Lời Chúa tuần 25 thường niên _ câu truyện minh họa

 

LỜI CHÚA TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN
CÂU TRUYỆN MINH HỌA

CNTN 25A - THIÊN CHÚA-CHA NHÂN LÀNH

CNTN 25B - NGƯỜI LỚN NHẤT TRONG NƯỚC TRỜI

CNTN 25C -

CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICAE, GABRIE, RAPHAE

LỄ TẾT TRUNG THU

THỨ HAI - ĐÈN SÁNG ĐẶT ĐÚNG CHỖ

THỨ BA - MẸ CHÚA VÀ ANH EM CHÚA

THỨ TƯ - SAI 12 TÔNG ĐỒ ĐI RAO GIẢNG

THỨ NĂM - CÂU HỎI VỀ CHÚA GIÊSU

THỨ SÁU - ĐẤNG KITÔ CHỊU NHIỀU ĐAU KHỔ

THỨ BẢY - CHẤP NHẬN KHỔ ĐAU VỚI TÌNH YÊU

 

CNTN 25A - THIÊN CHÚA-CHA NHÂN LÀNH

Lời Chúa: Mt 20, 1-16a

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: "Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng." Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.

Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: "Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?" Họ thưa rằng: "Vì không có ai thuê chúng tôi." Ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta."

Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: "Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết." Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng.

Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: "Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao"? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: "Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?" Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết."

TRUYỆN KỂ

1. Đường lối của Chúa

Flor McCarthy đã chứng kiến một cảnh tượng tương tự với dụ ngôn này và cho biết ông đã thay đổi cách suy nghĩ ra sao sau khi chứng kiến nó: có lần ông đến Cape Town nước Nam Phi. Ðó là một buổi sáng mùa hè. Ông thấy một đám đông đứng ngoài đường không làm gì cả. Ban đầu ông nghĩ rằng đó là những kẻ lười biếng, đang khi những người khác lo làm ăn thì những người này đứng đó chẳng làm gì cả. Ðến trưa ông vẫn còn thấy đám người ấy vẫn đứng đó, mồ hôi đã nhễ nhại ướt đẫm lưng áo.

Hỏi kỹ thì mới biết họ là những người thất nghiệp. Họ đứng chờ ngoài nắng, hy vọng có ai đến thuê họ đi làm chăng. Mãi tới chiều ông vẫn thấy đám người đó. Và khi hết ngày, họ lủi thủi ra về, trông rất tội nghiệp.

Hôm đó McCarthy rất hối hận vì đã vội kết án những con người tội nghiệp ấy. Và ông đã soạn một lời cầu nguyện như sau:

"Tư tưởng của Ta không giống tư tưởng các ngươi và đường lối Ta không giống đường lối các ngươi"

"Như trời xanh cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi bấy nhiêu"

2. Một cuộc chạy đua 3000 mét.

Lúc bắt đầu, những tay đua chạy san sát nhau thành một nhóm rất đông. Một lúc sau, một nhóm nhỏ đã tách rời đám đông và chạy phía trước. Còn vài chục mét nữa thì một người vọt lên rất nhanh và tới đích.

Khán giả vỗ tay hoan hô nồng nhiệt. Một số người ôm những bó hoa tới tặng nhà vô địch. Các phóng viên xách Camera và máy chụp hình tới, vừa bấm máy, vừa thu hình, vừa phỏng vấn. Những người hâm mộ tới xin chữ ký. Một số hãng thương mại đến đề nghị ký hợp đồng với nhà vô địch.

Cuối cùng, ông chủ tịch Ban Tổ chức xuất hiện. Người ta mời nhà vô địch lên đứng trên một chiếc bục cao, người hạng nhì đứng trên bục bên phải thấp hơn một chút, và người hạng ba bục bên trái thấp hơn chút nữa. Người ta mang đến 3 chiếc huy chương để ông chủ tịch đeo vào cổ họ.

Nhưng ông chủ tịch ngỏ ý muốn gặp 3 người tới đích cuối cùng. Ban tổ chức không hiểu, nhưng vẫn làm theo lời ông. Khi họ tới, ông tươi cười trao chiếc huy chương vàng cho người hạng chót, chiếc huy chương bạc thuộc về người áp chót, và chiếc huy chương đồng cho người kế tiếp.

Nhà vô địch bực bội phản đối:

- Như thế là không công bình!

- Tại sao? Ông chủ tịch hỏi lại.

- Tôi hạng nhất, tôi phải được thưởng.

- Thì anh đã được thưởng rồi. Này nhé khán giả đã vỗ tay hoan hô anh, báo chí đã chụp hình anh, những người hâm mộ đã tặng hoa cho anh, những hãng thương mại đã ký hợp đồng với anh. Anh đã được thưởng quá nhiều rồi. Bây giờ anh hãy nghĩ tới những người chạy sau chót: họ cũng cố gắng như anh, vất vả không kém gì anh, và cũng chạy hết đoạn đường 3000 mét như anh. Anh thử nghĩ xem có công bình không khi anh thì được tất cả còn họ thì chẳng được gì?

3. Tình trạng thất nghiệp.

Mọi người phải có công ăn việc làm để nuôi sống mình và gia đình. Ai cũng phải có một việc làm hoặc bằng chân tay hoặc bằng trí óc. Không có việc làm là thất nghiệp. Tình trạng thất nghiệp đã làm đau đầu các nhà lãnh đạo quốc gia vì phải tìm cách tạo công ăn việc làm cho dân. Ngay như nước Mỹ vẫn còn 9.500.000 người thất nghiệp, hơn 4 triệu người ăn xin, hơn 300.000 người tự tử hằng năm (theo đài Hà nội đưa tin hồi 07g15 sáng ngày 21.09.1987).

Ngày nay, những người thất nghiệp được nhận vào làm việc trong các nhà máy là một niềm vui và hy vọng. Ngày xưa cũng không thiếu gì người thất nghiệp cả ngày ngồi ở chợ chờ đợi mà không có chủ thuê, nếu được gọi vào làm công cho người ta thì là một sự may mắn.

4. Cách thuê thợ ở Palestine.

Ở Palestine, mùa hái nho chính vào đầu tháng 10. Sau đó là mùa mưa. Nếu không hái nho kịp trước khi mưa đến thì nho sẽ hư, vì vậy người ta phải chạy đua với thời gian để kịp thu hoạch. Bất cứ người làm công nào cũng được thu nhận dù người đó chỉ làm được một giờ.

Tiền công trả cũng bình thường, một denier (một quan tiền) là tiền công của một ngày bình thường của một người làm mướn. Những người đứng ở chợ không phải là những người biếng nhác ở đầu đường xó chợ, hạng ăn không ngồi rồi. Ở Palestine, chợ là nơi trao đổi lao động. Người ta đến đó vào sáng sớm, mang theo dụng cụ lao động của mình và chờ ở đó cho đến khi có người đến mướn. Họ ở đó chờ công việc, bằng chứng là trong số họ có người chờ đến 5 giờ chiều, chứng tỏ họ muốn làm việc như thế nào.

Thời giờ trong dụ ngôn cũng là thời giờ bình thường của người Do thái. Giờ của người Do thái bắt đầu từ 6 giờ sáng và được tính từ đó đến 6 giờ chiều. Tính từ 6 giờ sáng thì giờ thứ 3 là 9 giờ sáng, giờ thứ 6 là 12 giờ trưa, và giờ thứ 11 là 5 giờ chiều.

5. Với Chúa không có mặc cả so đo.

Một người công giáo thấy mình chết phải đến tòa phán xét. Vừa bước chân vào pháp đình, một tòa nhà nguy nga đồ sộ, liền thấy một quang cảnh vừa uy nghiêm vừa im lặng đáng sợ. Trên ngai cao rực rỡ, Chúa Giêsu ngồi oai nghi xử án, có các Thiên thần mặc toàn trắng chầu chực giúp việc. Bên hữu Chúa có một cánh cửa rộng mở một lối đi tràn ngập ánh sáng. Còn bên tả cũng có một cánh cửa, nhưng lớn hơn và nhìn vào chỉ thấy đen thăm thẳm. Trước mắt Chúa đặt một chiếc bục để con người đến đứng trình diện. Cả một biển người đủ mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc, sang hèn cao thấp chen chúc nhau, hồi hộp chờ đợi.

Và một hồi chuông rung lên, một Thiên thần cầm một quyển sổ đọc tên thì thấy một đứa bé da đen khoảng 10 tuổi đi đến đứng trên bục. Rồi Thiên thần trình cho Chúa một tờ giấy, thấy Chúa mỉm cười và giơ tay chúc lành cho em. Lập tức các Thiên thần xúm lại dẫn em vào cửa có ánh sáng giữa tiếng đàn đón chào tưng bừng.

Tiếp đến là một thanh niên da trắng và Thiên thần cũng làm như lần đầu, nhưng thấy mặt Chúa phẫn nộ giơ tay xua đuổi. Tức khắc, mấy thằng qủi nhảy tới chộp ngay lấy chàng thanh niên và lôi tuột vào cửa đen ngòm giữa tiếng la hét chửi rủa. Cứ như thế cuộc phán xét tiếp tục khi thì vui mừng khi thì đau thương.

Bỗng người công giáo thấy bà già bên luơng bước lên bục phán xét và bà ta được Chúa cho lên thiên đàng. Thấy thế, ông công giáo mừng thầm trong bụng. Đến lượt một người mà ông biết rất rõ và tin chắc thế nào cũng bị phạt vì đời sống của người ấy quá bê tha tội lỗi. Nhưng kìa Chúa mỉm cười và được các Thiên thần an ủi dẫn vào luyện ngục.

Đến đây người công giáo chắc mẩm mình sẽ được Chúa thương vì dù sao mình cũng đã theo Chúa bấy lâu nay. Do đó, khi được gọi lên toà phán xét, ông ta tỏ vẻ hiên ngang vui sướng, nhưng khi nghe Thiên thần báo cáo với Chúa về những gì đã sống thì ông ta xanh mặt run rẩy. Chúa phẫn nộ xua đuổi, lập tức ba thằng quỉ lôi tuột ông ta vào hỏa ngục. Ông ta thét lên đau đớn và tỉnh dậy. Té ra ông ta nằm mơ. Một giấc mơ hãi hùng khủng khiếp khiến ông lạnh toát cả người, suy nghĩ đặt lại vấn đề sống xưa nay. Vậy Chúa đã tỏ cho biết sai chỗ nào nghiêm trọng đến nỗi bị sa hoả ngục. (Quê Ngọc, Dấu ấn tình yêu, năm A, tr 117)

Đọc câu truyện trên, chúng ta thấy Chúa muốn chúng ta sống với Chúa như tình con thảo chứ không muốn chúng ta sống như một người làm thuê, tính toán sòng phẳng. Thực ra, những gì chúng ta có là do hồng ân Chúa ban, là món quà Chúa ban nhưng không.

6. Hai bài học cho ta.

a) Bài học thứ nhất: như đã nói: mọi công việc đối với Chúa đều bằng nhau, Vấn đề không phải ở số lượng công việc nhưng ở tình yêu thúc đẩy làm công việc đó. Một người có thể tặng chúng ta một món quà cả trăm ngàn, chúng ta rất biết ơn người đó. Một em bé có thể tặng chúng ta một món quà chỉ đáng giá vài ngàn, nhưng đó là món quà dành dụm đầy nỗ lực và yêu thương của nó, dù món quà nhỏ không giá trị bao nhiêu nhưng nó khiến chúng ta cảm động nhiều hơn. Thiên Chúa không nhìn vào số lượng công việc của chúng ta. Bao lâu ta còn làm, công việc đều được xếp như nhau trước mặt Chúa.

b) Bài học thứ hai: Đó là tất cả mọi sự Chúa ban cho ta đều là ân sủng của Ngài. Chúng ta không thể làm ra những điều Chúa ban cho, chúng ta không xứng đáng với điều đó. Thiên Chúa cho chúng ta là do bởi lòng tốt của Ngài, bởi ân sủng Ngài. Tất cả những gì Chúa ban cho không phải là để trả công nhưng là quà tặng, đó không phải là phần thưởng nhưng là ân sủng.

7. Cha Sở và Cha Phó.

Tại một xứ đạo kia số giáo dân khá đông, có Cha Sở, Cha Phó. Một số giáo dân, vì cuộc sống bác ái chưa trưởng thành, nên có hai nhóm xung khắc với nhau. Một nhóm quí Cha Sở, nhóm kia mến Cha phó, vì ngài còn trẻ, năng nổ.

Một hôm nhóm ủng hộ Cha Sở đến trao đổi tâm tình với ngài:

- Thưa cha, cha ở đây đã lâu năm, công dầy, đức cao, sao cha để Cha Phó thay đổi nề nếp giáo xứ mình – bỏ đi công lao cha xây dựng? Và đám thanh niên cùng một số lớn giáo dân có vẻ nghiêng cảm tình về Cha Phó. Xin cha ngăn cản đi.

Cha Sở bình tĩnh trả lời:

- Giữa tôi và Cha Phó ai vất vả hơn?

- Cha Phó.

Cha Sở chậm rải nói tiếp:

- Ngài còn trẻ, còn có sức hoạt động, phải dấn thân nhiều, và Chúa cũng lo liệu và trợ giúp Ngài bằng cách cho những tâm hồn biết thông cảm, cộng tác. Đó là điều công bằng, điều tốt đẹp, sao các ông bà so bì với tôi – một người đáng lẽ đã về hưu?

Nghe Cha Sở nói sai tần số với mình, nhóm kia chống chế:

- Cha cũng đã từng hoạt động dấn thân, có khi còn hơn Cha Phó bây giờ.

Cha Sở nói tiếp:

- Và tôi cũng đã từng được người ta qúi mến, ủng hộ. Và biết đâu còn hơn Cha Phó. Vì bây giờ Cha Phó vẫn còn một số người thiếu thông cảm, muốn hạ thấp.

Đám người kia ra về, họ cảm phục Cha Sở “đức cao” và cảm thấy tâm hồn, cõi lòng mình sao nhỏ nhen, trần thế quá! Từ đó nạn “bè phái” bớt nhiều.

8. Ân sùng là nhưng không

Bạn là chủ hộ một căn nhà trị giá 1 tỷ. Một người đến đề nghị mua nhà bạn với giá 2 tỷ. Bạn thật là vui mừng và đồng ý bán ngay.

Ngày hôm sau, bạn nghe nói rằng hai ngôi nhà kế cận, chỉ trị giá 700 triệu và 500 triệu, cũng đã được ông chủ đó mua với giá 2 tỷ, ngang bằng với giá ông đã mua nhà bạn. Thật là tin sét đánh đối với bạn. Nhà bạn to lớn sang trọng ông ấy đã mua 2 tỷ. Hai nhà hàng xóm kia, nhỏ hẹp, chỉ đáng giá mấy trăm triệu mà ổng cũng mua 2 tỷ. Bạn liền giận dữ, gọi điện thoại cho người mua nhà và phiền trách ông ta về việc ấy. Ông ta liền trả lời: Tôi có làm gì phỉnh gạt anh đâu? Tôi muốn mua giá cao là tùy ở tôi chứ?

9. Ông vua nhân từ và quảng đại

Tại nước Tây Ban Nha có một ông vua tên là An-phong-sô rất nhân từ và quảng đại. Ngài thường cải trang làm thường dân rồi vi hành đi đó đây để tận mắt chứng kiến những nỗi đau khổ và oan ức của nhân dân do bọn quan lại địa phương gây ra, để kịp thời chấn chỉnh sửa sai. Ngày nọ, đức vua cải trang đến một tỉnh kia và thuê một phòng trọ trong một nhà nghỉ bình dân. Sáng hôm sau, nhà vua yêu cầu bồi phòng mang đến cho ông một chiếc gương để cạo râu. Khi đem chiếc gương cho vị khách, anh bồi phòng thấy khuôn mặt ông khách rất dễ mến, nên đã chủ động bắt chuyện: “Này ông, tôi có cảm tưởng ông không phải là loại khách du lịch xoàng." Nhà vua tò mò muốn biết anh bồi phòng nghĩ gì về mình, nên hỏi lại: “Sao anh lại nói như vậy?” Người bồi phòng trả lời rằng: “Vì tác phong và vẻ bề ngoài của ông có cái gì đó khác với những người bình thường. Chắc ông phải là người thuộc triều đình nhà vua tại thủ đô Ma-trit (Madrid) cũng nên." Nhà vua chỉ đáp lại cách mập mờ: “Một cách nào đó anh nói cũng đúng đó!” Anh bồi phòng lại hỏi thêm: “Vậy hẳn ông phải là một quan chức luôn hầu cận bên đức vua?” Nhà vua trả lời: “Anh đoán thật chẳng sai chút nào." Người bồi phòng càng tò mò hơn và hỏi tiếp: “Phục vụ đức vua thì thông thường phải làm những việc gì hả ông?” Nhà vua mỉm cười hóm hỉnh đáp: “Ồ, làm nhiều việc lắm, đại loại như bây giờ tôi sắp phải cạo râu cho ngài."

Người bồi phòng trong câu chuyện trên đã gặp được chính đức vua và được ngài hé mở cho biết phần nào sự thật về ngài. Các câu đối đáp giữa đức vua và người bồi phòng là minh họa sống động về long nhân từ và bao dung của ông chủ vườn nho, tượng trưng cho Thiên Chúa trong Tin Mừng hôm nay. Những người đi làm sau ám chỉ dân ngoại và những kẻ tội lỗi. Họ đều được Thiên Chúa mời gia nhập Hội Thánh vào các giờ khác nhau, đặc biệt vào giờ thứ mười một là lúc cuối đời. Đây cũng là trường hợp của người trộm lành cùng chịu đóng đinh trên cây thập giá bên cạnh Đức Giêsu. Nhờ lòng tin và thành tâm sám hối mà anh trộm lành đã được Người tha tội và ban hạnh phúc đời đời: “Tôi bảo thật anh: hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”

10. Đừng so sánh thì hết ganh tị

Ganh tị là căn bệnh trầm kha, rất khó diệt trừ. Tuy nhiên, bệnh nào cũng có thuốc chữa. Vậy chúng ta thử xem có phương thế nào có thể hạn chế hoặc ngăn ngừa chứng bệnh này không.

Nguyên nhân sinh ra ganh tị là vì người ta so sánh phận mình với thân phận người khác và thấy mình thua kém. Vậy thì cách tốt nhất để diệt trừ ganh tị là đừng so sánh phận mình với bất cứ ai.

Mỗi người được sinh ra trên đời là một nhân vật độc đáo, mỗi người một vẻ, không ai giống ai, mỗi người đều có tính cách riêng, một sứ mạng riêng, một trách nhiệm riêng…

Trong lĩnh vực âm nhạc, có nhiều nhạc cụ khác nhau với những tính cách khác nhau: đàn guitar điện (ghi-ta) và guitar bass (ghi-ta bass) na ná giống nhau nhưng tấu lên những âm thanh có cung bậc trầm bổng khác nhau; đàn organ và piano có hình thù gần giống nhau nhưng phát ra tiếng nhạc khác nhau…

Mỗi thứ nhạc cụ đều có cái hay riêng của mình; vì thế, guitar bass đừng “buồn” vì âm thanh của mình trầm đục, không sôi nổi như âm thanh guitar điện. Dù sao, những âm trầm, đục của guitar bass là một hỗ trợ rất cần thiết, làm cho ban nhạc sinh động hơn.

Tương tự như thế, piano cũng không nên “ganh tị” vì âm thanh của mình không đa dạng, nhiều sắc màu như organ, vì piano cũng là một nhạc khí cần thiết cho nhiều ban nhạc khi trình diễn.

Vậy thì đừng đem tiếng đàn guitar điện so với tiếng đàn guitar bass hay so tiếng đàn piano với tiếng đàn organ để phân định hơn thua… So sánh như thế là hoàn toàn khập khiễng.

Giữa con người với nhau cũng vậy. Mỗi người có một số khả năng riêng, cũng như các nhạc cụ có những âm sắc riêng... Đem tiếng đàn guitar điện so với tiếng đàn guitar bass để xác định hơn thua là khập khiễng như thế nào, thì đem khả năng của người này so với khả năng người kia cũng khập khiễng như vậy.

Vậy thì ta đừng so sánh hơn thua với người khác. Tốt nhất là so sánh bản thân ta hôm nay với bản thân ta năm ngoái, xem hơn thua thế nào. Nếu thua thì nên lấy làm tiếc và cố gắng để tiến lên; nếu cái tôi trong hiện tại tốt hơn cái tôi quá khứ thì hãy vui mừng và tiếp tục cố gắng để vượt lên chính mình. Đây là cuộc ganh đua lành mạnh và bổ ích; còn ganh đua với người khác thì chỉ sinh ra ganh tị, ganh ghét mà thôi.

11. Ganh tị và tham lam

Chuyện xảy ra vào thế kỷ thứ 16 tại Ấn Độ. Trong triều đình có hai vị sĩ quan nổi tiếng vì những đam mê của mình. Một người thì ganh tỵ, một người thì tham lam.

Ngày kia, nhà vua có sáng kiến rất độc đó để sửa đổi những tính xấu ấy. Ông cho triệu tập hai viên sứ quan vào giữa triều đình, loan báo sẽ tưởng thưởng họ vì đã phục vụ trong nhiều năm qua. Họ có thể xin gì tùy thích, xong người đầu tiên mở miệng xin chỉ được những gì mình muốn, còn người thứ hai sẽ được gấp đôi.

Nhiều phút trôi qua, không ai mở miệng nói trước. Người tham lam nghĩ trong lòng: nếu tôi nói trước, tôi sẽ được ít hơn người kia. Còn người ganh tỵ lý luận: thà tôi không được gì còn hơn mở miệng nói trước để tên kia được gấp đôi. Vì thế, không ai muốn lên tiếng trước.

Cuối cùng, vua yêu cầu người ganh tỵ nói trước. Người này lại nghĩ, thà không được gì còn hơn để tên tham lam được gấp đôi. Hắn liền tuyên bố: “tôi xin được chặt đứt một cánh tay…." Hắn cảm thấy sung sướng với ý nghĩ là người tham lam sẽ bị chặt hai cánh tay.

12. Người đó, chính là bạn

Trong cuốn sách mang tựa đề: “Người đó, chính là bạn”, cha Louis Evely đã kể một câu truyện sau đây:

Trong một vở kịch, nhà đạo diễn Jean Anouilb đã dàn dựng cảnh ngày phán xét chung theo như ông tưởng: Những kẻ lành đang đứng trước cửa vào thiên đàng, chật ních, chen lấn để vào, chắc chắn thế nào cũng có chỗ sẵn. Hồi hộp, sốt ruột… Nhưng, bỗng nhiên, người ta bắt đầu xì xầm với nhau: “Hình như Thiên Chúa cũng tha thứ cho mấy người đứng bên kia nữa." Thế là họ lại phải một mẻ ngẩn người ra. Họ nhìn nhau, không thể hiểu được. Họ la ó, phản đối. Họ bất mãn… “Vậy thì cần gì phải hy sinh khó nhọc cả đời…." “Tôi mà biết vậy thì tôi đã ăn chơi cho đã đời…." Gan mật họ sôi lên. Họ bắt đầu kêu la trách móc Thiên Chúa và cũng chính lúc đó, họ bị đày xuống hỏa ngục.

Cha Louis Evely giải thích:’Giờ phán xét đã điểm: họ đã tự xét xử lấy họ, đã tự tách mình ra khỏi hạnh phúc của Chúa. Tình yêu đã biểu hiện cho họ, nhưng họ đã từ chối không nhận tình yêu: “Tôi từ chối không chấp nhận cái thứ thiên đàng mà người ta vào như chợ. Tôi phản đối Thiên Chúa đã tha cho hết mọi người. Tôi không thích Thiên Chúa yêu thương cách mù quáng như thế." Vì họ không thích Tình Yêu nên họ không nhận ra được Tình Yêu. Chỉ có Tình Yêu mới làm những chuyện như thế. Với Chúa, chúng ta phải luôn sẵn sàng để đón nhận những chuyện bất ngờ như vậy."

13. Ao ước mù một mắt

Chuyện kể rằng có người đàn ông rất may mắn, được Trời cho ước gì được nấy. Tuy nhiên, đi kèm với sự may mắn đó là điều kiện: Bất cứ điều gì ông ta ước, người hàng xóm sẽ có gấp đôi. Thế là khi ông ta sở hữu ngôi nhà đẹp, người hàng xóm liền có một dinh thự lỗng lẫy. Ông ta ước mình giàu có, người hàng xóm có hẳn một mỏ vàng… Không chịu được sự "bất công" đó, người đàn ông may mắn liền ước mình bị mù một mắt để người hàng xóm bị mù cả hai!

14. Người thợ giờ thứ 11

Vào tối ngày thứ hai, 20/11/2006, khá đông giáo dân ở các giáo xứ lân cận đã đến nhà thờ Chí Hòa để tham dự giờ cầu nguyện do nhóm cầu nguyện Đức Mẹ Mễ Du thực hiện. Đặc biệt có một linh mục ở Châu Đốc và nghệ sĩ Lê Vũ Cầu chia sẻ về ơn của Đức Mẹ đã ban.

Chưa tới 19 giờ 00 mà giáo xứ đã đặc kín người, rất trật tự và nghiêm trang. Mở đầu chương trình là phần dâng hoa lên tượng Đức Mẹ Mễ Du được đặt giữa khán đài. Trong phần chia sẻ, linh mục Giuse Bùi Trung Châu, chính xứ Châu Đốc, đã nói về một cô gái theo đạo khi lập gia đình, trong khi cầu nguyện cô cảm nghiệm được lời báo của Đức Mẹ cho biết sẽ bị liệt và cô được Đức Mẹ cứu chữa giữa sự chứng kiến của nhiều người.

Sôi nổi và sinh động nhất là phần chia sẻ của nghệ sĩ Lê Vũ Cầu. Trước khi chia sẻ, anh đã nói lên những lời cảm tạ Chúa vì Người đã ban cho anh đức tin và nhiều hồng phúc. Anh thấy Chúa đã đồng hành với anh qua một tình yêu thương hoàn hảo; anh thấy Đức Giêsu là vị lương y tuyệt vời nhất và anh còn thấy có một người mẹ hiền là Đức Maria đã đến bên cuộc đời của anh.

Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu đã bị bệnh viêm gan siêu vi, sơ gan cổ chướng thời kỳ thứ ba, bị hôn mê, không ăn uống, không vệ sinh được. Ở bệnh viện, người ta coi như đã chết lâm sàng, nhiều người chuẩn bị cái chết cho anh khi thấy bụng sưng to, chân bị phù. Song anh được đẩy xe lăn đến trước tượng Đức Mẹ mà khấn xin cho được sống hoặc cho chết không đau đớn, an lành. Khấn xong, anh về nhà vào phòng vắng trốn tránh báo chí và cả những người thân quen.

Có một nhóm anh chị em Công giáo đến thăm, đặt tay lên người anh cầu nguyện; rồi anh được đưa đến nhà thờ cầu nguyện; được linh mục và nhiều anh chị em thiện chí nâng đỡ. Bỗng dưng anh ăn được, ngủ được, bụng và chân trở lại bình thường. Anh phấn khởi, năng lui tới nhà thờ và xin đăng ký học đạo. Khi buổi cầu nguyện này diễn ra thì chỉ còn ít ngày nữa là anh được trở thành người Kitô hữu.

Nhưng đáng phục nhất là lời cầu nguyện đầu tiên của anh với Chúa: “Chúa ơi, xin ban cho con đức tin. Con muốn được ơn tin vào Chúa! ” Quả thực, đây là lời cầu nguyện rất chân thành và đáng khâm phục vì những ai chưa biết Chúa mà có được niềm tin thật sự từ sâu thẳm trong lòng là rất khó. Và anh còn tâm nguyện từ nay đến cuối cuộc đời sẽ làm nhiều việc lành phúc đức. (Theo VietCatholicNews 22/11/2006)

Hai năm sau, cơn bệnh tái phát, anh Anrê Dũng Lạc Lê Vũ Cầu về với Chúa tảng sáng ngày 23/9/2008. Lm Anmai, DCCT, đã khéo léo ví von anh là người thợ giờ thứ mười một, đã vinh dự hưởng đồng lương khá hậu hĩnh của Chủ Vườn.

15. Nỗi khổ của người ganh tị

Cuốn phim “Amadeus” kể về cuộc đời của thiên tài âm nhạc, Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791). Câu chuyện diễn tả Mazart như một con người khá kỳ dị, gần như bị bệnh loạn thần kinh, nhưng lại là một nhạc sĩ dương cầm và sáng tác rất tài ba. Một trong những nhân vật đáng chú ý nhất trong cuốn phim, bên cạnh Mozart, là nhạc sĩ Solieri đã khinh ghét và coi Mozart chỉ là một tên trẻ con, suồng sã, kiêu căng và khả ố. Tại sao Mozart lại có thể là một nhạc sĩ dương cầm và sáng tác tài ba như vậy được trong khi tư cách của Mozart không xứng đáng? Trái lại, Solieri là đầy tớ của Thiên Chúa, vân phục đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế. Chính ông mới là con người tốt hơn và xứng đáng hơn, vậy tại sao Thiên Chúa đã không ban cho ông món quà tài năng này mà lại ban cho Mozart?

