Gia vị cho Lời Chúa Thứ Bảy tuần 4 thường niên

DUNG MẠO YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA GIÊSU

Lời Chúa: Mc 6, 30-34

Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy.

Người liền bảo các ông: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút." Vì lúc ấy dân chúng đến tấp nập đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài.

Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

TRUYỆN KỂ

1. Dung mạo Chúa Giêsu

Manio Flajano, văn sĩ, ký giả kiêm đạo diễn người Italia, qua đời năm 1972, đã để lại những trang nhật ký thật cảm động: năm 1942, đứa con gái 8 tuổi của ông bị bệnh sưng màng óc và kéo lê cuộc sống tàn tật đó cho đến năm 1992. Nhìn đứa con mà lòng đau xót, nhưng người cha vẫn đặt tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa.

Trong một trang nhật ký, ông viết: "Một người đàn ông nọ dẫn đến cho Chúa Giêsu đứa con gái bệnh tật và nói với Ngài: "Con không muốn chữa lành nó, nhưng chỉ xin Chúa yêu thương nó mà thôi." Chúa Giêsu cúi xuống hôn đứa bé mà nói: "Ta nói thật, người đàn ông này đã xin điều mà có thể cho được."

Nói xong, Chúa Giêsu biến đi trong ánh sáng chói ngời bỏ lại một đám đông tiếp tục bàn tán về các phép lạ, còn các nhà báo thì cố gắng mô tả các phép lạ."

Những dòng trên đây của Flajano đưa chúng ta vào trọng tâm của Tin Mừng. Thật thế, Tin Mừng không phải là một mớ lý thuyết hay giáo điều, Tin Mừng cũng không phải là một Thiên Chúa cao xa trừu tượng. Tin Mừng thiết yếu là một con người bằng xương bằng thịt, với một trái tim dễ rung động và biết yêu thương.

2. Dây cung sao không căng mãi?

Người ta đồn rằng thánh Gioan tông đồ thích chơi với chim sẻ nuôi trong nhà. Ngày kia, một thợ săn đến thăm và rất ngạc nhiên thấy một người nổi tiếng như vậy mà lại vui chơi. Ông nghĩ có thể dùng thời giờ đó làm một việc tốt lành và quan trọng. Nên ông hỏi: “Tại sao ngài lãng phí thì giờ vui chơi? Sao ngài lại dành thì giờ cho một chú chim sẻ vô dụng thế?"

Thánh Gioan nhìn anh với vẻ ngạc nhiên. Tại sao ông ta không vui chơi? Vì thế, ngài hỏi ông: “Tại sao dây cung của ông không kéo căng ra?"

“Nó không thể kéo căng, vì như thế dây cung sẽ mất độ đàn hồi và không thể bắn tên."

Thánh Gioan bảo ông: “Này bạn, anh cần thả lỏng dây cung, nghĩa là anh cũng phải giải thoát sự căng thẳng trong anh và nghỉ ngơi. Nếu tôi không nghỉ ngơi và giải trí, tôi sẽ không có sức cho bất kỳ công việc hệ trọng nào. Tôi cũng sẽ không có sức làm những việc tôi phải làm và cần làm, đòi hỏi sự chú tâm hoàn toàn của tôi."

3. Ly nước nặng bao nhiêu?

Nghỉ ngơi cần thiết và có lợi.

Trong một buổi thuyết trình về vấn đề thư giãn trong cuộc sống, người dẫn chương trình giơ cao một ly nước lên và hỏi khán giả:

- Quý vị thử đoán xem ly nước này nặng bao nhiêu?

- Điều đó còn tùy thuộc vào chuyện anh cầm nó trong bao lâu chứ? Một khán giả nói.

- Đúng vậy – Người dẫn chương trình trả lời – Nếu tôi cầm nó trong một phút thì không có gì đáng nói. Nhưng nếu tôi cầm nó trong một tiếng đồng hồ thì tay tôi sẽ mỏi. Còn nếu tôi cầm nó cả một ngày, quý vị sẽ phải gọi xe cấp cứu cho tôi. Cùng một khối lượng, nhưng mang nó càng lâu thì nó càng trở nên nặng hơn.

