THIÊN CHÚA TÌNH YÊU Ở BÊN NHÂN LOẠI KHỔ ĐAU
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và
Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường,
lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm
tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.
Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những
bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người
chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không
cho chúng nói, vì chúng biết Người.
Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi
thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy
Người, các ông nói cùng Người rằng: "Mọi người đều đi tìm Thầy."
Nhưng Người đáp: "Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để
Ta cũng rao giảng ở đó nữa." Và Người đi rao giảng trong các hội đường,
trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ. Đó là lời Chúa.
TRUYỆN KỂ
1. Xoa dịu nỗi đau khổ
Tại một trung tâm y tế thuộc mạn đông nam bang Carolina bên Hoa
Kỳ, hình ảnh đầu tiên mà các bệnh nhân ghi nhận được, đó là nụ cười của cụ bà
Florence. Từ 6 giờ sáng, bà cụ lái xe khoảng 10 cây số đến bệnh viện và ở lại
đó 8 giờ trong một ngày và 7 ngày trong một tuần. Bà cụ có mặt bên cách bệnh
nhân để chăm sóc họ và an ủi những thân nhân của họ. Còn những lúc rảnh rỗi, bà
cụ lại cặm cụi đan những đôi vớ cho các bệnh nhân. Năm vừa qua, bà cụ đã đan được
395 đôi. Bà cụ không phải là một người có trình độ văn hoá cao, bởi vì lúc còn
nhỏ, thân phụ bà cụ không muốn cho các con gái của mình được học hỏi nhiều. Lập
gia đình, bà cụ có 7 người con và làm việc trong một tiệm thuốc tây. Tháng 4
năm 1983, sau một cuộc giải phẫu, bà cụ bắt đầu xuất hiện trong bệnh viện với
chiếc nạng gỗ nhưng vẫn vui vẻ giúp đỡ mọi bệnh nhân. Trong năm 1988, với 365
ngày bà đã có mặt tại bệnh viện 2920 giờ. Bà nói: Năm nay tôi đã 92 tuổi, nếu
được khoẻ mạnh thì tôi vẫn còn đến đây với nụ cười trên môi.
Cuộc đời của Chúa Giêsu là một sự dung hoà tốt đẹp giữa đạo và đời.
Thực vậy Ngài không phải chỉ hăng say rao giảng Phúc Âm, cứu rỗi phần hồn của
chúng ta mà hơn thế nữa, bằng những hành động bác ái yêu thương, Ngài còn xoa dịu
những nỗi đớn đau và thống khổ của chúng ta.
Nỗi đau khổ của bản thân sẽ được vơi nhẹ nếu chúng ta cố gắng
xoa dịu nỗi khổ của người khác. Đúng thế, đau khổ không được chữa trị bằng sự
chấp nhận đã đành, mà còn bằng những nghĩa cử chúng ta làm cho người khác.
2. Tình yêu cần việc làm
Ringhoff là một thuỷ thủ người Đức. Trong dịp mừng thượng thọ 80
tuổi người ta tới tấp đến thăm viếng và gởi lời chúc mừng. Trong số những người
gởi lời chúc mừng có Bộ trưởng Công Chánh. Trong bức thư, ông Bộ trưởng hết lời
khen ngợi ông thuỷ thủ già, bởi vì trong suốt thời gian hành nghề, ông thuỷ thủ
già đã vớt được tất cả 126 người khỏi chết đuối.
Cứu vớt người khỏi chết về phần xác là một hành động cao cả và tốt
đẹp. Vậy thì cứu vớt người khỏi chết về phần hồn lại càng cao cả và tốt đẹp hơn
biết chừng nào? Và trong ngày sau hết chính Chúa sẽ gởi lời chúc mừng đến cho bản
thân họ. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta làm được những gì để xoa dịu những đớn
đau của người khác và hơn thế nữa, chúng ta đã làm được những gì để góp phần
vào công việc truyền bá Phúc Âm, dẫn đưa người khác trở về cùng Chúa.