Ngoài tính nết trẻ con, Mozart còn quá lố hơn nữa, dám vượt ra ngoài những giới hạn cổ truyền có thể chấp nhận được. Tuy vậy, Vua Joseph II Áo Quốc vẫn thích Mozart. Mozart xin phép vua được sáng tác một vở nhạc kịch bằng tiếng Đức. Vào lúc đó, chưa có ai được phép sáng tác nhạc kịch bằng tiếng Đức cả. Tất cả nhạc kịch đã được sáng tác và trình diễn đều bằng tiếng Ý. Solieri, một người Ý, vừa bị sỉ nhục về tài năng, vừa bị đe dọa về chức nghiệp vì vở nhạc kịch bằng tiếng Đức của Mozart. Solieri rất ganh tị và buồn bực vì bản nhạc kịch của Mozart đã thành công rực rỡ. Khắp nơi đều vang lên những lời ca ngợi về nhạc của Mozart cho đến nỗi chính Solieri cũng phải yêu thích nó. Tuy nhiên ông lại muốn là chính ông đã sáng tác nó. Solieri biết rằng Thiên Chúa đã ban cho Mozart một thiên tài âm nhạc mà chính ông mới xứng đáng chứ không phải Mozart. Trong giây phúc phẫn uất và tuyệt vọng, Solieri cảm thấy Thiên Chúa đã bỏ rơi ông, ông gỡ ảnh Thánh Giá treo trên tường xuống, đem đi đốt. Ông muốn không có sự thiên vị và đòi hỏi sự công bằng. Ông muốn được Thiên Chúa ban cho tài năng để làm việc phục vụ ngài. Tuy nhiên như chúng ta thấy trong bài Phúc âm hôm nay, tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa rất khác với những nguyên tắc của con người về lẽ công bằng!

16. Giám mục trong Những kẻ khốn cùng

Trong cuốn tiểu thuyết được soạn thành nhạc kịch “những kẻ khốn cùng” (Les Miserables), của Victor Hugo, nhân vật chính là Jean Valjean, đã được thả ra sau 19 năm chịu khổ sai trong tù. Anh bị tù vì tội ăn cắp một ổ bánh mì cho những người con của bà chị ăn qua cơn đói. Sau khi được tự do, anh bước đi lang thang cả ngày để tìm thức ăn và chỗ ngủ qua đêm, không một ai trong làng dám chứa chấp một người đã có án tù ở trong nhà. Sau cùng, một vị giám mục tốt lành đã mở cửa đón tiếp Valjean với một bữa ăn tối và chỗ ngủ qua đêm. Tại bữa ăn tối, bà gíup việc cực lực phản đối giám mục đã ra lệnh cho bà phải dọn bàn ăn với bộ muỗng dĩa bằng bạc mà tòa giám mục thường dùng để tiếp khách. Đêm hôm đó, Valjean đã ăn cắp toàn bỗ muỗng dĩa bằng bạc, rồi trốn ra khỏi nhà.

Ngày hôm sau trên đường tẩu thoát, anh nói dối với cảnh sát rằng Đức Giám Mục đã cho anh những món đồ quý giá làm kỷ niệm. Nghi ngờ, cảnh sát đem anh trở lại tòa giám mục với những món đồ đã bị ăn cắp. Khi họ vừa đến tòa giám mục, Đức Giám Mục đã nói ngay rằng ngài rất vui mừng gặp lạị Valjean, vì ngài muốn tặng thêm cho anh những cái chân đèn bằng bạc nữa. Hành động tha thứ và nhân từ đáng kính phục này đã gây ảnh hưởng lưón lao trên cuộc đời của Valjean tới nỗi anh đã thay đổi hoàn toàn, và trở thành một con người mới. Sau cùng anh đã dâng hiến cuộc đời còn lại để phục vụ tha nhân với lòng nhân từ hơn là lẽ công bằng.

17. Ðức ái không có biên giới

Sinh năm 1929 trong một gia đình trung lưu Nhật Bản, tương lai của cô Satôcô như đã được sắp đặt sẵn. Là một người nhất mực bảo thủ với các truyền thống trong gia đình Nhật, cha của Satôcô, cũng là một tiến sĩ nông học, đã muốn giáo dục cô theo tiêu chuẩn của các thiếu nữ con nhà thượng lưu thời ấy: trung thành với Nhật hoàng; tòng phục cha mẹ; học những phong cách và lễ nghi quý phái để sau này phục dịch một đức lang quân do cha mẹ sắp xếp. Thế nhưng cha cô có ngờ đâu rằng, một ngày kia, con gái ông sẽ vượt ra khỏi khuôn khổ gia đình ấy.

Năm 1941, Nhật khai chiến với Mỹ. Cha của Satôcô bị động viên vào quân đội; còn cô và em trai bị ép buộc vào làm việc ở một hãnh chế tạo máy bay. Năm 1945, khi chiến tranh kết thúc, cô ngã bệnh lao vì kiệt lực; còn em trai cô đã chết trước đó cũng vì lao lực. Năm 1946, cô vào học trường Dược ở Tôkyô. Một ngày nọ, đang lúc đi dạo ngoài bãi biển, Satôcô bị cuốn hút chú ý đến hai Nữ Tu Thừa Sai Bỉ. Tuy không là người công giáo, nhưng một động cơ nào đó đã thúc đẩy cô theo chân hai nữ tu vào trong một nhà thờ. Vẻ đẹp của gương mặt bức tượng Ðức Nữ Ðồng Trinh như xoáy vào tim cô. Trở về nhà, cô đã học đạo với các Nữ Tu Thừa Sai và được rửa tội năm 1949. Ðó cũng là năm cô đậu bằng dược sĩ.

Thời ấy, có một thừa sai Phanxicô người Ba Lan tên là Thầy Ðô (Deno Sebroski), hoạt động nổi tiếng cho người nghèo ở khu ổ chuột Annê, ngoại ô Tôkyô. Cùng với một nhóm tu sĩ Ba Lan do thánh Maximilianô Kôlbê (sau tử đạo trong trại tập trung Ðức quốc xã) hướng dẫn, Thầy Ðô đã đến Nagasaki từ năm 1930. Vì những hoạt động nhân đạo nổi tiếng của Thầy, Thầy là người ngoại quốc duy nhất không bị bắt giữ trong chiến tranh, mà còn được chính Nhật hoàng ban thư giới thiệu, kêu gọi mọi người hãy giúp đỡ Thầy. Khi nghe biết về Thầy Ðô, Satôcô đã nói với cha cô: "Nếu những người Ba Lan từ xa xôi đến Nhật để tận hiến cuộc đời phục vụ người nghèo, tại sao các tín hữu Nhật không thể làm như thế?" Thế là Satôcô đã đến gặp Thầy Ðô và xin đi thăm khu Annê. Ðêm hôm đó, cô không sao chợp mắt vì đầu óc miên man với hình ảnh những con người bất hạnh cô gặp ở Annê. Hơn nữa, gương mặt cũa vị tu sĩ già, lúc nào cũng ánh lên lòng thương xót và ý chí sắt đá phục vụ người nghèo, trở nên một thách thức đối với cô.

Sống chết với người nghèo

Khi thức giấc sáng hôm sau, Satôcô đi đến một quyết định táo bạo là phục vụ người nghèo mà không cần biết hậu quả sẽ ra sao. Công việc đầu tay của cô ở Annê là tổ chức lễ Giáng Sinh năm 1950 cho trẻ em. Sau đó cô vẫn tiếp tục sinh hoạt đều đặn với các em: dạy học, chăm sóc, nghe các em tâm sự về hoàn cảnh gia đình. Tuy thế, người dân Annê chưa tin tưởng cô. Họ nghĩ rằng cô tiểu thư nhà giàu ấy không sống cho họ, nhưng chỉ vì Chúa; cô yêu Chúa chứ thương yêu gì họ. Hơn nữa, người dân Annê tuy nghèo nhưng luôn hãnh diện về khả năng sinh sống nhờ thu lượm đồ phế liệu chứ không muốn nhận của bố thí. Ðể chứng tỏ lòng thành thật của mình, Satôcô bắt đầu đi lượm ve chai và đồ phế liệu, để kiếm quĩ tổ chức các sinh hoạt cho trẻ. Dần dần, cô đã cảm hóa được những người lớn nhờ sự đơn sơ, vui vẻ và nhờ tình thương chân thành cô dành cho con em họ. Chính người lãnh đạo cộng đoàn Annê tặng cô chiếc xe đẩy để công việc thu lượm phế liệu của cô được dễ dàng hơn. Mỗi lần cần món tiền lớn để tổ chức những sinh hoạt đặc biệt như đi nghỉ hè, Satôcô thường cầu khẩn Mẹ Maria và luôn kiếm được số tiền cần thiết. Những hoạt động từ thiện của cô đã gây tiếng vang, đến độ tên tuổi cô xuất hiện cả trên báo chí và truyền hình.

Một lần nọ, cộng đoàn Annê muốn mua lại của thành phố một thửa đất lớn để qui hoạch lại khu phố với một trung tâm hướng nghiệp, một nhà thờ và một công viên. Tuy nhiên số tiền 25 triệu yên vượt quá sức của cộng đồng. Nhân cuộc họp thương lượng lần cuối của lãnh đạo cộng đồng với chính quyền thành phố, Satôcô đã trao cho phía chính phủ cuốn sách "Những trẻ em ở khu ổ chuột Annê" mà cô viết 4 năm trước đó; đồng thời cô cầu nguyện cật lực cho dự án này. Sau này khi cân nhắc lại, chính quyền đã đồng ý nhượng khu đất với giá 15 triệu, trả góp trong 5 năm.

Vì làm việc quá sức, lại ăn ngủ thất thường, nên chứng bệnh lao mang lúc 15 tuổi nay quay lại đòi mạng Satôcô. Cô đã dâng căn bệnh cho Chúa để cầu nguyện cho người dân Annê có được cuộc sống tươi đẹp hơn. Ngày 20.1.1958, khu phố mới Annê được khánh thành. Ba ngày sau, "Satôcô của khu ổ chuột Annê" qua đời ở tuổi 29. Trong những ngày cuối đời, cha mẹ cô đã đem cô trở lại Annê, để cô qua đời tại nơi cô hằng yêu mến

18. Trở về không bào giờ muộn

Trong một buổi chia sẻ khinh nghiệm sống, một phụ nữ đã kể lại, “Tôi nhớ ngày tôi còn là một thiếu nữ; lần kia, cha mẹ tôi dắt tôi đi xem cuốn phim tựa đề là “Ảo ảnh cuộc đời." Phim kể chuyện một cô gái không những đã bội bạc mà còn khinh dể, làm khổ người mẹ đang hết lòng yêu thương mình. Qua nhiều biến cố, cuối cùng, người mẹ đau khổ đó chết; cô gái trở về, thống hối, tiếc thương. Về đến nhà hôm ấy, gia đình tôi bàn tán ý nghĩa của chuyện phim. Tôi nhớ rõ là tôi đã bực bội phê bình lớn tiếng, “Bấy giờ mới trở về, ăn năn thống hối làm gì nữa, vì mẹ đã chết rồi." Tôi thấy mẹ tôi định trả lời, nhưng cha tôi dùng ánh mắt ngăn mẹ tôi lại và nói, “Không có sự trở về nào là trễ trong tình thương con ạ." Thú thật, ngày đó, tôi không hiểu gì nhiều về câu trả lời của cha tôi, nhưng bây giờ đã là mẹ, tôi mới thấm thía ý nghĩa của nó. Chính câu nói ấy đã giúp tôi luôn sẵn sàng trở về với Chúa, và nhất là, tôi dễ dàng yêu thương tha thứ cho các con tôi."

19. Chợ người

Báo Người Lao Động số 23.1993 có đăng bài: Chợ Người Hà Nội.

Người Hà Nội bấy lâu nay đua nhau xây nhà. Nếu thiếu nhân công lặt vặt là có thể ra ngay chợ người mua sức lao động. Đội quân từ các tỉnh về Hà nội thường xuyên có đến hai ba chục ngàn người. Rỗi việc nhà nông, ở quê không có người phụ...không việc làm, họ ra Hà nội, tụ tập nhiều nhất là dọc đường đôi Giảng võ, trục đường dài theo đê Đại la, xuống Láng... đến chợ Mộc... Công việc có nhiều giá. Việc lặt vặt như dọn đất đá, khuân gạch tô vôi, quét vôi lóc thì khoán từ A đến Z, hoặc là cơm chủ hai bữa cộng tiền công ba, bốn ngàn, hoặc là tự lo bữa ăn..thì 5,6 ngàn một ngày. Tiền công như vậy là rẻ mạt. Cũng đành vậy thôi. Họ chỉ có đôi tay. Và còn hơn là không có việc.

Người thuê cũng có ít. Vì ngại, vì sợ người làm công quen cửa quen nhà mình rồi, làm xong biết đâu người ta “xin đểu”,”trộm cắp, nhờ vả..." rách việc thêm.

Báo Tuổi trẻ ngày 4.4.1996 có đăng bài: Chợ Người Ở Định Quán.

Nếu như ở Hà nội, dòng người xuất phát từ nông thôn đổ xô về thành thị “nhóm chợ’ tìm việc làm thì tại Định Quán (Đồng nai), một khu chợ mới đã hình thành trên quốc lộ 20 với những đặc trưng của nó. Đó là những người lao động hình thành từ những làn sóng “di dân tự do’ it đất, không có tư liệu sản xuất, đành phải bán sức lao động kiếm sống...Vùng này là vùng có nhiều đất, có nhiều đá lộ đầu nên việc dùng cơ giới trong nông nghiệp bị hạn chế. Do đó nhu cầu về lao động rất cao.Từ tháng tư đến tháng mười hai, thời gian diễn ra vụ trồng, ngày ngày có hàng trăm lao động tụ tập ở “chợ” chờ đợi. Những ngày cao điểm, vào vụ lên đến bốn năm trăm người. Những chiếc xe cải tiến, xe máy xới chạy ì ạch, chở đầy những lao động từ “chợ người” đi về các vườn cây, các nương rẫy. Mỗi lao động được từ 15.000 – 20.000đ /ngày. Những ngày cao điểm có thể đến 30.000 – 40.000đ. Hôm sau, mờ mờ sáng chợ lại đông.

20. Lời nguyện của Véronique

Và dưới đây là lời cầu nguyện của một cô gái mắc bệnh phong cùi tên Véronique. Trong nỗi đau tột cùng vẫn ánh lên niềm tin yêu tha thiết. Ước gì lời cầu nguyện chân tình đó cũng là tâm tự của bạn và tôi, với Chúa và với tha nhân:

“Lạy Chúa, Chúa đã đến và xin con tất cả, và con cũng đã hiến dâng cho Chúa mọi sự. Xưa kia, con ưa thích đọc sách, và Chúa đã mượn cặp mắt của con. Ngày trước, con thích chạy nhảy trong rừng thưa, và Chúa đã mượn đôi chân của con. Mỗi độ Xuân về, con tung tăng hái lượm những cách hoa xuân, và Chúa lại xin đôi bàn tay. Bởi vì con là một phụ nữ, con thích ngắm nhìn suối tóc óng ả, ưa nhìn những ngón tay thon nuột xinh xắn của con.

Thế mà bây giờ, đầu con như chẳng còn sợi tóc nào, chẳng còn đâu những ngón tay xinh xinh, chỉ còn lại một vài “que củi” khô queo, nhám nhúa.

Chúa ơi, Chúa hãy nhìn con, cái thân thể kiều diễm của con đã bị hủy hoại đến mức nào. Thế nhưng con không thể nổi loạn, con lại muốn dâng lên Chúa lời tạ ơn.

Vâng, lạy Chúa, muôn đời con sẽ dâng lên hai chữ “Tạ Ơn." Bởi vì hôm nay nếu Chúa truyền cho con phải vĩnh biệt cõi đời, con sẽ chẳng tiếc hận gì.

Đời con đã được quá ư đầy tràn, đến kỳ diệu tột độ: sống đắm mình trong tình yêu. Cuộc đời con được Chúa lấp đầy chan chứa, vượt quá những gì mà tim con hằng mong ước.

Ôi lạy Cha, Cha đã đối xử quá đẹp với bé gái Véronique của Cha, và chiều nay, ôi Tình Yêu của con! Con xin dâng lời nguyện tha thiết cho tất cả mọi người cùi trên mặt đất. Xin Cha thương cách đặc biệt những ai đang bị “bệnh cùi tâm hồn”, đang đạp đổ, đè bẹp, và hủy hoại.

Con yêu thương đặc biệt những con người bất hạnh ấy. Và chiều nay trong âm thầm, con xin tận hiến, chính mình con cho họ, bởi vì họ là những anh chị em. con.

Ôi Tình Yêu của con, con xin dâng Cha căn bệnh phong cùi nơi thân xác con để những người kia đừng bao giờ biết đến cái đắng cay, lạnh lẽo kinh hồn của “bệnh cùi tâm hồn." Như mẹ hiền ấp ủ con thơ, Cha hãy ôm con vào lòng và nhận chìm con xuống đáy tim Cha. Xin cho con được mãi mãi ở đó cùng bao người thân yêu cho đến muôn đời. Amen.”

21. Góc nhìn vị tha và vị kỷ

Một công ty thuê một cái tàu du ngoạn trên biển để thưởng công cho các nhân viên làm việc giỏi và chăm chỉ. Đến ngày đi, các nhân viên ngày xuống tàu và đi tìm phòng của mình. Chỉ vài phút sau, một người chạy vội lên văn phòng muốn gặp vị thuyền trưởng. Một trong nhựng viên chức phụ trách hỏi: “Ông muốn gặp thuyền trưởng để làm gì?” Người đó đáp: “Tôi cũng làm việc giỏi và chăm chỉ như người bạn của tôi, thế mà tại sao anh ta lại được căn phòng xinh đẹp hơn căn phòng của tôi?” Vị phụ trách trả lời: “Thưa ông, căn phòng nào cũng giống nhau cả." Người đó nói: “Phải, nhưng phòng của anh ta nhìn ra biển khơi, còn căn phòng của tôi chỉ nhìn thấy bến tàu, trông chẳng hấp dẫn chút nào?”

Thật là tội nghiệp. Một khi tàu rồi bến ra ngoài khơi thì hai bên đều nhìn thấy biển giống nhau. Một con chim sẻ phàn nàn với Chúa: “Chúa cho con công nhiều màu sắc rực rỡ xinh đẹp, còn cho chim hoàng anh thì hót thật hay trong khi con chẳng được gì và còn bị quên lãng. Tại sao Chúa lại dựng nên con chỉ để cho con đau khổ?” Chúa nhẹ nhàng trả lời: “Con không được tạo dựng để chịu đau khổ. Con đau khổ vì con phạm vào một lỗi làm giống hệt như con người, đó là con so sánh mình với người khác. Hãy bằng lòng với chính mình, vì không có so sánh thì cũng không có đau khổ."

Phải chăng nếu để ý sẽ thấy rằng chúng ta thường hài lòng với những gì chúng ta có cho tới khi chúng ta so sánh những gì mình có với những gì người khác có?

22. Lòng tốt trả lương

Một buổi sáng đi ngang qua con đường Euclid vùng Nam California, thấy đầy dẫy những người Mễ đứng dọc bên lề đường, tôi thắc mắc hỏi bác tài xế ở vùng đấy, và được bác cho biết là họ đang đứng chờ người thuê đi làm. Bác còn thêm: “Ở đây thuê Mễ rẻ lắm." Tôi hỏi tiếp: “Vậy rẻ là bao nhiêu vậy bác?” Bác trả lời: ‘Có người trả họ hai đồng một giờ, có người thuê ba đồng, có người bốn hoặc năm đồng. Nhưng mà bốn năm đồng thì hiếm lắm. Tụi nó... hả... trả bao nhiêu nó cũng làm hết." Thấy cảnh tượng nhân công nhiều mà người thuê nhân công thì ít, tôi chợt nghĩ có người sẽ được thuê đi làm, được năm ba đồng nuôi sống gia đình (nghĩ thấy xã hội cũng bất công...) và cũng có người sẽ đợi, đợi mãi rồi lủi thủi trở về nhà chờ sáng mai ra đứng đợi tiếp. Cuộc sống của họ thật bấp bênh. Nghĩ thật đáng thương!

Trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu diễn tả Nước trời qua hình ảnh một gia chủ gọi các người thợ vào làm vườn nho của ông. Nhưng khác với những người nhân công Mễ trong câu chuyện trên, những người thợ làm vườn nho trong bài Phúc âm đều được gia chủ gọi đi làm và được trả công cân xứng.

23. Mọi người đều hạnh phúc dù nhiều ít không bằng nhau

Nhưng Nước Trời không phải là nước trần gian, hay ít ra không phải là trần gian như đang có trong hiện tại. Nước Trời được định nghĩa như một xã hội hoàn hảo, trong đó mọi người đều được hạnh phúc. Để được hạnh phúc như thế thì mọi người phải yêu thương nhau, và yêu thương một cách cụ thể là phải quên mình đi để lo cho tha nhân. Khả năng hay tài năng của mỗi người là để phục vụ tha nhân, để lo cho lợi ích chung, chứ không ai dùng tài năng chỉ để vun quén cho mình.

Một gia đình hạnh phúc – vì mọi người trong nhà đều yêu thương lo lắng cho nhau – là một hình ảnh rất cụ thể và sống động về Nước Trời. Những người lớn, có nhiều khả năng, thì đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Những em nhỏ tuy không đi làm, nhưng vẫn phải ăn, học, và do đó phải tiêu một món tiền không nhỏ. Nếu trong nhà có một người đau yếu, bệnh tật, thì người bệnh này có thể không làm ra được một đồng nào, nhưng lại có thể tiêu một số tiền lớn nhất trong nhà vì tiền thuốc, tiền bác sĩ rất mắc. Trái lại, người làm ra nhiều tiền nhất trong nhà có thể lại tiêu xài tiền ít nhất, vì có ít nhu cầu nhất. Nhưng anh ta vẫn không lấy thế làm bất công, mà cảm thấy như thế là hợp lý. Anh cho rằng số tiền trong gia đình phải được chia tỷ lệ với nhu cầu của mỗi người chứ không phải tỷ lệ với số tiền mà mỗi người kiếm được.

24. Tình yêu chia sẻ mang lại bình an

Ở một ngôi làng nọ có tục lệ khi một người trong làng tổ chức lễ cưới và người được mời khi đi dự tiệc cưới không cần mang gì hết ngoài một xị rượu, Tại cửa tiệc cưới người ta đặt sẵn một cái chum để khách dự tiệc cưới đổ rượu mà họ mang tới vào đó. Và khi tiệc cưới bắt đầu chum rượu được bưng vào, và khách dự tiệc sẽ uống rượu mà họ đã mang tới và đã được đổ chung vào với nhau. Thật tuyệt vời về sự chung chia niềm vui tiệc cưới. Nhưng thật kỳ lạ, khi mọi người cùng nếm rượu thì chẳng thấy mùi rượu đâu cả, mà chỉ toàn là nước lạnh. Điều gì đã xảy ra, thưa bởi vì khách được mời đều nghĩ rằng cả chum rượu thì một xị nước lã của mình thì ăn thua gì. Và thay vì mang rượu, họ đều mang nước lã, và kết quả là tiệc cưới không còn có niềm vui, không có nụ cười và chỉ còn là những tiếng hờn trách giận dỗi.Thật buồn, phải không anh chị em. Đó là hậu quả của thói ích kỷ, thiếu sự hiệp thông xẻ chia.

Tất cả đều được Chúa quan tâm, mỗi ngừoi đều được Chúa đói xử như nhau, kẻ làm từ giờ thứ ba tới giờ thứ 11, Người không tính sổ chúng đã làm bao nhiêu giờ, Ngài chỉ tính toán làm sao cho chúng ta có được một cuộc sống hạnh phúc. Thiên Chúa là thế đó, và vì thế chỉ có nơi Ngài chúng ta mới có thể tìm thấy được bình an. Một sự bình an được nẩy sinh từ tình yêu hướng tha, không quy ngã, một tình yêu biết chia sẻ, chứ không thu quén cho riêng mình. Và như thế sự bình an luôn được đâm chổi nẩy lộc trong mối tương giao đầy ắp tình người, từ con tim đến con tim.

25. Đừng so sánh.

Tại các thành phố hiện nay, cơn sốt về nhà đất mỗi ngày một gia tăng. Một mảnh đất hôm qua chẳng có giá trị gì, thế mà hôm nay có thể trở thành tài sản lớn.

Có một bác nông dân sống ở ven đô, bác nhẩm tính trong đầu rằng: Theo thời giá, miếng đất của bác có thể bán được hai mươi cây vàng. Nhưng rồi có người đến trả cho bác những hai mươi lăm cây. Bác mừng rỡ bán vội.

Liền sau đó, người bên cạnh bán miếng đất chỉ bằng nửa miếng đất của bác mà cũng được hai mươi lăm cây. Bác tiếc ngẩn tiếc ngơ và lên tiếng cự lại người mua hai miếng đất ấy. Và người mua đã trả lời bác:

- Này bác, bộ tôi phỉnh gạt bác à. Bác đã chẳng thỏa thuận với tôi hai mươi lăm cây sao? Hay là bác ganh tị vì tôi đã rộng lượng.

Từ câu chuyện trên chúng ta đi vào đoạn Tin mừng hôm nay và tự hỏi: Chúa Giêsu muốn đưa ra bài học nào? Và trong cuộc sống, đám thợ trước được sánh ví với ai? Còn đám thợ sau được tượng trưng cho hạng người nào?

26. Lòng quảng đại

Douglas được cả nước biết như là người sáng tạo ra giầy dép. Trong những năm đầu, ông bị thất nghiệp lâu dài đến nỗi chỉ còn một đồng tiền cuối cùng. Tuy nhiên, ông đã bỏ một nửa đồng đó – tức là 50 xu – vào giỏ xin tiền ở nhà thờ. Sáng hôm sau, ông nghe biết có một công việc ở thành phố bên cạnh mà vé đi xe lửa là một đồng. Xem ra nếu giữ lại 50 xu kia thì thật là khôn ngoan. Tuy nhiên, ông đã mua vé với 50 xu còn lại và đi nửa đường tới nơi gần đến. Ông bước ra khỏi xe lửa và bắt đầu đi bộ qua thành phố.

Trước hết ông đi tới một khu nhà lớn, ông nghe rằng có xí nghiệp ở một quãng đường nữa – đang cần thuê công nhân. Trong vòng 30 phút, ông có được một việc làm với tiền lương là 5 đô la một tuần, còn hơn số lượng ở thành phố khác. Tiền lương tuần lễ đầu tiên của ông đã gấp 10 lần số tiền ông giúp cho công việc của Chúa.

27. Thiên Chúa công bình

Một hôm Thiên Chúa đi vào thiên đàng. Ngài ngạc nhiên thấy tất cả những người chết đều được vào đó cả, không ai bị sa hỏa ngục. Ngài suy nghĩ phải chăng Ngài không phải là Đấng công bình vô cùng. Ngài gọi sứ thần Gáp-rien đến và bảo:

- Con hãy tập trung mọi người đến trước mặt Ta. Đọc cho họ nghe 10 giới răn của Ta.

Sứ thần đọc giới răn thứ nhất và Chúa phán bảo:

- Những kẻ nào phạm giới răn thứ nhất đó, hãy xéo khỏi mặt Ta, đi vào hỏa ngục ngay.

Một số người từ từ rời khỏi đám đông và buồn bã khóc lóc đi vào hỏa ngục. Và sứ thần đọc tiếp các giới răn khác, cứ sau mỗi giới răn đều có số người rời khỏi đám đông và than khóc đi xuống hỏa ngục. Sau cùng chỉ còn lại có một người, người đó là một ẩn sĩ già.

Thấy vậy, Thiên Chúa hỏi sứ thần:

- Chỉ có một người này được vào Thiên Đàng hay sao?

Nói xong, Ngài bảo sứ thần gọi đám đông lại và cho họ trở vào thiên đàng. Thấy đám đông tội lỗi xấu xa thế mà Chúa lại tha thứ cho trở lại thiên đàng, vị ẩn sĩ tức giận nói với Chúa:

- Chúa không phải là Đấng công bình!

Thiên đàng chính là ngôi nhà của tha thứ, của quảng đại khoan dung. Tha thứ khoan dung của Thiên Chúa dành cho con người và tha thứ bao dung của con người dành cho nhau.

28. Bất hạnh vì ganh tỵ

Traund là một kiến trúc sư nổi tiếng và rất thành công trong sự nghiệp. Anh có vợ là Êlisabét và hai đứa con ngoan. Gia đình sống rất đầm ấm hạnh phúc. Và công việc làm ăn của anh ngày càng phát triển đến nỗi một mình làm không hết, phải hợp tác với Đavít mới đáp ứng hết nhu cầu của khách hàng.

Lúc đầu mọi việc êm xuôi tốt đẹp. Tình bạn đôi bên cùng sâu đậm. Nhưng sau một thời gian, Traund nhận thấy khách hàng quý chuộng Đavít hơn, nhờ anh đứng thầu nhiều dự án xây cất hơn. Thế là Traund nổi ghen lên, kiếm chuyện xích mích với bạn mãi, làm cho mối quan hệ giữa hai người ngày càng căng thẳng, lôi kéo luôn số nhân viên chia rẽ kình địch nhau.

Nhưng tai hại hơn cả là tình cảnh gia đình Traund. Mỗi khi đi làm về, anh cáu gắt với vợ con. Đời sống gia đình trở nên địa ngục sầu thảm. Rồi bàn tay phải của anh bắt đầu bị sưng khớp đau nhức, bắt buộc anh phải bỏ công việc, vào bệnh viện chữa trị. Khi xuất viện về nhà, anh như con sư tử bị giam trong củi.

Buồn khổ quá, vợ anh gọi điện thoại đến Cha Micae Pacli là một linh mục chuyên chữa bệnh tâm linh. Cha tới gặp anh, khuyên anh bỏ lòng ghen tuông, làm hòa với Đavít, để mọi việc được trở lại tốt đẹp an vui. Anh không đồng ý mà còn giận dữ. Nhưng sau một lúc cầu nguyện chung với anh, cha Micae đã khuyên bảo được anh viết thư xin lỗi Đavít.

Và lạ thay, từ đó ghen tuông của anh tan biến, tay anh không còn bị sưng khớp nữa. Gia đình anh trở lại êm ấm hạnh phúc, công việc làm ăn trở nên niềm vui cho anh như trước.

