Gia vị cho Lời Chúa Thứ Tư tuần 4 thường niên

CHÚA GIÊSU TẠI QUÊ HƯƠNG NADARÉT

Lời Chúa: Mc 6,1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabát, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sủng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: "Bởi đâu ông nầy được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông nầy chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" Và họ vấp phạm vì Người.

Chúa Giêsu liền bảo họ: "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình." Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

TRUYỆN KỂ

1. Quyền lực âm thầm

Thánh Gioan Bosco, nhà giáo dục giới trẻ lừng danh nhất của thế kỷ 19 đã kể lại giấc mơ năm Ngài lên 9 tuổi như sau: Ngài mơ thấy mình ở giữa một đám trẻ đang chơi đùa, nghịch ngợm, cãi cọ và nói những lời thô tục. Muốn cho đám trẻ một bài học, cậu bé liền gọi một số em ra và dùng nắm tay để đe dọa. Nhưng chính lúc đó, Chúa Giêsu hiện ra gọi cậu bé lại và nói:

- Này Gioan, muốn biến những con chó sói này thành chiên con, thì con không nên dùng sức mạnh của đôi tay, mà hãy dùng lòng tốt.

Lúc đó, cậu bé thưa với Chúa:

- Lạy Chúa, chắc con không làm được đâu.

Chúa Giêsu liền chỉ cho Gioan Bosco thấy gương mặt hiền hậu của một người mẹ đang đi bên cạnh và nói:

- Ðây là mẹ của con và cũng là mẹ của chúng nữa. Với mẹ, con có thể biến đổi giới trẻ cho Nước Chúa, cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Quả thật, về sau, cả công cuộc giáo dục giới trẻ của Gioan Bosco đều được đặt dưới sự hướng dẫn và bảo trợ của Mẹ Maria.

2. Từ chối sự thật bởi định kiến

Đại thi hào R. Tagore, thi sĩ nổi tiếng Ấn Độ, là người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học. Ông có khiếu làm thơ ngay lúc còn thơ ấu…

Một ngày kia ông làm được một bài thơ và đưa cho bố coi thử. Chẳng biết bố có đọc hết hay không, nhưng liền nhăn mũi mà bảo: “Dở ẹc."

Ngày hôm sau, cậu lại sáng tác một bài thơ khác và cũng đưa cho bố coi thử. Lần này bố liền “kê tủ đứng vào mũi” cậu nhóc: “Đúng là bài thơ … con cóc."

Bực quá, cậu nhóc bèn chơi trò láu cá, cậu nghĩ ra một cái mưu nho nhỏ, đó là đem bài thơ vừa mới làm xong, chép lại cẩn thận, rồi ghi thêm xuất xứ từ trong một tập thơ cổ.

Lần này thì bố cứ đọc đi đọc lại, rồi vỗ đùi đánh đét một phát và phán: “Tuyệt vời, tuyệt vời, còn trên cả tuyệt vời nữa."

Sau đó, ông bố đem bài thơ khoe với anh con trai lớn, đang làm chủ nhiệm một tờ báo văn học. Cả hai bố con đều tấm tắc khen lấy khen để, rồi lại còn muốn đem trình làng cho bà con thiên hạ cùng thưởng thức. Và để cho ăn chắc, bèn bảo cậu nhóc đem cuốn thơ cổ ra để đối chiếu. Tới lúc đó thì mới vỡ lẽ ra: bài thơ ấy chính là của cậu nhóc. Ông bố giận sôi lên sùng sục, nhưng cũng cảm thấy thán phục cậu nhóc và hối hận cho thái độ mâu thuẫn của mình.

Rất có thể chúng ta đang có thái độ của dân làng Nadarét bằng cách không chấp nhận những sự thật không đúng với xét đoán mang tính so đo hơn thua vị kỷ của mình.