Trong cuộc sống cũng vậy. Nếu chúng ta cứ liên tục chịu đựng gánh nặng, nó sẽ càng ngày càng trở nên trầm trọng. Không sớm thì muộn chúng ta gục ngã. “Điều quý vị phải làm là đặt ly nước xuống nghỉ một lát, rồi lại tiếp tục cầm nó lên."

Thỉnh thoảng, chúng ta phải biết đặt gánh nặng cuộc sống, nghỉ ngơi lấy sức để còn tiếp tục mang nó trong quãng đời tiếp theo. Mỗi ngày, chúng ta đều cần phải có giây phút nghỉ ngơi, không bận tâm đến bất kỳ một gánh nặng nào.

4. Động viên không cần lời

Abraham Lincoln là vị tổng thống Hoa kỳ đã phải đương đầu với cuộc nội chiến tang thương nhất trong lịch sự đất nước. Ngày nọ, căng thẳng gần như điên cuồng, ông đã nhờ người về nơi sinh quán của mình là Kentusky để mời cho được người bạn già đến thủ đô Washington cho ông tham khảo ý kiến. Hai người bạn mừng mừng tủi tủi khi gặp nhau. Sau những giờ phút tâm tư, tổng thống Lincoln cảm thấy tươi vui hẳn lên.

Về sau có người hỏi ông đã làm gì để tổng thống phấn khởi lên như thế. Người bạn già của tổng thống cho biết: tổng thống không bàn hỏi với ông bất cứ điều gì có liên quan đến chiến tranh hay chuyện đất nước. Ông cũng cho biết là ông chỉ ngồi thinh lặng để lắng nghe tổng thống trút hết nỗi lòng của mình.

5. Tình yêu biết quan tâm là sức mạnh cho cuộc sống

Cha Badinger Germain người Pháp kể lại rằng: “Một buổi sáng nọ tôi có hẹn với một thiếu nữ trong một quán cà phê vào lúc 6 giờ sáng. Cô ta thất vọng về cuộc đời. Tôi gắng hết sức để thuyết phục khuyên bảo cô, nhưng vô ích. Sau đó, đến 7 giờ 30 phút, cô phải đến sở làm. Đến 9 giờ cô điện thoại lại cho tôi. Giọng của cô thật vui tươi.

Ngạc nhiên, tôi hỏi lý do thì cô giải thích rằng:

- Chính người bán vé xe điện ngầm đã làm cô thay đổi. Và cô nói thêm: “Thực ra, lúc đầu con chỉ có ý gặp cha để than van chứ chẳng muốn nghe cha khuyên giải điều gì. Sau khi rời quán cà phê đi đến trạm xe điện ngầm, con đã gặp bà bán vé xe điện thật dễ thương. Bà đã cười thật tươi và nói:

- Chà, cô mặc áo đẹp quá. Màu thật là hợp với màu tóc của cô.

Ngạc nhiên, con hỏi lại:

- Tại sao bà lại khen tôi như thế ?

Bà ta giải thích:

- Cô coi, trong nghề của tôi, không có gì nhàm chán cho bằng cả ngày chỉ có một động tác đổi những vé xe điện ngầm này để lấy tiền. Vì thế, để tạo cho cuộc đời và công việc nhàm chán này một ý nghĩa, tôi cố gắng nhìn xem trong đám những khách hàng của tôi có điều gì để khuyến khích họ không, nhất là khi tôi thấy họ có vẻ buồn bực hoặc cáu kỉnh. Thí dụ, đối với ông nọ tôi nói: “Chà ông hai có cà vạt đẹp quá." Ông ta bèn chỉnh lại cà vạt rồi mỉm cười.