29. Lòng quảng đại chân chính

Một hôm Chúa Giêsu bảo Phêrô và Gioan cùng leo núi với Ngài. Dọc đường Ngài bảo mỗi ông hãy mang theo một hòn đá. Ông Phêrô nhặt một hòn đá nhỏ bỏ túi, còn ông Gioan vác cả một tảng đá to. Do đường xa vác nặng, ông Gioan thở hổn hển và đến nơi sau hết. Còn ông Phêrô bước đi nhẹ nhàng thảnh thơi nên đến nơi trước. Chúa Giêsu cho hai ông ngồi xuống, rồi đọc lời chúc tụng, biến hai viên đá thành bánh. Dĩ nhiên chiếc bánh của ông Phê rô nhỏ bé, không đủ thỏa mãn cơn đói cồn cào của ông. Còn ông Gioan thì ăn no nê dư dật.

Lần khác, Chúa gọi hai ông leo lên núi với Ngài nữa. Rút kinh nghiệm lần trước, Phêrô mang theo một tảng đá to, phải cố gắng hết sức mới vác nổi lên núi. Đến nơi, Chúa Giêsu bảo hai ông ngồi xuống. Ông Phêrô trông đợi Chúa làm phép lạ nhưng Chúa bảo các ông ngồi lên tảng đá mà các ông đã vác theo. Phêrô cảm thấy xấu hổ trách Chúa, nhưng Chúa bảo:

- Lòng quảng đại đích thực không phải là lòng quảng đại tính toán.

Chúng ta thường nói: "Có qua có lại mới toại lòng nhau." Chúng ta cho là để được cho lại, chúng ta làm ơn là để được trả ơn. Chúng ta lập công là để được thưởng công. Chúng ta làm việc là để được lãnh lương như các người làm vườn nho trong Tin Mừng hôm nay.

Óc vụ lợi chi phối tất cả mọi quan hệ của chúng ta với tha nhân cũng như đối với Thiên Chúa.

Qua dụ ngôn những người làm vườn nho trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đảo lộn quan niệm thông thường của chúng ta. Qua toàn bộ cuộc sống và cái chết của Ngài, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta một Thiên Chúa quảng đại đến độ trao ban cách nhưng không cho chúng ta Con Một của Ngài. Qua cách cư xử của Ngài, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta, Ngài yêu thương mà không mong đền đáp nào của chúng ta.

Lòng quảng đại đích thực không phải là lòng quảng đại tính toán. Tình yêu đích thực là trao ban cách nhưng không.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nên trọn lành như Cha chúng ta ở trên trời, sống quảng đại, sống san sẻ, sống yêu thương cho đến cùng, như chính Ngài đã chết trao trên khổ giá. Tình yêu ấy mời gọi chúng ta tin tưởng phó thác hoàn toàn vào Người, tình yêu ấy mời gọi chúng ta thanh luyện tình yêu ích kỷ, vụ lợi của chúng ta.

30. Đường lối của Chúa

Có một người giáo dân hỏi cha sở: Thưa cha, con phân bì với anh trộm lành, người cùng chết với Chúa trên đồi Golgotha đó, vì Chúa hứa cho anh ta về thiên đàng ngay ngày hôm đó với Chúa. Anh trộm lành rõ ràng là một tên cướp với đủ thứ tội. Vậy mà Chúa hứa cho anh ta lên thiên đàng ngay với Chúa. Con không phục đâu.

Cha sở cười hỏi lại: Vậy có phải nếu anh là Chúa, anh sẽ nói với anh trộm lành: "Tôi không quên anh đâu; nhưng còn vào thiên đàng hả? Chắc còn lâu quá! Vì anh phải đền tội trong luyện ngục cái đã chứ! Rồi sau đó mới lên thiên đàng đuợc." Có phải anh muốn nói thế không?: - Anh giáo dân cười nói: "Dạ phải vậy chứ! Anh ta là tay cướp khét tiếng, tội nào mà không có.."

Cha sở nói: "Vậy rõ ràng anh không phải là Chúa rồi, cho nên anh đâu hiểu được đường lối của Chúa. Người ta thì đòi công bằng, nhưng Thiên Chúa lại cư xử bằng tình yêu. Chính tôi cũng không hiểu được Chúa nhiều về điểm này; nhưng tôi chỉ biết tình yêu và lòng thương xót của Chúa thì vượt xa lẽ công bằng mà thôi...

CNTN 25B - NGƯỜI LỚN NHẤT TRONG NƯỚC TRỜI

Lời Chúa: Mc 9, 30-37

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại.” Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người. Các ngài tới Capharnaum.

Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: "Dọc đàng các con tranh luận gì thế?" Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất.

Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người.”

Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: "Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy.”

TRUYỆN KỂ

1. Ghen tương đố kỵ

Những ai đọc tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa đều biết đến nhân vật Chu Du. Ông là một vị tướng giỏi, túc trí đa mưu, nhưng lại có tính ghen tương đố kỵ. Đối thủ của Chu Du là Gia Cát Lượng.

Khi bị thua trận cách bẽ bàng, trước khi hộc máu miệng và chết, Chu Du đã thốt lên câu cảm thán và câu này đã trở thành kinh điển: “Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng!”

Thật thê thảm thân phận một con người nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, ngó đâu cũng thấy tai hoạ! Hậu thế không khỏi xót xa cho một nhân tài mà không thắng nổi tính ghen tương của chính mình.

2. Đầy tớ của mọi người

Có một giai thoại lý thú về bác sĩ Charles Mayo, người thường được nhắc tới với cái biệt hiệu là “bác sĩ giám đốc đánh giày.” Cùng với cha và người em của mình, bác sĩ Charles Mayo đã xây dựng bệnh viện Mayo nổi tiếng trên thế giới tại thành phố Rochester, bang Minnnesota, Hoa Kỳ.

Lần kia, một phái đoàn y khoa được cử đến thăm bệnh viện. Theo truyền thống của bệnh viện, quý khách sẽ để giày trước cửa phòng riêng của mình, và bệnh viện sẽ bố trí nhân viên đến đánh bóng các đôi giày ấy. Tối hôm đó, bác sĩ Charles Mayo làm việc trễ và là người về phòng sau cùng. Ông thấy các đôi giày ở trước các phòng của khách vẫn chưa được nhân viên phụ trách đánh bóng! Có thể họ đã quên làm việc này chăng? Ông liền đi kiếm xi và bàn chải, rồi lần lượt đến trước mỗi phòng đánh bóng các đôi giày của khách. Khi nhân viên phụ trách đánh giày hôm đó làm nhiệm vụ lúc nửa đêm, anh rất ngạc nhiên khi thấy vị bác sĩ giám đốc bệnh viện vẫn đang loay hoay đánh những chiếc giày cuối cùng cho các khách quý.

3. Tôn Ngộ Không.

Trong phim truyện Tây Du Ký, vai trò nổi bật nhất là Ngộ Không. Ngộ Không bá chủ loài khỉ, chưa đủ, anh còn học 78 phép biến hoá, rồi đi thống trị các lân bang. Vẫn chưa hài lòng, Ngộ còn đòi lên trời làm Tề Thiên Đại Thánh: Tề Thiên là bằng Trời. Đại Thánh là cao sang vĩ đại nhất. Ngọc Hoàng Thượng Đế biết Ngộ ngạo mạn quá trớn phong cho Ngộ làm mã quan. Ngộ hý hửng tưởng bở, nhưng khi bị sai đi chăn ngựa, Ngộ mới hiểu mã quan là quan coi ngựa. Ngộ bực tức vì ngu mà bị mắc bẫy. Ngộ giận dữ phá phách, bị đại tướng nhà trời đánh đuổi rơi xuống đất bị đè bẹp dưới tảng đá lớn suốt 500 năm để thấy mình bất lực mà ăn năn cải thiện.

Khi đã cải thiện, Ngộ được cứu thoát và gia nhập phục vụ đoàn đi tìm chân lý. Khi Ngộ Không bất mãn, bất phục lệnh, Ngộ lại bị cái vòng kim cô xiết vào đầu làm Ngộ Không nhức óc kêu la thảm thiết. Khi biết tuân lệnh quay về đường phục vụ, thì Ngộ được lành mạnh, tài giỏi. Nhờ biết đi vào con đường phục vụ như tôi tớ, Ngộ Không đã tìm được chân lý và hạnh phúc, và giúp cho cả đoàn tới được chân lý.

Phim truyện có hai màn đối nghịch nhau. Màn đầu: diễn tả cảnh tranh bá đồ vương khủng khiếp của Ngộ Không. Màn sau: diễn tả những việc phục vụ rất đắc lực của Ngộ Không.

4. Vâng lời nhận chức giám mục

Đức Cha Lê hữu Từ đã kể lại trong Tuần giảng Tĩnh tâm cho Tiểu chủng viện Trung Linh, Bùi Chu năm 1952. Khi được sắc phong Giám mục, ngài run sợ, từ dòng Châu Sơn Thanh Hóa, đạp xe đạp cũ kỹ xuyên qua rừng núi hơn 400 km vào Huế, xin Đức Khâm sứ Tòa thánh ban cho được từ chức. Hầu hết các Đức Giáo hoàng và Giám mục đều muốn xin từ chức như vậy. Nhưng vẫn phải vâng theo ý Chúa như Đức Giêsu đã cầu nguyện trong giờ hấp hối: “Lạy Cha, xin cất chén đắng này đi, nhưng đừng theo ý Con, một theo ý Cha.”

5. Nghị viên Paedateros.

Người Hy lạp có một câu truyện về một người ơ thành Spartes tên gọi Paedateros là một ứng củ viên. Người ta chọn và bầu ra ba trăm người để cai trị thành Spartes. Paedateros là một ứng cử viên. Khi danh sách những người trúng cử được công bố, không có tên ông. Một bạn thân của ông ta nói:

- Tiếc thật, người ta không bầu cho anh, thiên hạ không biết nếu bầu cho anh , anh sẽ là một chính khách lỗi lạc đến thế nào"?

Nhưng Paedateros thản nhiên đáp:

- Trái lại, tôi rất vui vì trong xứ Spartes này còn có ba trăm người có tài, có đức hơn tôi.

Đây là một người đã đi vào truyền thuyết vì sẵn sàng nhường cho kẻ khác ngôi vị hàng

đầu mà không hề tỏ ra cay đắng.

Nhà văn hào R. Tagore cũng có một lý tưởng cao đẹp như thế khi ông nói: “Khi tôi ngủ, tôi mơ rằng cuộc đời là niềm vui. Lúc thức dậy, tôi thấy rằng cuộc đời là phục vụ. Khi phục vụ, tôi thấy rằng phục vụ là niềm vui.”

6. Chân phước Charles de Foucauld.

Cha Charles de Foucauld, , biệt danh là người hùng sa mạc Sahara, trước đây là một viên thượng tá trong quân đội Pháp. Đã từng chỉ huy các đoàn kỵ binh anh dũng rong ruổi ngược xuôi trên lưng ngựa để phục vụ hoàng triều nước Pháp. Foucauld tưởng như vậy là thành công và oai hùng.

Nhưng nắm trong tay những tấm huy chương chói lọi, và tai nghe tiếng vó ngựa vang trời, Foucauld vẫn cảm thấy sự trống vắng, vô nghĩa của cuộc đời! Để cho đời mình có ý nghĩa tròn đầy, ông rời quân ngũ, xin vào phục vụ trong một tu viện ở làng Nazareth. Tại đây, Foucauld gánh nước cho từng nhà, nhất là những người già yếu bệnh tật. Rồi Chúa lại dẫn lối cho Foucauld đi tĩnh huấn trong sa mạc để đem Tin Mừng cho người Phi châu.

Trong đời quân ngũ, Foucauld không chinh phục được ai, nhưng trong đời tu sĩ, ông đã đem nhiều linh hồn vê với Chúa.

7. Bác sĩ Miki.

Bác sĩ Miki trong phim "Vận mệnh" thấy đời mình thất bại nhiều, chồng chết… có ý định tự tử. Tình cờ đỡ đẻ cứu sống được cả mẹ con, lúc ấy Miki bừng tỉnh và thấy đời mình còn có ích cho người khác. Miki quyết định đến một hòn đảo xa phục vụ đồng bào với số ngày còn lại. Và Miki đã thực sự thấy mình được hạnh phúc trong phục vụ.

Để kết thúc, chúng ta hãy lắng nghe trong tinh thần cầu nguyện những lời của bác sĩ Albert Schweitzer, một Kitô hữu vĩ đại thời nay, người đã từ giã những phòng hoà nhạc Âu châu để trở thành một bác sĩ thừa sai phục vụ cho người nghèo khổ ở Phi châu:

"Tôi không biết số phận bạn ra sao, chỉ biết một điều duy nhất là: “Trong các bạn, chỉ những ai biết tìm và tìm thấy cách thức phục vụ tha nhân thì mới thực sự được hạnh phúc.”

8. Người công chính bị bách hại

Elia Wiesel, một nhà văn Do Thái từng đoạt giải Nobel, kể câu chuyện sau đây:

Hồi đó ông đã bị quốc xã Ðức bắt giam trong trại tập trung Auschwitz. Ðây là một trại giam nổi tiếng là tàn bạo. Thỉnh thoảng bọn cai ngục bắt một số người đưa vào phòng hơi ngạt cho họ bị chết một cái chết rất khủng khiếp.

Một hôm, có một đám trẻ Do Thái được chọn để hôm sau được đưa vào phòng hơi ngạt ấy. Nhìn thấy đám trẻ ngày mai phải chết, Elia Wiesel động lòng thương nên xin bọn cai tù cho phép ông được ở chung với bọn trẻ ấy một đêm. Thật là ngạc nhiên, bọn cai tù đồng ý ngay. Ðêm đó Elia Wiesel kể cho đám trẻ hết chuyện này đến chuyện khác, mong làm chúng được vui. Nhưng kết quả trái ngược hẳn, ông không làm chúng vui được mà chỉ làm cho chúng khóc, và chính ông cũng phải khóc theo.

Sáng hôm sau, ông buồn bã tiễn chân đám trẻ vào phòng hơi ngạt rồi trở về phòng giam của mình, mặt mày tiu nghỉu. Bọn cai tù thấy thế thì cười ngặt nghẽo. Thật là vô tình và cũng thật tàn nhẫn.

Qua chuyện ấy, chúng ta thấy sự trơ tráo của những kẻ làm điều ác, người vô tội bị bách hại và chiến thắng của sự dữ (bài đọc I); chúng ta cũng thấy một tấm gương phục vụ những người bé mọn mà Ðức Giêsu đề cao trong bài Tin Mừng.

9. Bản tính thứ hai

Khi Nelson Mandela là một sinh viên luật ở Johannes bourg, ông có một người bạn tên Paul Mahabane. Ông này là thành viên của hội đồng Quốc gia Châu Phi (ANC), và nổi tiếng là một người cấp tiến. Một ngày nọ khi hai người bạn đứng bên ngoài một bưu điện thì một ông quan tòa địa phương, một người da trắng ngoài sáu mươi đến gần Mahabane yêu cầu ông đi vào bên trong bưu điện mua giùm ông ít con tem. Hồi đó, việc một người da trắng gọi một người da đen lại để làm một việc vặt là chuyện bình thường. Paul từ chối. Ông quan tòa bị tổn thương.

“Mày có biết tao là ai không?” Ông nói, mặt đỏ lên và giận dữ.

“Tôi không cần biết ông là ai .” Mahabane đáp lại. “Tôi biết ông là gì.”

Ông quan tòa lồng lộn lên và nói: “Mày phải trả giá đắt về việc này.” Nói xong ông ta bỏ đi.

Người da trắng ấy tin chắc rằng mình có địa vị cao hơn Mahabane chỉ vì ông là quan tòa. Và rõ ràng điều đó đã trở thành bản tính thứ hai của ông khi ông chờ đợi những người khác phục vụ ông, đặc biệt khi họ là da đen.

10. Ai là người lớn nhất

Linh mục Jean Marie Vianney. Cha là một người vừa kém thông minh và vừa có tư cách cục mịch như một người nhà quê. Sau nhiều năm học ở Chủng viện, Vianney thi không đủ điểm nên đáng lẽ bị loại. Nhưng người ta chỉ thương tình mà cho đậu vớt và được phong chức Linh mục.

Vì thấy Cha quá kém cỏi. Ðức Giám Mục đưa Cha đi làm Cha sở một họ đạo nhỏ xíu ở miền quê mà giáo dân đã bỏ đạo gần hết, đó là họ Ars. Thế nhưng Cha Vianney đã tận dụng tất cả các khả năng và sức lực Chúa ban để hết lòng phục vụ họ đạo. Mỗi ngày Cha chỉ nghỉ ngơi 3,4 tiếng đồng hồ. Nhưng ngồi toà giải tội thì liên miên, có khi tới 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Cha không có giờ nấu cơm, nên chỉ nấu một nồi khoai lớn để ăn dần cho suốt một tuần lễ.

Dần dần cả họ Ars trở lại, thành một họ đạo sốt sống gương mẫu. Giáo dân từ các họ khác cũng đến đó để dự lễ, để nghe giảng, để xưng tội. Có cả các tu sĩ, các Linh mục, Giám mục từ khắp nơi đến để nhờ Cha giúp đỡ về mặt linh hồn. Sau này người viết tiểu sử của Cha đã nhận định: Nếu cả Giáo Hội Nước Pháp mà có được chỉ một vài Linh mục như Cha Vianney thôi thì cả nước Pháp đã nên Thánh,.

Ðó mới là người lớn thật mặc dù chỉ là một Linh mục học kém, một Cha sở nhà quê, bởi vì sức phục vụ của Cha thật là lớn. Kẻ được Chúa xét là lớn lại chính là một người mà ít ai để ý tới, người đó không có chức có quyền nào, người đó âm thầm ít nói, nói ít mà làm nhiều; luôn luôn chu toàn nhiệm vụ mình, luôn tìm cách giúp ích cho người khác.

Bài học của CG hôm nay thật là dễ hiểu, nhưng lại khó thực hành.

11. Đón nhận một đứa trẻ vì danh Thầy

Một linh mục kể lại câu chuyện đầy kịch tính sau đây:

Tại một vùng hoang dã, những tay giang hồ tứ chiếng tập trung trong một khu trại. Một phụ nữ duy nhất sống giữa đám đàn ông sa đọa. Ban ngày cuốc xới bới tìm, đêm về là rượu chè bài bạc. Người phụ nữ đã gian díu với một tay quái nào đó và đang mang thai. Ngày sinh con, chị suy nhược không chịu nổi phút thử thách đã chết trên giường sinh.

Biến cố này bắt những tay giang hồ phải suy nghĩ một cái gì khác hơn là chuyện tranh chấp vàng bạc, rượu chè. Thơ nhi được đặt nằm trên tấm ván cạnh xác người mẹ. Bên dưới người ta đặt một cái nón ngửa để nhận quà tặng. Chiếc nón đầy đồng hồ, dây chuyền, nhẫn cưới, đồng vàng. Tất cả quà tặng dùng để chôn xác người mẹ xấu số và nuôi đứa bé thơ dại. Một ông già tình nguyện lo cho cháu nhỏ.

Người ta vô cùng bỡ ngỡ là ngày góp mặt đứa bé trong trại, cuộc sống đám quái đã đổi hẳn. Họ bỏ đánh bạc đêm để cho em bé ngủ yên, dừng lại những câu tục tĩu khi ở trước mặt bé, những nụ hôn thắm thiết như mưa trên nét mặt vô tội.

Một hôm vỡ đê, nước cuồn cuộn tràn lều. Nhảy khỏi giường, ai cũng đến tìm bé. Không ngờ bé và cụ già bố nuôi đã bị cuốn trôi lúc nửa đêm. Hai tay bé vẫn níu chặt cổ bố. Ngày đào hố chôn hai xác thiên thần cũng là ngày những người trong trại giang hồ chôn hết quá khứ. Họ vẫy tay, từ giã nhau mỗi người về một nẻo. Có phải chính nét thơ ngây thiên thần kia làm cho khách giang hồ trực cảm được một ý nghĩa cao đẹp trong cuộc đời trôi nổi phi lý đó? Có phải chính ánh mắt, nụ cười, nét đẹp thiên thần đã khơi một hương sống mới lạc quan và tươi vui hơn.

“Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy là đón tiếp chính mình Thầy” (Mc.9,37).

12. Tuổi thơ là mẫu mực

Nhà thần bí học nổi tiếng của Ấn Độ là Ramah Chrisna thường kể câu chuyện như sau. Ở ngôi làng hẻo lánh thuộc bang Bengala, một quả phụ nghèo có đứa con trai thơ ngày ngày phải băng qua một khu rừng để đi học. Một hôm em nói với mẹ, “Mẹ ơi! Con không dám đi qua khu rừng một mình nữa. Mẹ tìm người đi với con.”

Người mẹ nhìn con ái ngại nói, “con ơi! Nhà mình nghèo, làm sao thuê được người đưa đón con. Con hãy nói với ông Chrisna là thần của khu rừng đó giúp đưa đón con.” Tin lời mẹ, mỗi ngày đi học, cậu bé kêu thần Chrisna đưa đi rước về. Ngày nọ, nhân ngày sinh nhật của thầy giáo, thấy các bạn lớp chuẩn bị mua sắm quà cáp cho thầy, cậu bé cũng xin tiền mẹ mua quà cho thầy, nhưng bà than thở, “Con ơi! Nhà mình nghèo, đâu có tiền mua quà cho thầy. Con cứ xin thần Chrisna giúp con.”

Và theo lời nó xin, thần Chrisna đã cho nó món quà. Nó đem trao cho thầy giáo. Ông thầy thấy món quà của nó đơn sơ quá, không muốn mở ra, nên trao cho người làm bếp. Đó là một gói sữa tươi. Người đầu bếp mở gói ra, đổ sữa vào chai. Nhưng lạ thay, anh đổ đầy chai nầy đến chai khác mà gói sữa vẫn còn nguyên vẹn. Thầy giáo nghe biết thế thì hỏi nguyên do, cậu bé bảo là của thần Chrisna. Không tin việc lạ đó, thầy giáo bảo cậu dẫn đến gặp Chrisna. Nó liền đưa thầy giáo và các bạn đến khu rừng. Nó kêu gọi mãi mà chẳng thấy thần nào. Nó khóc òa lên nài nỉ, “Thần Chrisna ơi! Nếu thần không đến thì mọi người cho là con nói dối.”

Và nó nghe có tiếng vọng lại, “Con ơi! Ta không thể đến được. Ngày nào thầy giáo con có niềm tin và trái tim đơn sơ như con, Ta mới đến.”

13. Ơn gọi phục vụ của Mẹ Têrêxa

Thế giới hiện đang chú ý đến một người đàn bà nổi tiếng nhất của thế kỷ, đó là mẹ Têrêsa Calcutta mới qua đời ngày 5 tháng 9 năm 1997. Toàn thể nhân loại nhất là những người cùng khổ đều thương tiếc khi nghe tin mẹ qua đời. Tại sao cả thế giới chú ý đến mẹ Têrêsa nhiều đến thế? Vì mẹ đã trọn đời hy sinh phục vụ người nghèo khổ, bệnh tật, đau khổ.

Năm 1937, nữ tu Têrêsa được cử làm giám đốc một trường trung học dành riêng cho học sinh giàu tại Calcutta. Nữ tu còn nhớ rõ lời căn dặn của người mẹ, “Con hãy nhớ, con được gởi đến Ấn độ là để phục vụ người nghèo.”

Trước cảnh đói khổ của dân chúng, trước cảnh đau xót của các bệnh nhân, những người phong cùi, và nhất là các trẻ em và những người già yếu lê lết ngoài đường phố, nữ tu Têrêsa không thể an tâm tiếp tục làm giám đốc, nhất là giám đốc của một trường dành riêng cho học sinh giàu.

Năm 1946, nữ tu Têrêsa đang ngồi trên chiếc xe lửa chật chội gần bên những người cùng khổ, chị nghe như có tiếng thì thầm trong lòng, “Con hãy phục vụ người nghèo bằng cách đến sống với họ và như họ.”

Đây là lần thứ hai nữ tu nghe tiếng gọi như thế. Xác tín đây là tiếng Chúa gọi, chị đã trình lên bề trên, và đúng một năm sau, chị được bề trên và Đức Giám mục địa phương cho phép ra khỏi dòng để đến sống với những người nghèo khổ.

Cởi chiếc áo dòng của các nữ tu, chị Têrêsa choàng vào chiếc áo Sari cổ truyền Ấn độ, giống như người nghèo, phục vụ người nghèo, chia sẻ cuộc sống của người nghèo. Chị thực sự trở nên người nghèo giữa những người nghèo, nhất là chị “nhìn thấy Chúa trong những người nghèo.” Năm 1974, mẹ trả lời cho một cuộc phỏng vấn, “Tôi thấy Chúa trong mỗi người. Khi tôi rửa các vết thương cho người cùi, tôi nghe như tôi rửa cho chính Chúa Giêsu.”

14. Âm thầm phục vụ

Sáu trong số bảy anh em đi làm hàng ngày; người thứ bảy lo công việc nhà. Khi sáu anh em lao động mệt nhọc trở về nhà, họ thấy nhà gọn gàng và sạch sẽ, cơm đã sẵn, mọi thứ đều tốt đẹp và thoải mái. Họ biết ơn về điều này và khen người em út.

Nhưng một trong những anh em muốn tỏ ra khôn ngoan hơn những người khác. Anh cho là người em út lười biếng. Nó cũng nên có một việc để có cơm bánh hàng ngày. Những anh em khác cũng nghĩ thế. Nên họ nhất trí không cho người em út làm công việc trước đây.

Sáng hôm sau, họ bảo cậu cùng đi và tìm cho cậu một công việc. Tối đến, họ trở về nhà, mệt đói và bộ mặt cáu kỉnh.

Không ai chuẩn bị giường chiếu và lau nhà. Không có gì trên bàn ăn.

Họ nhận ra họ đã hành động ngu xuẩn khi ngăn cản người em út làm công việc phục vụ âm thầm.

Họ cảm thấy hối tiếc. Họ phục hồi công việc của người em út. Tình trạng êm ấm trước đây đã trở lại với gia đình

15. Bò và lừa.

Khi Đức Maria và Thánh Giuse đang trên đường đến Bêlem, thiên thần hiện ra với đàn súc vật để chọn lấy một con có thể giúp đỡ Thánh Gia. Sư tử tình nguyện trước. Nó nói: “Chỉ có tôi là chúa sơn lâm đáng phục vụ người cai trị thế giới. Tôi sẽ xé xác kẻ nào đến gần hài nhi.”

Thiên thần nói: “Bạn hùng hổ quá.”

Cáo tinh khôn theo dõi và với vẻ mặt vô hại, nó nói: “Tôi sẽ hết sức cung phụng trẻ Giêsu, mỗi sáng tôi sẽ bắt một con gà cho mẹ ngài.”

Thiên thần nói với cáo: “Bạn xảo quyệt quá.”

Rồi con công đến khoe màu sắc tuyệt vời của cái đuôi. Nó nói: “Tôi sẽ trang hoàng ngôi nhà nhỏ bé này đẹp hơn cả đền thờ Salômon.”

Thiên thần nói: “Bạn hão huyền quá.”

Nhiều con khác đến và cũng muốn giúp đỡ nhưng không con nào được chọn. Sau cùng, thiên thần rảo mắt nhìn quanh và thấy một con lừa và một con bò đang làm việc với một bác nông dân. Thiên thần gọi chúng lại và hỏi: “Các bạn có gì giúp đỡ Thánh Gia không?”

Lừa cụp tai xuống trả lời: “Không có gì. Chúng tôi chả được học hành, càng cố học càng dốt, nhưng chúng tôi khiêm tốn và kiên nhẫn.” Bò ngượng ngùng tiếp lời: “Vâng, có lẽ chúng tôi chỉ có thể làm được một vài việc nhỏ như lấy đuôi đuổi ruồi thôi”

Thiên thần nói: “Được lắm, Tôi cần hai bạn.”

16. Đời tôi tiến bước như một con lừa.

Đây là tựa đề một quyển sách Đức Hồng y Etchegarey đã viết khi suy tư về hành trình ơn gọi của mình. Ngài vay mượn hình tượng một con lừa để mô tả. Người đời vẫn thường nói: “Ngu như bò và dốt như lừa.” Nhưng bò và lừa lại là hai vị thượng khách được ưu tuyển để đến cung chiêm Vua Trời đất khi Ngài mới hạ sinh. Đức Hồng y cũng mượn lại hình ảnh con lừa chở Chúa tiến vào Giêrusalem để nói về hành trình ơn gọi của Ngài. Người dân hai bên đường vỗ tay reo hò, trải áo và cầm cành lá trên tay để nghinh đón. Con lừa vẫn không vênh mặt lên để tự mãn, vì những lời tung hô đó dành cho Chúa chứ không phải cho nó. Nó mãi mãi cũng chỉ là một con lừa mà thôi. Đường vào Giêrusalem đầy sỏi đá làm chân nó đau nhức, nó vẫn không một lời kêu than. Con lừa vẫn cứ âm thầm lặng lẽ mang Chúa trên vai, và tiến bước một cách ngoan thuần. Nó khiêm tốn bước đi để Chúa hướng dẫn, và suốt đời nó mãi mãi vẫn chỉ là một con lừa mà thôi. Cuộc hành trình ơn gọi của mỗi người chúng ta cũng phải giống như vậy. “Đời tôi tiến bước như một con lừa” chính là như thế. Thái độ căn bản chúng ta cần phải có là khiêm tốn để Đức Giêsu hướng dẫn đời mình. Chính Đức Giêsu đã nêu gương cho chúng ta, như Ngài đã thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, này con xin đến để thi hành thánh ý Cha.” Khi đi vào trần gian, Ngài đã đến “ không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến ban mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20,28).

17. Hạ mình phục vụ

Một hôm, Hồ Khưu Trượng hỏi Tôn Thúc Ngao:“Có ba điều chuốc oán, ông đã biết chưa?”

Họ Tôn trả lời: “Tôi chưa được biết.”

Trượng Nhân nói: “Tước vị cao người ta ganh, quyền thế lớn người ta ghét, lợi lộc nhiều người ta oán.”

Tôn Thúc Ngao lắc đầu nói:“Không phải luôn luôn như thế, tước vị tôi càng cao tôi càng xử nhún nhường, quyền thế tôi càng lớn tôi càng ở khiêm cung, lợi lộc tôi càng nhiều tôi càng chia bớt cho những người chung quanh, như thế thì làm gì bị oán thù của thiên hạ.”

