Lời Chúa Lễ Chúa Ba Ngôi _ câu truyện minh họa

 

LỄ CHÚA BA NGÔI (năm A)

LỄ CHÚA BA NGÔI (năm B) - Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần

LỄ CHÚA BA NGÔI (năm C)

 

LỄ CHÚA BA NGÔI (năm A)

Lời Chúa

TRUYỆN KỂ

1. truyện

LỄ CHÚA BA NGÔI (năm B) - Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần

Lời Chúa: Mt 28, 16-20

Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi.

Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: "Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy.

Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.”

TRUYỆN KỂ

1. Thiên Chúa Tình Yêu - TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Một bạn trẻ hỏi tôi: "Thưa Cha, tại sao đạo Phật khi xây chùa thì chọn những nơi rừng núi tham u, xa hẳn thị thành, còn đạo Công Giáo khi xây nhà thờ lại chọn những nơi dân cư đông đúc, phồn hoa đô hội?"

Tôi trả lời: "Bạn quả là có con mắt nhận xét. Việc xây cất chùa chiền, nhà thờ như vậy, thực ra, phát xuat từ quan niệm nền tảng của đạo. Đạo Phật là đạo xuất thế. Đức Phật vì thấy những cảnh khổ ở đời trong sinh, lão, bệnh, tử nên đã tìm môt con đường mong giải thoát chính mình và nhân loại khỏi cảnh khổ não ở đời. Vì thế Ngài đã từ giã cung đình, rũ sạch bụi trần, xa lánh phồn hoa.

Trái lại đạo Công Giáo là đạo nhập thế. Thiên Chúa thấy con người trầm luân khổ ải nên chạnh lòng thương, đã sai Con Một là Chúa Giêsu xuống trần để cứu độ chúng sinh. Chúa Giêsu xuống trần không chỉ là nhập thế, mà còn hoá thân một người nghèo sống giữa người nghèo, người tội lỗi để đưa mọi người về với Chúa, đó là nhập thể. Có thể nói đạo Công Giáo diễn tả việc Thiên Chúa đi tìm con người.

Thiên Chúa đi tìm con người vì Thiên Chúa yêu thương con người. Không yêu thương thì chẳng việc gì phải đi tìm. Đi tìm tức là có quan tâm. Xa vắng thì nhớ. Thấy khổ vì thương. Vì thương, vì yêu nên phai cất bước đi tìm.

2. Tìm chìa khóa

Có chuyện kể về một guru đánh mất chìa khóa vào nhà và quanh quẩn đi tìm chìa khóa ở bãi cỏ trước nhà. Đám học trò thấy thế bèn hỏi, "Thưa thầy, thầy tìm gì vậy?" "Thầy mất chìa khóa vào nhà rồi.” "Để chúng con tìm giúp.” Thế là ai nấy hăng hái bới từng gốc cây, lật từng ngọn cỏ để tìm. Tìm mãi không thấy, một học trò sốt ruột hỏi: "Thầy có nhớ loáng thoáng là đánh rơi ơ đâu không?" "Có chứ, thầy nhớ rõ là mình để quên ở trong phòng rồi sập cửa lại.”

Đám học trò la lên: "Trời ơi, sao bây giờ mới nói, mất chìa khóa trong nhà mà lại tìm ở ngoài này, làm sao thấy được!" Ông thầy có dịp cho học trò một bài học để đời: chúng ta đánh mất chìa khóa của ngôi nhà hạnh phúc. Chìa khóa ấy ở trong tâm hồn nhưng chúng ta lại mải tìm ở ngoài. Tìm đủ thứ, chiếm hữu đủ thứ, hưởng thụ đủ thứ... mà hạnh phúc vẫn biệt tăm. Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc, ở thâm sâu lòng người, nhưng chúng ta mải tìm ở thế giới bên ngoài.

Đúng là "Chúa ở trong con sâu hơn chính con" và "Con đi tìm Chúa bên ngoài mà quên mất rằng Chúa ở trong con.” Khong chỉ là cảm nghiệm của các nhà thần bí mà còn là trải nghiệm của mỗi người nếu chân thành nhìn lại chính mình.

3. Cứ nếm thử mà xem.

Sau khi chấm dứt buổi diễn thuyết chống lại Chúa và các công trình của Ngài, diễn giả mời cử toạ lên diễn đàn, để đặt câu hỏi.

Một người bước lên. Anh này là một người nghiện rượu, vừa mới được cải hóa. Đứng trước thính giả, anh ta lấy từ trong túi ra một trái cam và chậm rải lột vỏ. Chờ mãi, ông diễn giả bực mình bảo anh ta hãy đặt câu hỏi đi. Nhưng, anh ta cứ từ từ làm tiếp cái công việc lột vỏ cam, và không trả lời. Lột vỏ xong, anh ta từ từ ăn cam. Ăn xong, anh ta mới quay về phía diễn giả va øhỏi:

- Ông thấy trái cam có ngọt không?

Diễn giả gầm lên:

- Đồ khùng! Làm sao tôi biết được là ngọt hay chua, vì tôi có nếm đâu?

Lúc ấy, anh chàng thính giả mới nói:

- Thế thì làm sao ông có niềm tin vào Chúa, nếu ông không bao giờ nếm thử Ngài.

4. Những hình ảnh về Chúa Ba Ngôi

Nhằm giúp các tín hữu hiểu biết một phần nào về Chúa Ba Ngôi, các nhà thần học đã dùng những hình ảnh để diễn tả, dĩ nhiên những hình ảnh này chỉ diễn tả được một phần nào về Chúa Ba Ngôi, còn mầu nhiệm thì vẫn còn là mầu nhiệm, không thể hiểu được.

Thánh Patrick dùng hình ảnh lá cây “Tam diệp thảo”, tuy chỉ có một lá nhưng do ba lá nhỏ dính vào nhau.

Thánh Ignace de Loyola thường dùng hình ảnh ba nốt nhạc trong một hợp âm. Tuy ba nốt nhạc khác nhau nhưng cùng làm nên một hợp âm nghe du dương.

Hoặc chúng ta có thể dùng hình ảnh nước để diễn tả: nước có thể ở thể hơi, thể lỏng và thể đặc. Tuy chỉ là nước mà có thể ở được những dạng khác nhau.

Hình tam giác đều tuy chỉ là một hình, nhưng có ba góc, ba cạnh đều nhau.

Thời gian có thể lá quá khứ, hiện tại và tương lai.

Và còn rất nhiều hình ảnh khác mà chúng ta không cần kể ra hết.

4. Chúa Ba Ngôi trong đời ta

Năm 500, vua Clovis và rất nhiều binh sĩ xin được rửa tội qua bàn tay của thánh Rémi tại thành Reims. Trước khi ban phép Rửa tội, thánh nhân tuyên bố với nhà vua của bộ lạc Franc:”Từ đây ông sẽ thờ Đấng mà ông đốt và đốt những cái mà ông thờ.” Và nước phép rửa tội đã chảy trên trán của Clovis và ba ngàn binh sĩ, nhờ công ơn và lời cầu nguyện của bà thành Clotilde, hoàng hậu.

Ông vua kia nuôi một con chim hót rất hay, ông vua yêu nó lắm, mua những thức ăn nó thích nhất, sắm cái lồng vàng. Một ngày kia nghe nó hót líu lô, ông vua say mê, và vì yêu nó quá, nên nghĩ rằng: thôi, ta nhận nó làm con, để ăn gia tài của ta. Ông vua nghĩ thế, người ta cho là yêu đến phát điên. Thực ra, Chúa đã yêu ta đến thế: Thiên Chúa mà nhận con người làm con! Thật là hạnh phúc quá

5. Ba Ngôi hành động nơi ta.

Một cuộc thảo luận của nhóm thanh niên diễn ra rất sôi nổi về đề tài Chúa Ba Ngôi mà chúng ta mừng lễ hôm nay. Họ đã xem lại giáo huấn căn bản: Trong Thiên Chúa Ba Ngôi, có Ba Ngôi vị, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Rồi họ bàn bạc thêm về vấn nạn Ba Ngôi cùng hành động thế nào, nhưng vấn đề sâu xa, vượt quá hiểu biết của họ, và mấy người hướng về Cha sở đang ngồi ở phía ngoài:

- Thưa cha, cha có thể soi sáng cho chúng con về vấn đề này?