Vừa rồi khi thấy cô bước đến, đôi mắt đỏ hoe, tôi nghĩ: “Cô này chắc có điều gì đau khổ đây, mình phải nói một câu gì đó dễ thương với cô. Cô thấy không, làm như thế là đem lại cho cuộc sống một ý nghĩa. Nếu tôi không làm như thế, thì trong nghề của tôi thực không có gì là thích thú."

Đúng là người phụ nữ bán vé xe điện ngầm này đã biết quan tâm đến người khác và sự quan tâm ấy đã đem đến một niềm vui thanh thản cho chị.

6. Đón nhận sức mạnh từ Kinh Thánh

Chúng ta biết thủ tưởng Ấn Độ là ông Gandhi, dù ông không phải là người Công giáo, nhưng ông rất say mê đọc Thánh Kinh, đây là sách gối đầu giường của ông, ông thường nghiềm ngẫm vài chương trước khi đi ngủ, và khi vừa thức dậy!

Nhờ đức tin này mà ông đã đuổi quân đội Anh quốc về, trả độc lập tự do cho dân tộc Ấn, không những thế, người Anh còn giúp Ấn Độ kiến thiết đất nước như một nước đồng minh!

Hỏi có nhà cách mạng nào trên trần gian này dành độc lập cho dân tộc lại không hao tốn tiền của, sức lực, xương máu? Chỉ có ông Gandhi, không mất một giọt mồ hôi, một đồng xu nào để giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị ngoại bang.

Với trải nghiệm ấy, ông nói: “ĐỜI CHỈ THÀNH CÔNG, BAO LÂU NGƯỜI TA DÁM THÍ NGHIỆM SỐNG CHÂN LÝ!” Mà chỉ có Lời Chúa mới thực sự là chân lý! (x Ga 18,38)

7. Biết sống tự do

Phillip Parham thuật câu chuyện về một thương gia giàu có khó chịu mất bình an khi thấy một ngư phủ đang ngồi nhàn hạ biếng nhác bên cạnh thuyền của ông. Ông hỏi: "Tại sao anh không ra ngoài khơi đánh cá?" Ngư phủ đáp: "Vì tôi đã đánh đủ số cá cho ngày hôm nay?" Thương gia hỏi: "Tại sao anh lại không bắt nhiều cá hơn số mình cần?" Ngư phủ hỏi lại: "Tôi sẽ dùng chúng để làm gì?"

Vị thương gia trả lời: "Anh có thể kiếm thêm tiền và mua được thuyền tốt hơn, lớn hơn để có thể đi ra ngoài khơi xa hơn, bắt nhiều cá hơn và kiếm thêm tiền. Chẳng bao lâu anh sẽ có cả một đoàn thuyền và giàu có như tôi." Ngư phủ hỏi: "Rồi tôi biết làm gì với sự giàu có đó?"

Vị thương gia nói: "Lúc đó anh có thể ngồi xuống vui hưởng cuộc đời."

Ngư phủ đáp trong lúc đôi mắt bình thản nhìn ra biển cả: "Thế ông nghĩ tôi đang làm gì bây giờ?"

8. Lời kinh đẹp nhất thiên niên kỷ.

Đó là cuốn sách nhỏ, ghi lại 50 lời cầu nguyện của nhiều người. Mỗi lời nguyện đều chất chứa nỗi lòng, tình yêu, sự tha thiết của những con người thích chìm trong cầu nguyện.

Lời cầu nguyện số 4 gây trong tôi nhiều cảm động và ấn tượng. Đó là lời cầu nguyện bộc lộ lòng yêu mến Chúa lớn lao, lòng yêu mến chất chứa đầy nghị lực. Tác giả của lời cầu nguyện ấy là bà Vérônique, một phụ nữ Pháp sống ở Cameroun. Tính đến năm 1979, bà đã 58 tuổi, nhưng phải sống và làm bạn với căn bệnh phong đến 55 năm, và 20 năm đui mù. Lời cầu nguyện của bà như sau:

“Lạy Chúa, Chúa đã đến và đã xin con tất cả. Và con, con cũng đã hiến dâng cho Chúa tất cả. Xưa kia con ưa thích đọc sách, và Chúa đã muốn mượn đôi mắt của con. Ngày trước con thích chạy nhảy trong những khu rừng thưa, và Chúa đã muốn mượn đôi chân của con. Mỗi độ xuân về, con tung tăng hái lượm những cánh hoa tươi, và Chúa lại xin con đôi tay.