3. Sống cho người cũng là sống
cho mình
Là một bộ phận trong cơ thể, quả tim không sống cho mình nhưng sống
cho toàn thân, không ngừng bơm máu nuôi sống toàn thân. Phổi, gan, bao tử, cũng
không sống cho mình, vì mình, nhưng là sống cho toàn thân, làm tròn chức năng
được trao phó để phục vụ và nuôi sống toàn thể thân mình. Lẽ sống của mọi bộ phận
trong cơ thể con người đều như thế cả.
Nếu một ngày nào đó, tim, gan, thận, phổi, không phục vụ cho
toàn thân nữa mà chỉ quy hướng về mình, chỉ lo phục vụ riêng mình thì đó là
ngày tận cùng của chúng.
Mỗi chúng ta cũng là những tế bào, những bộ phận của một Thân Thể
lớn lao là nhân loại. Chúng ta không thể bo bo chăm lo cho riêng mình nhưng phải
sống hết mình, phải cống hiến đời mình phục vụ tha nhân theo gương Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống hết mình vì Chúa Cha và vì mọi người.
Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, đừng chỉ biết quy về
mình, chỉ biết mưu tìm hạnh phúc cho mình, nhưng biết hướng về tha nhân để mưu
tìm hạnh phúc cho họ, vì hạnh phúc chỉ thật sự đến với chúng con khi chúng con
biết đem lại hạnh phúc cho nhiều người.
4. Đừng quên Chúa vẫn ở ngay bên
Paul Tournier kể lại một trong những khám phá quan trọng nhất trong
đời ông như thế nào. Ông thường đến thăm một vị mục sư lão thành và ông cụ chẳng
bao giờ để ông ra về mà không cùng cầu nguyện với nhau.
Ông hết sức kinh ngạc vì cách cầu nguyện đơn sơ của vị mục sư nọ.
Nó giống hệt phần tiếp tục câu chuyện thân mật mà vị thánh tông đồ lão thành ấy
luôn trò chuyện với Chúa Giêsu.
Bác sỹ Tournier “về đến nhà, tôi sẽ kể cho vợ tôi nghe chuyện ấy
và chúng tôi cùng cầu xin Thiên Chúa cho chúng tôi cũng được thông hiệp mật thiết
với Chúa Giêsu như cụ mục sư nọ vậy.
Từ đó, Ngài trở thành trung tâm của giờ phút tĩnh tâm và là người
bạn đồng hành của tôi. Ngài vui lòng về mọi việc tôi làm và cũng quan tâm về việc
đó. Ngài là người bạn thân tôi có thể đem mọi sự xảy đến cho đời tôi ra thảo luận.
Ngài sẽ chia sẻ những niềm vui nỗi khổ, những hy vọng cùng mọi nỗi sợ hãi với
tôi. Ngài có mặt khi một bệnh nhân tâm sự với tôi. Ngài nghe người ấy nói còn
rõ hơn chính tôi được nghe nữa. Và khi bệnh nhân của tôi đi rồi, tôi vẫn còn có
thể trò chuyện với Ngài về người ấy."
Mấy lời trên đây bao gồm yếu tính sinh hoạt của Kitô hữu. Thế là
các môn đệ nguyên thủy đã học được điều trở thành thói quen cho cả đời sống:
đem hết mọi chuyện rắc rối của mình cho Chúa Giêsu và xin Ngài giúp đỡ mình.
5. Lòng biết ơn của mẹ vợ ông
Phêrô
Nhà văn Oscar Wilde viết “chuyện hay nhất Thế Giới” trong đó ông
kể: “Đấng Cứu Thế đi từ miền thôn quê tầm thường lên một thành phố muôn phần sặc
sỡ.
Khi đi qua một phố đầu tiên Ngài nghe có tiếng nói phiá trên đầu,
nhìn lên thấy một thanh niên nằm vắt ngang thành cửa sổ. Chúa hỏi sao ngươi lại
bỏ phí linh hồn trong say sưa? Hắn đáp: thưa Chúa, tôi là người phong đã được
Chúa chữa lành, bây giờ tôi còn biết làm gì khác hơn?