Cha sở đáp:

- Có lẽ tôi có thể đưa ra chút ánh sáng cho vấn đề. Rồi ngài quay sang một tham dự viên và hỏi:

- Bill, bạn có biết chơi Guitar không?

Bill nhìn nhận:

- Con chơi được lắm.

Và cha sở tiếp:

- Cây đàn guitar gây ra tiếng nhạc thế nào? Có ba sự việc liên đới với nhau. Nghệ thuật âm nhạc hay là tâm trí bảo ta điều phải làm, bàn tay thì gảy – dây tạo ra tiếng đàn. Tâm trí không tạo ra tiếng đàn, bàn tay không tạo ra tiếng đàn, nhưng cả hai việc cùng với dây tạo ra tiếng đàn. Cả ba việc cùng làm, dầu rằng việc riêng biệt của dây là tạo ra tiếng đàn. Thiên Chúa Ba Ngôi hành động giống như thế!

Cả nhóm đồng ý rằng: hình ảnh mà cha sở trình bầy đã giúp họ hiểu hơn.

6. Phòng ngủ ba cửa sổ.

Thánh Barbara sống vào thế kỷ thứ 3, thời kỳ mà theo đạo tức là ngầm hiểu là bằng lòng tử đạo. Mặc dù thế, bà thánh này đã giữ vững đức tin, để nhiều giờ ăn chay cầu nguyện. Cha của bà tên là Dioscorus, là một người ngoại đạo. Trước khi đi chu du, ông phác họa một đồ án để xây căn nhà mới. Trong phòng Barbara, theo đồ án thì có hai cửa sổ, nhưng vì Barbara có lòng tôn sùng Chúa Ba Ngôi cả trong việc xây nhà, bà nghĩ vì Chúa Ba Ngôi nên tốt hơn phòng bà có ba cửa sổ.

Khi chu du trở về, cha bà thấy có sự thay đổi trong việc xây cất không đúng như đồ án của ông, ông đoán có lý do gì đây. Thánh Barbara thú nhận rằng bà đã theo đạo từ lâu. Cha bà bực tức. Ông không muốn cho vua ngoại đạo làm lôi thôi, nên ông đã đem con đi xử. Bà bị kết án chém đầu. Để tự cứu mạng mình và để chứng tỏ cho vua thấy mình trung thành với nhà vua thế nào, chính ông Dioscorus mang bản án đi. Thiên Chúa thịnh nộ vì hành động bất nhân ấy đã cho sét đánh chết Dioscorus tức thì.

Ngày nay, trên những bức ảnh thánh Barbara, chúng ta còn thấy bà cầm cành lá thắng trận tử đạo và ba cửa sổ ở phía sau bà, có ánh sáng mặt trời chiếu qua chói lọi.

7. Tin tưởng vào Chúa

Lời cầu nguyện dưới đây ghi trên một mảnh giấy được tìm thấy trong thi thể một người lính trẻ tử trận trong thế chiến thứ I:

"Chúa ơi, trước đây con chưa bao giờ thưa chuyện với Ngài, nhưng bây giờ con xin chào Ngài. Họ từng nói với con rằng Ngài không hiện hữu, và như một thằng điên, con đã tin họ. Nhưng đêm hôm qua, con đã nhìn lên trời từ một lỗ nhỏ trong hầm trú. Con đã thấy vẻ đẹp của những vì sao và con nghĩ rằng vũ trụ bao la biết chừng nào. Khi đó con biết rằng họ đã nói dối. Con không biết Ngài sẽ bắt tay con không khi Ngài và con gặp nhau. Dù sao, con cảm nghĩ rằng Ngài sẽ hiểu cho tất cả những sa ngã của con. Thật lạ lùng sao con phải đến nơi khủng khiếp này mới có thể biết được Ngài. Trước đây con đã làm gì? Con chẳng biết nói gì hơn, nhưng con đoan chắc rằng con rất hạnh phúc khi hôm nay được biết Ngài. Con cảm thấy giờ zero sắp đến. Sắp có một trận đánh khủng khiếp. Biết đâu ngay đêm nay con có thể đến nhà Ngài. Con đang khóc! Lạ quá con đang khóc, vì trước đây chưa bao giờ con khóc như thế. Bây giờ con phải đi. Nhưng vì con đi để gặp Ngài nên con không sợ chết nữa."

Tiếc là người lính trẻ này biết Chúa quá muộn. Nhưng muộn còn hơn không. Khi chúng ta tự cho phép mình tách lìa khỏi Chúa thì chúng ta phải chịu nhiều mất mát to lớn. Mà việc chúng ta tách lìa khỏi Thiên Chúa không phải là do lỗi của Ngài. Bài đọc I hôm nay cho thấy Thiên Chúa đã chủ động đến với con người để được gần gũi với con người như thế nào. Còn bài đọc II thì cho thấy mối liên hệ giữa Thiên Chúa với con người thân thiết đến mức nào. Chúng ta không chỉ là thành viên của dân Chúa mà còn là con cái Ngài. Nếu chúng ta liên kết với Ngài thì chúng ta trở nên những kẻ đồng thừa tự với Chúa Con trong Nước Trời.

8. Tình yêu hiệp nhất

Trong cuộc đời của nghị viên Rémaud có một giai thoại lý thú sau đây: Lần đầu tiên từ Pyrénées đến Paris với tư cách là nghị viên, ông Rémaud thuê phòng trong một khách sạn và trả tiền trước một tháng: 150 quan Pháp. Chủ khách sạn hỏi:

- Ông có cần biên nhận không?

- Không, không cần thiết. Thiên Chúa nhìn thấy hết chúng ta.

- Ngài tin vào Thiên Chúa ư?

- Lẽ dĩ nhiên! Ông cũng thế chứ?

- Tôi thì không, thưa ngài.

- A! Vậy xin ông cho tôi ngay một tờ biên nhận!

9. Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi

Kirchner, một nhà thiên văn nổi tiếng, có một bạn học là người vô thần. Một hôm, ông bạn này tới thăm nhà thiên văn và rất thích thú ngắm nghía mô hình thái dương hệ đặt trên bàn giấy. Mỗi khi dùng cần quay, thì cả thái dương hệ di chuyển theo đúng vị trí của mỗi hành tinh. Ông bạn vô thần hỏi:

- Hay thiệt, ai làm mô hình này vậy?

- Chẳng ai làm cả, nhà thiên văn trả lời.

- Thật đó, nói đi, tôi thật muốn biết, nhà vô thần nói tiếp.

- Thì tôi vừa nói với anh là không ai làm cả. Nó tự mình mà có, nhà thiên văn đáp.

Ông bạn vô thần lúc này cảm thấy hơi nóng mặt, nên nói gằn từng tiếng: “Thì ra anh chơi tôi đấy phải không?” Nhà thiên văn đáp: “Xin lỗi anh, nhưng tôi chỉ muốn cho anh thấy cái vô lý của anh. Trong khi anh không tin cái mô hình đó tự nó mà có, anh lại cho rằng mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, và cả vũ trụ hiện hữu mà không có Đấng Tạo Dựng!”