"Bởi con là một phụ nữ, con ưa ngắm nhìn suối tóc óng ả của con, ưa ngắm nhìn những ngón tay thon nuột xinh xắn của con, thế mà giờ đây, đầu con hầu như chẳng còn sợi tóc nào, cũng chẳng còn đâu những ngón tay hồng xinh xinh nữa, chỉ còn lại một vài que củi khô queo nham nhúa.

"Chúa ơi, Chúa hãy nhìn xem: cái thân thể diễm kiều của con đã bị hủy hoại đến độ nào. Thế nhưng, con không hề muốn nổi loạn, con lại muốn dâng lên Chúa lời tạ ơn… Ôi lạy Cha, Tình Yêu của con, con xin dâng Cha căn bệnh phong cùi thân xác của con, để cho những người thân yêu kia đừng bao giờ biết đến nữa, cái đắng cay, cái lạnh lẽo kinh hồn của căn bệnh cùi tâm hồn...”

Lời kinh phản chiếu trái tim nhân hậu của Chúa Cứu Thế: "Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều."

9. Cần nghỉ ngơi đôi chút

Một nhà thám hiểm vùng Amazon (Braxin) cố gắng thực hiện một cuộc hành trình cấp tốc băng qua khu rừng già. Tất cả đều tốt đẹp trong hai ngày đầu. Nhưng đến này thứ ba, những thổ dân khuân vác không chịu di chuyển, họ nói: “Chúng tôi không thể tiếp tục nữa. Chúng tôi phải để cho linh hồn và thể xác đồng nhịp với nhau.”

Tất cả chúng ta đôi khi cũng cần phải dừng lại một chút để linh hồn theo kịp thể xác. Tiến sĩ William G. Menninger viết: “Tôi khẳng định rằng các vị lãnh đạo cần dùng một ít thời gian để xem xét mình đang đi về đâu… Bạn có biết là mình đang đi đúng hướng không, và quan trọng hơn là bạn muốn đi về đâu?

Có ích lợi bất ngờ nào mà tôi đã cảm nghiệm được qua việc thực hành suy tư trong thinh lặng không?

Hãy ở yên tĩnh trong nơi vắng vẻ, và bạn sẽ gặp được Ngài trong chính bạn (Thánh Têrêsa).

10. Một mái chèo thuyền đứng tại chỗ

Có một tu sĩ trẻ thắc mắc về chăm ngôn của Dòng mình “Cầu nguyện và làm việc.” Rồi một ngày kia, Viện phụ bảo anh chèo thuyền qua hồ với ngài. Viện phụ chèo trước, nhưng chỉ với một mái chèo và kết quả là thuyền chỉ xoay tròn mà không đi được. Tu sĩ trẻ nói: “Thưa cha, nếu không chèo hai mái, chúng ta sẽ chẳng đi được.” Viện phụ trả lời: “Đúng, mái chèo bên phải là cầu nguyện, mái chèo bên trái là làm việc. Nếu không hài hòa được chúng, con vẫn chỉ ở trong vòng xoáy.”

Tôi có luôn cố gắng giữ cân bằng giữa công việc và cầu nguyện không? Tôi nhận thấy thế nào khi có sự cân bằng?

Mỗi kitô hữu cần cầu nguyện nửa giờ mỗi ngày khi bận rộn. Nếu không bận lắm, cần cầu nguyện một giờ mỗi ngày (Thánh Phanxicô Salêsiô).