Đi xa hơi một chút nữa, Ngài thấy một thanh niên đang lẽo đẽo
theo sau một cô gái mại dâm, Ngài bảo: Tại sao ngươi bỏ phí cuộc đời của ngươi
trong trác táng? Chàng đáp: Thưa Chúa, tôi là người mù được Chúa chữa lành, bây
giờ tôi còn biết làm gì khác hơn?
Cuối cùng ở giữa thành phố, Ngài thấy một người già nằm co dúm
trên đất khóc lóc, và khi được Chúa hỏi ông đáp: Lạy Chúa tôi là người chết được
Chúa cho sống lại, bây giờ tôi còn biết làm gì khác hơn là khóc?
Đó là những ví dụ kinh khủng nói lên cách con người đã tàn nhẫn,
vô tâm khi sử dụng ơn phúc và lòng thương xót của Chúa. Bà mẹ vợ của ông Phêrô
đã dùng sức khoẻ phục hồi của mình để phục vụ Chúa và tha nhân. Đó là cách
chúng ta sử dụng mọi hồng ân Chúa ban.
6. Sống là chiến đấu
Lafontaine có kể một câu chuyện ngụ ngôn như thế này: có một tiều
phu vác củi từ trong rừng về nhà. Củi thì nặng mà sức thì yếu cho nên ông ta cứ
than thở hoài. Sau hết vì quá chán nản, ông đã kêu thần chết đến đem mạng sống
mình đi phứt cho rồi.
Vừa kêu dứt tiếng thì thần chết bỗng hiện ra, mặt mày khủng khiếp,
tay cầm sẵn lưỡi hái. Thần chết hỏi: "Mi gọi ta đến để làm gì?" Ông
tiều phu mặc dù vừa mới đòi chết nhưng khi thấy thần chết thì hoảng sợ và không
muốn chết nữa, bèn nói trớ: "Xin ông làm ơn đặt bó củi này lên vai hộ tôi."
Thần chết bỏ lưỡi hái xuống và đem bó củi chất lên vai người tiều
phu. Ông này vội vàng cám ơn và nhanh chân rảo bước, không còn thấy nặng nhọc
gì nữa.
Tất cả 3 bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay đều bàn đến những việc
lao động nhọc nhằn trong cuộc sống chúng ta nơi trần gian này. Cuộc sống này quả
là vất vả: ai nấy phải làm lụng từ sáng tới chiều, quần quật hết ngày này sang
ngày khác, hết tháng nọ sang tháng kia để kiếm lấy miếng cơm manh áo.
Kẻ thì lao động chân tay, người thì lao động trí óc, nhưng tất cả
mọi người đều phải làm việc vất vả. Làm để có cái mà ăn, ăn để có sức mà làm.
Làm-ăn, ăn-làm như một cái vòng lẩn quẩn trói buộc con người, cho tới khi con
người làm không nổi, ăn không vô thì cũng là lúc sắp xuôi tay chấm dứt một kiếp
sống làm người.
Ông Gióp nói: "Lao động nhọc nhằn là kiếp sống của tôi.
Ngày của tôi giống như ngày của một kẻ làm công, như một người nô lệ. Tôi phải
buồn sầu mãi cho đến tối và mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc."
Bài Tin mừng hôm nay mô tả một ngày làm việc của Chúa, một ngày
làm việc của tình yêu, vạch cho ta thấy phương hướng sống trước những công việc
bề bộn cực nhọc.
7. Dành thì giờ
Lần kia, có một người đàn ông đang cưỡi một con ngựa. Khi con ngựa
và người cưỡi ngựa ầm ầm phóng qua, một người nông dân già đang đứng ở cổng cất
tiếng hỏi: “Anh đang đi đâu đấy?”
Người đàn ông la lớn trong khi phóng vụt qua “Đừng hỏi tôi, hãy
hỏi con ngựa ấy."