Người bạn vô thần lặng lẽ từ giã ra về, lòng suy nghĩ miên man, rồi cuối cùng đã xin trở lại gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

10. Miêu tả Chúa Ba Ngôi cho thiếu nhi

Cha đọc trong thư của Thánh Gioan cha thấy Ngài viết một câu rất hay. Ngài nói: Thiên Chúa là Tình thương. Tình thương của Thiên Chúa luôn được việc làm minh chứng. Bởi thế người ta mới nói:

1. Thiên Chúa Cha là Tình thương tạo dựng.

Tạo dựng là làm sao chúng con? - Là làm nên mọi sự ở trần gian này.

Cha kể cho chúng con câu chuyện: Một ông thông thái người Pháp nọ băng qua sa mạc. Ông dẫn theo vài người Arập làm người dẫn đường. Khi mặt trời lặn, một người trong bọn họ trải một tấm thảm xuống đất và cầu nguyện.

- Ngươi làm gì thế?- Ông thông thái hỏi:

- Tôi cầu nguyện.

- Ngươi cầu nguyện ư? Ngươi cầu nguyện cùng ai?

- Thiên Chúa.

Ông thông thái mỉm cười.

- Ngươi đã bao giờ thấy Thiên Chúa chưa?

- Chưa!

- Vậy thì ngươi là một kẻ điên nếu tin vào một Thiên Chúa mà ngươi không bao giờ thấy, không bao giờ nghe và không bao giờ đụng chạm đến.

Người Árập không trả lời gì. Sáng sớm hôm sau, trước khi mặt trời mọc, nhà thông thái ra khỏi lều, đã nói lên nhận xét này với người dẫn đường cho ông:

- Đã có một con lạc đà đi qua đây!

Một tia sáng lóe lên trong mắt người Arập.

- Ngài thấy con lạc đà chứ?

- Không.

- Ngài không đụng đến nó chứ?

- Không.

- Vậy thì ngài điên khi tin là có một con lạc đà mà ngài không nghe, không thấy, không ngửi qua chỗ này.

- Ồ! - Ông thông thái đáp trả – nhưng người ta thấy rõ các dấu chân của nó trên cát.

Vào chính ngay lúc ấy, mặt trời mọc lên ở chân trời với tất cả các màu sắc rực rỡ của phương đông. Bằng một cử chỉ gọn gàng, người Árập đưa tay chỉ vào tinh thể rực sáng, rồi nói:

- Ngài có thấy dấu vết của Đấng Tạo Hóa không? Vậy sao ngài không biết rằng có một Thiên Chúa.

Chúng ta hãy nghe lại một trong những lời thánh vịnh đẹp nhất:

"Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa

Không trung kể lại những việc tay Người làm."

2. Chúa Con: Tình Thương Cứu Chuộc.

Sự cứu chuộc thật là kỳ diệu ngoài sức tưởng tưởng của loài người.

Trong một nhà thờ ở Tây Ban Nha, người ta tôn kính một cây Thánh Giá cổ xưa mà cánh tay phải của Chúa đã tách rời khỏi đinh. Cây Thánh giá này có lịch sử như sau:

Ngày nọ, một tội nhân thuộc loại “gạo cội.” Gạo cội là làm sao chúng con? Nghĩa là tội ghê gớm lắm. Ông ta đến xưng thú tội mình dưới cây Thánh giá này với tất cả dấu hiệu của một sự thống hối chân thật. Cha giải tội do dự ban phép tha tội cho ông ta vì các tội của ông ta nhiều và nặng. Tội nhân cầu xin sự tha thứ.

- Tôi ban phép giải tội cho ông ,- Vị linh mục nói- tuy nhiên ông không được tái phạm nữa nhé!

- Tội nhân xin hứa và giữ một được một thời gian. Nhưng rồi, yếu đuối và sã ngã lại . Lòng thống hối thúc đẩy ông đến toà giải tội . Vị linh mục bão ông:

- Lần này thì tôi không ban phép giải tội cho ông đâu!

- Con thống hối, tội nhân đáp lời vị linh mục, con rất chân thành khi đoan hứa với cha, nhưng con yếu đuối! Xin hãy tha thứ cho con!

Cha giải tôi tha thứ và nói thêm:

- Đây là lần cuối cùng đó nhé!

- Một thời gian khá lâu sau, một phần theo thói quen, một phần vì yếu đuối, ông lại rơi vào vòng tội lỗi.

- Bây giờ thì dứt khoát! Vị linh mục bảo ông luôn phạm lại trong cùng một tội lỗi, điều đó chứng tỏ ông không có sự thống hối chân thành.

- Thưa Cha, con rất chân thành thống hối. Con sa ngã vì con yếu đuối. Con thẳng thắn, chân thực, nhưng con bệnh hoạn.

- Không, không còn sự tha thứ cho ông nữa.

Vào chính lúc đó người ta nghe như có tiếng ai khóc. Rồi người ta nghe thế tiếng động phát xuất từ cây Thánh giá: một cánh tay của Chúa rời khỏi đinh, giơ lên và vạch trên đầu tội nhân dấu hiệu sự tha thứ, đồng thời có một tiếng nói: “Chính Ta mới là người đổ máu cho người này chứ không phải là con!”

Vâng! Sự cứu chuộc thật là kỳ diệu, chẳng thể giải thích làm sao cho đủ.

3. Chúa Thánh Thần: Tình Thương Thánh Hóa

Thánh Thần là Thần thánh hóa. Một trong những công việc đặc biệt nhất là ơn tha tội. Chúng con hãy nghe lời của Chúa Giêsu: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."(Ga 20, 22-23). Đây là một ơn ban đặc biệt của Thánh Thần. Và ơn ban này chỉ trong Giáo Hội mới có.

Cha kể cho chúng con câu chuyện có thật này:

Linh mục Bernado thuộc hội Giáo Hoàng thừa sai người Ý truyền giáo tại Hongkong. Ngài kể lại rằng: trong một ngày thứ sáu tuần thánh, sau khi nói về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá và ơn tha thứ của Chúa, tôi giải thích về ý nghĩa của Bí Tích Giải tội và kêu gọi mọi người xưng tội để cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa. Sau nghi lễ, có một người Hồi giáo đến gặp tôi nói như sau:

- Thưa Cha, tôi muốn xưng tội để được ơn tha thứ.

Vị linh mục giải thích rằng: Vì chưa được rửa tội, ông không thể lãnh nhận Bí Tích Giải tội, nhưng người tín hữu Hồi giáo nài nỉ:

- Thưa Cha, trong Hồi giáo của chúng tôi không có sự tha tội, nhưng tôi cảm thấy cần phải được Chúa tha thứ và có được một dấu chỉ về sự tha thứ của Ngài. Vị linh mục liền chúc lành cho người tín hữu Hồi giáo và người này ra về trong bình an.

Đúng như vậy chúng con. Chỉ trong Giáo Hội của Chúa mới có sự tha thứ. Và đây là ân ban của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy cám ơn Chúa vì hồng ân cao cả này. Amen.

11. Thánh Augustino và mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi

Một hôm, Thánh Augustinô đi dạo trên bãi biển giữa cảnh trời đất bao la, biển rộng mênh mông suy nghĩ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Bỗng Ngài thấy một em bé trai đang loay hoay chạy đi chạy lại, tay cầm một cái vỏ sò chạy đi múc nước biển đổ vào một cái lỗ nhỏ trên cát.

Thánh nhân liền đến hỏi:

- Bé ơi! bé đang làm gì đó?

- Cháu muốn múc hết nước biển đổ vào cái lỗ này cho đầy.

Thánh nhân nhìn em bé mỉm cười dịu dàng nói:

- Cháu không thể làm như vậy được đâu!

- Chú bé đáp lại: Vậy mà cháu làm việc này còn dễ hơn việc ông đang nghĩ.

Nói xong, chú bé biến mất.

Lúc này thánh nhân mới bừng tỉnh và nhận ra rằng: Thiên Chúa nhắc cho biết trí khôn loài người không thể nào hiểu thấu đáo hết được Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Ba Ngôi vẫn là mầu nhiệm để rồi mầu nhiệm ấy mời gọi lòng tin của con người.

