù hợp với lứa tuổi, với nền văn hoá của dân tộc, đặc biệt là văn hoá cổ truyền Việt Nam. Gia đình chưa hướng dẫn các em trang phục sao cho phù hợp với mức sống của gia đình mình, do đó các em dễ đua đòi cùng chúng bạn. Giúp các em ý thức về cái đẹp, làm sao cho mình đẹp hơn, dễ thương hơn và đáng yêu hơn là trách nhiệm của gia đình. Thế nhưng bên cạnh trách nhiệm của giáo dục của gia đình thì chúng ta cũng cần nói đến bầu khí mái ấm gia đình mà ở đó cha mẹ cần đặt mình vào vị trí của con trẻ để có sự đồng cảm và thấu cảm nhất định, nhất là để tiếp cận với xu hướng thời trang hiện đại, không nên quá bảo thủ bắt các em phải rập khuôn theo cách ăn mặc của mình ngày xưa, nghĩa là không nên dùng quyền lực áp đặt trong việc giáo dục trang phục cho trẻ. Ngoài ra bên cạnh việc giáo dục gia đình chúng ta cũng phải nghĩ đến trách nhiệm giáo dục của nhà trường. Ở đó thầy cô giáo cần phải tăng cường việc giáo dục thẩm mĩ cho học sinh. Chính sự kín đáo trong ăn mặc sẽ làm cho con trẻ hấp dẫn hơn. Chính sự e ấp kín đáo sẽ tôn cái đẹp lên nhiều lần. Trái lại cái đẹp dù là đẹp rực rỡ đến đâu mà lộ liễu thí sẽ sớm gây nhàm chán. Giáo dục thấm mĩ cũng cần nhấn mạnh cho các em hiểu rằng có lúc phải biết đẹp che xấu khoe thì mới bảo quản và duy trì được cái đẹp, đồng thời sửa chữa và khắc phục được cái xấu
Thạc sĩ Võ Văn Nam (Báo Phụ Nữ)