Đức Khổng Tử cũng đã dạy các đồ đệ của ông như vậy.

Một hôm, Khổng Tử tới thăm miếu vua Hoàn Công, thấy một chiếc lọ đứng nghiêng nghiêng, ngài hỏi, thì người giữ miếu cho biết: “Cái lọ này là một bảo vật, thuở trước nhà vua thường để bên ngai vàng hầu làm gương.”

Khổng Tử liền hỏi: “Ta vốn nghe đồn nhà vua có một bảo vật, bỏ không thì nghiêng, đổ nước vào vừa phải thì đứng thẳng, mà đổ nước đầy thì lại ngã, có phải là vật này chăng?”

Rồi ngài bảo các đồ đệ múc nước thí nghiệm, thì quả nhiên đúng như thế.

Bấy giờ ngài mới trịnh trọng giảng dạy: “Thông minh hiểu biết hơn người thì nên giữ bằng cách khiêm cung, sức khỏe hơn người thì nên giữ bằng cách nhút nhát, giàu có nhiều thì nên giữ bằng cách bố thí và tỏ ra nhún nhường. Đó là lối san sẻ bớt đi để khỏi đầy tràn mà sụp đổ vậy.”

18. Chiến thắng của tình người

Tại thế vận hội đặc biệt Seattle (dành cho những người tàn tật) có chín vận động viên đều bị tổn thương về thể chất và tinh thần, cùng tập trung trước vạch xuất phát để tham dự cuộc đua 100m.

Khi súng hiệu nổ, tất cả đều lao đi với quyết tâm chiến thắng. Trừ một cậu bé. Cậu cứ bị vấp té liên tục trên đường đua. Và cậu bật khóc. Tám người kia nghe tiếng khóc, giảm tốc độ và quay lại nhìn. Rồi họ quay trở lại. Tất cả không trừ một ai! Một cô bé bị hội chứng Down dịu dàng cúi xuống hôn cậu bé:

- Như thế này em sẽ thấy tốt hơn.

Cô nói xong, cả chín người cùng khoác tay nhau sánh bước về vạch đích.

Khán giả trong sân vận động đồng loạt đứng dậy, những người chứng kiến vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện cảm động này.

19. Đại hội cái búa

Có câu chuyện ngụ ngôn “Đại hội cái búa” kể về nỗi lo sợ của các loại cây trong rừng, từ cây cổ thụ cho đến những cây nhỏ đều sợ Cái Búa của người đốn cây. Hễ búa đi đến đâu là là cây cối đều ngã rạp đến đó.

Một hôm cây cối họp đại hội, bàn cách đối phó với Cái Búa. Để chứng tỏ rằng việc làm của tất cả cây rừng là công khai, và Búa cũng được mời tham dự Đại hội này.

Sau một lúc bàn bạc sôi nổi, Đại hội đi đến kết luận: Cương quyết không cho Búa bất kỳ một khúc gỗ nào để làm cán cả. Búa mà không có cán thì làm được việc gì bây giờ. Tất cả cây rừng từ nhỏ đến lớn đều hoan hỉ về quyết định này. Dù một khúc gỗ cũng không cho!

Bấy giờ, Búa đưa tay xin phát biểu với giọng nài nỉ đáng thương: Xin quý vị niệm tình, thân tôi mà không có cán như người tật nguyền không tay chân, xin hãy cho tôi một lần này nữa thôi, tôi sẽ chỉ dùng Búa vào những việc tốt, tôi chỉ chặt những gai góc làm vướng chân quý vị mà thôi!

Trước lời thỉnh cầu tội nghiệp của Búa, cả Đại hội liền có sự chia rẽ vì khác quan điểm. Hội nghị phải đi đến việc biểu quyết lại. Kết quả là đa số bằng lòng cấp cho Búa một khúc gỗ duy nhất làm cán. Nhưng hỡi ôi! Khi Búa đã có cán rồi, nó bèn lần lượt đốn hết những cây trong rừng, từ cây non cho đến cây cổ thụ.

Bạn chỉ cần cho kiêu căng và ganh tị một cơ hội thôi là bạn sẽ hối tiếc cả cuộc đời! Tội lỗi huỷ hoại đời người như sự hung hãn của núi lửa. Tội lỗi tàn phá cơ thể như bệnh ung thư. Tội lỗi gây hậu quả lâu dài như những đổ vỡ trong Gia đình, hầu như không bao giờ hàn gắn được!

Bạn đừng cho kiêu căng và ganh tị một cơ hội nào hoành hành, dù chỉ là một một sự dễ dàng cỏn con. Hãy chống trả, hãy cự tuyệt và tránh xa nó! “Đừng để ma quỷ lợi dụng!” (Ep 4, 27).

Đức Thánh Cha Phanxicô khi suy niệm về việc Đavít phạm tội đã nói: “Điều nghiêm trọng nhất là… Đavít đã mất cảm thức tội lỗi” mà chỉ coi đó là “một sự cố phải giải quyết” (Bài giảng 31/01/2014). Con người ngày nay đang đánh mất cảm thức tội lỗi: người ta không gọi tội lỗi là tội lỗi, mà khoác cho chúng những mỹ từ, thậm chí coi đó là những việc chính đáng, được phép làm (như hợp pháp hoá mại dâm, phá thai…). Để tân phúc âm hoá đời sống xã hội, người Kitô hữu phải có cảm thức nhạy bén trước tội lỗi và loại trừ chúng ngay khi chúng mới xuất hiện dưới dạng một cơn cám dỗ hay một dịp tội.

20. Xin đui một mắt

Có một chàng thương gia nọ rất sùng đạo; mặc dầu lo làm ăn vất vả nhưng dường như anh ta không bao giờ bỏ việc khấn vái với thần thánh. Gặp phải thời kỳ có cạnh tranh trong công ăn việc làm, anh ta càng khẩn cầu tha thiết hơn.

Động lòng trắc ẩn, một hôm thần tiên đâu đó hiện ra với anh và phán: “Thấy nhà ngươi cứ thành tâm cầu xin nên ta không nỡ làm ngơ. Bây giờ hãy cho ta biết ước muốn của ngươi. Điều gì ta cũng ban cho. Đồng thời để tỏ cho thế nhân biết được lòng quảng đại của ta thì hễ thứ gì đã ban cho ngươi thì ta cũng sẽ ban cho tha nhân, đồng nghiệp của ngươi như thế và có khi gấp đôi luôn.”

Nghe thần phán, lòng anh thương gia chuyển từ vui mừng sung sướng qua ưu tư lo buồn. Anh tự nhủ: “Nếu bây giờ mình xin cho được một chiếc xe Lexus thì mấy người bạn, chúng nó sẽ được hai chiếc. Ái dà, không được đâu! Nhưng nếu xin cho được trúng số một triệu thì mấy nhà xung quanh, họ sẽ được tới hai triệu mất. Thế thì không ổn!”

Anh tiếp tục suy nghĩ: “Nếu mình xin cho có vợ đẹp con khôn, thì rồi đồng nghiệp của ta, chúng sẽ có vợ đẹp gấp đôi vợ mình, con khôn và giỏi gấp đôi con mình. Thế thì lại càng không ổn… Đó là chưa nói tới chuyện chúng có tới hai vợ trong khi mình chỉ được một. Trong thời buổi cạnh tranh như thế này thì phải làm sao cho hơn người chứ. Nhưng nếu xin theo kiểu này thì thật là thất sách vô cùng!”

Chàng thương gia đắn đo không biết nên xin cái gì. Sau một hồi lâu ưu tư, anh ta chợt reo lên như vừa tìm thấy điều chi hay lắm. Anh thành kính quì xuống thưa với thần: “Lạy Ngài, xin cho con đui một con mắt.”

21. Phục vụ anh em là phục vụ Chúa

Có một vị tu sĩ già đã suốt đời tu trì, làm các việc đạo đức và giữ kỉ luật trong tu viện. Ông thường cầu xin Chúa hiện ra để củng cố đức tin của mình nhưng chẳng được, chờ lâu quá ông hoàn toàn thất vọng thì một ngày kia Chúa hiện ra với ông và ông cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

Nhưng giữa lúc ông đang tâm sự với Chúa thì một hồi chuông vang lên báo tới giờ phát gạo cho người nghèo và hôm nay là phiên của ông. Ông tự nhủ những người nghèo sẽ đói nếu tôi không đi phát gạo cho họ, nên ông xin lỗi Chúa để đi phát gạo. Sau hơn một giờ làm xong công tác, ông trở về mở cửa phòng thì thấy Chúa vẫn chờ ông.

Ông quì gối cảm tạ Chúa và Chúa nói: "Giả như con không đi phát gạo thì Ta chẳng ở đây chờ con đâu!" Qua đó ông hiểu phục vụ anh em là phục vụ chính Chúa.

22. Sự thật sẽ giải phóng anh em

Một vị vua tuổi tác muốn nhường ngôi cho một người xứng đáng. Tiêu chí đầu tiên là sự trung thực. Để trắc nghiệm tính thật thà, vua cho gọi một số thanh niên, trao cho mỗi người một dúm hạt giống, dặn họ về gieo chăm sóc trong vòng 3 tháng. Chậu của ai nhiều hoa đẹp, thì sẽ được thừa kế ngai vàng.

Tới hẹn, mỗi người mang chậu hoa của mình, màu sắc rực rỡ. Lại có một thanh niên, cầm tới một chiếc chậu không hoa.

Vua thẩm vấn: “Tại sao con chỉ đem tới một cái chậu không?”

Buồn rầu, cậu thưa: “Con chăm sóc những hạt giống đúng theo chỉ dẫn, không hiểu tại sao chúng không nảy mầm?”

Tỏ vẻ đắc ý với câu trả lời, Vua tuyên bố: “Người trúng cử là thanh niên có chậu không hoa”, vì vua đã cho luộc chín số hạt giống trước khi giao cho họ chăm sóc. Người thanh niên được tuyển chọn vì tính trung thực, thật thà. Anh xứng đáng được ban thưởng địa vị cao quý.

Chúa Giê-su tuyên bố: “Hãy hành động theo sự thật và sự thật sẽ giải phóng các con” (Jn 8, 32).

23. Khuôn mặt rạng rỡ--Lm. Mark Link SJ.

Một thầy giáo ra bài làm ở nhà cho các học sinh: "Hãy viết lại quãng thời gian trong cuộc đời mà em là 'một người Samari tốt lành' đối với ai đó." Một trong các học sinh đã viết bài ấy như sau:

"Vào mùa hè trước khi tôi lên trung học, giáo xứ chúng tôi tổ chức một ngày đi thăm người già và người tàn tật ở một bệnh viện gần đó. Cả một dẫy xe lăn và bệnh nhân làm tôi choáng váng. Lúc đầu tôi chỉ nhìn thấy xe lăn.

"Sau đó tôi nhận thấy có người ngồi xe lăn nhìn chăm chăm vào đôi chân của tôi.

"Chỉ có thế. Bấy giờ tôi không chỉ nhìn đến xe lăn và tôi bắt đầu nhìn thấy người ngồi trong đó. Tôi thấy các bà tàn tật, những cựu chiến binh bị tê liệt, những ông già không ai chăm sóc, các em nhỏ thật mảnh khảnh. Tất cả đang chờ đợi xem có ai đó để ý đến họ. Tôi ngột ngạt; vội vàng bước đi.

"Tôi rảo bước quanh bệnh viện có đến một giờ đồng hồ. Tôi cảm thấy tức giận Thiên Chúa và hoàn toàn hoang mang khi thấy quá nhiều sự đau khổ trong một nơi chốn. Tôi cảm thấy cô đơn hơn bất cứ bệnh nhân nào. Tôi là người cần sự giúp đỡ, chứ không phải họ.

"Nhưng một lúc sau, vị Thiên Chúa mà tôi trút sự giận dữ lên Người bỗng dưng trở nên thực tế hơn bao giờ hết trong cuộc đời. Tôi cảm thấy Thiên Chúa đã yêu thương những người này một cách đặc biệt.

"Đó là một cảm nghiệm kỳ lạ; bỗng dưng đức tin sút giảm và bỗng dưng đức tin gia tăng--tất cả xảy ra trong khoảng khắc.

"Tôi trở lại nơi có những người già và tàn tật. Và tôi bắt đầu làm bất cứ gì có thể để làm họ vui: lấy cho họ ly nước ngọt và chỉ nói chuyện với họ. Tôi làm cho gương mặt họ sáng lên vào buổi chiều hôm ấy.

"Nhưng trong tất cả các khuôn mặt rạng rỡ hôm ấy, một khuôn mặt nổi bật hơn tất cả. Tôi không bao giờ quên được khuôn mặt ấy. Đó là khuôn mặt của chính tôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình tốt lành đến thế; chưa bao giờ tôi cảm thấy vui như vậy."

24. Chúa Giêsu trong thế giới hôm nay

Có một bức tranh thời thế kỷ 19 vẽ một hàng dài những người nghèo trong một khu tồi tàn của thành phố, họ đang đứng đợi trước một nhà phát chẩn.

Đó là một bức tranh đáng chú ý. Nhưng điều đáng chú ý nhất trong bức tranh là một trong những người nghèo đứng xếp hàng. Ông ta có vòng hào quang trên đầu. Nhìn kỹ lại thì đó là Chúa Giêsu. Và điều này cho chúng ta thấy lý do mà khuôn mặt những người giúp đỡ lại rực rỡ hơn những người được giúp đỡ. Chính vì khi giúp đỡ người nghèo, họ khám phá ra Chúa Giêsu trong thế giới ngày nay. Người ở ngay trong những người có nhu cầu.

Đây là điều chúng ta quên. Đây là điều chúng ta không thấy. Đây là điều chúng ta cần được nhắc đi nhắc lại.

Vì không ai khác hơn là chính Chúa Giêsu đã nói: "Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han… mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy!" (Mt 25:35-36, 40).

Chúng ta hãy chấm dứt bằng sự thành khẩn lắng nghe lời mạnh mẽ của Albert Schweitzer, một trong những Kitô Hữu vĩ đại trong thế kỷ của chúng ta.

Vào lúc 30 tuổi, ông hy sinh sự nghiệp của một nghệ sĩ trình tấu cho những người nhà giầu ở Âu Châu và trở nên một bác sĩ đi truyền giáo và chăm sóc người nghèo ở Phi Châu. Khi về già, ông nói:

"Tôi không biết định mệnh của bạn ra sao, nhưng tôi biết chắc một điều: chỉ có người thực sự hạnh phúc là người tìm cách phục vụ người khác."

25. Thu góp kim cương

Người ta kể chuyện về Rabbi Menachem Sche-neerson, dù đã hơn 80 tuổi, nhưng ngày ngày vẫn đứng hằng giờ trên đường phố New York tiếp đón bất cứ ai đến với ông, để xin ông cầu nguyện, chúc lành cho họ, hay để xin ông giúp ý kiến về mọi khúc mắc trong cuộc sống.

Ngày nọ, một người đã hỏi ông làm sao với tuổi già sức yếu, mà ông không tỏ ra mệt mỏi sau khi đứng nhiều giờ như vậy. Ông đã trả lời, “Khi người ta đếm kim cương, người ta đâu cảm thấy mệt.”

26. Phục vụ trong khiêm tốn

Khi Chân Phước Mẹ Têrêxa Calcutta đoạt giải Nobel hòa bình, ai ai cũng chạy đến chúc mừng. Có một nhà báo đến phỏng vấn Mẹ. Ông ta hỏi rằng: “Bây giờ Mẹ đã có đầy đủ tiền bạc, danh dự, Mẹ muốn làm gì nữa không?

Mẹ trả lời: I am a little pencil in my God, tôi chỉ là cây bút chì nhỏ bé trong tay Thiên Chúa.” Vâng, ở đời có ít người như Mẹ Têrêxa Calcutta, người ta thường nói “được voi đòi tiên”, cho nên một khi đã thành đạt, thì tỏ ra người có chức, tỏ vẻ uy quyền, khoe danh, ăn trên ngồi trốc để người ta thấy mà “lé mắt, kính nể.” Vì thế người đời thường tranh dành, chiến tranh, ganh đua… để có được những thứ đó. Nói đâu xa, thánh Giacôbê trong bài đọc hai nói rằng: “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau” (Gc 4,1-2).

27. Phục vụ

Ai muốn làm lớn, hãy trở nên như tôi tớ cho mọi người. Như chúng ta đã biết, thánh Phanxicô Salêsiô là một giám mục nổi tiếng. Ngài có một người giúp việc, và người giúp việc này lại mắc phải cái tật nghiện rượu. Buổi tối khi công việc đã xong, anh thường hay xuống phố cùng với mấy người bạn nhậu lai rai nơi quán cóc.

Lần kia, anh ta nhậu ngoắc cần câu luôn, về tới nhà thì trời đã khuya. Vì xỉn, anh ta không biết lối vào nhà, thế là anh ta liền nằm trước cửa tòa giám mục mà ngủ. Lúc bấy giờ thánh Phanxicô Salêsiô vẫn còn thức, nghe tiếng động, ngài liền ra mở cửa và khi nhận ra anh giúp việc, ngài bèn bồng anh ta, đặt vào giường của mình để anh được nằm ngủ.

Buổi sáng thức dậy, anh giúp việc thấy mình nằm trong phòng của Đức giám mục, bèn nhớ tới bữa nhậu tối hôm trước và thế là anh vội quì xuống xin Đức giám mục tha thứ. Và cũng kể từ đó anh chừa bỏ được cái tật xuống phố nhậu lai rai với bè bạn nơi quán cóc.

28. Một ly nước lã

Một cậu bé nghèo làm nghề bán hàng rong để kiếm tiền ăn học. Một ngày nọ, cậu bé chỉ còn một hào trong túi, mà bụng thì đang đói, cậu ta đi đến nhà bên cạnh để xin ăn. Một phụ nữ trẻ đẹp ra mở cửa, nhìn thấy cậu bé. Cô ta đoán là cậu đang đói bèn mang cho cậu một ly sữa lớn. Cậu chầm chậm nhấp từng ngụm sữa rồi hỏi: Cháu phải trả cô bao nhiêu ạ? Người phụ nữ trả lời: Cháu không nợ cô cái gì cả. Mẹ cô đã dạy không bao giờ nhận tiền trả cho lòng tốt. Cậu bé cảm kích đáp: Cháu sẽ biết ơn cô từ sâu thẳm trái tim cháu. Khi ra đi, cậu cảm thấy khỏe khoắn hơn và niềm tin của cậu vào con người càng mãnh liệt hơn. Trước đó, cậu như muốn đầu hàng với số phận.

Nhiều năm sau, người phụ nữ bị ốm nặng. Các bác sĩ địa phương không chữa khỏi. Họ chuyển bà đến thành phố lớn để các chuyên gia nghiên cứu căn bệnh lạ lùng này. Tiến sĩ Howard Kelly được mời đến tham vấn. Ngay lập tức, ông khoác áo choàng và đi đến phòng bệnh của người phụ nữ nọ. Ông nhận ra ngay người ân nhân của mình năm xưa. Quay về phòng hội chuẩn, ông quyết định sẽ dốc hết sức lực để cứu sống bệnh nhân này.

Sau đó, tiến sĩ Howard Kelly đề nghị phòng y vụ chuyển cho ông hóa đơn viện phí của ân nhân để xem lại. Ông viết vài chữ và chuyển nó đến người phụ nữ. Bà nhìn tờ hóa đơn thầm nghĩ rằng, bà phải thanh toán nó cho đến hết đời cũng chưa xong. Bỗng nhiên, có gì đó khác thường khi bà nhìn thấy ngay dòng chữ: “Trị giá hóa đơn = một ly sữa.” ( trích câu chuyện tiến sỹ Howard Kelly).

CNTN 25C -

Lời Chúa

TRUYỆN KỂ

1.

CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICAE, GABRIE, RAPHAE

Lời Chúa: Ga 1, 47-51

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông rằng: "Ðây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối." Nathanaen đáp: "Sao Ngài biết tôi?" Chúa Giêsu trả lời rằng: "Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi." Nathanael thưa lại rằng: "Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel."

Chúa Giêsu trả lời: "Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin. Ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa."

Và Người nói với ông: "Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người."

TRUYỆN KỂ

1. Các tổng lãnh thiên thần

Tại Tây phương, nhiều cuộc hiển linh của Tổng lãnh Thiên thần Micae càng làm cho việc sùng kính khởi sắc hơn, như tại núi Gargano miền Nam nước Ý, dưới thời Đức Gelase (192 - 196).

Tại Pháp, Tổng lãnh Thiên thần Micae cũng đã hiện ra với nhiều người, đặc biệt năm 708, ngài hiện ra với Ðức Giám mục thành Arranche và Ðức Giám mục đã xây một thánh đường nguy nga để kính dâng Ðức Micae tại Mont Saint Michel. Từ đó, nơi đây đã trở nên một vị trí hành hương lớn. Theo thánh nữ Gioanne d’Arc, Tổng lãnh Thiên thần Micae đã thúc giục bà đi gặp vua Charles VII để lên đường đi cứu nước.

Micae, danh từ Hêbrơ có nghĩa “ai bằng Thiên Chúa” ám chỉ sự siêu việt của Thiên Chúa, được nói đến trong sách Đanien (10,13-21) và trong sách Khải huyền của thánh Gioan (12,7) như vị chiến thắng ma quỷ.

Tổng lãnh Thiên thần Micae đã chống lại thần dữ để bênh vực quyền tối cao của Thiên Chúa. Giáo hội nhận thiên thần Micae như Ðấng bảo trợ và tin rằng ngài vẫn dâng lời cầu nguyện của chúng ta lên ngai tòa Chúa.

 Raphael tiếng Hêbrê có nghĩa là “Thiên Chúa chữa lành” hoặc “thầy thuốc của Thiên Chúa." Sách Tôbia cho biết, chính ngài đã được Thiên Chúa sai đến giúp đỡ gia đình ông Tôbit trong cơn hoạn nạn. Trong câu chuyện này, ngài xuất hiện để dẫn dắt con ông Tôbit là Tôbia qua những cuộc mạo hiểm dị thường mà sau cùng dẫn đến một kết quả thật tốt đẹp: Tôbia kết hôn với Sarah, ông Tôbit được chữa khỏi mù mắt và tài sản của gia đình ông được hồi phục. Người đã cho hai cha con biết: “Ta là Raphael, một trong bảy khâm sai của Thiên Chúa hằng ở bên cạnh Ngài trong huy hoàng của Ngài hiện diện." Thiên Chúa quan phòng hằng hoạt động trong đời con người và hằng nghe lời cầu xin. Raphael là đấng được nhiều người đến cầu xin cho thể xác khang an, linh hồn khỏe mạnh và là quan thầy người đi đường.

Gabriel, danh xưng Hêbrê có nghĩa là “Thiên Chúa là sức mạnh”, cũng còn được gọi là “Sứ thần truyền tin”, được gửi đến để báo tin Thiên Chúa can thiệp vào việc cứu rỗi nhân loại và Đấng Mêssia sẽ đến thực hiện. Gabriel được gửi đến với ngôn sứ Đanien (x. Đn 8,16; 9,21-27), với ông Dacaria và Đức Maria (x. Lc 1,11-38). Đây cũng là sứ thần đã nhiều lần hiện ra báo mộng cho thánh Giuse. Thánh Bernarđô nhận định: “Trong tất cả các thiên thần, đức Gabriel đã được thấy là vị xứng đáng loan báo những chương trình của Thiên Chúa cho Đức Mẹ và đón nhận lời fiat (xin vâng) của Mẹ."

Chiêm ngưỡng ba vị Tổng lãnh Thiên thần Micae, Raphael và Gabriel trong chương trình của Thiên Chúa uỷ thác, như Chúa Giêsu nói bằng hình ảnh: “Các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người” (Ga 1,51), Thiên Chúa cũng có chương trình tốt đẹp nhất dành cho chúng ta, Ngài luôn là Đấng lên tiếng mời gọi chúng ta tham gia: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con."

2. Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael

Thuật ngữ Thánh Kinh dùng để gọi các thiên thần đều có nghĩa là “sứ giả." Theo thư Do Thái 1,14, các thiên thần là những thần linh phục vụ cho Thiên Chúa, và Thiên Chúa sai họ đến với những người cần được cứu giúp.

Cựu Ước cũng gọi họ là “Các Thánh” hay là “những người con của Thiên Chúa." Nổi bật nhất giữa các thiên thần là các đấng Michael, Kêrubim và Sêraphim.

Michael, có nghĩa: “Ai ví bằng Thiên Chúa”

Gabriel, có nghĩa: “Sức Mạnh của Thiên Chúa” hay là “Anh hùng của Thiên Chúa”

Rafael, có nghĩa: “Thiên Chúa cứu giúp”

Thánh lễ hôm nay bắt nguồn từ lễ thánh hiến Đền thờ Michael trên đường Via Salaria ở Rôma. Ngày hôm nay cùng với Tổng lãnh thiên thần Michael, Hội Thánh cũng mừng chung hai tổng lãnh thiên thần Gabriel và Rafael. Theo lịch xưa, các ngài được mừng vào những ngày 24.3 và 24.10.

3. Seraphim, Cherubim Và Bốn Sinh Vật

Có ba dạng “thiên vật” kỳ lạ được mô tả trong Kinh Thánh. Chúng không giống bất cứ thứ gì mà chúng ta thường nghĩ về các thiên thần. Các “thiên vật” đó là Seraphim (hoặc Seraphs), Cherubim (hoặc Cherubs) và Bốn Sinh Vật. Tất cả đều có vai trò quan trọng trong việc phụng sự Thiên Chúa trên trời.

Danh từ Seraphim (số ít là seraph, số nhiều là seraphim) nghĩa là “vật cháy” hoặc cao thượng. Đôi khi cũng được gọi là “vật yêu thương” vì danh xưng này có thể có nguyên ngữ từ tiếng Do Thái dành để nói về tình yêu. Seraphim được mô tả đầy đủ trong Kinh Thánh trong sách ngôn sứ Isaia, khi ông được Thiên Chúa kêu gọi ông và ông có thị kiến (x. Is 6:1-7).

Các dạng “thiên vật” này đều có 6 cánh, nhưng chỉ dùng 2 cánh để bay, ít khi dùng các cánh để che mặt và chân. Cánh dùng để che mặt vì họ ở gần Thiên Chúa, thấy trọn vẹn vinh quang của Ngài, ánh sáng mạnh mẽ khó có thể chịu nổi. Chân được coi là “không sạch” và không xứng đáng phô bày trước Thánh Nhan Chúa. (Một số học giả cho rằng “chân” có thể mang ý nghĩa là “bộ phận sinh dục”). Chúng ta không thể biết có bao nhiêu thiên thần, nhưng chắc chắn rất nhiều, vô số.

Vị trí của Seraphim là bay ở phía trên Ngai Thiên Chúa, khác với Cherubim là thiên thần ở bên cạnh hoặc ở xung quanh Ngai Thiên Chúa. Nhiệm vụ của Seraphim là không ngừng tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa. Lời chúc tụng của họ là: “Thánh, thánh, thánh, Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh, trời đất đầy vinh quang Ngài." Đó là những lời đã được dân Do Thái và các Kitô hữu sử dụng hàng ngàn năm qua để hợp lời với các thiên thần cùng chúc tụng Thiên Chúa. Trong tiếng Do Thái, dùng điệp từ ba lần là để diễn tả rằng người hoặc vật nào đó rất quan trọng. Do đó, chúc tụng Thiên Chúa là thánh ba lần nghĩa là Thiên Chúa hoàn hảo và chí thánh.

Trong tiếng Do Thái, Seraphim là phẩm cao nhất trong chín phẩm thiên thần – theo phẩm trật đi lên: Cấp ba gồm Thiên Thần, Tổng Lãnh Thiên Thần, Lãnh Thần; cấp hai gồm Quyền Thần, Quản Thần; cấp một gồm Bệ Thần, Dũng Thần, Minh Thần, Luyến Thần (thần sốt mến). Có thể vì Seraphim rất gần với Thiên Chúa.

Trong nghệ thuật, Seraphim thường được mô tả bằng màu đỏ (vì Seraphim nghĩa là “vật cháy”) và được minh họa cầm gươm lửa có chữ “thánh, thánh, thánh."

Trong thị kiến của ngôn sứ Isaia, than chạm vào môi ông để xác nhận ông đã được thanh luyện và xứng đáng là ngôn sứ. Than này đến từ bàn thờ trên trời, cực mạnh. Lửa cũng được sử dụng trong nhiều tôn giáo như là cách thanh luyện và thanh tẩy.

Người ta thường nghĩ rằng Cherubim (Kê-ru-bim) có hình dáng một đứa bé mụ mẫm, kháu khỉnh, có hai cánh nhỏ. Tuy nhiên, Kinh Thánh không mô tả như vậy! Cherubim được mô tả trong hai cuốn sách của bộ Kinh Thánh: Sáng Thế và Êdêkien.

Trong Sáng Thế, Cherubim canh giữ Vườn Địa Đàng, rồi trục xuất Adam và Eve ra khỏi Vườn Địa Đàng. Cherubim được mô tả cầm gươm lửa (St 3:24).

Ngôn sứ Êdêkien có thị kiến về tầng trời khi ông thấy các thiên thần. Ông mô tả về Cherubim rất mạnh mẽ – hầu như khiến chúng ta cảm thấy sợ (Ed 1:1-14; Ed 1:22-24; Ed 10:3-8; Ed 10:12; Ed 10:14; Ed 10:20-22).

