Gia vị cho Lời Chúa Lễ Nến

 DÂNG CON TRẺ

Lời Chúa: Lc 2, 22-40

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa." Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu con.

Và đây ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

"Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa."

Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: "Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!"

Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.

Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo Luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

TRUYỆN KỂ

1. Tiến Dâng Cho Chúa

Sống là chấp nhận thuộc về. Mở mắt chào đời là thuộc về một gia đình, một đất nước. Càng sống con người càng thấy mình thuộc về nhiều hơn. Thuộc về một nhóm, một giáo xứ, một nơi làm việc...

Khi đôi bạn trẻ yêu nhau, họ muốn trái tim của họ thuộc về nhau. Thuộc về nhau là nền tảng của sự chung thủy.

Đối với Do thái giáo, bé trai đầu lòng mới sinh ra thì thuộc về Chúa, được thánh hiến dành riêng cho Chúa. Cha mẹ cậu phải bỏ ra một món tiền tượng trưng để chuộc cậu về cho mình (x. Ds 18,15-16; Xh 13,13)

Bài Tin Mừng hôm nay không nói đến chuyện chuộc con, nhưng lại nói đến việc bà Maria và ông Giuse tiến dâng con trai đầu lòng cho Chúa. Từ khi vào đời làm người, Ngài đã nói: "Này tôi xin đến để thực thi ý Chúa." (Dt 10, 9)

2. Lịch sử lễ Nến

Thánh lễ 40 ngày sau lễ Giáng Sinh đã xuất hiện từ đầu thế kỷ thứ V tại Giêrusalem và được “mừng một cách trọng thể như lễ Phục Sinh vậy” (tường trình của thánh nữ hành hương Aetheria). Mãi đến năm 650, thánh lễ này mới du nhập vào Roma. Nội dung thánh lễ được triển khai theo đoạn Phúc Âm thánh Lu-ca 2,22-40.

Giáo hội Phương Đông hiểu thánh lễ này như lễ gặp gỡ của Chúa: Đấng Mê-si bước vào Đền Thờ và gặp dân Thiên Chúa của Cựu Ước qua ông Si-mê-on và bà tiên tri An-na; Giáo Hội Tây Phương lại coi đây là thánh lễ mừng kính Đức Maria: thanh tẩy theo luật Do Thái (Lv 12).

Khi du nhập vào phụng vụ Rô-ma, Đức Thánh Cha Sét-gi-ô I (678-701) lại thêm vào nghi thức rước nến, vì thế từ thế kỷ VIII, thánh lễ được gọi là Lễ Nến. Trong cuộc rước nến này, Đức Thánh Cha và cả đoàn đồng tế mặc phẩm phục tím, ám chỉ sự chưa thanh tẩy của Đức Maria khi lên Giêrusalem; khi đoàn đồng tế đến Đại thánh đường Đức Bà Cả, liền thay phẩm phục trắng, chỉ sự tinh tuyền đã được thanh tẩy của Đức Maria.

Từ cuộc canh tân Phụng Vụ năm 1960, ngay cả trong phụng vụ Rô-ma, thánh lễ này cũng qui hướng về Chúa, hơn là Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ.

Trong tông huấn “Marialis Cultus”, bàn về lòng tôn sùng kính mến Mẹ, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã gọi Mẹ là “Trinh nữ hiến dâng." Từ năm 1997, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đặt ngày lễ dâng Chúa Giêsu trong đền thờ làm ngày của Đời Sống Thánh Hiến. Chúa Giêsu được dâng hiến cho Chúa Cha nên trọn vẹn thuộc về Cha. Suốt đời, Ngài sống cho Cha, thi hành thánh ý Cha, vâng lời Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết thập giá. “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha“, đây là một hiến dâng trọn vẹn nhất. Những người sống đời thánh hiến muốn noi gương Chúa Giêsu, dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa.Theo lời khuyên của Phúc âm, các Tu sĩ tự nguyện sống đời trong sạch, nghèo khó và vâng lời.

Thánh lễ này chấm dứt chu kỳ Giáng Sinh.

3. Nhà không có mái che

Một thanh niên Scốt-len tìm được một chân làm vườn trong một gia đình giàu có. Nhưng chỉ hai tuần sau, anh xin thôi việc. Một người bạn hỏi:

- Có phải công việc quá cực nhọc không?

- Không, công việc rất nhàn.

- Có phải lương quá ít không?

- Không, lương khá lắm.

- Hay anh không thích đồ ăn ở đó?

- Cũng không phải. Đồ ăn rất ngon.