Người đàn ông cưỡi ngựa tiêu biểu cho người có cuộc sống với
cách sinh hoạt hối hả không ngừng. Người đó không hề có tự do; anh bị nô lệ cho
công việc của mình. Nhưng vấn đề của anh ta còn sâu xa hơn. Anh ta không kiểm
soát được cuộc sống của mình.
Người ta có thể quá muộn để bắt kịp công việc, đến nỗi họ không
dành ra được lấy một phút nào cho bản thân mình. Hoạt động có thể trở thành một
thứ bệnh tật. Đây là một tình trạng nguy hiểm.
Đức Giêsu cũng cần dành thì giờ cho bản thân mình, có chú tâm cẩn
thận đến những nhu cầu thể lý, tình cảm, tâm trí, và tinh thần của bản thân,
thì chúng ta mới có thể luôn lỉ là những người vui vẻ cống hiến.
8. Nơi hoang vắng
Một người đàn ông kia có thói quen tự mình ra đi, vào một khu rừng
hẻo lánh. Ngày kia, vì tò mò muốn biết anh ta đi đâu, nên có người bạn đã đi
theo anh vào rừng. Khi đuổi kịp anh ta, người bạn đó thấy anh đang ngồi yên lặng
trên một khúc gỗ.
Người bạn đó hỏi: “Anh đang làm gì thế?”
Anh trả lời “Tôi đang cầu nguyện."
“Nhưng tại sao anh phải đi đến nơi xa xôi này để cầu nguyện?”
“Bởi vì tôi cảm thấy là Thiên Chúa hiện diện ở đây."
“Nhưng phải chăng chúng ta có thể tìm thấy Thiên Chúa ở tất cả mọi
nơi, và phải chăng ở bất cứ nơi đâu cũng chỉ có một Thiên Chúa đó sao?"
“Thiên Chúa vẫn thế, nhưng tôi thì không."
Mặc dù chúng ta có thể tìm thấy Thiên Chúa, và cầu nguyện với
Người ở bất cứ nơi nào và tất cả mọi nơi – trong nhà bếp, ngoài đường phố, trên
xe hơi, tại nông trại, ở nơi làm việc – tuy nhiên, thật là một ý tưởng hay, khi
có một nơi đặc biệt – bờ biển công viên, núi non, nhà thờ, hoặc ở bất cứ nơi
đâu – mà tại đó, đôi khi chúng ta có thể rút lui khỏi những bận rộn của cuộc sống.
Tại những nơi này, chúng ta cảm thấy rằng dường như Thiên Chúa gần gũi hơn và
thân thiện hơn.
9. Sức mạnh của lời cầu nguyện
Linh mục Samson kể lại lời tự thuật của một người trong một bài
giảng ở nhà thờ Đức Bà Paris như sau: “Tôi đau rất nặng, người ta đem tôi vào bệnh
viện, không ai săn sóc tôi cả, ngoại trừ một chị y tá, chị tỏ ra rất tốt và hết
tình giúp đỡ tôi. Một đêm kia, trời đã rất khuya, tôi thấy chị quỳ gối im lặng
trong phòng, tôi hỏi: “Chị quỳ làm gì thế?”, chị trả lời: “Tôi cầu nguyện cho
ông." Chỉ mấy tiếng đồng hồ thôi đủ làm cho tôi bấy lâu nay không biết
Chúa, bây giờ tôi biết Chúa, tôi thấy Chúa nơi con người chị y tá ấy, giữa những
đau khổ thể xác và tinh thần, nhờ sự săn sóc đầy tình người và những lời cầu
nguyện đầy yêu thương của chị y tá ấy, tôi đã gặp Chúa."