Không như chúng ta tưởng, vì các “thiên vật” này có bốn mặt và bốn cánh. Cherubim cũng dđược mô tả trong cuộc đóng tàu của ông Nô-ê (Ark of the Covenant – Tàu Giao Ước). Tàu này có kích thước rộng lớn: “Ngươi sẽ làm một cái nắp xá tội bằng vàng ròng, dài một thước hai, rộng bảy tấc rưỡi. Ngươi sẽ làm hai tượng thần hộ giá bằng vàng gò, ngươi sẽ làm các tượng ấy ở hai đầu nắp. Ngươi sẽ làm một tượng ở đầu này, một tượng ở đầu kia; ngươi sẽ làm các tượng thần hộ giá gắn liền với nắp, ở hai đầu. Các tượng thần hộ giá có cánh giương lên và phủ trên nắp. Hai tượng đối diện với nhau, cùng cúi mặt xuống nắp. Ngươi sẽ đậy nắp xá tội trên Hòm Bia, và ngươi sẽ đặt vào đó Chứng Ước mà Ta sẽ ban cho ngươi. Ở đó Ta sẽ gặp gỡ ngươi. Từ trên nắp, giữa hai tượng thần hộ giá đặt trên Hòm Bia Chứng Ước, Ta sẽ nói với ngươi tất cả những gì Ta truyền cho ngươi để ngươi nói lại cho con cái Ít-ra-en” (Xh 25:17-22).

Tàu này được đặt trong Đền Thờ Do Thái, được xây dựng ở Giêrusalem. Nơi Cực Thánh có tượng Cherubim. Trình thuật 1 V 6:23-28 cho biết: “Trong Nơi Cực Thánh vua làm hai Kê-ru-bim bằng gỗ ô-liu, cao năm thước. Một cánh của một Kê-ru-bim dài hai thước rưỡi, cánh kia cũng hai thước rưỡi; thành ra từ đầu cánh này tới đầu cánh kia là năm thước. Kê-ru-bim thứ hai cũng đo được năm thước; hai Kê-ru-bim có một kích thước và hình thể như nhau. Chiều cao của một Kê-ru-bim là năm thước; Kê-ru-bim thứ hai cũng thế. Vua đặt các Kê-ru-bim ở giữa Nhà, phía bên trong; cánh xoè ra: một cánh của Kê-ru-bim thứ nhất đụng tường bên này, và một cánh của Kê-ru-bim thứ hai đụng tường bên kia; hai cánh khác giao nhau ở giữa Nhà, cánh nọ chạm cánh kia. Vua cũng dát vàng các Kê-ru-bim." Và trình thuật 1 V 8:6-7 cho biết: “Các tư tế đưa Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa vào nơi đã dành sẵn trong cung Đơ-via của Đền Thờ, tức là Nơi Cực Thánh, dưới cánh các Kê-ru-bim. Quả vậy, các Kê-ru-bim xoè cánh ra bên trên Hòm Bia, che phía trên Hòm Bia và các đòn khiêng."

Thị kiến của ngôn sứ Êdêkien mô tả dạng “thiên vật” khác có vẻ liên quan Cherubim. Cách mô tả rất lạ đối với người trần mắt thịt:

– Tôi nhìn các sinh vật, thì này bên cạnh mỗi sinh vật có bốn bộ mặt có một bánh xe ở dưới đất. Hình thù và cấu trúc của các bánh xe lấp lánh như mã não. Đó là hình thù của chúng. Còn cấu trúc của chúng giống như một bánh xe ở giữa một bánh xe. Lúc di chuyển, bốn bánh xe đi về bốn phía; lúc đi, chúng không quay vào nhau. Các vành bánh xe rất lớn. Tôi nhìn, thì này cả bốn vành bánh xe đầy những mắt ở chung quanh. Khi các sinh vật đi, các bánh xe bên cạnh chúng cũng đi; và khi các sinh vật cất mình lên khỏi mặt đất, thì các bánh xe cũng lên theo. Thần khí đẩy đi đâu, các sinh vật đi tới đó và các bánh xe cũng cất lên theo, vì thần khí của sinh vật ở trong các bánh xe. Khi các sinh vật tiến đi, các bánh xe cũng tiến theo; các sinh vật dừng lại, các bánh xe cũng dừng lại; các sinh vật cất mình lên khỏi mặt đất, các bánh xe cũng cất lên theo, vì thần khí của sinh vật ở trong các bánh xe (Ed 1:15-21).

– Tôi nhìn, thì kìa có bốn bánh xe ở bên cạnh các thần hộ giá, mỗi bánh xe ở bên cạnh một thần hộ giá, các bánh xe ấy trông lấp lánh như ngọc mã não. Còn hình dáng của bánh xe, bốn bánh trông đều giống nhau, như thể bánh nọ ở giữa bánh kia. Lúc di chuyển, bốn bánh đi về bốn phía; lúc đi chúng không quay vào nhau, bởi vì đầu thần hộ giá hướng về phía nào, thì bánh xe cũng đi theo phía ấy; lúc đi chúng không quay vào nhau. Toàn thân, lưng, tay và cánh của các thần hộ giá cũng như các bánh xe đầy những mắt ở chung quanh, cả bốn bánh xe đều như thế. Tai tôi nghe người ta gọi các bánh xe ấy là “gan gan” (Ed 10:9-13).

– Các thần hộ giá cất mình lên: đó là sinh vật tôi đã thấy bên sông Cơ-va. Khi các thần hộ giá di chuyển, các bánh xe ở bên cạnh các thần ấy cũng chuyển theo. Khi các thần hộ giá dang cánh để cất mình lên khỏi mặt đất, các bánh xe không quay nữa, nhưng vẫn ở bên cạnh các thần hộ giá. Khi các thần hộ giá dừng lại, các bánh xe cũng dừng lại, khi các thần hộ giá cất mình lên, các bánh xe cũng cất lên theo, bởi vì thần khí của sinh vật ở trong các bánh xe. Vinh quang Đức Chúa bay lên khỏi thềm Đền Thờ và dừng lại trên các thần hộ giá. Các thần hộ giá dang cánh và cất mình lên khỏi mặt đất trước mắt tôi khi đi ra; các bánh xe cũng chuyển theo cùng một lúc. Các thần hộ giá dừng lại ở lối vào cửa đông Nhà Đức Chúa, và vinh quang của Thiên Chúa Ít-ra-en ngự bên trên các vị ấy (Ed 10:15-19).

Kinh Thánh không cho biết có bao nhiêu Cherubim, Kinh Thánh chi cho biết rằng ngôn sứ Êdêkien thấy bốn Cherubim – chắc chắn phải nhiều hơn! Nhiệm vụ của Cherubim là canh giữ lãnh địa của Thiên Chúa và ngăn chặn mọi điều xấu xa, tội lỗi. Đôi khi Cherubim được coi là “thiên thần giữ ngai tòa” vì họ luôn ở bên ngai tòa Thiên Chúa (Tv 80:1; Tv 99:1).

Trong tiếng Do Thái, “thiên thần giữ ngai tòa” gọi là Merkabah. Các thiên thần này có bốn mặt xoay về bốn hướng, cứ đi tới hướng nào đó mà không cần xoay mặt. Danh từ Cherubim có nghĩa là “canh giữ”, đúng nhu nhiệm vụ của họ. Trong Kinh Thánh, không có chỗ nào gọi Cherubim là thiên thần!

BỐN SINH VẬT

Trong sách Khải Huyền cũng có đề cập “Bốn Sinh Vật” (Kh 4:6-10).

Bốn sinh vật kỳ lạ này có bốn đặc điểm giống như Seraphim (có sáu cánh và không ngường ca tụng Chúa), và giống như Cherubim (có bốn mặt nhìn như con sư tử, con bò, cong người và chim đại bàng).

Dù cho các sinh vật đó là Seraphim, Cherubim hoặc một dạng “thiên vật” nào đó, chúng ta không thể biết được. Nhưng chắc chắn rằng các “thiên vật” đó rất kỳ lạ và rất mạnh mẽ.

Ngày xưa, man-na được gọi là “bánh thiên thần”, như Thánh Vịnh mô tả: “Kẻ phàm nhân được ăn bánh thiên thần, Chúa gửi đến cho họ dồi dào lương thực” (Tv 78:25). Khi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, tác giả Thánh Vịnh cũng nhắc tới thiên thần: “Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ, Ngài đã nghe lời miệng con xin. Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa” (Tv 138:1).

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ WhyAngels.com)

4. Thầy thuốc của Thiên Chúa

Một tu sĩ sống cuộc đời hạnh phúc và an vui trong bốn bức tường của Tu viện. Đời sống tu trì đã biến đổi cuộc đời và tâm hồn của ông trở nên tốt lành, đến nỗi mọi người đều gọi ngài là ông thánh nhỏ.

Ngày nọ, đang lúc ngài đang bắt tay vào rửa chén dĩa, thì một Thiên thần hiện ra và nói:

- Thiên Chúa sai ta đến là để báo cho ngươi là giờ ngươi lìa đời đã đến.

Tu sĩ vẫn điềm nhiên và vui vẻ trả lời:

- Tạ ơn Chúa đã thương nghĩ đến tôi, nhưng như ngài thấy đó, tôi còn phải rửa hàng chồng chén dĩa, tôi không muốn tỏ ra vô ơn với Thiên Chúa, nhưng liệu giờ tôi được hưởng nhan thánh của Người có thể hoãn lại sau khi làm xong bổn phận rửa chén dĩa này không? .

Nói xong, Thiên thần biến đi. Tu sĩ trở lại công việc bổn phận một cách hăng say như quên hẳn việc gặp gỡ Thiên thần.

Bẵng đi một thời gian, trong lúc vị tu sĩ đang làm cỏ ngoài vườn, Thiên thần hiện ra. Như đoán trước ý nghĩ của Thiên thần, vị tu sĩ giơ tay chỉ mảnh đất trong vườn và nói:

- Đây ngài xem, cỏ dại mọc đẩy vườn, liệu giờ tôi vào cõi đời đời có thể hoãn lại cho đến khi tôi làm xong cỏ không?

Cũng như lần trước, Thiên thần chỉ mỉm cười rồi biến mất.

Một ngày nọ, trong lúc vị tu sĩ đang chăm sóc các bệnh nhân, thì Thiên thần hiện ra. Lần này vị tu sĩ không nói một lời, nhưng chỉ giơ tay chỉ vào các bệnh nhân nằm trên giường. Thiên thần biến đi không nói một lời nào. Chiều đến, vị tu sĩ trở lại căn phòng nhỏ bé đơn sơ của mình, bỗng chốc, ông cảm thấy mình đã già nua, mệt mỏi; ông thốt lên lời cầu nguyện:

- Lạy Chúa, xin sai Thiên thần Chúa đến, con sẽ sẵn sàng theo Ngài

Lời cầu nguyện vừa dứt, Thiên thần Chúa hiện đến; vị tu sĩ mừng rỡ:

- Lần này, nếu Thiên thần mang tôi đi, tôi sẵn sàng theo ngài về thiên quốc.

Thiên thần nhìn tu sĩ với tất cả âu yếm và nói:

- Này ông thánh nhỏ ơi, sao còn mơ ước về thiên quốc, những ngày tháng vừa qua, ông nghĩ là mình đã ở đâu?

5. Công việc của các tổng lãnh thiên thần

1. Micae là tổng lãnh tất cả các thiên thần. Ngài đã lãnh đạo các thiên thần khác chiến đấu với Luxiphe. Nhắc tới Ngài là người ta nhớ lại câu Ngài nói “Ai bằng Thiên Chúa?"

Xin Thánh thiên thần Micae trợ lực để chúng con chiến đấu và chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỷ. Xin Ngài luôn nhắc chúng con biết đặt Thiên Chúa ở vị trí cao cả nhất trong cuộc đời chúng con.

2. Gabriel là thiên thần truyền tin (Lc 1,19: Truyền tin cho ông Dacaria; Lc 1,26: truyền tin cho Đức Mẹ). Ngài tuân lệnh Thiên Chúa mang sứ điệp Thiên Chúa đến cho loài người.

Xin Thánh thiên thần Gabriel giúp con mau mắn đón nhận những sứ điệp Chúa gởi đến chúng con, và mau mắn thưa lời “Xin vâng” như Đức Mẹ.

3. Raphael là vị thiên thần đã đưa đường dẫn lối cho Tôbia con, nhờ đó Tôbia bình an trong cuộc hành trình nhiều nguy hiểm, cưới được vợ hiền và chữa được bệnh cho cha già. Trước khi từ biệt gia đình Tôbia, Ngài cho biết thêm là Ngài luôn ở trước mặt Chúa để dâng những công nghiệp của loài người lên cho Thiên Chúa.

Xin Thánh thiên thần Raphael là bạn đồng hành của chúng con trong cuộc hành trình dương thế nhiều cạm bẫy. Xin Ngài nhắc nhở chúng con làm việc thiện, vì luôn biết rằng từng việc thiện âm thầm nhỏ bé cũng là những làn hương thơm tho bay lên toà Thiên Chúa.

6. Đạo binh thiên quốc

Vì một số giáo hội Kitô giáo, ví dụ như Chính thống giáo, chấp nhận bảy tổng lãnh thiên thần: Michael, Gabriel, Raphael, Uriel, Salathiel, Jébudiel và Barachiel là “chính thức”, nên một số người Công giáo cũng có lòng sùng kính đối với cả bảy vị tổng lãnh thiên thần kể cả bốn vị ngoài Kinh thánh này. Giáo hội Công giáo đã nói rất rõ ràng rằng điều này là nguy hiểm về mặt tâm linh.

Trong Danh mục về lòng đạo đức bình dân, Giáo hội tuyên bố, “Việc gán tên cho các Thánh Thiên thần không nên được khuyến khích, ngoại trừ trường hợp của Gabriel, Raphael và Michael, là những vị có tên trong Kinh Thánh.”

Kinh thánh là danh sách cuối cùng của chúng ta về các tổng lãnh thiên thần. Là người Công giáo, chúng ta chỉ biết đến ba tên nhất định của các thiên thần của Thiên Chúa. Bất kỳ tên nào khác đều bị nghi ngờ vì nó không phải là một phần của sự mặc khải thần linh.

Điều này không có nghĩa là chỉ có ba tổng lãnh thiên thần. Kinh thánh nói rõ rằng có thể có “hàng ngàn” thiên thần hoặc “vô số” thiên thần, như Thánh Luca đã đề cập lúc Chúa Giêsu giáng sinh,”Và bỗng đâu đến hợp đoàn với thiên thần, có đoàn lũ cơ binh trên trời ngợi khen Thiên Chúa” (Luca 2:13).

Sự sáng tạo của Thiên Chúa không chỉ giới hạn trong ba vị tổng lãnh thiên thần, nhưng đồng thời chúng ta cũng không nên phát triển lòng sùng kính đối với các thiên thần không được Lời Chúa xác nhận.

Phụng vụ mừng lễ ba vị tổng lãnh thiên thần được tôn kính theo truyền thống của Giáo hội. Theo Nghi thức Đặc biệt trong Sách Lễ Rôma năm 1962 của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, 29 tháng 9 là lễ Thánh Micae. Trước khi cải tổ phụng vụ theo Công Đồng Vaticanô II, Lễ Thánh Gabriel được cử hành vào ngày 24 tháng 3 và lễ Thánh Raphael vào ngày 24 tháng 10.(1)

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã dạy một bài giáo lý về các Thiên thần trong các buổi Tiếp kiến Chung của ngài từ ngày 9 tháng 7 đến ngày 20 tháng 8 năm 1986. Thánh Giáo Hoàng nói: “Theo sách Khải Huyền, các thiên thần tham gia vào sự sống của Ba Ngôi trong ánh sáng vinh quang cũng được kêu gọi để đóng vai trò của họ trong lịch sử cứu rỗi con người, trong những khoảnh khắc được Thiên Chúa Quan phòng thiết lập. Tác giả của Thư Hípri (1:14) hỏi: ”Hết thảy họ lại không phải là những thần phục dịch được sai đi giúp đáp vì phần ích những kẻ thừa hưởng ơn cứu rỗi đó sao?”

Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 328 – 330 dạy chúng ta rằng, “Sự hiện hữu của các hữu thể thiêng liêng, không có thể xác, mà Thánh Kinh quen gọi là các thiên thần, là một chân lý đức tin. Thánh Kinh và Thánh Truyền đều nhất trí như thế."

7. Các Tổng lãnh Thiên Thần của Thiên Chúa

Trong bức tranh vẽ trên trần nhà, tường vách thánh đường kính các Thiên Thần ở Palermo có hình cùng tên và chức vị của bảy vị Tổng lãnh Thiên Thần:

1. Michael - Victoriosus - Người chiến thắng

2. Gabriel – Nuntius - Sứ gỉa

3. Raphael – Medicus - Thầy thuốc

4. Uriel – Fortis Socius – Người đồng hành mạnh mẽ

5. Jehudiel – Remunerator - Người làm ơn

6. Barachiel – Adjutor - Người trợ giúp

7. Sealthiel – Oarator - Người bầu cử

Tổng lãnh Thiên Thần Michael

Tổng lãnh Thiên Thần Michael đứng đầu bảy vị Tổng lãnh Thiên Thần của Thiên Chúa. Tiên Tri Daniel đã diễn tả Tổng lãnh Thiên Thần Michael đứng về phía Thiên Chúa: “Thời đó, Michael là đấng vẫn thường che chở dân người.” ( Daniel 12,1).

Tổng lãnh Thiên Thần Michael được xưng tụng với danh xưng bằng tiếng Latinh: Quis ut Deus? – Ai bằng Thiên Chúa?

Theo tương truyền:

-Thiên Thần Michael được liệt vào hàng Thiên Thần quân đội chiến đấu đã đánh thắng Thiên Thần quỉ dữ Lucifer.

-Thiên Thần Michael đã vâng lệnh Thiên Chúa cầm gươm đuổi Ông Bà nguyên tổ Adong-Evà ra khỏi vườn địa đàng, sau khi Ông bà phạm tội bất phục tùng Thiên Chúa.

- Thiên Thần Michael cũng là vị Thiên Thần thổi kèn Posaune đánh thức gọi những người đã qua đời sống lại ra khỏi mồ.

Tổng lãnh Thiên Thần Michael là vị Thiên Thần có sức mạnh khả năng đi đến quyết định dứt khoát lại mang chiến thắng cho Thiên Chúa, khi giết chết con rồng mãng xà ma qủi, như sách Kinh Thánh thuật lại: “Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Mi-ca-en và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà. Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến. Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên trời nữa. Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó. ” (Khải Huyền 12, 7-9).

Tổng lãnh Thiên Thần Michael, theo vâng mệnh Thiên Chúa, đã quyết định lằn ranh giữa Trời và hỏa ngục. Vì thế, Vị Tổng lãnh Thiên Thần Michael được chọn là quan thầy bầu cử cho những người trong giờ phút cơn hấp hối.

Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel

Tên Gabriel có ý nghĩa “sức mạnh của Thiên Chúa." Là vị sứ giả của Thiên Chúa được sai đến báo tin cho thiếu nữ Maria ở Nazareth rằng: Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa sẽ đầu thai làm người trong cung lòng Maria: “Sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng sẽ phủ rợp bóng trên chị…” (Lc 1,26-38).

Khi hiện ra với Ngôn sứ Dacharia trong đền thờ, vị Tổng lãnh Thiên Thần đã nói: “Tôi là Gabriel, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông.” (Lc 1,19).

Hằng ngày trong đời sống đức tin của Hội Thánh, vào lúc 12 giờ trưa chuông thánh đường đổ hồi, kinh tuyền tin được xướng đọc lên. Như vào mỗi ngày Chúa Nhật lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha từ trên cửa sổ văn phòng làm việc cùng đọc kinh truyền tin với mọi người Gíao dân đứng tụ tập ở quảng trường Thánh Phêrô bên Vatican.

Tiếng chuông lúc 12 giờ trưa và Kinh Truyền tin nhắc nhớ đến Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel, là Sứ giả của Thiên Chúa mang loan báo tin vui Chúa Giêsu Con Thiên Chúa xuống trần gian làm người.

Tổng lãnh Thiên Thần Raphael

Tên Raphael mang ý nghĩa ‘‘Thiên Chúa chữa lành." Trong Kinh Thánh sách Tobia thuật lại Thiên Thần Raphael vâng mệnh Thiên Chúa chữa lành bệnh mắt cho Tobia:

“Ngay lúc ấy, lời cầu xin của hai người là Tô-bít và Xa-ra đã được đoái nghe trước nhan vinh hiển của Thiên Chúa. Và thiên sứ Ra-pha-en được sai đến chữa lành cho cả hai. Ông Tô-bít thì được khỏi các vết sẹo trắng ở mắt, để ông được ngắm nhìn tận mắt ánh sáng của Thiên Chúa.” (Tobia 3, 16)

Thiên Thần Raphael luôn đồng hành che chở Tobia trên đường đi. (Tobia 6, 10)

Tổng lãnh Thiên Thần Raphael trở thành bổn mạng phù hộ cho con người đi xa du lịch

Ông Bà Cha Mẹ nào ngay từ lúc con cháu còn nhỏ thơ bé cũng đều to nhỏ âm thầm cầu xin với các Thiên Thần phù hộ cho đời sống thể xác lẫn tinh thần của chúng. Bằng an hồn xác là nhu cầu căn bản rất cần thiết cho đời sống.

Sống lòng bác ái giúp đỡ nhau, kính trọng sự sống, điều chân thật lẽ phải luôn là nhu cầu làm nên khung nền kiến tạo đường đời sống tình liên đới con người với nhau trong xã hội.

Sống thể hiện một đời sống trong tương quan tình liên đới với Đấng là nguồn đời sống, nguồn tình yêu và ơn tha thứ, luôn là nhu cầu khát vọng của tinh thần con người ở đời.

Nhu cầu tinh thần này không chỉ là nhu cầu thiêng liêng đạo giáo, nhưng đó là nhu cầu đời sống văn hóa của con người ở vào mọi thời đại. Nhu cầu tinh thần văn hóa này cùng với những nhu cầu khác cho sự sống thể xác giúp đời sống có đầy đủ ý nghĩa, triển nở cùng mang đến niềm vui hạnh phúc.

Các Thiên Thần của Thiên Chúa là Sứ giả được Thiên Chúa gửi sai đến cùng đồng hành trợ giúp con người trong mọi hoàn cảnh đời sống thể hiện tình lòng thương xót bác ái vị tha.

Với người tín hữu Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa là Đấng của sự chân thật, sự tốt lành thiện hảo, là Thiên Chúa của lòng khoan dung tha thứ qua Thánh Gía Chúa Giêsu Kitô.

Lòng tin vào Thiên Thần vượt quá khỏi sự suy hiểu cùng thắc mắc của trí khôn con người. Thắc mắc thuộc về đời sống con người. Và thắc mắc giúp con người tỉnh thức thêm ra.

8. Phẩm trật Thiên sứ trong Kitô giáo

Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. Mời bạn giúp hoàn thiện bài viết này bằng cách bổ sung chú thích tới các nguồn đáng tin cậy. Các nội dung không có nguồn có thể bị nghi ngờ và xóa bỏ. (tháng 2/2022)

Theo quan niệm Kitô giáo, thiên sứ là những tạo vật vô hình do Thiên Chúa tạo ra để phục vụ cho các công việc của Thiên Chúa. Vào thời Trung Cổ, đã có nhiều nhà thần học cố gắng phân loại ra các cấp bậc thiên sứ trên thiên đàng. Một tác giả vô danh sống ở thế kỷ thứ VI, dưới danh nghĩa là Điônisiô, trình bày một thuyết về chín phẩm thiên sứ trong tác phẩm De Coelesti Hierarchia (Phẩm trật trên trời). Dựa theo mô hình của tiến trình hướng về sự toàn thiện (gồm có ba chặng: thanh luyện, soi sáng và hoàn bị), ông chia các thiên sứ thành ba cấp và mỗi cấp gồm ba đẳng, từ đó nhân ra thành chín đẳng, quen gọi là chín phẩm thiên sứ, tương tự với cửu phẩm trong hàng triều thần đời xưa.[1]

Cấp một

Cấp bậc một là nhóm các thiên sứ chủ yếu làm nhiệm vụ thờ phượng Thiên Chúa. Họ là những tạo vật kề cận Thiên Chúa nhất.

Sí thiên sứ - Seraphim

Seraphim (chữ Hán: 熾天使, tiếng Anh: seraph/seraphim; tiếng Hebrew: שְׂרָפִים serafim, "kẻ bốc lửa") được đề cập trong Sách I-sai-a 6:1-7. Họ là những tạo vật đứng hầu cận ngai Thiên Chúa và liên tục hát lời ca ngợi: "Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!" Seraphim thường gắn liền với hai biểu tượng:

- Biểu tượng thứ nhất, khá quen thuộc ở Việt Nam, áp dụng cho các ca đoàn, ca hát chúc tụng Chúa.

- Biểu tượng thứ hai là lòng sốt mến, dựa theo nguyên ngữ trong tiếng Hebrew שְׂרַף (seraf), dịch sang tiếng Việt là Sí () có nghĩa là "lửa đốt cháy" hay "bừng cháy", hiện nay còn được dùng với nghĩa "rắn hổ mang", từ thuật ngữ này rất có thể Serafim có thể là loài rồng trong các thần thoại cổ xưa.

Theo mô tả trong đoạn Kinh Thánh này thì Seraphim có sáu cánh: "Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay."[2]

Theo như một số sách thì nhóm Seraphim gồm bốn thiên sứ bay xung quanh ngai tòa Thiên Chúa, nhưng chỉ có hai Seraphim được nhắc tên là Seraphiel và Metatron (trong đó, Seraphiel được miêu tả là có cái đầu của phượng hoàng). Các Seraphim thường xuyên cháy sáng khiến ánh sáng phát ra từ họ sáng chói đến nỗi không một ai, thậm chí là các thiên sứ khác, có thể nhìn trực tiếp được.

Trí thiên sứ - Cherubim

Cherubim (chữ Hán: 智天使, tiếng Anh: cherubim; tiếng Hebrew: כְּרוּבִים, krūvîm, có thể mượn từ tiếng Akkad: 𒅗𒊒𒁍 karābu, "được phù hộ" hay 𒅗𒊑𒁍 karibu, "thần phù hộ") được nhắc đến trong rất nhiều sách khác nhau, như Sách Sáng Thế 3:24, Sách Êdêkien 10:12-14, Sách Các Vua quyển thứ nhất 6: 23-28 và Sách Khải Huyền 4:6-8. "Người trục xuất con người, và ở phía đông vườn Ê-đen, Người đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng loé, để canh giữ đường đến cây trường sinh." (St 3:24)

Vai trò của các Cherubim trở nên quen thuộc với dân Do Thái từ khi ông Môsê cho phép đúc hai tượng Cherubim bằng vàng đặt ở đầu của hòm bia. Chính từ đó mà Thiên Chúa đã ban sấm ngôn (Xh 25,18-22; 37,7; Ds 7,89). Vì thế mà có thành ngữ "Thiên Chúa ngự trên các Cherubim" (1Sam 4,4; 2 Sam 6,2; Is 37,16). Đến khi vua Salomon xây cất đền thờ tại Giêrusalem, ông cũng duy trì tập tục đó, tạc hai tượng Cherubim bằng gỗ ôliu chạm vàng, đứng hai bên cạnh hòm bia, phủ cánh che rợp hòm bia (1V 6 23-28). Vì thế, các Cherubim Cherubim (bản Kinh Thánh tiếng Anh có đề cập đến tên gọi này) được gọi là các thiên sứ hộ giá và đứng đầu trong phẩm trật thiên sứ vì luôn kề cạnh bên Thiên Chúa.

Hình dáng của các Cherubim được miêu tả trong sách Êdêkien 1: 5-12 theo thị kiến của nhà tiên tri này như sau: "Đây là dáng vẻ của chúng: chúng trông giống như người ta. Mỗi sinh vật có bốn mặt và bốn cánh. Còn chân của chúng thì thẳng; bàn chân tựa bàn chân con bê, lấp lánh như đồng sáng loáng. Bên dưới cánh, có những bàn tay giống tay người quay về bốn phía; mặt và cánh của bốn sinh vật cũng đều như thế. Cánh của chúng giáp vào nhau. Lúc đi, chúng không quay mặt vào nhau, nhưng cứ thẳng phía trước mặt mà tiến. Còn bộ mặt của chúng, thì chúng đều có mặt người, cả bốn đều có mặt sư tử bên phải, cả bốn đều có mặt bò rừng bên trái, cả bốn đều có mặt phượng hoàng. Đó là mặt của chúng. Còn cánh của chúng thì giương lên cao. Mỗi sinh vật có hai cánh giáp vào nhau và hai cánh khác phủ thân mình. Chúng cứ thẳng phía trước mặt mà đi, thần khí đẩy phía nào, chúng đi phía đó; lúc đi chúng không quay mặt vào nhau." Nhiều sách cho rằng, các Cherubim được Thiên Chúa giao nhiệm vụ cai quản cây trường sinh trong vườn Địa Đàng và ngai tòa của Ngài. Ngoài ra, nhiều người cũng nhầm lẫn hình dáng các Cherubim với các thiên sứ mang hình dáng là những đứa trẻ có cánh.

Tọa thiên sứ (Ophanim/Thronos)

Tọa thiên sứ (chữ Hán: 座天使, tiếng Anh: ophanim, tiếng Hebrew: אוֹפַנִּים, ofanim, "bánh xe") hay Thronos (tiếng Hy Lạp: θρόνος, "ngai vàng") cũng xuất hiện nhiều trong Kinh Thánh như: Sách Khải Huyền 11:16 và Thư gửi tín hữu Côlôxê 1: 16. Các Ophanim được miêu tả dưới hình dạng những bánh xe, có nhiều mắt trên vành bánh (theo thị kiến của tiên tri Êdêkien 1:15-21). Tọa thiên sứ thì có hình dáng là chiếc ngai vàng. Các thiên sứ này biểu tượng cho công lý và quyền uy của Thiên Chúa. Cùng với Seraphim và Cherubim, các Tọa thiên sứ không bao giờ ngủ mà canh giữ cho ngai tòa của Thiên Chúa.

Các Tọa thiên sứ dường như có mối quan hệ mật thiết với các Cherubim. "Khi các thần hộ giá dừng lại, các bánh xe cũng dừng lại, khi các thần hộ giá cất mình lên, các bánh xe cũng cất lên theo, bởi vì thần khí của sinh vật ở trong các bánh xe." (Êdêkien 10:17)

Cấp hai

Cấp hai là nhóm các thiên sứ làm việc như những vị quản trị thiên đàng và phụ trách các vật thụ tạo.