3. Đâu có tình yêu thương ở đó có Thiên Chúa

Một bề trên tu viện công giáo đến tìm một ẩn sỹ ấn giáo tại chân núi Hymãlạp sơn và trình bày về tình trạng bi đát của tu viện ông: Trước đây tu viện này là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân từ khắp nơi đến. Trong tu viện không còn nhận thêm người tu hàng ngày đến gõ cửa nữa. Thế mà tu viện bây giờ chẳng khác nào một ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sỹ thì lèo tèo vài người, cuộc sống thật là buồn tẻ. Vị bề trên hỏi tu sỹ ấn giáo cho biết nguyên nhân hay lỗi lầm nào đã đưa tu viện đến tình trang trên đây. Tu sỹ ẩn giáo ôn tồn bảo: “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình." Và ông giải thích: “Chúa Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quí vị, nhưng quí vị không nhận ra Ngài."

Nhận được lời giải đáp, vị bề trên hớn hở trở về tu viện. Ông tập họp mọi người lại và thông báo cho họ biết Chúa Cứu Thế đang cải trang thành một ngươì trong nhà. Các tu sỹ đều mở to đôi mắt và quan sát nhau. Ai là Chúa Cứu Thế cải trang vậy? Nhưng có điều chắc là một khi Ngài đã cải trang thì không ai có thể nhận ra Ngài được. Mỗi người trong họ có thể là Chúa Cứu Thế.

Vậy từ đó mọi người đều đối xử với nhau như với Chúa Cứu Thế. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm tin đã trở lại với tu viện. Từ khắp nơi người ta tìm đến tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến xin gia nhập cộng đoàn.

4. Lấy con dê làm bài thuốc hạnh phúc

Có một nhà hiền triết nọ, chuyên cố vấn giúp đỡ những ai gặp buồn phiền, chán nản trong cuộc sống. Bất cứ ai đến xin chỉ bảo cũng đều nhận được từ ông những lời khuyên thiết thực…

Một hôm, có một người thợ may mặt mày thiểu não chạy đến xin ông giúp đỡ. Gia đình ông gồm có ông, vợ ông và 7 đứa con trai nhỏ. Tất cả chen chúc nhau trong một căn nhà gần như đổ nát. Người vợ phải la hét suốt ngày vì sự quấy phá của 7 đứa con. Xưởng may của ông lúc nào cũng lộn xộn, bẩn thỉu vì những nghịch ngợm của lũ trẻ. Thêm vào đó là những tiếng la hét, khóc nhè suốt ngày, khiến người thợ may không thể chú tâm làm việc được.

Nghe xong câu chuyện, nhà hiền triết mới đề nghị với người thợ may như sau:

- Anh hãy ra chợ mua cho kỳ được một con dê, rồi dắt nó về cột ngay trong xưởng may của anh.

Người đàn ông đáng thương không đoán được ẩn ý của nhà hiền triết, nhưng vẫn đặt tất cả tin tưởng vào ông, cho nên anh về thu góp hết tiền của trong nhà để ra chợ mua cho kỳ được con dê.

Chúng ta hãy thử tưởng tượng: sự hiện diện của con dê trong xưởng may sẽ giúp được gì cho anh ta? Con vật hôi hám ấy không những không giúp được gì mà còn phóng uế nhơ bẩn kêu la be be om xòm suốt ngày. Cái xưởng may của anh ta vốn đã ồn ào nay lại biến thành một chuồng súc vật bẩn thỉu không thể chịu được…

Người thợ may lại đến than phiền với nhà hiền triết vì sự hiện diện của con dê. Lúc bấy giờ, nhà hiền triết mới bảo anh:

- Anh hãy tức khắc mang nó ra chợ và bán lại cho người khác.