- Vậy tại sao anh thôi việc?

- Vì nhà đó không có mái che.

Đối với người Scốtlen, thành ngữ “nhà không có mái che” nghĩa là gia đình không biết cầu nguyện.

4. Chính Chúa đã bước vào đòi sống gia đình

Bước chân vào trại dưỡng lão, hình ảnh đập vào mắt tôi trước tiên là những cụ già lưng còng, ốm yếu hay liệt giường. Không khí ở đây thật khó chịu. Tôi phải lấy hết can đảm mới có thể đến gần thăm hỏi các cụ. Đến giờ ăn, chúng tôi chia nhau đút cơm cho các cụ. Một bà cụ nắm lấy tay tôi và nói: “Nhờ các cô mà chúng tôi mới được ăn no. Nhiều lúc muốn ăn cũng không được. Cám ơn các cô nhiều. Lần sau các cô nhớ đến nhé." Nghe cụ nói, tôi cảm thấy hối hận vì những ý nghĩ và thái độ thoạt đầu khi mới đến.

Nếu như ngày xưa Đức Giêsu đã được Mẹ Maria và thánh Giuse đưa lên Giêrusalem để tiến dâng cho Thiên Chúa theo luật Môsê, đồng thời bày tỏ vinh quang của Ngài cho muôn dân, thì ngày nay tôi cũng đã được cha mẹ đưa đến nhà thờ để tiến dâng cho Thiên Chúa, và nhờ bí tích Thanh Tẩy trở nên một kitô hữu. Là một kitô hữu, tôi sẽ làm gì để bày tỏ vinh quang Chúa nếu không phải là cảm thông và chia sẻ với những người nghèo khổ chung quanh, đặc biệt là những người già nua, bệnh hoạn, tật nguyền.

Xin cho con biết bày tỏ vinh quang Chúa bằng nỗ lực vun trồng sự sống, đón nhận và chia xẻ với những người nghèo khổ bất hạnh quanh con.

5. Lời cầu xin tốt đẹp

Có người coi như mình bị thất bại, vì Chúa không nhận lời cầu xin của mình. Có vẻ nản lòng. Nhưng một ngày kia, đang khi cầu nguyện Chúa soi sáng cho người ấy hãy vững tin và đặt tất cả niềm tin phó thác vào Chúa, Đấng đã xuống thế làm người như mọi người. Họ đã sáng tác được lời cầu nguyện sau đây:

Lạy Chúa, con cầu xin ơn mạnh mẽ để thành đạt, thì Chúa làm cho con ra yếu ớt để biết vâng lời, khiêm hạ.

Con cầu xin có sức khỏe để thực hiện những công trình lớn lao, thì Chúa lại bắt con bị tàn tật và chỉ làm được những việc tốt nho nhỏ.

Con cầu xin được giàu sang để sống một cuộc đời sung sướng, thì Chúa lại bắt con nghèo nàn để học biết thế nào là khôn ngoan.

Con cầu xin có được uy quyền để mọi người phải kính nể, thì Chúa lại cho con sự thấp hèn để con biết cần đến Chúa.

Con cầu xin cho có được tất cả để tận hưởng cuộc đời, thì Chúa lại cho con cả một cuộc đời để được hưởng mọi sự.

Con xin gì cũng chẳng được theo ý con muốn, nhưng những điều con đáng phải mơ ước mà con không hề biết thốt lên lời cầu xin, thì Chúa lại đã ban cho con thật dư đầy từ lâu.

Lạy Chúa, hoá ra con lại là người có phúc hơn hết trên đời này, bởi con đã nhận được ơn phúc Chúa vô vàn.

6. Cây bút chì

Người thợ làm bút chì nâng niu sản phẩm của mình trước khi cho nó vào hộp. Ông nói với bút chì: “Có 5 điều mày cần phải nhớ trước khi tao để mày bước vào thế giới hỗn độn ngoài kia. Lúc nào mày cũng phải nhớ và không bao giờ được quên những điều ấy, khi đó, mày mới trở nên một cây bút chì đẹp nhất, hiểu không?

Thứ nhất, mày luôn có thể tạo ra những thứ rất vĩ đại, nhưng chỉ khi nào mày nằm trong tay một ai đó.

Thứ hai, mày phải liên tục chịu đựng những sự gọt giũa rất đau đớn, nhưng hãy nhớ, tất cả đau đớn ấy chẳng qua để làm cho mày đẹp hơn mà thôi.