Chủ thiên sứ (Dominions)

Chủ thiên sứ (chữ Hán: 主天使, tiếng Anh: dominions; tiếng Latinh: dominationes, tiếng Hy Lạp: kyriotētes) được coi là những thiên sứ điều phối hoạt động của các thiên sứ cấp dưới. Nhiệm vụ chính của họ là giữ gìn vũ trụ theo đúng quỹ đạo bằng cách gửi sức mạnh cho những nhà quản trị các quốc gia. Chủ thiên sứ được miêu tả với hình dạng giống như thần linh xinh đẹp, có đôi cánh lông vũ như hình tượng chung của các thiên sứ. Tuy nhiên, để phân biệt với các thiên sứ khác, các Chủ thiên sứ có thanh gươm ánh sáng gắn chặt vào đầu.

Lực thiên sứ (Virtutes)

Lực thiên sứ (chữ Hán: 力天使, tiếng Anh: Vitures; Latinh: Virtutes) có nhiệm vụ giám sát sự chuyển động của các thiên thể để đảm bảo rằng vũ trụ tuân theo chuyển động tự nhiên. Họ tăng thêm sức mạnh cho những nhân vật tài năng dưới trần gian. Virtutes có nghĩa là quyền năng, sức mạnh và uy lực. Lực thiên sứ là các thiên sứ luôn sẵn sàng, dũng cảm thi hành những việc phi thường.

Năng thiên sứ (Powers)

Năng thiên sứ (chữ Hán: 能天使, tiếng Anh: Powers; Latinh: Potestates) giám sát sự phân chia năng lực giữa nhân loại, giữ vững ranh giới giữa thiên đàng và trần gian. Năng thiên sứ mang hình dạng rực rỡ màu sắc và sương khói mờ ảo.

Cấp ba

Là những thiên sứ hoạt động như là sứ giả của Thiên Chúa hoặc là đạo binh thiên quốc.

Quyền thiên sứ (Principalities)

Quyền thiên sứ (chữ Hán: 權天使, tiếng Anh: principalities, tiếng Hy Lạp: Αρχαιος, Latinh: principatus) thường xuất hiện để cộng tác năng lực với Năng thiên sứ. Quyền thiên sứ được tạo hình có đội ​​một vương miện và mang theo một cây gậy. Nhiệm vụ của họ là thực hiện tấn phong cho các lãnh chúa xứ sở và gìn giữ thế giới vật chất, giám sát các nhóm người. Họ là những quan thầy và bảo hộ cho các vương quốc trên Trái Đất. Ngoài ra, Quyền thiên sứ còn truyền cảm hứng và tư tưởng cho chúng sinh trong lĩnh vực nghệ thuật và khoa học.

Đại thiên sứ (Archangels)

Đại thiên sứ (chữ Hán: 大天使, tiếng Anh: archangels, tiếng Hy Lạp: ἀρχάνγελος, dịch nguyên từ tiếng Hebrew: רַב־מַלְאָך "rav‘mal'ákh", ghép của hai từ "arch - rav" cấp cao và "angelos - mal'ákh" sứ giả) chỉ xuất hiện hai lần trong Tân Ước (Thêxalônica 4:16 và Giuđa 1:09). Người ta biết nhiều đến ba đại thiên sứ là Michael, Raphael và Gabriel. Trong Sách Tôbia (được Công giáo và Chính Thống giáo chấp nhận) còn đề cập đến đại thiên sứ Raphael khi Raphael nói với Tôbia rằng ông là "một trong bảy người hầu cận trước mặt Chúa" (hàm ý sáu người còn lại có Michael và Gabriel).

Thiên sứ (Angels)

Thiên sứ (chữ Hán: 天使, tiếng Hy Lạp: ἄγγελος, tiếng Hebrew: מַלְאָכִים mal'akhim, nghĩa là "sứ giả") là cấp độ thấp nhất của hệ thống thiên sứ và được biết đến nhiều nhất. Họ là những tạo vật theo dõi công việc của chúng sinh dưới trần gian. Có nhiều loại thiên sứ khác nhau, với các chức năng khác nhau. Trong Công giáo Rôma, có thiên sứ hộ thủ (hoặc thiên sứ bản mệnh) được tin là thiên sứ theo dõi và hướng dẫn cho mỗi cá nhân.

LỄ TẾT TRUNG THU

Lời Chúa: Mc 10, 13-16

Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: "Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

TRUYỆN KỂ

1. Con nít vào ngay

Trong một giấc mơ, tôi thấy một đoàn người đông vô số kể, thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, ai cũng chen nhau muốn đến trình diện Chúa để được vào Thiên Đàng trước. Ông Phêrô đã được Chúa trao chìa khóa Nước Trời, nên ông luôn túc trực tại Cổng, để bất cứ ai muốn qua Cửa Trời vào gặp Chúa, thì ông phải xét duyệt lý lịch họ trước, trừ phi là con nít.

Một vị mặc áo vua, đội mũ cà cuống, cầm gậy vàng tiến đến, ông Phêrô hỏi:

- Ngươi là ai?

- Thưa con là Tổng Giám mục ạ.

- Tổng Giám mục à, đứng qua một bên, đợi đã.

Một vị khác tiến đến mặc áo dòng, tay cầm cuốn Kinh Thánh:

- Ngươi là ai?

- Dạ, con là cha Sở.

- Cha Sở à, cũng đứng qua bên, hậu xét…

Và còn biết bao nhiêu đấng bậc khác, cứ chen nhau tiến vào, nhưng ai cũng bị ông Phêrô bảo đứng một bên chờ. Bất ngờ có một cụ già chống gậy bước tới:

- Ngươi là ai?

- Bẩm thưa ngài, con là con nít ạ!

- Con nít à, vô lẹ đi con

Ông Phêrô cho “ông cụ non” vào Thiên Đàng ngay mà không cần xét duyệt lý lịch, vì ông nhớ Lời Thầy Giêsu đã nói trước: “Ai không đón nhận lấy Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10, 15: Tin Mừng).

2. Cứ để trẻ em đến với Thầy

Xưa cũng như nay, mấy khi người ta lấy trẻ em như mẫu gương cho người lớn. Ngạn ngữ Anh nhắn nhủ: “Trẻ em nên được trông chừng chứ không nên nghe theo chúng.” Triết gia Platon nổi tiếng cũng than phiền: “Sánh với các dã thú, một đứa con trai là khó điều khiển nhất.”

Thế mà trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su lại lấy trẻ em làm khuôn mẫu cho người lớn, mà lại là khuôn mẫu trong một vấn đề cực kỳ hệ trọng, đó là chuyện đi vào Nước Trời! Đức Giê-su không dạy ta có thái độ ấu trĩ, ỷ lại, khoán trắng cho Thiên Chúa những gì mình có thể làm được. Ngài muốn chúng ta đón nhận Tin Mừng Nước Trời và Lời Hằng sống của Ngài với tâm tình đơn sơ, hồn nhiên, không so kè tính toán hơn thiệt, tâm tình của một người con thảo hiếu.

Hãy có thái độ hồn nhiên, đơn sơ khi đón nhận Nước Trời, vui tươi khi chấp nhận sống theo Lời Đức Giê-su mà không tính toán thua lỗ, mất mát.

Tôi có hay so đo tính toán khi theo Chúa, khi dấn thân phục vụ trong một đoàn thể không? Nếu có, tôi sẽ làm gì để sửa đổi?

3. Điều kiện để vào Nước Trời

Có nhiều phương thế để lên thiên đàng: tử đạo, ẩn tu, làm việc tông đồ, bác ái… và cũng có một cách giản dị để đạt tới Nước Trời là có tâm hồn trẻ em, cách của thánh nữ Tê-rê-xa Hài đồng Giêsu. Ngài trở thành chứng nhân và mẫu gương sống động cho chúng ta trong việc áp dụng Lời Chúa hôm nay. Nói là giản dị nhưng thực ra phương thế này đòi hỏi con người phải đấu tranh quyết liệt để chống lại thói kiêu ngạo, cậy mình, ích kỷ, tự mãn, vô cảm… Tính đấu tranh lúc này mãnh liệt tựa như đứa trẻ khóc thét lên đòi bú sữa mẹ vậy, một hành động đòi hỏi chính đáng đối với em, nhưng có thể không thích hợp với người lớn. Trẻ em đâu có gì để từ bỏ; thế nên từ bỏ là làm cho mình trở thành không có gì giống như trẻ em chỉ trừ nhìn nhận mình là thấp hèn, hư không trước mặt Chúa và một niềm khát vọng mãnh liệt là đạt được tất cả trong Thiên Chúa. Vì “chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi an bình” (Tv 62,2).

Có kẻ xin Gandhi tóm gọn đời mình bằng một câu không quá ba đặc điểm. Ông bảo đó là: “từ bỏ và vui hưởng” cuộc sống. Thái độ an bình vô tư lự và vui hưởng cuộc sống là đặc điểm tự nhiên của một trẻ nhỏ. Còn người “trẻ thơ trưởng thành” đạt đến sự an nhiên tự tại đó qua một quá trình chiến đấu từ bỏ để siêu thoát khỏi mọi ràng buộc thế tục và hướng tới Nước Trời.

4. Đứa bé của hòa bình

Mẩu chuyện mang tựa đề “Đứa bé của hòa bình”, trong mục nghệ thuật sống của báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, đã kể rằng:

“… Hôm ấy, tôi được trao nhiệm vụ đi thám thính cho bộ lạc của mình. Sau ba ngày đêm ròng rã, tôi phát hiện một túp lều của kẻ thù. Tôi bò từng bước đến gần và khoét một lỗ nhỏ bằng bàn tay trên vách. Nhìn vào trong, tôi thấy một đôi vợ chồng trẻ đang ngồi sưởi bên bếp lửa và một thằng bé chưa đầy hai tuổi đang chơi cạnh đó.

“Với bước chân đi chập chững, nó đứng dậy cầm chiếc thìa gỗ thọc sâu vào nồi xúp, rồi nó bắt chước người lớn khuấy đi khuấy lại nhiều lần. Bất thần đứa bé quay sang nhìn đúng ngay cái lỗ mà tôi đã khoét để ngó vào trong lều. Tôi hốt hoảng sợ bị phát giác. Nhưng đúng lúc bố mẹ của nó đang mải mê bên bếp lửa, đứa bé lại thọc cái thìa gỗ vào nồi, rồi múc lấy một ít xúp và đưa thẳng vào miệng tôi. Cứ thế, nó xúc cho tôi ăn liên tiếp nhiều lần mà bố mẹ nó vẫn không hề hay biết.

“Cuối cùng thì tôi quyết định phải rút lui và tìm đường trở về bộ lạc của mình. Nhiệm vụ đã hoàn tất, tôi đã tìm được vị trí đóng trại của kẻ thù… Tôi cắm cổ chạy trên tuyết cho tới khi đuối sức thì dừng lại… Hình ảnh và cử chỉ của thằng bé đã không buông tha tôi lấy một giây.

“Nó là ai? Tại sao nó lại can đảm múc xúp cho kẻ thù của bố mẹ, của cả bộ tộc nó? Sức mạnh thiêng liêng nào đã thúc đẩy nó làm như vậy? Cứ thế, tôi suy nghĩ miên man về thằng bé, nó phải được sống trong trận càn quét sắp tới. Tôi chợt nảy ra ý định phải quay trở lại tức khắc, bí mật giết chết bố mẹ thằng bé rồi bắt cóc nó đem về nuôi dạy theo phong tục của bộ lạc mình. Thế nhưng thú thật là tôi không thể làm như vậy vì thằng bé còn quá nhỏ, nó cần được chính bố mẹ nó nuôi nấng. Nghĩ như vậy, tôi quay trở lại túp lều, đi thẳng vào cửa trước. Bị bất ngờ, đôi vợ chồng trẻ kinh hoảng, nhưng tôi ra dấu trấn an họ ngay. Nhận thấy tôi không có ý gì đe dọa, họ đã vui vẻ mời tôi vào, ngồi bên bếp lửa. Người chồng chuẩn bị một tẩu thuốc, người vợ bưng xúp để mời khách, còn thằng bé thì mừng rỡ như nhận ra khuôn mặt quen thuộc của tôi. Và thế là nó lại lấy chiếc thìa gỗ xúc một ít xúp, phùng má thổi phù phù cho bớt nóng, rồi mới đưa vào tận miệng tôi.

“Tôi chậm rãi tiết lộ tông tích của mình và bảo họ: trước tiên vì sự hồn nhiên vô tư của thằng bé, kế đó vì lòng hiếu khách của anh chị, tôi sẽ không làm gì hại đến gia đình bé nhỏ này. Anh chị hãy mau mau lánh nạn đi ở chỗ khác. Không sớm thì muộn, bộ lạc chúng tôi cũng sẽ phát hiện nơi này, họ sẽ đến và chiến tranh hận thù sẽ xảy ra. Hình ảnh cuối cùng mà tôi còn giữ mãi chính là hình ảnh thằng bé được mẹ địu trên lưng, tay vẫn múa may chiếc thìa gỗ và mỉm cười với tôi. Mùi tử khí trong tôi đã được thay thế bằng mùi xúp thơm phức mà thằng bé đã đưa tận miệng tôi. Tôi đã từ bỏ thói hung hăng hiếu chiến, lòng hận thù dai dẳng trong tôi cũng đã tắt ngấm. Càng có tuổi, tôi càng tin rằng tất cả chúng ta cần phải có một “đứa bé của hòa bình” như thế, mãi mãi ở giữa chúng ta.”

5. Ai cũng có quà trung thu

Năm ngoái, tại Viện Tim, một số em mổ tim chơi trung thu ngay trong Viện với mấy cái đèn cầy, vài cái bánh… Anh Trung bạn tôi đem lồng đèn vào cho cháu Hữu:

- Chú tặng con cái lồng đèn trung thu, nhớ Chúa Giêsu.

- Ngày xưa Chúa Giêsu có ăn tết Trung Thu không? Có lãnh quà trung thu không?

Chú Trung trả lời:

- Chúa Giêsu lãnh quà trung thu cả đời con ạ, vì Chúa Giêsu lúc nào cũng đơn sơ khiêm tốn, và vâng lời Chúa Cha cả.

- Vậy ai vâng lời là được lãnh quà Trung Thu hả?

- Đúng rồi, ai còn biết vâng lời, ấy là người thiếu nhi.

- Cha con vâng lời mẹ con, vậy cha con có phải thiếu nhi không?

- Có chứ, ai biết vâng lời làm điều tốt đều là thiếu nhi cả, đều được lãnh quà trung thu…

Hữu quay sang mẹ, hỏi:

- Quà của cha đâu, mẹ?

Xin cảm ơn món quà và giải thích của anh Trung, bạn tôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con sống lại tuổi thơ thánh thiện- tuổi thơ khiêm cung vâng lời. Xin ôm chúng con vào lòng như “Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng” (Mc 10,16). Amen.

PM. Cao Huy Hoàng

6. Phép lạ bánh trung thu

Đức Hồng Y Joseph Zen, 81 tuổi, giám mục về hưu của Hồng Kông, từ 4 năm nay vẫn làm việc mục vụ để chăm sóc tù nhân, những người cải huấn, cai nghiện, phục hồi chức năng của Hồng Kông.

Ngài thường mua bánh trung thu mỗi năm cho nơi Ngài tới thăm, vì phong tục ở đây là tìm về gia đình trong ngày tết trung thu để có thể chia sẻ những tấm bánh với những người có mặt và không quên để dành những lát bánh cho những người vắng mặt cũng như những người quá cố.

Cho nên, theo Đức Hồng Y Zen, thì tấm bánh trung thu mang một ý nghĩa rất đặt biệt về niềm vui gia đình, về đoàn tụ và hạnh phúc. Tặng bánh trung thu cho tù nhân là một nghĩa cử đem lại nguồn an ủi và hy vọng cho họ.

Năm nay, Đức Hồng Y Zen ước vọng có được 10.500 chiếc bánh để tặng cho tất cả mọi tù nhân vào dịp Tết Trung Thu, ngày 19 tháng 9 tới đây. Biết rằng Đức Phanxicô là một người đầy lòng thương xót, Đức Hồng Y Zen nói với AsiaNews, "Tôi đoán rằng Ngài cũng sẽ quan tâm đến việc tặng bánh trung thu cho các tù nhân ở đây." Ngài đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng.

Đức Hồng Y đã đoán đúng. Ngài nhận được hồi âm vào ngày 7 tháng 8 của Đức Giáo Hoàng như sau: "Thưa Đức Hồng Y quí mến, tôi sẵn sàng tham gia việc tặng bánh trung thu cho các anh chị em của chúng ta trong các nhà tù của Hồng Kông, Chúa Giêsu sẽ nhận ra chúng ta ở ngưỡng cửa Thiên Đàng. Chúc mừng Tết Trung Thu! Thân ái ban phép lành, PP Phanxicô."

Đức Hồng Y Zen đã nắm bắt lấy cơ hội, Ngài đã in nhiều tấm thiệp với lời hồi âm của ĐGH (dịch ra hán văn) và gửi cho những giáo hữu ở Hồng Kông xin họ hãy noi gương ĐTC.

Chỉ khoảng 2 tuẩn lễ, tiền quyên góp ào ạt đổ về, lên tới 170,000 đôla HK (22,000 USD), đủ để mua bánh cho mọi tù nhân.

Vào đầu tháng Chín, Đức Hồng Y Zen cho biết, "Tôi đã gửi cho Đức Thánh Cha một hộp bánh Trung Thu và chúc lễ hội đến Ngài." Đó là một hộp bánh nhân hạt sen có 2 lòng đỏ trứng muối.

Ngài cho biết thêm "Khi tôi đến thăm các tù nhân vào cuối tháng Tám, họ nhắc nhở tôi về bánh trung thu," Ngài mỉm cười. "Tôi chắc chắn rằng họ đã biết việc Đức Thánh Cha Phanxicô hỗ trợ sự kiện này, vì họ thường theo dõi tin tức trên các báo."

Câu chuyện vui đã không ngừng ở đây, nhiều nhà thờ và tổ chức dân sự cũng đã noi gương ĐTC, quyên góp bánh trung thu và phân phối đến những người cao tuổi sống một mình và đến các gia đình có thu nhập thấp.

THỨ HAI - ĐÈN SÁNG ĐẶT ĐÚNG CHỖ

Lời Chúa: Lc 8, 16-18

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Không ai thắp đèn rồi lấy hũ che lại, hay đặt dưới gầm giường: nhưng đặt nó trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì kín nhiệm mà không bị tỏ ra, và không có gì ẩn giấu mà không bị lộ ra cho người ta biết. Vậy các ngươi hãy ý tứ xem các ngươi nghe thế nào! Vì ai có, sẽ được cho thêm; còn ai không có, cả điều mình tưởng có cũng sẽ bị lấy đi."

TRUYỆN KỂ

1. Ngọn Ðèn Ðức Tin

Bất cứ du khách nào sau một lần viếng thăm nước Mỹ, cũng đều phải thán phục tinh thần làm việc và óc thực dụng của người Mỹ: tất cả những nghiên cứu của đại học đều được kỹ nghệ đỡ đầu, tất cả những phát minh mới của khoa học đều tìm được ứng dụng trong kỹ nghệ. Người Kitô hữu có thể nhìn vào đó để rút ra bài học cho đời sống đức tin của mình không?

Thánh Giacôbê Tông đồ đã viết: "Một đức tin không có việc làm là đức tin chết." Một đức tin không được diễn đạt, không được ứng dụng trong đời sống hàng ngày phải chăng không là đức tin chết?

2. Đèn phải cháy sáng

Quả thật, Lời Chúa luôn có sức chiếu sáng rất mạnh. Chỉ tiếc rằng Lời Chúa rót vào tai một số người giống như dầu châm vào những cây đèn mà chúng không chịu cháy, nên chúng cũng vô ích. Bà Chiara Lubich nói: “Chúng ta phải sống thế nào để cho dù các sách Tin Mừng trên thế giới có bị đốt hết đi thì người ta cũng vẫn có thể nhìn vào cuộc sống chúng ta mà chép lại Tin Mừng đúng từng câu, tững chữ."

Đức Cha Jean Koret, vị Gám mục Tiệp Khắc đã từng phải sống lén lút ở chế độ Tiệp Khắc trước kia, tâm sự rằng: Ngài đã gặp gỡ được nhiều người tốt, lúc ngài phải đi làm việc như một công nhân, hơn là lúc ở trong tòa Giám mục. Tiết lộ trên đây của Đức cha Jean Koret, đã phản ánh trung thực điều Chúa Giêsu đã phán: “Có ai đốt đèn rồi đem để ở trong thùng hay dưới gầm giường không”?

3. Ngọn đèn tỏa sáng.

Vào buổi chiều nọ, một người lấy từ trong hộp một cây nến nhỏ và leo lên tầng tháp cao. Cây nến hỏi:

- Chúng ta đang đi đâu vậy?

- Đi lên cao hơn để chỉ đường cho tầu bè vào cảng.

- Nhưng tôi bé nhỏ thế này làm sao tầu bè thấy được?

- Chỉ cần ngươi cứ cháy sáng thôi, còn mọi việc để ta lo.

Tới đỉnh tháp, người ấy đặt cây nến vào trong một cái đèn có ghép những tấm kính phản quang. Nhờ đó, mà ánh sáng lan tỏa ra và mọi tầu bè có thể thấy được.

4. Người thắp lên ngọn lửa

Trong bài giảng thánh lễ an táng mẹ Têrêsa Ðức Hống Y Angelo Sodono, quốc vụ khanh toà thánh, đại diện Đức Thánh Cha đã nói với mọi người: “Mẹ Têrêsa đã thắp lên ngọn lửa tình yêu thương, mà những người con tinh thần của mẹ, nam cũng như nữ, những nhà truyền giáo của tình bác ái, từ nay cần tiếp tục giữ cho ngọn lửa đó cháy sáng mãi. Thế giới ngày nay đang hết sức cần ánh sáng và sự nồng ấm của ngọn lửa này. Sự kính phục mà chúng ta dành cho việc tưởng niệm vị nữ tu khiêm tốn, mà tình yêu to lớn đối với Ấn Ðộ và đối với thành Calcutta này không làm giảm tầm mức công dân của thế giới nơi Mẹ Têrêsa. Sự kính phục của chúng ta sẽ trở thành vô ích, nếu chúng ta, những tín hữu và những người thiện chí nam nữ, bất cứ đang sống nơi đâu, nếu chúng ta không tiếp tục từ nơi mà Mẹ Têrêsa đã ngừng lại. Người nghèo còn hiện diện với chúng ta. Và bởi vì họ là phản ánh của Con Thiên Chúa chịu đóng đinh, họ cần phải hiện diện nơi chính trung tâm của sự quan tâm của chúng ta, nơi trung tâm của hành động chính trị, nơi trung tâm của sự dấn thân tôn giáo của chúng ta.”

5. Quen với bóng tối

Một vùng đất nọ thình lình mất ánh sáng. Mặt trời không mọc lên, tối tăm bao phủ cả vùng. Mọi người trong vùng đổ xô đến cửa tiệm ông Réno để mua diêm quẹt và đèn cầy, vì họ biết ông có cả một kho chứa các thứ đó. Nhưng dân chúng càng nài nỉ, ông càng từ chối...

Ngày qua ngày, dân chúng quen dần với bóng tối. Lúc đó ông Réno mới ý thức thái độ ích kỷ của mình. Ông mở cửa kho, mời gọi mọi người đến lấy diêm quẹt và đèn cầy về đốt. Nhưng trớ trêu thay mọi người trả lời:

- Chúng tôi đã quen sống với bóng tốt rồi. Chúng tôi không cần ánh sáng nữa!

Thái độ ích kỷ không những đã làm cho ông Réno mất đi lợi nhuận và hơn nữa còn mất đi cả niềm tin đối với những người chung quanh nữa. “Ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị mất đi” (Lc 8, 18).

6. Không sống đức tin

Báo chí trước đây đã nói nhiều đến những vụ khủng bố, giết người, cướp nhà băng xảy ra tại Manila thủ đô nước Philippines. Việc này khiến Đức Hồng Y Jaime Sin ở Manila phải lên tiếng kêu gọi chính quyền lo thiết lập lại trật tự.

Phản ứng lại lời cảnh cáo của Đức Hồng Y, bộ trường bộ thông tin trả lời:

- Giáo Hội Công giáo cũng có phần trách nhiệm trong đó, vì đã không chu toàn vai trò của mình trong việc làm cho tín hữu Công giáo sống Tin Mừng.

Còn đâu là danh dự của một quốc gia mà dân số Công giáo lên đến gần 90 phần trăm!

7. Món ăn tinh thần phải dễ ăn

Tờ Maly Dziennik (“Báo Nhỏ”) do cha thánh M. Kolbe (Côn-bê) chủ biên ở Ba Lan gặt hái thành công ngoài mức mong đợi: bài viết công phu, giá rẻ, phân phối nhanh chóng, được đông đảo bạn đọc thuộc giới bình dân đón tiếp nồng nhiệt. Thấy vậy, một đồng nghiệp nói với ngài với giọng khinh bỉ: “Cha làm chuyện vô ích quá, công trình của cha chẳng có giá trị gì!” Thánh nhân mỉm cười đáp lại: “Thế sao ông không làm được như tôi.” Đúng là tờ báo thuộc loại bình dân, nhưng qua đó ngài đã đến được với đám đông quần chúng, giải đáp các thắc mắc đức tin, nuôi dưỡng lòng đạo đức của họ. Ngài đã tìm ra phương cách thích hợp để đáp ứng nhu cầu tâm linh của lớp người ít học. Nhờ đó, giúp họ tìm thấy ánh sáng chân lý của Chúa.

Nói đến truyền giáo là nói đến phương pháp, bởi vì thiện chí thôi chưa đủ. Cần tìm ra những phương pháp thích hợp theo lứa tuổi, môi trường sống, trình độ, để đối tượng chúng ta muốn truyền đạt dễ dàng nhận ra ánh sáng Tin Mừng của Chúa. Đứng trước những biến chuyển chóng mặt của thời đại hôm nay, bạn có can đảm chấp nhận những thay đổi cần thiết để phục vụ Lời Chúa hữu hiệu hơn không?

Cách dạy giáo lý tại giáo xứ chúng ta hiện nay còn hấp dẫn trẻ em không? Cần những thay đổi nào trong cách điều hành nhân sự hay phương pháp trình bày, để việc dạy và học giáo lý thêm sinh động không?

8. Sống đạo là truyền đạo

Rất nhiều lần tai chúng ta nghe lời hiệu triệu: Hãy truyền giáo, hãy loan báo Tin Mừng! Tuy nhiên, mười năm gần đây, số người Công giáo Việt nam không tăng bao nhiêu, vẫn chiếm khoảng 7% dân số; đối với một số giáo phận như Qui Nhơn, Đà Nẵng, Huế... tỉ lệ ấy còn thấp hơn nữa. Đành rằng hiệu quả của việc loan báo Tin mừng không chỉ được đánh giá dựa trên những con số, nhưng ta vẫn phải suy nghĩ, đặt vấn đề: làm sao đây?

Lời Chúa trong bài Tin Mừng soi sáng cho chúng ta cách thức truyền giáo tinh tế hơn: “Hãy để ý tới cách thức anh em nghe." Thật vậy, khi kể về bốn mẫu người lắng nghe Lời Chúa, Chúa Giê-su nhấn mạnh chỉ những người là mảnh đất tốt, tức là chăm chú lắng nghe, yêu mến Lời Chúa, thì mới sinh hoa kết quả. Nếu thực tâm lắng nghe, suy niệm và nỗ lực sống Lời Chúa, thì đời sống ta tựa như ngọn đèn cháy sáng, sẽ có sức chiếu tỏa cho người khác, đập vào mắt họ, khiến họ phải đặt câu hỏi.

Hãy tin rằng nỗ lực sống Lời Chúa trong cuộc sống đời thường có vẻ như âm thầm, lặng lẽ; nhưng thật kỳ diệu, đời sống tốt đẹp của bạn lúc đó tỏa sáng như ngọn đèn để trên đế đèn, đang tác động đến người lân cận.

9. Tình yêu khiêm nhường

Văn hào Nga Fyodor Dostoievski đã nói: “Đứng trước tội lỗi con người, bạn lưỡng lự nên chống lại nó bằng vũ lực hay bằng tình yêu khiêm nhường? Bạn luôn phải quyết định chống lại nó bằng tình yêu khiêm nhường. Nếu bạn nhất quyết như vậy, bạn có thể chinh phục cả thế giới. Tình yêu khiêm nhường là một sức mạnh đáng sợ, chẳng có gì so sánh được.”

Tình yêu khiêm nhường là gì? Cái gì làm cho nó trở thành sức mạnh đáng sợ và duy nhất chống lại cuộc chiến tội lỗi?

Đức cha Clark kể về một cuộc tranh luận của hai tín hữu nóng tính. Cuối cùng, một người nói: “Tao muốn biết mày là gì?” Người kia la lên: “Tao là ai ư? Tao là một tín hữu khiêm nhường, còn mày là một kẻ ngoại đạo đáng nguyền rủa.” (Ralph Waldo Emerson).

10. Tôi là những gì tôi muốn

Một cậu bé hỏi mẹ: “Chúa có thể thấy con đang trốn trong phòng không?” Mẹ cậu trả lời: “Chúa thấy chứ!” Cậu bé lại hỏi: “Thế Chúa có thấy con đang trốn trong tủ không?” Người mẹ trả lời: “Có chứ.” Cậu bé hỏi thêm: “Vậy Chúa có thấy con khi bên ngoài trời tối không?" Mẹ cậu trả lời: “Có chứ.” Cậu bé yên lặng một lúc, rồi nói: “Con không thích như vậy đâu.” Bài học hôm nay nhắc nhở rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm về mọi việc chúng ta làm ngay cả những điều bí ẩn mà người khác không thấy được.