Người đàn ông cảm thấy như nhẹ nhõm cả người. Anh dắt con vật ra chợ. Trong khi đó, ở nhà, vợ anh mang nước vào tẩy uế cái xưởng may. Bảy đứa nhóc con của anh bắt đầu trở lại xưởng may và hò hét trở lại. Khi về đến nhà, người đàn ông nhìn xuống sàn nhà của xưởng may rồi mỉm cười nhìn những đứa con trai của anh đang chạy nhảy la hét. Anh tự nhủ: dù sao, tiếng la hét của mấy đứa con của mình, so với tiếng kêu của con vật dơ bẩn, vẫn dễ chịu hơn nhiều. Anh nở một nụ cười thật tươi vì chưa bao giờ anh cảm thấy hạnh phúc bằng ngày hôm đó.

5. Giá trị bị đảo lộn

Một người thù ghét chủ tiệm buôn lớn, đã lợi dụng sơ hở của chủ nhân nên lẻn vào cửa tiệm giữa đêm khuya để tìm cách phá hoại.

Thấy trong cửa hàng có một bàn thờ bằng gỗ quý, chạm khắc rất mỹ thuật ghi giá bán 30 triệu đồng và một cái thùng rác ghi giá bán 10.000 đồng, người đột nhập gỡ miếng giấy ghi giá 30 triệu ở bàn thờ gắn vào thùng rác và gỡ miếng giấy ghi giá 10.000 đồng ở thùng rác dán vào bàn thờ. Thế là bàn thờ gỗ quý chạm khắc công phu chỉ có giá 10.000 đồng trong khi thùng rác hèn hạ được nâng giá trị lên đến 30 triệu đồng và y tiếp tục thực hiện như thế với những món hàng khác.

Thế là các món hàng quý báu bị mất giá nghiêm trọng còn những món hàng rẻ mạt thì được nâng cao giá trị gấp trăm lần. Hành động quái ác nầy khiến khách hàng không thể nhận ra đâu là giá trị đích thực của các món hàng nên có thể mua lầm một cách tai hại.

Đó là câu chuyện có thực trong xã hội hôm nay: Các giá trị của đời sống con người hôm nay cũng đang bị đảo lộn y hệt như thế, khiến rất nhiều người tôn vinh tiền tài của cải mà xem thường luân thường đạo lý, đánh giá cao những gì phù phiếm bên ngoài mà coi rẻ phẩm chất cao đẹp của con người. Thế là những điều phù phiếm được lên ngôi trong khi những phẩm chất cao đẹp của con người bị đẩy xuống hạng thấp kém.

Công Đồng Vaticano II nhắc nhở mọi người: “Giá trị con người không hệ tại những gì người ta sở hữu nhưng tuỳ thuộc phẩm chất của mỗi người"

Lạy Chúa Giê-su, Xin giúp chúng con “gắn lại bảng giá cho đúng với giá trị thật của mỗi món hàng”

6. Yêu bác thợ mộc

Một ngày kia, có đoàn khách làm việc từ thiện đến thăm một viện phong. Khi thấy một nữ y tá đang chăm sóc một người bệnh rất tận tụy, một ông khách dừng lại và hỏi thăm về gia cảnh của cô y tá. Cô y tá trả lời: “Tôi chưa lập gia đình, nhưng đã có người yêu. Người yêu của tôi là một bác thợ mộc.”

Đó chính là một cô gái đã tận hiến cuộc đời trong một tu hội đời. Cô từ khước cuộc sống gia đình, tình nguyện phục vụ các bệnh nhân đau khổ. Bác thợ mộc kia chính là Chúa Giêsu, người yêu muôn thuở của cô.

Xưa kia “bác thợ mộc” ấy đã bị coi thường và bị từ chối tại quê quán mình. Chớ gì hôm nay “bác thợ mộc” ấy vẫn mãi là người yêu dấu của muôn trái tim con người.

7. Trường dạy chân lý

Chúa có thể dùng quyền phép để mọi người công nhận lời Chúa rao giảng, nhưng rồi Chúa cũng tôn trọng quyền tự do con người. Con người nhận hay không nhận chân lý, mỗi người đều có tự do lựa chọn, và cũng vì tự do này, con người mới được công phúc hay mới bị trừng phạt.