12. Hiệp thông trong gia đình

Trước đây, anh Bắc ở Hà-nội, chị Nam ở Sai-gòn, hai người ở hai phương trời cách biệt. Anh và chị là hai “ngôi vị” hoàn toàn xa lạ.

Về sau, hai người cùng vào làm trong cùng một công ty nên có nhiều cơ hội gặp gỡ và đôi bên cảm thấy ý hợp tâm đầu. Tình yêu của anh chị lớn lên từng ngày và với thời gian, anh chị yêu thương nhau sâu đậm đến nỗi người nầy không thể sống hạnh phúc nếu thiếu vắng người kia.

Do tình yêu thúc đẩy, anh chị tiến đến hôn nhân. Lúc nầy hơn bao giờ hết, anh chị cảm thấy mình hoàn toàn thuộc về nhau: cùng chung một tổ ấm, chung một tình yêu, chung niềm vui nỗi buồn, chung một ước mơ và một niềm hy vọng… Họ không còn là hai mà là một đúng như nhà thơ Tản Đà nhận định: “Mình với ta tuy hai mà một; ta với mình tuy một mà hai.”

Chính Chúa Giêsu cũng nhìn nhận rằng họ chỉ còn là một mà thôi: “Người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.” (Mt 19, 5-6)

Rồi tình yêu của anh chị đơm bông kết trái: một đứa con yêu quý chào đời!

Giờ đây tuy trong nhà có ba người hay ba “ngôi” (=ba vị), nhưng tình yêu thương thắm thiết đã nối kết cả ba nên một. Họ cảm thấy hoàn toàn thuộc về nhau. Họ cảm thấy mình không còn là ba nhưng chỉ là một: hạnh phúc của người nầy cũng là hạnh phúc của người kia; khổ đau của mỗi người cũng là nỗi đau chung của cả gia đình.

Mặt khác, tình yêu và mức độ hiệp thông tỉ lệ thuận với nhau: khi càng yêu thương nhau hơn thì mức độ hiệp thông càng bền chặt hơn và ngược lại, khi ghét bỏ nhau, người ta cảm thấy hoàn toàn xa cách dù sống chung dưới một mái nhà. Lúc ấy, vợ, chồng và con cái trong nhà không còn là một mà là ba.

Như thế tình yêu là phép mầu nối kết nhiều người nên một. Những người yêu thương nhau được liên kết nên một với nhau nhưng vẫn không đánh mất bản ngã của mình.

13. Tôi thương nó vì nó giống con tôi

Tại vùng Texas Hoa Kỳ, không ai lại không nghe lòng hào hùng của anh Biên, chủ một nông trại nuôi bò to lớn. Người ta gọi anh bằng một tên riêng đầy long kính trọng là ông Biên quảng đại, đến nỗi nhiều người không còn nhớ tên thật của anh là gì, mà chỉ biết tên anh là ông Biên quảng đại. Dù là người giàu có nhất vùng nhưng nếp sống của ông lại rất gần gũi với moi người, từ người giúp việc cho tới những người láng giềng chung quanh.

Ông có một người con duy nhất, nhưng rủi thay trong một chuyến đi nghỉ cuối tuần, ông bị một tai nạn xe hơi làm cho vợ và người con duy nhất bị chết. Sau những ngày u buồn, một hôm đi dạo chơi gần nông trại, ông chợt gặp một đứa trẻ rách rưới và có vẻ đang bơ vơ. Ông gọi lại và hỏi thăm về gia đình, đứa bé không trả lời chi được về những câu hỏi của ông. Bé mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Mới sinh ra đã bị cha mẹ bỏ rơi, nên từ đó em bé nay sống với người này, mai sống với người khác, lang thang đây đó. Em chỉ còn biết một điều là tên gọi của em: ai ai cũng gọi em là Jimmi, nên em biết tên mình là Jimmi. Ông Biên liền nhận đứa trẻ về nhà làm con nuôi và làm chúc thư, nếu ông qua đời thì tài sản ông sẽ dành cho Jimmi, người con nuôi mới nhận được.

Nhiều người bạn thân ngạc nhiên hỏi, tại sao ông làm như vậy?

Ông Biên trả lời: với một lý do duy nhất, là Jimmi giống hệt đứa con của tôi đã chết. Tôi thương nó vì nó giống con tôi, tôi nhìn thấy con tôi nơi nó.

14. Con búp bê và biển cả

Trong quyển sách tựa đề: "Sức thu hút của Thiên Chúa", tác giả người Italia, ông A-léc-xan-drô Phong-xa-tô đã kể lại câu chuyện vui sau đây về con búp bê bằng muối:

Muốn tìm hiểu thế nào là biển cả để thỏa mãn tính tò mò của mình, con búp bê một mình tiến ra bờ biển và hỏi:

- "Biển cả ơi, bản chất của biển cả là như thế nào?"

Và biển cả đã trả lời:

- "Biển cả là biển cả. Nếu ngươi muốn biết ta là như thế nào thì hãy xuống đây, hãy để cho toàn thân ngươi thấm nhập vào biển cả.”

Con búp bê bằng muối do dự. Nhưng rồi vì tính tò mò thúc đẩy, nó tiến gần ra mặt nước rồi đưa hai chân thấm vào nước biển. Trong nháy mắt sóng biển đánh mạnh vào đôi chân bằng muối của nó làm cho đôi chân tan thành nước biển. Con búp bê kinh hãi lui lại, nhưng đôi chân đã mất. Tiếng biển cả dịu dàng mời gọi:

- "Này con búp bê nhỏ kia ơi, biển cả là biển cả. Ngươi muốn biết biển cả như thế nào thì đừng sợ. Hãy tiến vào đây với ta. Ta sẽ bảo vệ ngươi. Ngươi sẽ đươc hòa nhịp với ta và hiểu ta như thế nào. Hãy can đảm lên! Nếu bỏ cuộc nửa chừng thì không bao giờ ngươi sẽ hiểu biển cả như thế nào đâu, và phải sống những năm tháng còn lại với đôi chân đã mất.”

Tính tò mò thúc đẩy, con búp bê ngâm mình xuống biển. Chỉ một lát sau con búp bê bằng muối đã hòa tan trong nước biển và hiểu được thế nào là biển cả.

15. Tin vào Chúa thì tin vào nhau

Trong cuộc đời của nghị viên Rémaud có một giai thoại lý thú sau đây: Lần đầu tiên từ Pyrénées đến Paris với tư cách là nghị viên, ông Rémaud thuê phòng trong một khách sạn và trả tiền trước một tháng: 150 quan Pháp. Chủ khách sạn hỏi:

- Ông có cần biên nhận không?

- Không, không cần thiết. Thiên Chúa nhìn thấy hết chúng ta.

- Ngài tin vào Thiên Chúa ư?

- Lẽ dĩ nhiên! Ông cũng thế chứ?

- Tôi thì không, thưa ngài.

- A! Vậy xin ông cho tôi ngay một tờ biên nhận!

16. Có tin mới thấy

Một bữa nọ, Ông Voltaire, một triết gia vô thần đi bách bộ với một anh bạn trên con đường quê ven rừng. Giữa giao lộ có một cây Thánh giá phủ đầy tuyết. Voltaire đã công khai bỏ đạo từ lâu, và hoàn toàn không còn tin vào Thiên Chúa nữa. Ông còn ngạo nghễ chế diễu niềm tin của các Kitô hữu.

Nhưng người bạn đang đi với ông lại có niềm tin rất sâu xa. Voltaire chỉ vào cây Thánh giá phủ đầy tuyết và nói với anh bạn: “Đây là hình ảnh của tôn giáo ngày nay. Thiên Chúa của các anh đã bị văn minh khoa học phủ kín mặt mày và niềm tin tôn giáo đã bị sự lạnh lùng băng giá của con người hôm nay che lấp. Vì vậy, Thiên Chúa của các anh không còn lý do để hiện hữu nữa.”

