GLCG - tổng quát 10 điều răn

Bài 7. TỔNG QUÁT VỀ MƯỜI ĐIỀU RĂN
50.      Thiên Chúa ban Mười Điều Răn như thế nào?
          Theo sách Xuất hành, ba tháng sau khi Dân Do Thái được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai cập, họ đã đến núi Sinai. Từ trên đỉnh núi Thiên Chúa gọi Môsê, tôi tớ của Ngài, và truyền lệnh cho ông loan báo cho Dân Do Thái biết rằng, nếu họ muốn trung thành với những sắc luật của Ngài, Ngài sẽ ký kết với họ một giao ước và sẽ chọn họ làm Dân riêng mà Ngài yêu quí.
Dân Chúa nhất trí trả lời rằng họ sẽ làm mọi điều Chúa truyền. Thiên Chúa lại nói với họ qua Môsê, là phải chuẩn bị trong ba ngày: Họ phải thanh tẩy và ăn chay, vì từ trên núi Thiên Chúa sẽ nói với họ. Ngày thứ ba đến, Thiên Chúa, ngự giữa một cơn lốc lửa, ban cho Dân Chúa Mười Giới Răn được khắc trên hai bia đá. Sau đó, Ngài ra lệnh cho Môsê lên núi. Ở đó Ngài sẽ giải thích lề luật cho ông trong bốn mươi ngày để ông có thể hướng dẫn dân chúng tuân giữ cho đúng như ý Ngài muốn.

Trình thuật Thánh Kinh cho thấy rõ ràng: “đời sống luân lý là lời đáp cho khởi xướng đầy yêu thương của Chúa. Đó là sự nhận biết, sự quy phục Thiên Chúa và thờ phượng tạ ơn. Đó là sự cộng tác vào dự định mà Thiên Chúa đang theo đuổi trong lịch sử". [1]
51.      Vì sao Mười Điều Răn còn gọi là Luật Tự Nhiên?
"Từ nguyên thuỷ, Thiên Chúa đã ghi sâu trong lòng người các lệnh truyền của luật tự nhiên – mà nếu không thi hành thi không được cứu độ – Sau đó Ngài chỉ cần nhắc lại các điều luật ấy cho họ. Đó chính là Mười Điều Răn". [2]
Đó là những bổn phận:
           - Đối với Tạo Hóa (ba điều đầu): Ai cũng đều cảm thấy mình có bổn phận hướng về Đấng Tối Cao và thờ phượng Ngài (điều 1), phải tôn trọng những lời thề hứa nhân danh Thiên Chúa (điều 2), phải thờ phượng Thiên Chúa cách cộng đồng (điều 3).
           - Đối với tha nhân và chính mình (bảy điều sau): Lương tâm tự nhiên của con người luôn coi trọng lòng hiếu thảo cũng như những bổn phận phải có giữa con người với nhau trong xã hội (điều 4), phải tôn trọng sự sống (điều 5), phải quí trọng đức khiết tịnh (điều 6&9), lẽ công bằng (điều 7&10), và sự trung thực (điều 8).
52.      Mười Điều Răn là luật tự nhiên, sao lại phải công bố?
          Nếu người ta giữ gìn nguyên vẹn những điều luật đã được ban từ đầu đó, thì chắc chắn Chúa sẽ không cần phải công bố lại nữa, nhưng do tội nguyên tổ mà loài người đã sa vào lầm lạc và rối loạn. "Thiên Chúa nhìn xuống đất và này nó đã ra bại hoại vì mọi xác phàm đã huỷ hoại đường lối của chúng trên đất" (St 6,12).
"Trong tình trạng tội lỗi, ánh sáng lý trí bị lu mờ và ý chí bị sai lệch, con người cần đến một trình bày đầy đủ về các điều khoản của Mười Điều Răn" [3] 
          Đó là lý do khiến Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan vô cùng đã muốn nhắc nhở lại cho con người cách chính xácrõ ràng những điều mà Ngài đã ban từ đầu.
53.      Tại sao Mười điều răn lại được khắc trên hai bia đá?
a. Mười Điều Răn được khắc trên đá để xác định rõ những điều phải làm và những điều phải tránh theo luật tự nhiên, đồng thời, cũng nói lên rằng những điều đó phải được khắc sâu và không thể tẩy xóa trong tâm trí ta; là luật vĩnh viễn, không thể thay đổi, như chính Thiên Chúa là tác giả.
Luật của con người có thể thay đổi, nhưng luật Chúa là bất khả xâm phạm, bất kể phong tục, tính khí, văn hóa, hay tập quán nào: "Mười Điều Răn, một cách căn bản, là bất biến và có giá trị bắt buộc mọi lúc mọi nơi. Không ai có thể miễn chuẩn Mười Điều Răn đã được Thiên Chúa ghi khắc trong trái tim con người".  [4]
b. "Mười Điều Răn nêu ra các đòi hỏi của lòng mến Chúa yêu người. Ba điều răn đầu đề cập đến tình yêu đối với Thiên Chúa, và bảy điều răn sau, đến tình yêu đối với người lân cận". [5] Mười điều răn được khắc trên hai bia đá chứ không phải là một vì chúng ta không thể lẫn lộn hay coi là quan trọng như nhau giữa các bổn phận đối với Thiên Chúa (ba điều đầu trên bia đá thứ nhất) và các bổn phận đối với con người (bảy điều sau trên bia đá thứ hai), giữa lòng yêu mến đối với Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, và lòng yêu mến dành cho các loài thụ tạo.
54.      Ta phải làm gì đối với luật Chúa?
a. Học hỏi: Ta phải học hỏi luật Chúa, vì không thể giữ luật nếu không biết luật. Trước hết ta phải học thuộc lòng Mười điều răn, vì đó là những gì chúng ta cần đến luôn trong cuộc sống mình. Sau đó, ta cần phải tìm hiểu tinh thần của từng điều, vì biết luật mà không hiểu luật thì có ích chi?
b. Quí trọng: Mười điều răn không phải là những điều ràng buộc cuộc sống chúng ta mà là những điều cần thiết giúp chúng ta trưởng thành và thực sự đem lại hạnh phúc cho ai tuân giữ.
c. Thực hành: Hiểu biết và quí mến Luật đến đâu cũng không thay thế được cho bổn phận thực hành luật một cách trung tín như lời chính Chúa Giêsu đã nói: “nếu anh muốn được cứu độ hãy giữ các giới răn”(Mt 19,16)
55.      Ta phải giữ luật Chúa như thế nào?
a. Đầy đủ: Ta phải giữ luật Chúa cách đầy đủ, trong mọi phần, vì thánh Giacôbê đã nói: “Ai phạm một điều răn thì cũng đáng tội như phạm tất cả”. (Gc 2,10)
b. Trong mọi lúc: Vì ý Chúa và phần rỗi của ta phải chiếm ưu thế trên tất cả mọi lý do.
c. Cách sốt sắng: Luật Chúa là con đường cứu độ nên chúng ta hãy bước đi trên đó một cách hân hoan.
d. Và kiên trì: “Vì những ai bền đỗ đến cùng mới được cứu”. (Mt 10,22)


[1] GLCG 2062
[2] Thánh Irênê, Adversus haereses, 4, 15, 1
[3] Thánh Bonaventura, In quattuor libros Sententiarum, 3, 37, 1, 3
[4] GLCG 2072
[5] GLCG 2067
Tìm câu trong bài: 50 51 52 53 54 55