Tiếp theo, mày phải nhớ lúc nào mày cũng có thể sửa chữa những lỗi mà mày ghi ra.

Và một điều nữa, hãy biết phần quan trọng nhất trên cơ thể của mày chính là phần ruột, phần bên trong chứ không phải là lớp vỏ ngoài.

Cuối cùng,, mày, bút chì, phải để lại vết chì của mày trên bất cứ bề mặt nào mà mày được sử dụng để viết, và phải liên tục viết, bất kể chuyện khó khăn gì, được không?

Cây bút chì hiểu rõ những lời người thợ nói và nó tự hứa sẽ nhớ tất cả những điều ấy, và rồi, nó vào nằm trong hộp để bước ra thế giới với những mục đích riêng mà nó đã định.

Mẹ Maria đã trở nên một cây bút chì tuyệt vời để Chúa sử dụng trong cuộc việc cứu chuộc loài người. Mẹ không từ chối Chúa một sự gì. Tiếng Fiat luôn chiếm hữu tâm trí Mẹ để mọi việc được diễn tiến theo thánh ý Chúa, cho dù thân xác Ngài phải bị hao mòn.

Noi gương Đức Mẹ, bạn hãy thử đặt chính bạn vào vị trí cây bút chì. Lúc nào bạn cũng phải nhớ và không bao giờ được quên những điều này, khi đó, bạn sẽ trở thành một con người vĩ đại cho mà xem.

7. Chúa dùng người hèn mọn

Có người hỏi Thánh Phanxicô thành Assisi (1182-1226) tại sao và bằng cách nào ngài làm được nhiều sự trọng đại, Ngài vui vẻ trả lời:

- Cũng dễ thôi, Chúa từ trời cao nhìn xuống và nói: “Ta kiếm đâu được một người yếu đuối nhất, bé mọn nhất, vô nghĩa nhất ở trần gian này!”

Ngài nhìn thấy tôi, Ngài nói:

- Đây là người Ta tìm được và Ta muốn hành động qua người này. Người ấy sẽ thấy rằng Ta dùng nó chỉ vì nó là con người hèn mọn nhất, khiêm hạ nhất.

Lạy Mẹ Maria đầy lòng khiêm nhu, xin uốn lòng mỗi người chúng con nên giống Mẹ. Amen.

8. Con riêng của Đức Mẹ

Anrê Corsinô, ngay từ khi mới sinh đã được cha mẹ giáo dục cách đặc biệt. Mẹ Anrê đã dâng con mình cho Đức Mẹ Maria cách riêng và hướng dẫn con trên đường đạo đức. Nhưng vừa khôn lớn, Anrê đã ảnh hưởng những trẻ em vô giáo dục mà trở nên chơi bời hư đốn. Cha mẹ cậu hết sức đau buồn, ngày đêm tha thiết cầu nguyện cho con mình được cải thiện đời sống.

Một hôm bà vừa khóc vừa bảo con:

"Anrê con ơi, con chính là con chó sói mà mẹ đã mơ thấy ngày xưa. Trước khi sinh con, mẹ nằm mơ thấy một con chó sói chạy vào nhà thờ Đức Mẹ ở Carmes, khi trở ra, nó đã trở nên hiền lành như con chiên. Cha mẹ đã hiến dâng con cho Đức Mẹ, nhưng cách sống của con rõ ràng đúng như giấc mộng mẹ đã thấy, ít là phần đầu. Mẹ sẽ sung sướng chừng nào, nếu trước khi nhắm mắt, mẹ được thấy phần thứ hai của giấc mơ."

Những lời nói tha thiết đó làn Anrê cảm động. Biết mình đã thành con riêng của Đức Mẹ, Anrê lo cải thiện đời sống, tránh xa dịp tội, thời gian sau, cậu từ bỏ trần đời, dâng mình trong tu viện tại Carmes, sau cùng cậu trở thành thánh Giám mục Anrê Corsino.

Hôm nay Giáo Hội mừng kính lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh. Chúng ta cùng theo Mẹ Maria và thánh Giuse lên đền thờ để được thanh tẩy và dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa và luôn sống theo ánh sáng của Chúa Kitô.

9. Thắp lên một ngọn nến

Thế giới hôm nay có những kẻ thù địch với Kitô giáo. Họ hăng say tuyên truyền cho tội ác và tìm mọi cách để thu hút, lôi cuốn đám đông đi theo đường hướng của họ.