Chợt lúc đó, có một cơn gió mạnh thổi đến hất tung chiếc mũ trên đầu Voltaire và quăng xuống đất, đồng thời cơn gió đã làm tan chảy lớp tuyết bao phủ cây Thánh giá. Gương mặt Chúa Giêsu từ tư hiện lộ một cách rõ nét. Người bạn của Voltaire lúc đó mới trả lời ông: “Này bạn, đây mới là hình ảnh đích thực của niềm tin tôn giáo ngày hôm nay. Cho dù con người vẫn lạnh lùng và chai cứng như lớp tuyết trắng che kín Thánh giá, nhưng sức mạnh của Thiên Chúa vẫn dư sức hất tung sự kiêu ngạo của con người và làm tan chảy sự lạnh lùng nơi con tim sỏi đá của mọi người. Ngài luôn hiện hữu cho dù con người vẫn đang ra sức loại trừ Ngài.”

17. Chúa Giêsu là người dẫn đường

Có một bà cụ đi xe lửa lần đầu tiên nên rất bỡ ngỡ sợ lầm tàu và lạc đường. Bà quay sang hỏi một hành khách ngồi bên cạnh:

- Thưa ông, tàu này có phải là tàu đi Roma không?

Ông ấy trả lời ngay:

- Vâng, đây là tàu đi Roma. Bà đừng lo, vì Roma là nhà của tôi, tôi phải về đó.

Nhưng bà ấy vẫn chưa thỏa lòng, cứ miên man nghĩ ngợi: Nhỡ ông kia cũng lầm tàu thì sao? Làm sao mà mình biết được? Vừa lúc ấy người tài công bước vào, bà hỏi:

- Bác tài công ơi, tàu này là tàu đi Roma phải không?

Người tài công trả lời:

- Vâng, đây chính là tàu đi Roma. Tàu sẽ chạy trong vài phút nữa. Bà cứ việc ngồi thoải mái đừng lo lắng gì cả, sẽ tới Roma an toàn.

Tới lúc ấy bà mới yên tâm, vì bà đã hỏi người có thẩm quyền trên tàu. Bà ấy đã nhận được câu trả lời từ một người có thẩm quyền nên không còn lo sợ nữa.

Mỗi người chúng ta cũng đang đi trên hành trình đời sống, một hành trình vào cõi vĩnh hằng. Có rất nhiều tôn giáo. Có rất nhiều con đường của người này kẻ kia chỉ chúng ta con đường về trời. Nhưng chỉ có một người đáng chúng ta tin cậy, vì Ngài là Thiên Chúa. Ngài có đủ thẩm quyền để chúng ta tin lời Ngài là chân lý, là sự thật. Đó chính là Chúa Giêsu.

18. Gặp gỡ Đức Kitô

Gần đây trên trang Web của tổng Giáo phận Saigon có kể một cậu chuyện về một cậu bé 14 tuổi được theo đạo nhờ xem video Công giáo. Em tên là Lê Trúc Lâm sinh năm 2017, 14t, học lớp 8, ở Rạch giá, gia đình theo đạo Phật và em cũng thường đi chùa với gia đình.

Em nói: "Con vô tình thấy Video Thánh Lễ do Đức Tổng Giám mục Bùi văn Đọc giảng lễ, con nhấp xem và sau con lên Youtube xem thêm nhiều lễ nữa do Đức Cha Đọc dâng sau con cũng xem lễ do Đức Giám mục phụ tá Luy Nguyễn Anh Tuấn.” Em tìm hiểu về 2 Đức Giám mục. Em hỏi sao Đức cha Đọc lại lấy câu châm ngôn: "Thiên Chúa là nguồn vui của con." Đức Cha giảng vui, và hay nở nụ cười. Em nói chắc có Chúa nên Đức Cha mới vui vẻ và dễ thương như vậy. Còn Đức Cha Tuấn thì em nói Đức Cha giảng hay, dễ hiểu và có ích cho em.

Thấy con hay nghe giảng và đi lễ công giáo, gia đình bà con phản đối, nhưng cha mẹ em thì để em được tự do. Sau gần hai năm tìm hiểu và học giáo lí, em được chịu phép Rửa tội vào ngày a24/10/2020 tại Cần thơ lấy tên thánh Luy của Đức Cha Tuấn.

Điều đặc biệt là việc theo đạo Chúa giúp em được biến đổi: Trước đây em tiêu xài ngày tới 500.000đ vị chi một tháng là 15 triệu đồng: số tiền do cha mẹ cho vì gia đình em khá giầu có, nhưng nay em biết tiết kiệm một tháng chỉ tiêu 5 triệu đồng, số tiền còn lại em giúp nhà thờ và làm việc bác ái. Bạn bè cũng nhận xét giờ em bớt nóng tính, biết xin lỗi và không hay chửi thề như trước và khi ăn cơm em làm dấu thánh giá tử tế. Hiện nay em đã học hết trung học và học thêm Anh văn để chuẩn bị qua Mỹ đoàn tụ với cha mẹ. Cảm tạ Chúa vì em còn có ý muốn đi tu nữa!

19. Ngọn đèn được thắp lên

Tại Melbourne, nước Úc, Mẹ Têrêxa đi thăm một người già chẳng ai quan tâm để ý đến. Nhìn thấy căn phòng của ông tồi tệ và dơ bẩn, Mẹ muốn lau chùi và quét dọn cho ông, nhưng ông cản lại:

- Tôi còn khoẻ mạnh.

Trong căn phòng của ông có một cây đèn tuyệt đẹp nhưng phủ đầy bụi bặm. Mẹ Têrêxa hỏi ông:

- Tại sao ông không thắp đèn cho sáng?

- Tôi thắp đèn cho ai đây? Chẳng có ai đến thăm tôi cả, còn tôi, tôi chẳng cần phải thắp đèn.

- Ông có thắp đèn không nếu như có các sơ đến thăm ông?

- Có chứ, nếu tôi nghe thấy một tiếng người, tôi sẽ thắp đèn lên.

Sau đó một thời gian, Mẹ Têrêxa nhận được một lá thư ngắn gọn của ông với dòng chữ sau: “Xin hãy nói với các bạn hữu của tôi rằng ngọn đèn bà thắp sáng trong đời tôi sẽ còn cháy sáng luôn mãi”

Mẹ Têrêxa rồi cũng trở về Ấn độ, nhưng ngày nào ngọn đèn của ông lão còn cháy sáng ngày ấy Mẹ như vẫn còn đó trong nhà ông.

Trước khi gặp Mẹ Têrêxa, ông lão chỉ sống trơ ra đó như là không hề hiện hữu trên đời, như người ta nói đùa là ông phải sống vì chưa tìm ra lý do để chết. Nay ông có lại được “sự sống”, ngọn đèn đã được thắp lên.

20. Tiến thân nhờ dấu thánh giá

Valencia mồ côi cha lúc mới lên 5, phải ở với mẹ tại một khu lao động nghèo khổ. Sau Thánh lễ hằng ngày, cậu vào các tiệm ăn đánh giầy cho khách. Mỗi khi nhận tiền công, cậu đều làm dấu thánh giá tạ ơn Chúa.

Tụi bạn trông thấy to nhỏ với nhau: “Gạo không lo mà lo giữ đạo!” Valencia vẫn cứ hiên ngang giữ hình thức cầu nguyện đơn sơ ấy.

Năm 17 tuổi, cậu được ban văn nghệ mượn đóng vai thằng quỉ. Màn đầu vừa dứt, khán giả vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Sang màn thứ hai, trời đột nhiên đổ mưa, sấm sét nổi lên ầm ầm. Nghe sét đánh, “thằng quỉ” quên mất mình đang đóng kịch, vội quì gối làm dấu thánh gia. Khán giả cười rộ lên, tưởng thằng quỉ làm hề, không ngờ Valencia cầu nguyện thật!