Hành động gì tôi thường hay làm và tôi sẽ không làm nếu tôi biết nó sẽ phô bày trước mặt mọi người?

Thước đo nhân cách thực sự của một người, đó là anh ta phải làm gì nếu biết rằng mình sẽ không bao giờ bị phát hiện (Thomas McCauley).

11. Đèn đặt dưới gầm giường

Người ta làm ra cái đèn là để soi sáng. Muốn cho ánh sáng lan rộng, và soi sáng thì cần đặt cây đèn trên đế, chứ chẳng ai lấy thùng úp lại, hay đặt dưới gầm giường. Chúa Kitô mời gọi các môn đệ Ngài sống như cây đèn đặt giữa đêm tối trần gian. “Cây đèn” kitô hữu chỉ có thể hoàn thành sứ mạng của mình là “đặt trên đế” để “soi sáng cho cả nhà” khi chính các kitô hữu chiếu toả tinh thần của Đức Kitô qua những công việc tốt đẹp mình làm để tôn vinh Thiên Chúa (x. Mt 5,15-16).

Mời Bạn: Ngọn đèn đức tin của bạn có bị “nhốt” trong những thứ “hũ” kín nào hay che khuất dưới những gầm giường tăm tối nào không? Ánh sáng Chúa Kitô có thể bị cản trở bởi gương mù gương xấu, bị dập tắt bởi lòng ghen ghét oán thù, tính tự ái kiêu căng, nỗi đam mê dục vọng, thói ích kỷ tham lam. Tất cả những thứ vật cản đó ngăn chận ơn lành Chúa đổ vào lòng bạn và cũng ngăn chận ánh sáng Chúa soi sáng cho “mọi người trong nhà bạn” đấy.

Chia sẻ: Với sứ mạng là “ánh sáng soi cho cả nhà,” bạn sẽ làm gì theo tinh thần Tin Mừng để cất đi một gương xấu, sửa chữa một tính hư của người trong cộng đoàn/gia đình bạn?

12. Trung tín trong việc nhỏ

Một sợi tơ mỏng manh nhỏ bé dường như chẳng làm nên tích sự gì. Nhưng bạn nên nhớ rằng tấm lụa mượt mà kia được dệt bằng những sợi tơ như thế.

Cuộc đời chúng ta được dệt bằng biết bao việc nho nhỏ được trải đều trong khắp cả đời sống thường ngày. Từng giây, từng phút trong đời, những cử chỉ yêu thương, một lời nói dịu dàng, một hy sinh kín đáo, một cái nhìn cảm thông, một ý tưởng ngay lành, tất cả những điều đó, từng chút chút một, sẽ dệt nên cuộc sống tươi đẹp, hào hùng thấm đầy ơn phúc của Thiên Chúa.

Chính Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn, ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16,10).

THỨ BA - MẸ CHÚA VÀ ANH EM CHÚA

Lời Chúa: Lc 8, 19-21

Khi ấy, mẹ và anh em Chúa Giêsu đến tìm Người, nhưng vì đám đông, nên không thể đến gần Người được. Người ta báo tin cho Người rằng: "Có mẹ và anh em Thầy đứng ở ngoài muốn gặp Thầy."

Người trả lời với họ rằng: "Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành."

TRUYỆN KỂ

1. Gia đình của Chúa

Chúa Giêsu đến trần gian để xây dựng một gia đình duy nhất của Thiên Chúa, gia đình của những người cùng một mục đích là nguyện cho Danh Cha được cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Ðể cho thấy sự duy nhất về cùng một gia đình đó, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: "Lạy Cha, xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha." Ðó là hình ảnh Chúa Giêsu muốn diễn tả khi Ngài nói: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành."

Với ý nghĩa đó, Ðức Maria hai lần xứng đáng làm Mẹ Chúa Giêsu: Mẹ theo huyết thống và Mẹ của Thân mình mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội. Chẳng những là Mẹ thật vì đã sinh ra Chúa Giêsu, mà còn là Mẹ vì đã thực thi ý Cha trên trời. Trong biến cố truyền tin, Ðức Maria đã thưa với Sứ thần: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng theo lời thiên thần truyền." Ðiều đó nói lên suốt đời Ðức Maria, người luôn làm theo ý Chúa.

2. Thực hành Lời Chúa

Một tờ báo Ý dí dỏm rằng Chúa Giêsu chỉ có một bài giảng trên núi, còn Đức Gioan-Phaolô II thì có một ‘núi’ bài giảng. Thật ra, không riêng chi Đức Gioan-Phaolô II, nhưng các giáo sĩ, tu sĩ, và giáo dân ngày nay cũng viết lách, sáng tác rất nhiều.

Tình hình xuất bản sách báo Công giáo ‘trăm hoa đua nở’ đến nỗi nhiều văn kiện, tác phẩm mới trình làng thì đã sớm chìm vào quên lãng. Văn kiện này chưa kịp triển khai, văn kiện khác đã xuất hiện. Về khả năng ăn nói và viết lách, Giáo Hội ngày nay rất giàu chứ chẳng nghèo chút nào. Tạ ơn Chúa!

Thế nhưng, để trở thành “mẹ và anh em” Chúa Giêsu, giàu phần ‘thuyết’ thôi thì chưa đủ, còn phải “đem ra thực hành” nữa.

Kitô giáo là đạo thực hành, đạo sống, chứ không phải là lý thuyết. Thánh Giacôbê nhắc chúng ta rằng đức tin không có việc làm là đức tin chết!

Có người nói rằng niềm tin Kitô giáo không chỉ được gói ghém trong kinh Tin Kính, nhưng cả trong kinh Hòa Bình; cũng như không chỉ nguyên nơi việc đọc hai kinh đó, nhưng nhất là thực hành chúng nữa. Bạn nghĩ sao?

3. ADN của Đức Mẹ

Ngày nay xét nghiệm DNA giúp giám định liên hệ huyết thống tự nhiên giữa hai con người. Cách đây hai ngàn năm, Đức Giêsu đã đưa ra một loại xét nghiệm ‘DNA thiêng liêng’ để giám định liên hệ ‘gia đình thiêng liêng’ của con cái Thiên Chúa. Người xác nhận rằng những ai có ‘gien’ “nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” thì đó là “mẹ và anh em” của Người. Rõ ràng Đức Giêsu không nhằm chối bỏ mối quan hệ huyết thống tự nhiên, song là khẳng định một chân lý bao hàm hơn: Có tồn tại một gia đình thiêng liêng của Chúa; gia đình ấy rộng lớn hơn và có sức chứa đựng cả gia đình cốt nhục. Ở đây ta thấy “đạo” không loại trừ “đời” như ánh sáng và bóng tối, cũng không song song với đời như hai thanh “ray” của một đường tàu, nhưng “đạo” chứa đựng và làm thăng hoa “đời.”

Nhìn Đức Maria để thấy ngay cả trong xét nghiệm ‘DNA thiêng liêng’ này thì Mẹ cũng là người thứ nhất ở trong số “mẹ và anh em” của Đức Giêsu. Vì không ai có thể sánh với Mẹ về thái độ sẵn sàng “lắng nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”

4. Gia phả của Chúa Giêsu

Will Roger, người Ấn Độ, là một người có óc hài hước. Một hôm, có một người phụ nữ khoác lác rằng tổ tiên của bà đến từ miền Mayflower. Và bà ta quay lại Will và hỏi: “Thế còn tổ tiên của ông thì sao?” Bằng một cái nheo mắt tinh nghịch, Will trả lời: “Họ cũng xuất thân từ đó.” Một ai đó đã nói: “Tôi vui mừng vì Chúa Giêsu không phải là cha của một gia đình. Điều đó tránh cho nhiều nguời khỏi phải cố gắng truy nguyên tổ tiên của họ từ Ngài.” Trong bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc nhở rằng mối liên hệ quan trọng của chúng ta với Ngài không phải là mối liên hệ thể lý, mà là mối liên hệ thiêng liêng. Và cách để xây dựng mối liên hệ này là lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa.

Tôi muốn mối liên hệ của tôi với Chúa Giêsu mật thiết như thế nào? Tôi sẵn sàng làm gì để đạt được điều đó?

Phương cách để có bạn hữu là hãy nên một với họ (Elbert Hubbard)

5. Trở nên nghèo khổ

John Coleman, hiệu trưởng của trường đại học Haverford muốn nếm trước thế nào là nghèo khổ và vô gia cư. Vì thế, ông đã sống mười ngày trên đường phố Nữu Ước, không tiền bạc, không nơi trú ngụ. Nhật ký về kinh nghiệm này được đăng trên tạp chí New Yorker với lời dẫn nhập như sau: “Tôi đi chậm hơn, không còn thấy bực mình vì đèn giao thông nữa. Theo thói quen, tôi nhìn xuống cổ tay, nhưng chẳng có đồng hồ, và nếu có thì cũng chẳng quan trọng gì. Tôi đến một lò nóng bức trên đường phố, thì ở đó đã có người rồi.”

Có khi nào tôi cố gắng thấy một cái gì đó qua ánh mắt người khác, đặc biệt là người thiếu thốn chưa?

Chúng ta không theo người khác như chính họ, mà là theo chủ quan của mình. (H. M. Tomlinson)

6. Niềm vui thi hành ý Chúa

Ta vẫn thường trăn trở: Làm sao tìm được niềm vui trong cuộc sống? Làm cách nào để mỗi ngày ta có thể chọn một niềm vui? Đối với người Kitô hữu, cách tốt nhất để có được niềm vui, hạnh phúc mỗi ngày và bền lâu là làm theo thánh ý Chúa. Tại sao thế? - Thưa, Đức Giêsu đã diễn tả Nước Trời như tiệc cưới vui vẻ. Nước Trời ấy được định nghĩa cách vắn gọn là xã hội trên trần thế nơi ý Chúa được thực hiện trọn vẹn như ở trên trời. Đức Giêsu là mẫu người hoàn hảo đã làm cho ý Chúa và ý mình nên một. Vì vậy, ai chú tâm lắng nghe, suy gẫm và thực hành Lời Đức Giêsu thì trở nên những người em thân thiết với Ngài, là con cái Cha trên trời, là công dân của Nước Trời vui tươi.

“Cách tốt nhất để làm bạn vui lên là làm cho người khác vui lên” (Nhà văn M. Twain). Khi làm Thiên Chúa hài lòng qua việc thực thi Lời Ngài, bạn có được niềm vui, một niềm vui sâu xa, bền vững. Những hy sinh do việc bạn dẹp bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa sẽ được Thiên Chúa bù đắp bằng những niềm vui bạn không ngờ. Bạn còn chần chừ gì nữa, hãy bắt đầu tập lắng nghe và thực thi Lời Ngài.

THỨ TƯ - SAI 12 TÔNG ĐỒ ĐI RAO GIẢNG

Lời Chúa: Lc 9, 1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai Tông đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật.

Đoạn Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người bảo các ông rằng: "Khi đi đàng, các con đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo. Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố cáo họ."

Các ông liền đi rảo khắp các làng mạc, rao giảng Tin Mừng, và chữa lành bệnh tật khắp nơi.

TRUYỆN KỂ

1. Nói mà không làm

Có lần nhà hiền triết Diogène đứng ở một góc đường và cười rã rượi như người điên loạn. Một khách bộ hành hỏi ông: "Có gì mà ông cười ngặt nghẽo như thế?" Ông đáp: "Anh có thấy tảng đá to ở giữa đường kia không? Từ khi tôi tới đây, đã có mười người vấp ngã vì nó và nguyền rủa nó, nhưng không ai quan tâm lấy nó đi để tránh cho người khác khỏi vấp ngã."

Có nhiều cách làm việc Tông đồ, nhưng hữu hiệu nhất là bằng chính đời sống tốt lành của mình. Xin Chúa giúp chúng ta đáp lại lời mời của Chúa và hăng say dấn thân phục vụ những người xung quanh vì Chúa.

2. Rao giảng bằng cầu nguyện

Tuy là một nữ tu Dòng Kín, nhưng Têrêsa vẫn ao ước được làm linh mục để đi truyền giáo khắp nơi, làm cho dân ngoại trở lại. Và chị ao ước làm linh mục truyền giáo như thế cho đến tận thế. Chị luôn sống đời cầu nguyện và hy sinh cho các linh hồn được trở lại.

Cuộc đời cầu nguyện và hy sinh của chị Têrêsa, tuy rất ngắn ngủi vì qua đời lúc 24 tuổi (1873 - 1897), nhưng đã làm cho vô số người trở lại. Giáo hội phong tặng chị là Bổn Mạng các vị truyền giáo và các xứ truyền giáo.

3. Giảng bằng đời sống

Trong việc phong thánh cho linh mục Gioan Vianney, cha sở xứ Ars, một nhà điều tra phong thánh có hỏi một người trong giáo xứ về đời sống của Ngài, thì người giáo dân ấy chỉ trả lời vỏn vẹn bằng mấy chữ: “Tôi đã trông thấy Thiên Chúa trong một con người."

Chúng ta có thể rao giảng Lời Chúa bằng lời nói, chữ viết, cử chỉ hay bất cứ phương tiện nào, nhưng phương tiện có tính thuyết phục nhất là đời sống thực tế của chúng ta, chính con người chúng ta là dấu ấn của Thiên Chúa, để người ta trông thấy chúng ta thì đồng thời cũng nhìn ra Chúa.

4. Chúa sai tôi đi

Sau thế chiến thứ nhất, một linh mục trẻ người Pháp được bài sai đi coi xứ. Tay xách vali, cha mạnh dạn ra đi truyền giáo. Đến nơi chỉ thấy hầm với hố, tường thì đổ. Nhà thờ, nhà xứ, chỉ còn duy nhất một bức tường xiêu vẹo.

Không một chút sờn lòng, cha cùng với các tín hữu tích cực kiến thiết lại ngôi thánh đường đổ nát. Chẳng bao lâu sau, đền thờ vật chất đã hoàn thành khang trang đẹp đẽ. Giờ đây, cha lại tiếp tục xây dựng đền thờ tâm hồn. Nhờ đời sống gương mẫu, cha đã tu sửa lại lòng đạo đức của cả đoàn chiên.

Tuổi cha chưa cao nhưng đã kiệt sức, giữa lúc tình cha con đang mặn nồng, gắn bó. Dầu vậy, nằm trên giường bệnh, cha vẫn thản nhiên vui vẻ. Giờ hấp hối đến, cha nhỏ nhẹ nói với những người chung quanh cha rằng:

- Giờ đây tôi vui mừng vì đã trung thành giữ lời nhủ bảo của thân phụ tôi ngày tôi chịu chức linh mục: “Nay con đã là linh mục của Chúa, cha chỉ cầu mong con ba điều: Thứ nhất, lúc con chết đừng nợ ai xu nào. Thứ hai, khi qua đời con cũng chẳng còn xu nào. Thứ ba, lúc lâm chung con đừng vướng một chút tội nào với Chúa."

Và thế rồi ngài an bình ra đi về với Đấng mình đã trọn đời dâng hiến.

5. Bán tài sản để phục vụ

Vào năm 1965, dư luận tại Italia ngỡ ngàng trước tin dược sư Marcello Candia, 59 tuổi, là giám đốc và là chủ nhân hai viện bào chế có tiếng ở Bắc Italia đã bán hết hai viện, nhà cửa, đất đai và tất cả sản nghiệp của mình rồi sau đó mang tiền sang miền Amazone Brazil, với sự đồng ý của Đức Tổng Giám mục Aristide Pirovano, giáo phận Maccapa thuộc Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Milano. Ông Candia đã xây cất một nhà thương gồm 120 giường để tiếp đón và chữa trị cho các người nghèo trong vùng. Nhiều người cho rằng ý định của vị dược sư là một việc làm điên rồ. Nhưng ông đã nói:

“Ngay từ thời gian còn ở trung học, tôi vẫn thường tiếp xúc với dân nghèo ở khu vực ngoại ô Milano dưới sự hướng dẫn của một vị linh mục dòng thánh Phanxicô Capuciano. Lòng yêu mến công tác truyền giáo đã nảy sinh trong tôi từ dạo đó. Một lần kia, thày Kecillio, người giữ cửa tu viện đã nhờ tôi giúp phân phát cháo cho người nghèo, tôi đã vui lòng nhận lời. Tại phòng khách nơi nhiều người đang chờ tới phiên mình, tôi nhìn thấy tấm hình của cha Damiane de Samarate, người đã chết vì bệnh cùi năm 1924 tại thành phố Belem bên Brazil, sau khi đã tận tụy chăm sóc các người bệnh tại đây và chính người cuối cùng đã lây bệnh, rồi chết. Mỗi lần nhìn lên tấm hình vị linh mục, tôi lại cảm thấy một lời mời gọi văng vẳng bên tai: “Tại sao mình lại không bán hết tài sản để phục vụ người nghèo?

Sau khi đã đến thăm miền Amazone, tôi đã quyết định bán tất cả sản nghiệp và đến làm việc tại đây để phục vụ và giúp đỡ những người nghèo.”

6. Sống nghèo

Vào lễ tạ ơn năm 1985, những họa sĩ vẽ tranh biếm họa của quốc gia góp lại và gửi đến cho 90 triệu độc giả đang đi nghỉ lễ cùng một sứ điệp: “Hôm nay, đang khi chúng ta ăn đại tiệc, thì hàng triệu người đang chết đói.” Điển hình là bộ phim hoạt hình Peanuts trong đó Linus hỏi Charlie có muốn một bữa thịnh soạn không? Charlie trả lời: “Có chứ, nhưng tôi không nghĩ là có quá nhiều thực phẩm.” Snoopy nhìn vào đĩa trống không và tự nhủ: “Charlie sẽ nghĩ nhiều về thức ăn, nếu đĩa của anh ta cũng trống không như đĩa của ta.” Có lẽ, dư dật lương thực còn tệ hơn là có quá ít, bởi vì nó làm chúng ta mất đi sự nhạy cảm đối với kẻ nghèo đói và trở thành vô ơn đối với Thiên Chúa.

Tôi có nhạy cảm đối với người đói không? Tôi biết ơn Thiên Chúa ra sao?

Ăn uống quá độ cũng như không có gì để ăn đều đưa đến bệnh hoạn (William Shakespeare)

7. Hãy rao giảng và chữa lành

Tổng thống Woodrow Wilson có lần đã nói: “Không ai có thể yêu thương anh em với một bao tử lép.” Quan điểm ông đưa ra rất quan trọng: Chúng ta được tạo dựng gồm cả hồn lẫn xác. Chỉ nói đến linh hồn mà bỏ qua thể xác là quên đi thân phận thụ tạo của chúng ta. Nói khác đi, chúng ta không thể nói với người khác những chuyện thiên đàng mà không nói đến những chuyện trần thế. Đó là lý do khiến Chúa Giêsu nói với các môn đệ “hãy rao giảng và chữa lành” để cho thấy cả nhu cầu thiêng liêng lẫn nhu cầu thân xác của con người.

Điều gì trong tôi cần được chữa lành trước khi có thể nghe lời giảng dạy?

Sự nghèo đói có sức tàn phá lớn lao đối với mọi tài năng nó tác động. (J. W. Gardner)

8. Lên đường

Trong đại dịch Covid-19, lời mời gọi lên đường, dấn thân của Chúa hối thúc chúng ta hơn bao giờ hết. Bởi lúc này, bao người đau buồn khi người thân ra đi do dịch bệnh, lắm kẻ lâm trọng bệnh, bao người đang túng thiếu, căng thẳng, tuyệt vọng. Họ cần được cứu giúp, chữa lành vết thương thể xác cũng như tâm hồn, được thắp lên niềm hy vọng. Loan tin vui về hạnh phúc đời đời qua những nghĩa cử bác ái, chia sẻ, nâng đỡ, yêu thương trong mùa dịch này có thể phải đối mặt với đủ mọi khó khăn. Xác tín được Chúa Giê-su sai đi, thánh Phao-lô nhắn nhủ: “Hãy rao giảng Lời Thiên Chúa, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tm 4,2). Trong cơn đại dịch, đã có bao tu sĩ, giáo dân, linh mục sát cánh bên các bệnh nhân Covid, hay an ủi, chia sẻ, giúp đỡ các người túng thiếu. Một tu sĩ phục vụ tại bệnh viện dã chiến

 “Việc phục vụ càng gây nguy hiểm cho bản thân mình thì tình yêu càng được diễn tả cách mạnh mẽ.” Nhớ rằng: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” (Tv 126,5).

9. Bất lực mà quyền năng

Một buổi chiều năm 1865, Lincoln mặt vùi vào tay, nói với nội các, “Thưa các ngài, chẳng bao lâu nữa, sẽ có tin quan trọng! Đêm qua, tôi mơ thấy mình đơn độc trên một chiếc thuyền, không chèo, không lái… bất lực trong một đại dương vô tận!" Im lặng vần vũ! “Nhiều lần, tôi đã mơ như thế; mỗi lần, là một trận chiến lớn. Vâng, có lẽ ngày mai, hoặc vài giờ nữa!"

Năm giờ sau, ông bị ám sát. Vị tổng thống luôn cảm nhận bất lực và yếu hèn đó lại trở nên ‘một huyền thoại can trường’ nhờ niềm tin vào Chúa của mình!

Như người dân Hoa Kỳ đã nhìn thấy sự ‘bất lực và can trường’ nơi vị tổng thống huyền thoại của họ, trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta khám phá điều tương tự nơi các môn đệ của Chúa Giêsu. Ngài sai họ đi trong yếu hèn và mạnh mẽ, ‘bất lực mà quyền năng!’.

THỨ NĂM - CÂU HỎI VỀ CHÚA GIÊSU

Lời Chúa: Lc 9, 7-9

Khi ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết tất cả các việc Chúa Giêsu đã làm thì phân vân, vì có kẻ nói rằng: “Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại”; còn kẻ khác lại nói: “Ông Êlia đã hiện ra”; kẻ khác nữa nói rằng: “Một tiên tri thời xưa đã sống lại."

Nhưng Hêrôđê thì nói: “Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?” và vua tìm cách gặp Người.

TRUYỆN KỂ

1. Người Kitô hữu chân chính

Trong những dòng cuối cùng của Thông điệp "Hòa Bình Dưới Thế", Ðức Gioan XXIII đã định nghĩa một người Kitô hữu chân chính: Mỗi người Kitô hữu trong thế giới phải là một mảnh sao băng chiếu sáng, là tụ điểm của tình yêu, là men sống động giữa anh em mình.

Người Kitô hữu càng đóng trọn vai trò của mình, khi càng sống mật thiết với Chúa. Người Kitô hữu không sống cho mình, nhưng sống cho và vì người khác. Một mảnh sao băng chỉ chợt lóe lên rồi lịm tắt, nhưng cũng đủ thu hút con người về một góc trời nào đó; một chút men bé nhỏ trong khối bột, nhưng cũng đủ làm dậy cả khối bột.

Như thế đó, sự hiện diện của người Kitô hữu, có sức thu hút, tạo chú ý, quấy rầy lương tâm người khác, nếu cuộc sống ấy là một cam kết, một dấn thân trọn vẹn.

2. Gioan - Một người lạ lùng

Lạ lùng vì được thụ thai trong lòng một bà già đã quá tuổi sinh con.

Lạ lùng vì khi đang còn ở trong bụng mẹ, đã được sạch tội tổ tông.

Lạ lùng vì khi đang còn thanh niên đã lên núi, sống cuộc đời thinh lặng và khắc khổ.

Lạ lùng vì khi được dân chúng hoan hô khen ngợi như Đấng Cứu Thế, thì vẫn khiêm nhượng xưng mình chỉ là kẻ dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến.

Lạ lùng vì cái chết đầy anh dũng để bảo vệ Luật Chúa: Chết vì bị các kẻ dâm ô chặt đầu bỏ trên đĩa để cười đùa.

Đó là Gioan Tẩy giả…

3. Đức Kitô là ai

Thế gian hôm nay đang cần những chứng nhân. Chúng ta hãy là những chứng nhân cho một Thiên Chúa đang sống cho thế giới hôm nay.

Sau đây là một cuộc đối thoại độc đáo giữa một người tân tòng Công giáo và một người vô thần.

- Anh đã theo đạo Công giáo rồi sao?

- Vâng, nói đúng và rõ hơn, tôi đã xin theo Đức Kitô.

- Thế thì chắc anh biết rất nhiều về ông ta, vậy anh hãy nói cho tôi biết ông ta sinh ra trong quốc gia nào?

- Tôi rất tiếc là tôi đã có học những chi tiết này trong một khoá giáo lý, nhưng tôi lại quên mất.

- Thế khi chết, ông ta được bao nhiêu tuổi?

- Tôi không nhớ rõ lắm nên cũng không dám nói.

- Vậy anh có biết ông ta đã thuyết giảng bao nhiêu bài, có bao nhiêu tác phẩm ông ta để lại, nói chung, về cuộc đời sự nghiệp của ông ta?

- Tôi không nhớ hết được.

- Như vậy, anh biết quá ít, quá mơ hồ để có thể quả quyết là anh đã thực sự theo ông Kitô.

- Anh chỉ nói đúng một phần. Tôi rất hổ thẹn vì mình đã biết quá ít về Đức Kitô. Thế nhưng, điều mà tôi biết rất rõ là thế này: ba năm trước, tôi là một tên nghiện rượu, sáng say chiều xỉn, nợ lút đầu lút cổ. Gia đình tôi xuống dốc một cách kinh khủng. Mỗi tối khi trở về nhà, vợ và các con tôi đều tức giận và buồn tủi. Thế mà, bây giờ thì tôi đã dứt khoát bỏ rượu và đã cố gắng trả được hết nợ nần, gia đình tôi đã tìm lại được hạnh phúc, các con tôi ngong ngóng chờ đợi tôi về nhà mỗi tối sau giờ làm ca. Tất cả những điều này, không ai khác hơn, chính Đức Kitô đã làm cho tôi. Và đó là tất cả những gì tôi biết về Ngài.

4. Thắc mắc về Chúa

Năm 1904, Hàn lâm viện Hoàng gia Anh đã tổ chức một cuộc triển lãm tranh, trong đó có trưng bày một bức họa tựa đề: “Người bị khinh chê chối bỏ." Bức hoạ vẽ Chúa Giêsu đứng trước nhà thờ chính tóa Thánh Phaolô, trong một khu phố ở trung tâm thành phố Luân đôn. Đây là khu đông đúc dân cư nhưng không một ai để ý tới Ngài. Một người đàn ông vừa đi vừa đọc báo, suýt đâm thẳng vào Chúa. Một khoa học gia bận bịu với những ống nghiệm, không nhìn lên Chúa. Một chức sắc trong hàng giáo phẩm hiên ngang ngẩng đầu tiến bước, nhưng không thấy Chúa. Một nhà thần học đang hăng say thuyết giảng về Đức Kitô mà không nhìn thấy Ngài. Duy nhất chỉ có một nữ tu nhìn thấy Chúa, nhưng vẫn dửng dưng bước đi trên con đường của mình.

Ông William Barclay, một học giả Kinh Thánh nổi tiếng trong thành phố Luôn Đôn đã bình luận về bức họa như sau: “Hoàn cảnh này cũng thường xảy ra trong cuộc sống hôm nay. Nếu Đức Giêsu tái xuất hiện, có lẽ cũng chả ai chú ý tới Ngài. Người ta còn bận tâm về đủ thứ chuyện thực tế hơn là việc lưu tâm tới Chúa, chẳng ai thắc mắc “Đức Giêsu là ai?”

5. Thiên Chúa đã chết rồi

Một hôm thần dữ Satan triệu tập tất cả các sứ giả của mình lại để sai đến trần gian với sứ mạng duy nhất này là giải thích cho con người biết Thiên Chúa đã chết rồi.

Các sứ giả ra đi. Nhưng không bao lâu sau tất cả đều trở về. Thần dữ Satan ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao các ngươi thực hiện công tác nhanh như thế? Hay là có chuyện gì trục trặc?

Các sứ giả đồng thanh đáp:

- Thưa Ngài, chúng tôi không còn việc gì để làm nữa. Bởi vì tất cả những nơi chúng tôi đi qua trên trần gian, nơi nào con người cũng sống như thể Thiên Chúa đã chết rồi. Họ hận thù, chém giết nhau, gian tham, trộm cắp. Không có gì xấu mà con người không làm. Dù nhiều người vẫn còn xưng mình là kẻ tin Thiên Chúa, nhưng cách sống của họ không hề biểu lộ niềm tin này mà ngược lại chẳng khác gì Thiên Chúa đã chết rồi. Như vậy, chúng ta đâu cần tốn công thuyết phục con người nữa.

6. Thiên Chúa còn sống hay không?

“Trẻ con có những tính xấu. Khi người lớn vào phòng, chúng không còn đứng dậy chào nữa. Chúng cãi lại cha mẹ, bướng bỉnh với giáo viên.” Những đánh giá đáng buồn này về trẻ em được viết ra không phải chỉ trong thời đại chúng ta, mà là bởi triết gia Socrates cách đây 2.500 năm.

Đến mức độ nào tôi có khuynh hướng nhìn cuộc sống hay con người một cách bi quan, và đôi khi còn tự hỏi không biết Thiên Chúa có còn quan phòng hướng dẫn nữa không? Đây là dấu hiệu của điều gì?

Chúng ta đã không dám thở ra một lời cầu nguyện hay dám có một mục đích cho nỗi đau khổ của mình! Có một cái gì đó đã chết trong chúng ta, và cái đó chính là niềm Hy Vọng (Oscar Wilde).

7. Xa lạ với Chúa Giêsu

Một số người đề nghị nhạc sĩ dương cầm Fats Waller định nghĩa về nhạc Jazz. Fats nói: “Điều bạn hỏi tôi có nghĩa là tôi cũng không thể trả lời được.” Điều Fats nói về nhạc Jazz cũng đúng trong trường hợp Chúa Giêsu. Nếu có ai hỏi chúng ta Chúa Giêsu là ai, thì điều đó có nghĩa là chúng ta không thể trả lời cho họ được.