Trước sự kiện này, một số các tín hữu nhiệt thành đã thiết lập phong trào thánh Christôphôrô. Những người gia nhập phong trào này không cần phải ghi tên hay đóng góp chi cả, miễn là cố gắng làm thế nào chứng minh cho kẻ khác biết được rằng: tất cả chúng ta đều được Chúa yêu thương và chăm sóc. Chính vì thế mà phải sống một cuộc sống chan hòa tình người, tôn trọng những quyền lợi của nhau, cũng như sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Điều mà phong trào này tâm niệm đó là:

- Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn là ngồi đó mà rủa xả bóng đêm.

Đọc lại Phúc âm, chúng ta ghi nhận điều này: Đức Kitô là ánh sáng muôn dân.

Thực vậy, hôm nay trước cửa đền thờ, ông già Simêon đã nói tiên tri về Hài nhi Giêsu như sau:

- Lạy Chúa, xin để tôi tớ này được ra đi bình an, vì mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ, Chúa dọn ra trước mặt nhân trần, làm ánh sáng rạng soi dân ngoại, còn Israen dân Chúa được vinh quang.

Rồi trong cuộc sống công khai, chính Đức Kitô cũng đã từng công bố:

- Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta sẽ không còn ngồi trong đêm tối.

Hay như thánh Gioan đã xác quyết:

- Nơi Ngài có sự sống. Và sự sống là ánh sáng cho muôn dân. Anh sáng đã chiếu soi trong u tối.

Một khi Đức Kitô đã là ánh sáng, thì Mẹ Maria chính là chiếc đèn, bởi vì Mẹ mang trong mình ánh sáng và từ đó tỏa lan khắp nơi. Hôm nay nơi đền thờ Giêrusalem, Mẹ bồng ẵm trong vòng tay của mình Hài nhi Giêsu, ánh sáng muôn dân. Không phải Mẹ chỉ bồng ẵm Chúa trên đôi tay của mình, mà hơn thế nữa, tâm hồn Mẹ hoàn toàn được ánh sáng Chúa chiếu soi và biến đổi. Mẹ chính là tấm gương trung thực nhất phản ảnh mọi nhân đức của Chúa.

10. Sức mạnh của ngọn nến nhỏ

Trong một buổi thuyết trình, vị linh mục được mời nói chuyện, đã bắt đầu bằng cách tắt hết các bóng điện, khiến cho tăm tối phủ kín khắp phòng. Rồi ngài đánh một que diêm và thắp lên một ngọn nến. Ánh sáng của ngọn nến tuy yếu ớt, nhưng cũng đủ để họ nhìn thấy được khuôn mặt của người bên cạnh. Và nếu người nào cũng thắp lên một ngọn nến như thế, thì hẳn căn phòng sẽ rực rỡ, sẽ chan hòa ánh sáng.

Đừng nói rằng: - Mình chẳng làm gì được.

Trái lại, thay vì ngồi phê bình và chỉ trích, thở dài và bi quan, chúng ta hãy góp phần nhỏ bé của chúng ta vào công cuộc đẩy lui ảnh hưởng của đêm tối, của tội ác.

Nếu hoạt động của đêm tối là âm mưu, là thù oán, là tham vọng bất chính, thì hoạt động của ánh sáng phải là nhân hậu, phải là tha thứ, phải là khiêm cung.

Nếu một con én không làm nổi mùa xuân thì ít nữa nó cũng góp phần báo tin mùa xuân đang đến.

Chúng ta cũng vậy, thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn là ngồi đó mà rủa xả bóng đêm.

11. Mẫu gương của bậc cha mẹ

Tổng Thống George Washington một trong những nhà anh hùng của nền độc lập Hoa Kỳ, thường được đề cao như một người con hiếu thảo đối với mẹ. Sau những trận chiến cam go nơi sa trường, sau những cuộc họp căng thẳng với các chính khách, sau những công việc bề bộn của một nguyên thủ quốc gia, ông vẫn dành cả tiếng đồng hồ để về nhà thăm người mẹ hiền và trò chuyện với bà nhiều giờ liền. Một hôm thấy con đã vất vả công việc quốc gia, lại còn mất nhiều thời giờ thăm viếng, an ủi mình, bà mẹ mới hỏi ông:

"Tại sao con lại chịu khó và mất thời giờ như vậy để ngồi bên cạnh mẹ?"

Vị Tổng thống vĩ đại của nước Mỹ đã trả lời, "Thưa mẹ, ngồi bên cạnh để lắng nghe mẹ nói, không phải là một việc mất giờ. Bởi vì, sự thanh thản và lòng nhân hậu của mẹ đã giúp con vui sống"