Sau đêm ấy, mọi người trong khu xóm hiểu được hoàn cảnh của cậu, họ chung nhau quyên tiền để giúp Valencia ăn học. Đến sau, Valencia đỗ tiến sĩ lúc vừa mới 30 tuổi … nhờ dấu thánh giá!

Mỗi ngày và cả đời tôi được bắt đầu với dấu thánh giá: “Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” để nhắc tôi nhớ rằng Chúa là con đường và thành đạt thực của đời tôi.“That vậy, tất cả các dân đều bước đi nhân danh thần của mình; còn chúng ta, chúng ta tiến bước nhân danh Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng ta, đến muôn thuở muôn đời” (Mk 4,5).

21. Huyền nhiệm Tình yêu

Một sinh viên vô thần nói với một vị linh mục: thưa cha, tôi thấy trong Kitô giáo có một chân lý khó tin, lạ lùng gọi là "mầu nhiệm Ba Ngôi.” Phải hiểu thế nào kiểu nói "Thiên Chúa có một bản tính nhưng ba ngôi vị”? Một mà ba, ba mà một! Thật khó hiểu, nếu không nói là phi lý!

Vị linh mục hỏi: Anh còn trẻ, chắc đang sống kinh nghiệm tình yêu?

Ủa! Sao cha hỏi lại thế? Đúng là tôi đang yêu thật!

Theo anh, tình yêu trước hết đòi hỏi phải có những gì?

Đòi hỏi phải có từ hai người trở lên! Tự ái chỉ là ích kỷ, không thể gọi là tình yêu được!

Đúng lắm! Nhưng tình yêu hướng đến cái gì?

Hướng đến sự hiệp nhất! Tất cả phải nên một! Tình yêu nam nữ hướng đến hiệp nhất tâm hồn, thể xác và cuộc sống. Tình đồng chí, tình bằng hữu... hướng đến hiệp nhất cuộc sống và tâm hồn!

Nhưng theo anh, sự hiệp nhất này có bao giờ đạt được chăng?

Phải nói ngay đó chỉ là ước vọng. Ví dụ, những năm đầu cuộc sống hôn nhân thì "anh nói em nghe, em nói anh nghe", nhưng năm sau thì "cả hai cùng nói, hàng xóm nghe!” Trong một tập thể nhiều người, đồng tâm nhất trí lại càng khó thực hiện.

Cái chỉ là ước vọng nơi con người, thì đã thành hiện thực nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa của Kitô giáo là Thiên Chúa độc nhất, nhưng vì Ngài là Tình Yêu nên có Ba Ngôi. Ngài là Ba Ngôi, nhưng vì là Tình Yêu, nên đã hợp nhất thành một Thiên Chúa.

Cho tôi hỏi câu cuối cùng: Tại sao là ba mà không phải là hai, như trong tình yêu nam nữ?

Sau này có gia đình, anh và vợ chỉ yêu nhau mà không muốn có con, sợ thêm hy sinh, thêm trách nhiệm, tình yêu anh chị có chân thật và bền vững không?

Thưa không! Tình yêu chúng tôi phải chảy tràn qua và thể hiện thành một đứa con, ít nhất một đứa; nếu không thì chỉ là tình yêu mình trong người bạn đời của mình. Ngoài ra, tình yêu ấy còn phải trải rộng cho mọi người chung quanh nữa!

Anh bạn thân mến, anh sắp hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi rồi. Nhưng đừng áp dụng quá sít sao đấy nhé!

22. Tên của miền đất đầu tiên được khám phá

Người ta kể rằng Christophe Colomb, người đã khám phá ra châu Mỹ vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ 15, có lòng sùng kính Chúa Ba Ngôi cách rất đặc biệt. Trước mọi hoạt động, ông đều kêu cầu Chúa Ba Ngôi, cũng như ông luôn khởi đầu những gì mình viết bằng dòng chữ: “Nhân danh Chúa Ba Ngôi cực thánh.” Trong cuộc khởi hành thứ 3 của ông năm 1498, Christophe Colomb đã thề hứa sẽ dâng cho Chúa Ba Ngôi phần đất nào ông khám phá đầu tiên. Vì thế hòn đảo ông đặt chân đến đầu tiên trong cuộc hành trình thám hiểm tân thế giới ấy cho đến nay vẫn được gọi là “Trinidad”, tức là Chúa Ba Ngôi.

23. Cha rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần

Cha Maistrino người Ý, thuộc hội thừa sai Milanô đang truyền giáo tại Hồng Kông vào đầu thế kỷ 20. Cha kể lại một chứng từ sau đây:

Một ngày năm 1938, một phụ nữ người Hoa đến gặp tôi và rụt rè nói:

- Con không có đạo. Con có người bạn có đứa con gái tên là Têrêsa Quang thị Lộ bị lao phổi nặng, chắc không sống bao lâu nữa. Cô ấy muốn trở lại đạo Công Giáo. Xin cha thương giúp.

Tôi nhận lời đi giúp ngay. Nhưng bà ta nói tiếp:

- Thưa cha, bạn con dặn: Nếu cha bằng lòng đến giúp thì xin cha đến cách kín đáo, vì chồng bà không thích người có đạo. Ông ta còn ngăm đe bà vợ: Nếu linh mục nào bén bảng đến nhà, ông sẽ đuổi ra xấu hổ. Vậy xin cha cẩn thận đến nhà lúc ông đi làm.

Nói xong bà ta biên địa chỉ nhà cho tôi rồi cáo biệt ra về.

Tôi bắt đầu tìm biết đến người không thích đạo ấy. Ông ta là luật sư nổi tiếng, có hai vợ, Têrêsa là con của vợ bé ở ngoại ô, còn ông thường sống với vợ lớn ở thành phố.

Sáng hôm đó, tôi đánh bạo đến nhà Têrêsa. Tôi cảm thấy vừa nguy hiểm vừa ngượng ngùng vì những cặp mắt soi mói của những người trong xóm. Cố tìm được nhà, vừa bước vào, tôi đã thấy cô Têrêsa nằm trên giường cây, đầu gối trên viên gạch, thân hình gầy ốm xanh xao.

Cô lễ phép chào tôi rồi kể lại lúc học ở trường Tin Lành, cô đã chọn tên Têrêsa vì thích tên này và vì mộ mến thánh nữ. Giờ đây cô muốn trở thành người Công Giáo….

Tôi liền nhờ một phụ nữ Trung Hoa tên là Êlêna dạy đạo cho cô. Và ba tháng sau, Êlêna báo tin cho tôi cô Têrêsa trở bệnh nặng. Tôi vội vàng chạy đến và rửa tội cho cô. Tôi vừa đọc xong:

“Têrêsa, cha rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”

Cô ngước mắt nhìn tôi với đôi mắt tràn đầy niềm vui tươi hạnh phúc….

24. Ba Ngôi cực thánh

Hơn năm mươi năm trước đây, ở Chicago, một phụ nữ Tin Lành da đen tên là Maria Weaver. Chị là một tín đồ Baptist, Methodist – Kitô hữu khoa học và Holly Roller. Chị chỉ tin: “Duy nhất một Đức Kitô.” Một ngày nọ, chị nghe lén bài giáo lý Công giáo ở nhà một người bạn. Đây là dịp để chị biết người Công giáo tin điều chi, làm điều gì. Rồi chị thấy tức cười. Chị bắt đầu đọc, đọc lan lần từ ghét đến tò mò, đến ngỡ ngàng, rồi đến ước muốn học hỏi. Chị thổ lộ: “Nếu đây là những điều Giáo Hội Công giáo dạy thì tôi muốn làm một người Công giáo.” Maria Weaver đã được rửa tội tại nhà thờ thánh Elisabeth ngày 11 tháng 12 năm 1938.