Trong số những câu hỏi mà người khác không thể cho chúng ta lời giải đáp, có câu hỏi: “Chúa Giêsu là ai?” Không ai có thể trả lời câu hỏi này, ngoại trừ Cha trên trời (Mt 16, 17). Tất cả những gì chúng ta có thể làm là mở rộng lòng để đón nhận.

Điều này gợi lên câu hỏi: Tôi có thể làm gì để giúp người khác mở rộng lòng đón nhận lời giải đáp của Cha trên trời cho câu hỏi: Chúa Giêsu là ai?

Hãy cầm tay tôi và cùng tôi tiến bước. Đừng đi trước tôi, nếu không, tôi không thể nào theo bạn được.

8. Gặp Chúa làm gì?

Một nhà giáo dục đã nhận xét xác đáng rằng, để hội nhập với thế giới không chỉ cần những mặt hàng tốt, mà còn cần những người Việt Nam mới: trung thực, liêm chính. Trung thực là vốn liếng quý hơn hết, bền vững hơn hết ngay cả trong lãnh vực “thương trường là chiến trường.” Huống hồ trong mối quan hệ với Thiên Chúa! Có hai con người biểu tượng cho hai hạng người đến với Chúa Giêsu: Hêrôđê và Na-tha-na-en. Hêrôđê hoảng hốt khi nghe tin về Chúa Giêsu và muốn đi gặp Chúa, không phải để được nghe giảng mà hồi tâm trở về với Chúa, nhưng để tìm hiểu và lập kế hoạch hại Chúa. Tâm hồn ông lún sâu trong bất an. Trái lại, Na-tha-na-en rất chân thành khi đến với Chúa. Kết quả là ông đã gặp được Chúa, một cuộc gặp gỡ chân tình, thâm sâu, thúc đẩy Na-tha-na-en tuyên xưng: “Chính Thầy là Con Thiên Chúa” và đưa dẫn ông vào sứ mạng truyền giáo.

Phải chăng vì bạn thiếu sự chân tình khi đến với Chúa nên lòng bạn cảm thấy khô khan mỗi khi gặp Ngài?

THỨ SÁU - ĐẤNG KITÔ CHỊU NHIỀU ĐAU KHỔ

Lời Chúa: Lc 9, 18-22

Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?”

Các ông thưa rằng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại.”

Người lại hỏi các ông rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”

Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”

Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại.”

TRUYỆN KỂ

1. Thầy Là Ðức Kitô

Trong số các trò chơi để trắc nghiệm mức hiểu biết của các em, có trò chơi đưa hình một danh nhân cho các em xem, sau đó yêu cầu các em nói thật vắn tắt và chính xác về nhân vật ấy. Em nào trả lời đúng sẽ được thưởng. Chúa Giêsu đã có lần áp dụng phương thức này với các môn đệ, chỉ khác ở chỗ nhân vật được đưa ra không ai xa lạ hơn là chính Ngài. Ðã có những câu trả lời được đưa ra, nhưng chỉ có câu trả lời của Phêrô là đúng, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.

Chúa Giêsu vốn là một vấn đề khó hiểu đối với nhiều người. Những giả thuyết về Ngài đều từ từ bị chứng minh là sai.

Phêrô đã nhìn thấy nơi Chúa Giêsu chính nhân vật mà muôn dân mong đợi. Ngài là Ðức Kitô, có nghĩa là Ðấng hội tụ mọi hy vọng và chờ mong của con người, là Ðấng quyết định vận mệnh của dân tộc và cá nhân, là Ðấng nắm giữ và đưa lịch sử đến hồi kết thúc.

2. Tuyên xưng niềm tin và cuộc sống

Vào một buổi học Giáo lý nọ, một cô Giáo lý viên hỏi em nhỏ: “Con có tin Đức Giêsu là Thiên Chúa không?” Em trả lời ngay: “Dạ, thưa không ạ!”

Quá ngỡ ngàng, cô Giáo lý viên hỏi tiếp: “Tại sao con không tin?” Em đó nói: “Nếu Đức Giêsu là Thiên Chúa, ắt Ngài làm được nhiều sự, Ngài sẽ làm cho bố con không nghiện rượu, mẹ con không cãi nhau với bố con và hàng xóm nữa”; “Nếu Ngài là Thiên Chúa, thì những người tin Ngài phải sống tốt!”

3. Hướng về thập giá Chúa Kitô

Cho đến năm 1896, vùng Cayenne ở Saint Ouen không bao giờ thấy bóng dáng chiếc áo dòng đen. Nhưng một ngày trong năm đó, một vị linh mục cả gan xâm nhập vào vùng ấy. Một người thấy vậy liền ném đá vào đầu vị linh mục. Vị linh mục cúi xuống nhặt lấy viên đá đầy máu đỏ.

- Xin cảm ơn ông, đây là viên đá đầu tiên của một đền thờ tôi muốn xây ở đây.

Và sự thật viên đá đó là viên đá đầu tiên của đền thờ Mân côi được xây ở đó.

Nước Chúa trên mặt đất này là Giáo hội, cũng bắt đầu trong nhỏ hèn, trong bạc đãi như vậy. Giáo hội vẫn phát triển trong âm thầm và đau khổ.

4. Vác thập giá của minh

Vào chiều thứ sáu Tuần thánh, cha sở kêu gọi giáo dân: khi quí vị đến nhà thờ đi chặng đàng Thánh giá để tưởng niệm sự chết và đau khổ của Chúa Giêsu, mỗi người nên làm một cây thập giá bằng bất cứ vật liệu nào tượng trưng cho sự đau khổ của mình trong cuộc sống đang phải chịu.

Sau chặng đàng Thánh giá yêu cầu quí vị mang lên bàn thờ cho tôi làm phép. Mọi người đều mang lên đủ loại thập giá. Ông trùm bước lên tay không, cùng với bà vợ. Khi cha sở hỏi, thập giá của ông đâu, ông chỉ ngay vào bà vợ và nói: “Thưa cha, đây là thập giá của con.” Cha sở cũng làm phép, nhưng sau đó liền bảo ông rằng: “Bây giờ ông hãy ôm lấy cây thập giá này và hôn lên cây thập giá của ông đi.”

5. Sức thuyết phục của thập giá

Vị khách đến uỷ lạo một thương binh trong bệnh viện:

- Anh thuộc giáo hội nào?

- Tôi thuộc giáo hội của Chúa Kitô.

- Cái gì thuyết phục anh vào giáo hội đó?

- Thuyết phục ư? Rồi nhìn lên tượng chịu nạn, anh tiếp: phải, tôi bị Ngài thuyết phục đến độ ngay cả sự sống sự chết, thần quyền, thế quyền... không gì có thể tách tôi ra khỏi lòng mến Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô.”

6. Tôi bảo Chúa là ai?

“Chúa Giêsu hỏi: Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Lc 9,20)

Hình như có ai đang hỏi, đang mời tôi suy nghĩ.

Giờ này, đối với tôi, Chúa Giêsu là ai? Giờ này, đối với tôi, Ngài có còn là Ngài không?

Hay chỉ là một chiếc bóng bên đường, một lần cất bước đi qua để lại thoáng nhớ mong manh, rồi chìm dần vào quên lãng.

Giờ này, đối với tôi, Chúa Giêsu là ai? Giờ này, đối với tôi, Ngài có còn là Ngài không?

Hay một lần Ngài đến giữa đêm khuya, rồi thầm cất bước ra đi, để lại thoáng chút dư âm, tàn dần với thời gian…

Ngài là ai? Là ai lúc tôi vui, lúc tôi buồn, lúc tôi ghen, lúc tôi hờn, lúc tôi yêu…?

Ngài là ai? là ai khi tôi thành công, lúc tôi thất vọng, khi lầm than, lúc thanh nhàn, và trong suốt cuộc đời…?

Giêsu ơi, khi quì đây và trong suốt cuộc đời, xin được gọi Ngài là Cứu Chúa của con. (Hosanna).

7. Có biết Chúa mới biết mình

Tại tu viện nổi tiếng nhất vùng Galaria, người ta chỉ mở cửa thu nhận một thỉnh sinh duy nhất và một lần trong năm mà thôi. Mỗi lần mở cửa thu nhận một thỉnh sinh, cha bề trên thường đích thân phỏng vấn ứng sinh. Năm nào ngài cũng chỉ hỏi một câu duy nhất, nhưng không ai biết đó là câu gì, bởi vì tất cả các ứng sinh rớt cuộc thi đều phải uống một viên thuốc có công dụng làm cho họ quên mất câu hỏi đã được đặt ra. Chính vì thế, thói quen chiêu sinh của tu viện đã trải qua nhiều năm mà chưa có ai có thể biết câu hỏi đó là gì.

Trong số những thanh niên chuẩn bị cuộc thi của tu viện, có anh Ramin tỏ ra quyết chí hơn cả. Để chuẩn bị bước vào cuộc thi sắp tới, anh đã dành ra một thời gian dài 5 năm để tôi luyện với nhiều bộ môn khác nhau, như lịch sử, địa lý, văn chương, triết lý, nghệ thuật, tâm lý, xã hội học…

Đến ngày thi, Ramin nhận được câu hỏi duy nhất từ cha Bề Trên: “Con hãy tự hỏi: tôi là ai?” Ramin lặp lại câu hỏi, nhưng không biết phải trả lời như thế nào cho đúng, liền rút lui không bao giờ trở lại tu viện nữa.

8. Xin cho con biết Chúa

Một tu sĩ nọ muốn hoạ lại chân dung của Đức Giêsu. Được phép của bề trên, ông đi rảo khắp nơi để tìm cho người mẫu thích hợp. Thế nhưng, càng tìm kiếm, ông càng khám phá ra rằng: không thể có một người nào trên trần gian này hoàn toàn giống Đức Giêsu. Từ đó, ông đi đến kết luận: Gương mặt của Đức Giêsu phải là tổng hợp của tất cả mọi nét đẹp của con người trên trần gian này! Do đó, thay vì chỉ chọn một người mẫu, ông đi thu nhặt tất cả nét đẹp trên mọi gương mặt mà ông bắt gặp.

Gặp các bạn trẻ đang nô đùa chạy nhảy, ông cố gắng rút ra được nét đơn sơ. Từ một em bé gái đang hát ca múa nhảy, ông tìm thấy nét vui tươi trong cuộc sống. Nơi một người đàn ông lực lưỡng đang gồng gánh nặng, ông nhận ra được sức mạnh của con người. Nhưng chân dung của Đức Giêsu không chỉ có những nét hùng nét đẹp, mà còn phải có cả những nét đau buồn nữa. Nghĩ như thế nên nhà họa sỹ mới đi gặp một cô gái điếm. Ông nhìn thấy nét u buồn trong đôi mắt của cô ta. Gặp một người hành khất, ông khám phá ra nét thành khẩn van xin trên gương mặt. Lắng nghe một tu sỹ đang rao giảng sự sám hối, ông nhận ra được sự nghiêm nghị. Và cuối cùng, trên gương mặt người mẹ đang đi chôn cất đứa con thân yêu, ông hiểu được thế nào là khổ đau.

Mỗi người một vẻ! Nhà họa sỹ cố gắng đưa chúng ta vào chân dung của Đức Giêsu, nhưng ông vẫn chưa hài lòng, vì dường như trên mặt Người vẫn còn thiếu một nét nào đó mà ông chưa thể thực hiện được. Ngày kia, đi vào khu rừng, ông bỗng gặp thấy một người che mặt bỏ chạy. Đuổi kịp theo con người che mặt ấy, ông khám phá ra đó là người mắc bệnh phong. Ánh sáng bỗng lóe lên trong đầu ông: Thì ra điều còn thiếu sót trên gương mặt của Đức Giêsu chính là “mầu nhiệm.” Với ý nghĩ ấy, ông cầm lấy cọ vẽ một tấm vải trắng che phủ gương mặt Đức Giêsu.

Khi tác phẩm đã được hoàn thành, tất cả những ai đã một lần cung cấp cho họa sỹ một nét riêng của mình đều hớn hở đến nhận diện chính mình trên gương mặt Đức Giêsu. Thế nhưng, họ chỉ thấy một tấm vải trắng che kín gương mặt.

Họa sĩ giải thích: “Mãi mãi Đức Giêsu vẫn là một mầu nhiệm!”

9. Chúa chăm sóc

Trước kia ở Mỹ không có xe hơi, người ta đi chuyển bằng xe ngựa. Những con đường toàn là dấu vết của bánh xe và chân ngựa. Henry Đavit Thoreau đã giữ hình ảnh này khi viết: “Tôi thấy một bông hoa cao hơn nửa thước giữa những dấu chân ngựa và những vết bánh xe. Chỉ cần chệch đi một vài phân qua trái hay qua phải là số phận của nó đã bị định đoạt. Nhưng nó vẫn sống tươi đẹp và không hề biết đến nguy hiểm nó phải chịu.” Thiên Chúa cũng chăm sóc và bảo vệ dân Israel khỏi mọi hiểm nguy.

Thiên Chúa chăm sóc tôi cách đặc biệt như thế nào?

[Thiên Chúa phán:] “Từ khi ngươi còn trong lòng mẹ, Ta đã phù trợ ngươi. Đừng sợ” (Is 44, 2).

10. Chúa cầu nguyện

Trong mỗi biến cố quan trọng của đời Chúa Giêsu, chúng ta điều thấy Ngài cầu nguyện. Chẳng hạn Ngài đã cầu nguyện khi chịu phép rửa (Lc 3,21); trước khi rao giảng và chữa lành (Mc 1,35); sau khi rao giảng và chữa lành (Lc 5,16); trước khi chọn các Tông đồ (Lc 6,12); trước khi hỏi các môn đệ: “Anh em bảo Thầy là ai?” (Lc 9,20); trước khi dạy các môn đệ cách thức cầu nguyện (Lc 11,6); trước khi lên Giêrusalem (Lc 9,29); trong Bữa Tiệc Ly (Ga 17,1-25); trên núi cây dầu (Lc 22,41); trên Thập giá (Lc 23,34).

Mẫu gương cầu nguyện của Chúa Giêsu, một thực tế của đời Ngài, mời gọi tôi tự hỏi: Đâu là những giây phút hiệu quả trong đời khi tôi cầu nguyện? Tôi đã đạt kết quả gì?

Nơi tòa phán xét, điều các tín hữu phải đối diện, đó là đã cầu nguyện quá ít. (Leonard Rayenhill).

THỨ BẢY - CHẤP NHẬN KHỔ ĐAU VỚI TÌNH YÊU

Lời Chúa: Lc 9, 43b-45

Đang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các môn đệ rằng: “Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời."

Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy.

TRUYỆN KỂ

1. Chấp nhận khổ đau

Trong một thánh lễ nọ, có một cụ bà đến bàn ghi ý lễ và nói: “Xin ơn chết lành!" Vị ghi ý lễ không chịu, vì đây là điều quái gở, nên tự ý ghi lại là: “Xin như ý." Biết được, bà cụ không đồng ý và yêu cầu ghi đúng nguyên văn. Ôi thật là người tràn đầy đức tin!

Cũng có một câu chuyện khác kể về hai người nọ đang gặp đau khổ và đến xin một vị ẩn sĩ tìm cách giúp cho mình vượt qua thực trạng của cuộc sống mà họ đang phải đối đầu.

Sau khi nghe họ giãi bày tâm sự, vị ẩn sĩ trả lời: “Tốt hơn các anh hãy tìm đến một vị khác, tôi không có đủ tư cách để trả lời câu hỏi đó, bởi vì cả đời tôi có bao giờ nhận điều xấu từ bàn tay Chúa đâu!" Nghe đến đây, hai người thanh niên chợt hiểu rằng khi con người vui vẻ đón nhận khổ đau, thì khổ đau không còn là vấn đề bi đát nữa.

Trong Tin Mừng hôm nay, khi loan báo cuộc khổ nạn của Ngài, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài hãy đối đầu với khổ đau, nếu khổ đau là thành phần thiết yếu của cuộc sống. Vấn đề không phải là chối bỏ hiện thực của khổ đau hay tìm cách tránh né khổ đau, mà là đối đầu với nó. Chúa Giêsu đã vạch ra cho chúng ta cách thế đối đầu với khổ đau, đó là chấp nhận khổ đau với tình yêu. Ðau khổ mà không có tình yêu thì chỉ là hỏa ngục mà thôi.

2. Tình yêu hiến mạng

Một tờ báo Ý đã tiết lộ một tin quan trọng về Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Tờ báo cho biết, khi Đức Giáo hoàng còn là sinh viên du học tại Rôma, một hôm đã cùng với các bạn đi thăm cha đáng kính Piô, vị linh mục được Chúa in năm dấu thánh.

Vừa gặp, cha Piô ôm chầm lấy ngài và nói rằng một ngày kia cha sẽ làm Giáo hoàng và sẽ chịu đau khổ, máu sẽ chảy. Wojtyla trả lời: “Điều ấy tôi không sợ vì tôi sẽ không bao giờ làm Giáo hoàng."

 Nhưng thánh ý Chúa nhiệm mầu! Wojtyla đã làm Giáo hoàng và máu đã chảy trong cuộc mưu sát ngày 13/10/1981 tại công trường thánh Phêrô. Gioan Phaolô là vị Giáo hoàng thứ 264, từ ngày vị Giáo hoàng tiên khởi là thánh Phêrô được Chúa trao quyền tối thượng.

3. Biến đau khổ thành niềm vui

Một phụ nữ được các bác sĩ cho biết là chị đang mắc cơn bệnh bất trị. Chị cảm thấy như có một ngọn lửa bừng lên trong lòng và muốn nói với Chúa rằng chị muốn bỏ Ngài. Thế là giữa đêm khuya, chị bỏ nhà thương, đi thẳng đến nhà nguyện để gặp Chúa, trước cung thánh chị thốt lên:

- Ôi, ông Chúa, ông đã phỉnh phờ lừa dối tôi. Đã hơn 2000 năm qua, ông tự nhận mình là tình yêu, nhưng mỗi lần có ai được hạnh phúc một chút, là ông lập tức lại cho họ trắng tay. Tôi muốn nói cho ông biết là tôi chán ông lắm rồi, giữa tôi và ông không còn mối liên hệ gì nữa.

Người phụ nữ chỉ nói được thế rồi ngã quỵ, không còn đủ sức đứng dậy nữa. Nhưng trong ánh sáng mờ ảo của cung thánh, chị bỗng nhận ra một hàng chữ thêu trong tấm thảm trước mắt chị: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội."

Vừa nhìn thấy thế, cơn giận trong chị bỗng tan biến. Chị gục đầu vào đôi tay. Từ trong thinh lặng u tối của nhà nguyện, và từ trong sâu thẳm của cõi lòng, người phụ nữ ấy như nghe thấy có tiếng nói với chị như sau:

- Con biết không, tất cả chỉ là lời mời gọi để hướng đời con về với Ta. Con chưa bao giờ làm như thế. Các bác sĩ đã làm hết sức mình để chữa trị cho con, nhưng chỉ một mình Ta mới có thể cho con được sức mạnh.

4. Sức hút của người chịu đóng đinh

Người ta kể rằng, Indira đến gặp vị đạo sĩ Makia và thưa:

- Xin ngài hãy chỉ cho tôi một vị Thần để tôi tôn thờ và một tôn giáo để tôi sống theo.

Đạo sĩ liền đưa Indira đến một tòa nhà rộng lớn, nơi đó mỗi vị thần được dành cho một căn phòng rộng. Vị đầu tiên là thần Bada được đạo sĩ Makia giới thiệu như sau:

- Đây là vị thần đã hứa sẽ cất hết mọi đau khổ khỏi thế giới con người.

Nhưng Indira lắc đầu xin được sang căn phòng khác.

Đến vị thần thứ hai, đạo sĩ Makia giới thiệu:

- Đây là vị thần có bí quyết giúp con người tránh được đau khổ.

Nhưng Indira khẽ ra hiệu cho đạo sĩ cùng đi nơi khác.

Cuối cùng, hai người đến trước một người đang bị treo trên Thập Giá, Indira tò mò hỏi:

- Vị thần này là ai mà bị treo trên Thập Tự như thế này?

Đạo sĩ chậm rãi trả lời:

- Đây là Chúa Giêsu Kitô của những người Công Giáo.

Với một chút xúc động lộ ra trên nét mặt, Indira xin đạo sĩ giải thích thêm về những gì cần phải làm để được trở thánh đồ đệ của vị bị treo trên Thập Giá. Đạo sĩ Makia ngạc nhiên hỏi lại:

- Này anh, anh làm tôi thắc mắc. Hai vị thần đã gặp lúc đầu, một đề nghị cất bớt sự đau khổ, một đề nghị tránh khỏi đau khổ, anh không thích người nào cả, thế nhưng tại sao anh lại thích và muốn làm đồ đệ của vị chịu treo nhục nhã trên Thập Giá này?

Đến phiên Indira giải thích cho vị đạo sĩ Makia:

- Hứa làm bớt sự đau khổ trên trần gian này là lời nói suông. Người ta không thể nào cất đi mọi đau khổ trên trần gian này. Dạy con người tránh sự đau khổ là dạy con người sống khiếp nhược. Tránh né được đau khổ này thì đau khổ khác sẽ đến. Nhìn vào vị Chúa của người Kitô, dám chấp nhận sự đau khổ như vậy, con người sẽ được mời gọi để hiểu ý nghĩa của sự đau khổ và chấp nhận nó, và một khi hiểu và chấp nhận mầu nhiệm đau khổ thì niềm vui và an bình có thể trổ sinh cả trên thế giới không mấy tốt đẹp này. Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy bị thu hút bởi Đấng bị treo trên thập tự kia và muốn làm đồ đệ của Ngài.”

5. Phúc họa khó lường

Phúc hay họa trong đời tới ngày cánh chung ta mới rõ. Ông vua kia có nhiều quân sư giúp ý kiến. Trong số đó có một ông luôn cho ý kiến hay. Lần kia vua bị chó cắn vào đầu ngón tay cái, vua hỏi vị quân sư có uy tín:

- Ta bị chó cắn thế này thì phúc hay họa.

- Thưa phúc hay họa khó mà nói được.

Thế rồi vết thương càng ngày càng lở loét, cuối cùng ngón tay cắt đi mới xong. Vua lại hỏi quân sư:

- Bây giờ ta lại mất một ngón tay thì phúc hay họa.

- Thưa phúc hay họa khó mà nói được.

Vua giận điên lên tống quân sư ấy vào ngục.

Ngày kia vua đi săn tiến sâu vào rừng đuổi bắn con nai cho bằng được, ai dè vua tiến cả vào khu vực của thổ dân, nên vua bị bắt để tế thần. Nhưng khi họ khám phá ra người đàn ông này không đầy đủ chi thể không thể tế thần được, thế là vua được tha về!

Về tới cung điện, vua hối hận vì tống ngục vị quân sư từng giúp vua nhiều việc, vua đến xin lỗi và phục hồi chức cho ông. Quân sư ấy nói:

- Xin vua đừng hối hận, thật là may cho thần, nếu thần không bị vua tống ngục, thì hôm ngài đi săn, thần cũng đi theo, chắc chắn là thần bị thổ dân bắt đem tế thần rồi, vì cơ thể của thần vẹn toàn.

Như thế vua và quân sư đó từ họa đến may chỉ là chuyện ngẫu nhiên không ai biết trước. Còn ta theo Chúa Giêsu mà phải khổ vì Tin Mừng, thì cứ vững tin họa sẽ thành phúc. Bởi Chúa Giêsu đã nói: “Thầy phải chịu đau khổ rồi mới vào vinh quang” (Lc 24,26). Đó là con đường khôn ngoan của Thiên Chúa toàn năng đã ấn định, không ai thay đổi được.

6. Thành công của ngày Thứ Sáu tuần thánh

Vào lúc 11 giờ trưa ngày 15 tháng 8 năm 1976, Đức Tổng Giám mục Phanxico Nguyễn Văn Thuận vào sống ẩn trong Chủng Viện Thánh Giuse Saigon để lánh mặt chính quyền cộng sản đang làm áp lực đòi ngài phải từ chức Phó Tổng Giám mục Saigon với quyền kế vị. Lúc ấy, một số thầy Đại Chủng sinh ngồi quanh ngài để hàn huyên. Tôi không thể quên ngài nói với chúng tôi: “Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, dưới mắt người đời là ngày thất bại nhất của Đức Giêsu,ngày người ta kết án Ngài là điên rồ. Nhưng chính Ngày đó Ngài chứng tỏ mình là Đấng Khôn Ngoan, và Ngày đó mới chính là Ngày thành công nhất trong suốt cuộc đời của Đức Giêsu trên dương thế." Mười lăm phút sau, công an ập đến điệu ngài ra dinh Thống Nhất, bắt đầu chuỗi ngày dài trong lao tù đầy gian khổ!

Vậy tất cả những ai can đảm kiên trì theo Đức Giêsu đến tận đồi Sọ, thì sau bao nhiêu gian khổ mới cảm nghiệm được giá trị lời kinh vẫn đọc: “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn” (Tv 90/89,1: ĐC năm chẵn).

7. Thái độ trước đau khổ

Thi hào Nguyễn Du khi nhận định về số phận nghiệt ngã của nhân vật Thuý Kiều trong tác phẩm của mình đã kết luận: cô như bị “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” nên cứ “tìm những lối đoạn trường mà đi."

Trên đời này chẳng ai chọn mang cái khổ vào thân. Nhưng “đời vốn là bể khổ,” con người “chạy trời không khỏi nắng” nên phải cam chịu mang lấy “kiếp nạn” ấy mà thôi. Vì thế cũng dễ hiểu tại sao các môn đệ Chúa Giê-su không hiểu lời Ngài nói: “Con Người sắp bị nộp." Chúa tự nguyện vác khổ giá vì vâng phục ý Chúa Cha; Ngài đã biến khổ giá thành phương thế cứu độ nhân loại. Ngài cho các môn đệ biết chương trình hành động của Ngài để mời gọi họ cũng bước theo Ngài dám đón nhận thập giá để cộng tác vào công trình cứu độ.

Chúa nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Bạn cũng được mời gọi đi theo con đường thập giá với Ngài. Những “kiếp nạn” trong cuộc đời bạn có thể được “hoá giải” trở thành ân phúc cho bạn và mọi người khi bạn “vác” lấy chúng bằng tâm tình kết hợp với Chúa Giê-su.

Bạn phản ứng thế nào trước đau khổ của bạn (nhẫn nại, bất nhẫn…) và của tha nhân (cảm thông, vô cảm…)?

Trước những đau khổ của bản thân, tôi giữ thái độ bình an, vui tươi; trước đau khổ của tha nhân, tôi cảm thông và sẵn sàng chia sẻ.

8. Phải tin khi không hiểu nổi thế sự

Có một câu nói nổi tiếng: “Hãy làm cho thế giới dừng lại! Tôi muốn thoát khỏi nó.” Đôi khi chúng ta cũng cảm thấy điều đó và muốn thốt lên: “Thế giới đảo điên lộn xộn quá, làm sao phục hồi nó về với trật tự Thiên Chúa đã dự định?” Nhiều người Do thái cũng cảm nhận tương tự sau sự tàn phá của Giêrusalem, sau những năm lưu đầy ở Babylon, và sau những năm tái thiết thành thánh và Đền thờ.

Khi tôi cảm thấy hoang mang bởi thế giới điên đảo lộn xộn này, tôi có thực hiện một hành động đức tin vì lời Thiên Chúa hứa như trong bài đọc hôm nay không? Tôi có tin rằng cho dù thế nào đi nữa, Thiên Chúa vẫn luôn hoạt động trong thế giới không?

Đấng Tạo Hóa đang chuẩn bị xây dựng một thế giới hòa bình, nơi không cần quân đội và chiến hạm nữa theo chương trình của Ngài. (Tướng Ulysees S. Grant)

9. Sống theo ý Chúa hay theo thế gian

Trong cuốn “Hoài Cổ”, Jack Finegan trích lời cầu nguyện của người Ai Cập cách đây 4.000 năm “Lời cầu nguyện của Ani.” Lời cầu nguyện này được nói với những người phải quyết định số phận của Ani sau khi chết. Lời cầu nguyện như sau: “Tôi không ăn cắp. Tôi không giả hình. Tôi không nói dối. Tôi cho người nghèo ăn, cho người khác uống, cho kẻ trần truồng quần áo che thân. Chẳng có gì đáng phàn nàn cả.” Lời cầu nguyện trên là một nhắc nhớ rằng tất cả chúng ta sẽ bị xét xử sau khi chết.

Nếu tôi bị xét xử từng điểm theo “Lời cầu nguyện của Ani”, tôi sẽ ở trong tình trạng nào?

Cuối cùng, việc chúng ta chiến đấu bằng gì không quan trọng cho bằng chúng ta chiến đấu chống lại điều gì. (Gibert Keith Chesterton).

10. Sự sống đòi phải có đau khổ

Những chuyên viên làm vườn nói với chúng ta rằng có một số hạt giống và mầm chồi cần phải chịu băng giá trước khi có thể đâm chồi nảy lộc. Chẳng hạn, Joseph W. K. Sloane nói: “Đem một nhánh cây liên kiều vào nhà vào mùa thu, chồi sẽ không bao giờ nảy lộc. Đem chúng vào nhà khoảng tháng giêng hay tháng hai, sau khi mầm chồi đã chịu lạnh giá, nó sẽ nảy lộc.” Những người không chuyên nghiệp cho đó là chuyện khó tin, cũng như các môn đệ đã khó tin khi Chúa Giêsu nói về nỗi đau khổ và cái chết của Ngài. Thế nhưng, mầu nhiệm lớn lao của đức tin vẫn là không có đau khổ và không phải chết, sẽ chẳng có sự sống lại của Chúa Giêsu và của chúng ta.

Tôi có nhớ đã bao giờ đau khổ và “cái chết” cho bản thân lại là phương cứu rỗi đối với tôi không?

Chúa Kitô đã biến cánh cửa đen tối của sự chết thành cửa sáng ngời dẫn vào sự sống.

Lời Chúa Tuần 25 Thường Niên
Thường niên V - GS C - PS Ngoại lịch