11. Lòng nhân hậu

Trước tình trạng thất nghiệp trầm trọng, một nhân viên chính phủ xúc tiến việc trợ giúp nông dân nghèo hạt giống và một số cải tiến cần thiết. Ngày nọ, ông tình cờ gặp một phụ nữ ở khu đồi Tennesse. Bà sống trong một căn nhà sàn bẩn thỉu, các cánh cửa sổ phủ đầy hắc ín. Nhân viê chính phủ hỏi bà: “Nếu tôi cho bà 200 đô la bà sẽ làm gì?” Bà suy nghĩ một lát rồi nói: “Tôi nghĩ là tôi sẽ cho người nghèo”

Câu truyện về người phụ nữ sau đây và về Salomon mời gọi tôi tự hỏi: Tôi đã bị mù lòa độ nào bởi nhu cầu bản thân, đến nỗi tình yêu của tôi không thấy được nhu cầu của anh em?

Tôi đã gặp trên đường phố một thanh niên rất nghèo, nhưng biết yêu thương. Chiếc mũ của anh quá cũ, áo khoác rách rưới và nước thấm qua cả đôi giày, nhưng có những tinh tú lấp lánh xuyên qua linh hồn anh (Victor Hugo).

12. Cần có thời giờ để biết mình

Cách đây nhiều năm, bác sĩ W.R.Luxton đã viết: “Tôi không cường điệu về tầm quan trọng của thói quen suy tư trong thinh lặng đối với sức khỏe thể xác, tâm trí và linh hồn. Cuộc sống của con người thời đại cực kỳ bất ổn. Chúng ta cần phải khám phá đời mình trong thinh lặng và chậm rãi trước mặt Thiên Chúa”

Từ khi bắt đầu dành thời giờ để cầu nguyện và suy tư trong thinh lặng, kinh nghiệm ấy đã tác động tôi ra sao?

Đôi khi chúng ta phải đi đây đó để cảm nghiệm nỗi cô đơn. Chỉ những ai học cách sống trong cô đơn mới hiểu được mình và cuộc đời. Tôi ra khỏi nhà, dạo bộ, nhìn ngắm cây cối và bầu trời. Tôi lắng nghe âm thanh của cái vắng vẻ. Ngồi trên tảng đá… tôi nhủ thầm: Anh là ai, Sandburg? Anh từ đâu đến và đang đi về đâu? (Carl Sandburg).

13. Giáo hội cần các Kitô hữu điên

Tại một đại hội giới trẻ, một Giám mục Mỹ đã giảng một bài sôi nổi; trong đó, ngài lặp đi lặp lại ‘câu thần chú’: “Giáo Hội cần những Kitô hữu điên!" Quan điểm của ngài thật rõ, Kitô hữu phải đi ngược lại các xu hướng thời đại. Khi làm điều đó, bạn trông có vẻ “điên”, nhưng nó lại trông giống Chúa Giêsu. “Điên” khi Kitô hữu trở nên công cụ của Chúa cho tha nhân trong một thế giới ích kỷ; “điên” khi thực hiện công lý trong một thế giới bất công; “điên” khi yêu thương trong một thế giới hận thù; “điên” khi tha thứ trong một thế giới tranh chấp. Và hôm nay, bạn và tôi “điên” khi cần cho mình một ‘nơi thanh vắng’ trong một thế giới điên đảo xô bồ hơn bao giờ hết!

Thế giới đang quay; và xem ra mọi người đang biến ‘sự bận rộn’ thành một ‘huy hiệu danh dự’. “Mọi chuyện thế nào, thưa cha?”; “Khá điên! Khá bận!" Lời ấy mang một thông điệp ngầm, “Tôi đáng giá, vì tôi bận." Không! Đó không phải là ‘huy hiệu danh dự’, nhưng là dấu của một cuộc sống mất cân bằng, một sứ vụ mất cân đối, và một nội tâm mất chiều sâu!

“Mọi vấn đề của nhân loại đều bắt nguồn từ việc con người không thể ngồi yên lặng trong phòng một mình!” - Blaise Pascal.

Lời Chúa Tuần 4 Thường Niên
Thường niên V-GS C-PS Ngoại lịch