Bây giờ, chị hoạt động mạnh mẽ giúp Giáo Hội Công giáo như trước kia chị đã hoạt động để chống lại.

Một người bạn của chị thuộc phái Holly Roller đã bày tỏ xúc động trước sự trở lại của chị như sau: “Ôi, Maria chị làm gì với: Duy một mình Đức Kitô?” Maria Weaver trả lời: “Tôi vẫn còn Ngài. Bây giờ tôi tin nhận Chúa Cha và Chúa Thánh Thần nữa.”

Khi Maria Weaver tin nhận Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, có nghĩa là chị đã tin Chúa Ba Ngôi. Cũng thế, bạn và tôi trong ngày lễ Chúa Ba Ngôi: Tin nhận Ba Ngôi bằng việc tin, ca tụng, cảm tạ và yêu mến Thiên Chúa.

25. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi

Trên chuyến xe lửa Lyon-Paris, một thanh niên sang trọng ngồi bên mot ông già ăn mặc thô sơ, có vẻ quê mùa. Thấy cụ già cầm xâu chuỗi, miệng lẩm bẩm đọc kinh, chàng thanh niên gợi chuyện:

- Tôi thấy ông vẫn còn tin tưởng ở tập quán thời trung cổ. Chắc ông cũng tin Đức Mẹ Đồng Trinh và những chuyện ghi trong sách Thánh, được nhai đi nhai lại trong các nhà thờ chứ gì?

Ông già trả lời:

- Đúng vậy đó cậu ạ. Còn cậu thì sao?

Chàng thanh niên cười rộ:

- Tôi mà lại tin theo những chuyện vớ vẩn ấy à? Tôi đã tìm được sự thật đầy đủ ơ trường Đại học. Ông cũng nên từ bỏ xâu chuỗi, để có giờ mà đọc các sách khoa học tân tiến.

- Tôi cũng muốn thế, nhưng sợ không hiểu nổi khoa học.

- Được rồi, tôi sẽ gửi biếu ông một số sách. Ông có biết đọc không?

- Cám ơn cậu, tôi có biết đọc.

- Thế thì tốt rồi, nhưng xin ông cho địa chỉ để tôi gửi sách.

Ông già rút trong túi ra một tấm danh thiếp, và cậu thanh niên tròn đôi mắt đọc thấy trên đó ghi: Louis Pasteur –Viện nghiên cứu khoa học–Paris. Đó là người đã viết nhiều sách khoa học mà người thanh niên say mê nghiền gẫm.

Trong đạo Công giáo có nhiều mầu nhiệm, cao sâu trên hết là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đã la mầu nhiệm thì trí khôn con người khó mà thấu hiểu được. Nhưng nếu khiêm tốn cầu nguyện và tìm hiểu, ta vẫn có thể tiếp thu những mầu nhiệm đó mà không thấy nghịch lý chút nào.

26. Sống niềm tin

“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt, 28,19).

Một thanh niên làm việc trong nhà máy thuộc da. Các đồng nghiệp của anh đều ngoài Công giáo. Cứ đến ngày thứ sáu, anh lại đem trứng, cá và bánh sandwich kẹp phomat để ăn trưa, họ gọi anh anh lá “thằng ăn cá”, lại còn đặt miếng sandwich kẹp thịt của họ trước mặt anh. Tất nhiên đó chỉ là trò đùa trẻ con.

Nhiều năm sau anh bạn thuộc da gặp lại bạn đồng nghiệp cũ vừa ra khỏi một nhà thờ Công giáo; nghe người ta nói người bạn ấy là linh mục. Hai người nhận ra nhau và cùng ôn lại ký ức xưa. Cuối cùng vị linh mục nói: “Chính nhờ gương của anh đã làm tôi có thiện cảm với đạo Công giáo. Tôi nghĩ giữa những chế nhạo của đám đông mà người ta vẫn còn tự hào về niềm tin của mình, thì hẳn phải cò điều gì đó lạ lùng lắm trong niềm tin này. Chuyện ấy đã dẫn tôi tới tìm hiểu đạo công giáo. Hôm nay, tôi vừa dâng lễ mở tay.” (Trích “Dụ ngôn đời thường” -Drinkwater kể).

27. Mầu nhiệm, Trí khôn và Ý muốn

Cách đây hàng ngàn năm, có một nhà hiền triết tài giỏi tên là Simonide. Ngày kia, nhà vua cho vời ông ta đến và hỏi:

- Thượng đế là gì?

Ông ta xin nhà vua cho mình một ngày để suy nghĩ. Sáng hôm sau, khi nhà vua gọi tới, thì ông ta lại xin thêm hai ngày nữa để suy nghĩ.

Và khi hai ngày đã trôi qua, ông ta lại xin thêm bốn ngày nữa. Rồi sau đó, ông ta lại xin thêm tám ngày nữa. Cứ mỗi lần nhà vua truyền cho ông ta đến, thì ông ta lại xin hoãn với số ngày gấp đôi. Sau cùng, nhà vua bực bội, cho triệu ông ta đến và giận dữ hỏi:

- Cho tới bao giờ, nhà ngươi mới trả lời câu hỏi của ta? Thượng đế là gì?

Bấy giờ ông ta mới ôn tồn trả lời:

- Xin nhà vua đừng hối thúc tôi. Vấn đề thật khó khăn và tôi nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được câu trả lời. Bởi vì càng suy nghĩ, tôi lại càng cảm thấy bối rối. Vấn đề dường như đã vượt ra ngoài khả năng của tôi.

28. Ba Ngôi yêu thương nên một với nhau

Đài truyền hình VTV3 có chương trình gọi là "Truyện cổ tích ngày nay.” Chương trình này thường họ đưa một đoạn phim ngắn. Sau đó người dẫn chương trình mới nói lên ý nghĩa của đoạn phim này. Có một đoạn phim như sau: một cậu bé cầm trên tay 7000đ đến tiệm kem để mua 1 cây kem giá đúng 7000d.

Ở tiệm bán kem cậu nhìn thấy có một cô bé dẫn theo đứa em của nó, và tìm mua cây kem giá 1000đ, bởi trên tay nó vỏn vẹn chỉ có 1000đ. "ở đây khong có cây kem 1000đ, giá chót cũng phải 2000đ", tiếng bà chủ quát. Hai chị em cô bé lặng lẽ ra về. Đứa em như thèm được ăn kem, nó quay lại nhìn về phía tiệm kem. Bấy giờ cậu bé có 7000đ đã không mua cây kem 7000đ nữa, nhưng là mua 3 cây kem giá mỗi cây 2000đ. Ba đứa bé tìm đến một bóng cây ở ven đường, chúng nó ngồi xuống cùng ăn kem và nói cười vui vẻ.

Cuộc sống quanh ta có biết bao nhiêu là nét đẹp, chỉ cần chịu khó để ý một chút, chúng ta sẽ nhận ra ngay. Một cậu bé còn quá nhỏ, chưa thể giải thích nỗi về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, cũng không thể nói về tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi cho rỏ ràng được. Vậy mà, qua việc làm của cậu, cậu như đang hoạ lai chính diện mạo về một tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.

29. Cửa sổ

Một người đàn ông bị bắt giam vào nhà tù. Ông ta chỉ được nhìn ra thế giới bên ngoài, thông qua một cửa sổ nhỏ cao trên tường. Lúc đầu, ông ta ghét cảnh bị giam hãm, và coi thường tầm nhìn khốn khổ mà ông ta có về thế giới bên ngoài, đó là thế giới duy nhất mà ông ta tin tưởng.