Bài học đặc biệt Chúa muốn dậy ta là: mọi việc ta làm, mọi dự tính của ta không phải lúc nào cũng trôi chảy, lúc nào cũng kết quả như lòng ta mong muốn. Chính Chúa đã qua những thất bại, thất bại một cách chua cay ở Nazareth, trước mặt đông đảo quần chúng, thì chúng ta ở đây, mỗi lần ta gặp những rủi ro trái ý, vì lý do nọ, lý do kia, ta bị nghi oan, bị người khác hằn học, công việc của ta không trôi chảy, thì chúng ta hãy nghĩ tới những chi tiết của bài Tin Mừng hôm nay.

Thánh Anphongsô có nói: “Khoa học của các thánh, hệ tại kiên trì chịu đau khổ vì Chúa Giêsu, đó là phương tiện tự thánh hóa một cách mau chóng.”

Một hôm cha Jérome Natalis hỏi thánh Inhatiô: “Con đường nào, ngắn nhất và chắc chắn nhất để đi tới trọn lành, đi tới nước trời?” Thánh Inhatiô đã trả lời: “Đó chính là biết chịu đựng những nghịch cảnh lớn lao vì lòng mến Chúa Giêsu Kitô.”

8. Chúa Giêsu đóng đinh Philatô

Đức Cha Sanh, (giám mục giáo phận Sàigòn 1942-1955) đã thuật lại câu truyện sau:

Chịu chứng Linh Mục xong, Ngài sang Việt Nam và được bổ coi xứ Di Linh. Ngày từ lúc tới Di Linh, ngài đã phải vất vả, tự tìm hiểu tiếng nói sắc tộc Kô Hô…

Tuy chưa am tường ngôn ngữ của họ Ngài cũng cố dịch một số kinh cần thiết như kinh Lậy Cha, kinh Tin kính… ra tiếng Kô Hô. Riêng kinh Tin Kính, Ngài đã dịch sai câu “chịu nạn thời quan Phongxiô Philatô chịu đóng đinh trên cây thánh giá.” Ngài dịch sai thế nào mà toàn thể xứ đạo đều hiểu là Quan Philatô chịu đóng đinh trên cây thập giá và tai hại hơn, khi có dịp kiểm tra giáo lý thì các ông bà già tới con nít đều hiểu là chính Chúa Giêsu đã đóng đinh quan Philatô.

Ngài vội dịch lại câu đó, rồi tập hợp bổn đạo, dậy họ đọc và hiểu cho đúng là quan Philatô đã lên án đóng đinh Chúa Giêsu, chứ không phải Chúa Giêsu đóng đinh quan Philatô.

Nhưng ngay lúc đó, một cụ già (vào loại am hiểu giáo lý nhất trong xứ đạo) giơ tay xin phát biểu ý kiến, cụ nói: “Xin cha cứ để đọc như cũ, đừng sửa lại, là vì Chúa Giêsu là con Đức Chúa Trời, phép tắc vô cùng, ngài đóng đinh người quan Philatô cũng được, chứ đóng đinh một quan Philatô, thì đã ăn nhằm gì!”

 “Ai muốn theo ta, thì phải quên mình, phải vác thập giá mình mà theo ta” (Lc 9,23). Tôi có coi lời Chúa dạy là một nghịch lý không?

9. Biển nằm ở đâu?

Một con cá biển nói với một con khác: “Xin lỗi anh, anh lớn tuổi và có nhiều kinh nghiệm hơn, tôi hy vọng anh sẽ giúp được tôi. Hãy vui lòng nói cho tôi biết cái mà người ta gọi là biển nằm ở đâu? Tôi đi tìm hoài mà chẳng tìm được gì cả.”

“Anh tìm biển ư? Nhưng đây là biển mà.” Con lớn tuổi hơn trả lời.

“Ồ, đây là biển à? Tôi chỉ thấy toàn là nước, cái tôi đang tìm là biển chứ”, con cá trẻ tỏ ra rất thất vọng, rồi tiếp tục bơi đi chỗ khác mà tìm.