Nhưng thời gian qua đi, và cái cửa sổ nhỏ đó đã trở thành một người bạn của ông. Thật vậy, mặc dù nó chỉ cho ông một mẩu cuộc sống nhỏ xíu – một làn mây, một máy bay vụt bay qua, một chiếc lá rơi, một giọt nước mưa, một bông tuyết…, nhưng ông nhận ra rằng nó không phải là một đồ vật xấu xa gì. Ô cửa sổ đó bắt buộc ông phải tập trung vào những điểm đặc biệt, và biến cái nhỏ nhoi trở thành cái lớn lao. Ông kinh ngạc khám phá ra rằng thông qua một mẩu vật nhỏ bé như thế, làm thế nào mà cuộc sống lại có thể thật phong phú đến thế. “Nhìn qua một khe hở, không lạ gì khi có cả một bầu trời quá rộng lớn ở đó” (Patrick Kavanagh).

Đôi khi, khung cảnh từ cửa sổ lại nông cạn và mờ đục. Dường như thế giới kết thúc ngay tại khung cửa sổ. Nhưng những lúc khác, cửa sổ lại mở ra một bầu trời trong xanh và trống trải. Thế rồi cửa sổ còn mở vào cõi vô biên, và ông cảm thấy ben trong con người ông bừng tỉnh những ước muốn siêu việt, mà ông không bao giờ biết rằng những ước muốn này muốn có ở đó. Vì thế, cái cửa sổ đó đã giúp ông đánh giá được những sự vật ở trên cõi trời, cũng như ở dưới mặt đất.

30. Tình yêu

Một người cha hứa cho đứa con gái 12 tuổi một số tiền nếu cô bé xén sạch đám cỏ trước nhà. Cô bé vui vẻ mang máy cắt cỏ ra làm việc. Đến chiều, cả đám cỏ đã được cắt xén gọn gàng - ngoại trừ một mảng cỏ tí tẹo còn sót trong góc sân.

Ông bố nói rằng ông không thể trả số tiền đã thỏa thuận, bởi vì đám cỏ chưa được cắt xong. Cô bé cho biết cô sẵn sàng chịu mất số tiền đó và cô nhất định không cắt nốt mảng cỏ còn sót kia.

Tò mò muốn biết lý do tại sao, ông bố kiểm tra chỗ cỏ chừa lại. Hóa ra, ở giữa chòm cỏ ấy, một chú cóc đang ung dung ngồi ngắm cảnh hoàng hôn! Cô bé quá thương con cóc, đã không đành đưa lưỡi dao của máy cắt vào chòm cỏ ấy.

Thiên Chúa là tình yêu. Người đã dựng nên con người cao trọng hơn các loài thụ tạo. Nhưng con người lại bất trung phản bội. Vì yêu thương Thiên Chúa đã không nỡ hủy diệt, lại sai con Một là Đức Giêsu Kitô xuống thế để cứu chuộc con người. Người lại gởi Thánh Thần đến để thánh hóa cho nên tạo vật mới, dẫn đưa họ về hưởng vinh quang Nước Trời. Đó là mầu nhiệm tình yêu mà Ba Ngôi Thiên Chúa đa thương dành cho con người. Vì thế, lễ Chúa Ba Ngôi cũng là lễ của Tình Yêu.

31. Mặt trời ban sự sống

Một vị linh mục đang chờ máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất, thì một người đàn ông đến ngồi bên cạnh và bắt đầu đề cập tới vấn đề tôn giáo, ông nói:

- Tôi không thể nào chấp nhận được những điều tôi không hiểu, chẳng hạn như vấn đề Chúa Ba Ngôi hay bất cứ vấn đề nào giống như thế. Chẳng ai có thể cắt nghĩa cho tôi, nên tôi sẽ không bao giờ tin.

Chỉ vào một luồng ánh sáng chiếu qua khung cửa kính, vị linh mục hỏi:

- Ông có tin mặt trời không nhỉ?

Ông ta trả lời:

- Dĩ nhiên là có.

Vị linh mục nói tiếp:

- Phải, ánh sáng ông thấy qua cửa sổ, xuất phát từ mặt trời cách đây 150 triệu cây số. Sức nóng chúng ta cảm nhận được cũng xuất phát từ mặt trời. Đối với Chúa Ba Ngôi, một phần nào cũng tương tự như thế. Mặt trời là Chúa Cha. Từ mặt trời mà có ánh sáng, cũng như từ Chúa Cha mà có Chúa Con. Rồi từ Chúa Cha, Chúa Con mà có Chúa Thánh Thần, cũng như từ mặt trời, từ ánh sáng mà có sức nóng. Ông hiểu thế nào về mặt trời, ánh sáng và sức nóng. Thì một phần nào tương tự như thế, ông hiểu về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Mặt trời là nguồn năng lượng vật chất thế nào thì Chúa Ba Ngôi cũng là nguồn sống thiêng liêng cho chúng ta như vậy. Mặt trời chiếu toả ánh sáng thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng soi sáng tâm hồn chúng ta như vậy. Mặt trời đem đến sức nóng để sưởi ấm vạn vật thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng sẽ đem lại sức nóng thiêng liêng để sưởi ấm, đó là tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh em đồng loại. Mặt trời tiêu diệt vi khuẩn chữa lành bệnh tật thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng sẽ khử trừ những thói hư tật xấu và loại trừ tội lỗi ra khỏi tâm hồn và cuộc đời chúng ta như thế. Mặt trời đem lại cho chúng ta niềm vui cho chúng ta thế nào, thì Chúa Ba Ngôi cũng đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc vĩnh cửu như thế.

32. Sống hoà nhịp

Ngày kia, có một người nông dân đi lên thành phố. Khi đang đi bộ trên một con đường đông đúc, thì đột nhiên, anh ta nói với một người bạn cùng đi với mình:

- "Tôi có thể nghe được tiếng kêu rúc rích của một con dế.”

Người ban của anh ngạc nhiên và hỏi:

- "Làm sao mà anh lại có thể nghe được tiếng dế, giữa tất cả những tiếng động ồn ào này?"

Người nông dân đáp lại:

- "Bởi vì hai tai của tôi hòa nhịp được với tiếng dế.”

Thế rồi anh ta lại càng cố tình lắng nghe nhiều hơn, và dõi theo âm thanh đó, anh đã tìm ra được một con dế đang bò trên bờ cửa sổ. Người bạn của anh không thể nào làm được điều này. Nhưng người nông dân không hề tỏ ra ngạc nhiên. Thay vào đó, anh móc vài đồng xu từ trong túi áo ra, và ném chúng xuống lề đường. Khi nghe được tiếng leng keng của mấy đồng xu, những người qua đường liền ngừng lại nhìn theo dấu vết của chúng.

Người nông dân nói:

- "Bạn hiểu ý tôi chứ: Không có ai trong số những người này có thể nghe được tiếng dế, nhưng tất cả bọn họ đều có thể nghe được âm thanh của tiền bạc. Người ta nghe được cái gì hòa nhịp với hai tai của họ, và không thể nghe được tất cả những thứ còn lại.”

Điểm cần ghi chú ở đây khá rõ ràng: Nếu ít bị lo lắng phiền muộn, chúng ta có thể hòa nhịp với Thiên Chúa. Voltaire đã nói: "Ngay khi mở đôi mắt của mình ra, thì tự nhiên, người ta thừa nhận được sự hiện hữu của Thiên Chúa.” Và Abraham Lincoln đã nói: "Tôi có thể nhận thấy con người có thể nhìn xuống mặt đất, và trở nên một người vô thần ra sao, nhưng tôi không thể tưởng tượng được làm thế nào mà người ta có thể nhìn lên bầu trời, và nói rằng không hề có Thiên Chúa.”

LỄ CHÚA BA NGÔI (năm C)

Lời Chúa

TRUYỆN KỂ

1. truyện

 

Lời Chúa Lễ Chúa Ba Ngôi

Thường niên  V-GS  C-PS  Ngoại lịch