Chúa luôn ở giữa Dân Chúa. Thế nhưng chỉ vì lòng chai dạ đá mà họ không nhận biết Ngài, như lời Chúa than thở với Êgiêkien khi sai ông đến với họ: “Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Ít-ra-en, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay” (Ed 2,3).

10. Để được Chúa làm phép mầu

Khi một nhóm giáo sư Hoa kỳ đến thăm Mẹ ở Calcutta, họ đã hỏi Mẹ cách giữ gìn bầu khí gia đình.

- Hãy mỉm cười với vợ bạn, mỉm cười với chồng bạn.

Một người chưa kết hôn hỏi Mẹ:

- Mẹ có lập gia đình không?

Trước sự ngạc nhiên của họ, mẹ trả lời:

- Có, và tôi thấy rằng đôi khi tôi thật khó mỉm cười với Chúa Giêsu. Có lúc Ngài đòi hỏi rất khắt khe.

Như dân Nagiarét chỉ thấy nơi Chúa một anh thợ, Nước Trời không thể đến, Đức Kitô cũng không thể làm phép lạ cho ai tìm đến Chúa chỉ với những ước vọng thế tục, khấn với Chúa như một đối tác kinh doanh.

Đòi hỏi khắt khe Chúa đưa ra cho dân làng Nagiarét xưa và cho chính tôi hôm nay là phải thay đổi chính mình, vượt qua cái nhìn thế tục để nhìn ra vẻ đẹp của sự khôn ngoan thiên quốc trong giáo huấn Đức Kitô. Nếu không, “Người không thể làm một phép lạ nào!”

11. Ai ghen tỵ là tự sát

Thế vận hội phát xuất từ những môn chơi của Hy Lạp diễn ra trên vùng thảo nguyên Olympia vào năm 766 trước Công nguyên. Những thị trấn cổ thường tỏ lòng kính trọng những người chiến thắng bằng việc dựng lên một tượng đài danh dự. Có câu truyện Hy Lạp kể về một thị trấn có truyền thống kính trọng vị anh hùng của địa phương mình. Đối thủ của vị anh hùng ganh tỵ đến nỗi một đêm kia đã đập phá và xô đổ bức tượng. Bức tượng đổ xuống và đè bẹp anh ta. Câu truyện nói lên thảm kịch của lòng ghen tỵ dẫn đến “gậy ông đập lưng ông." Sự lây nhiễm của ghen tỵ là một trong những nguyên nhân khiến các tiên tri thường không được kính trọng ở quê hương mình.

Ghen tỵ là nhân tố đã ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống và công việc của tôi? Tôi có thể làm gì để đi ảnh hưởng của nó?

Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính, còn người ghen tỵ nhìn bằng kính hiển vi (McKenzie).

12. Người có giá trị không sợ bị chối từ

Cha Paride Taban trở về Sudan sau khi được thụ phong linh mục tại Uganda. Ban đầu, đồng bào của ngài gạt bỏ ngài. Họ nói: “Ông mà là một linh mục ư? Thật khó tin. Ông cũng da đen như chúng tôi và cũng là thành viên của bộ tộc Madi này. Làm sao ông có thể là linh mục của Chúa như những nhà truyền giáo da trắng?” Paride đã trả lời họ bằng giọng thông cảm. Hai năm sau những kẻ chối bỏ ngài đã đón nhận ngài với một tình cảm sâu sắc.

Việc Chúa Giêsu và cha Paride bị khước từ mời gọi tôi tự hỏi: tôi đã chấp nhận ra sao khi bị chối bỏ, đặc biệt là bởi những người tôi yêu mến?

Để giữ trạng thái cân bằng, người nào đó đã có một con chó tôn thờ anh ta, thì cũng nên có một con mèo phớt lờ anh ta.

Lời Chúa Tuần 4 Thường Niên

Thường niên V-GS C-PS Ngoại lịch