Một thí dụ khác, bác sĩ Longghê là một người Pháp đã từng phục vụ
ở Việt nam cách đây mấy mươi năm và cũng nổi tiếng như bác sĩ Tôm Đulây, người
Mỹ, đã phục vụ ở Đông Nam Á. Ông tận tụy săn sóc, yêu thương các bệnh nhân, bất
kể giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, ngày cũng như đêm. Khi có người hỏi vì sao
ông yêu thương bệnh nhân như vậy? Vì sao ông có thể bỏ ăn bỏ ngủ vì bệnh nhân,
xem bệnh nhân là trên hết? Ông trả lời: “Vì thấy Chúa Giêsu trong mỗi người bệnh."
Mỗi sáng khi đi dự lễ, bệnh nhân lương giáo, ai muốn đi đều được ông cho đi xe
của ông, mỗi chiều Chúa nhật, ông lại đưa các bệnh nhân đi chơi, tham quan nơi
này nơi nọ, và mỗi tối, ông lần hạt chung với các bệnh nhân, vì là người Pháp,
về tiếng Việt ông chỉ thuộc kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh đủ để lần hạt.
Ít lâu sau, Longghê trở về Pháp, vào chủng viện, làm linh mục và tình nguyện
sang phục vụ những người nghèo khổ ở giáo phận Cần Thơ. Nhưng tiếc thay, sau
khi chịu chức, ông bị bệnh và qua đời trước khi tới nơi mong ước.
Nếu chúng ta không bắt chước được bác sĩ Longghê, thì chúng ta
có thể bắt chước được chị y tá trên đây, cầu nguyện cho các bệnh nhân.
10. Đổi mới bản thân
Một triết gia bên Ấn độ, ngồi kiểm điểm lại cuộc đời, đã ghi lại
như sau:
Thoạt tiên ở tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết, tôi đã sốt sắng
kêu xin thượng đế cho tôi có đủ nghị lực và cơ hội để thay đổi cả thế giới.
Đến tuổi trung niên, tôi bỗng nhận ra nửa đời trôi qua, mà chẳng
thay đổi được một ai, tôi liền điều chỉnh lời cầu của tôi với thượng đế.
Khi ấy tôi chỉ xin Ngài cho tôi đủ khả năng hoán cải những người
tôi gặp thường ngày, khởi đi từ những người thân yêu trong gia đình cũng như những
người bạn tôi hằng tiếp xúc.
Thế rồi đến nay, tôi thấy mình đầu tóc bạc phơ và mộng đẹp không
còn nữa. Tôi chỉ xin với thượng đế:
- Lạy Chúa, ít nữa xin ban cho con ơn biến đổi chính mình con.
Tiếc rằng tôi đã không xin với thượng đế điều đó ngay từ tuổi
thanh xuân, khiến tôi bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội để đạt được sự hoàn thiện nơi
chính bản thân mình.
Ta hãy đổi mới cuộc đời theo kiểu mẫu một ngày sống của Chúa
Giêsu.
11. Qua các bí tích Chúa vẫn ở bên
ta
Bác sĩ Tissot người Thuỵ sĩ rất nổi tiếng. Ông theo đạo Tin Lành
nhưng luôn tôn trọng nếp sống của người Công Giáo. Một hôm ông tới chữa bệnh
cho một bà ngoại quốc, bà đang sốt nặng và tỏ ra hoảng hốt cáu kỉnh. Là người
Công giáo, bà đòi gặp một linh mục trước rồi mới chịu để bác sĩ chích thuốc chữa
bệnh. Sau khi được giải tội và xức dầu, bác sĩ Tissot thấy bệnh nhân bình tĩnh
dịu dàng khác thường. Sáng hôm sau, bác sĩ Tissot trở lại, thấy bà giảm sốt và
bắt đầu bình phục bác sĩ Tissot thường nói chân thành: "Nhiều bệnh nhân
Công giáo đã lành bệnh nhờ bí tích xức dầu."
Tin Mừng hôm nay cho ta thấy Chúa đến giường bà mẹ vợ ông Simon
đang sốt nặng, cầm tay đỡ bà dậy. Được khỏi ngay, bà chỗi dậy lo việc phục vụ
Chúa và các môn đệ. Chúng ta có thể nghĩ tới Chúa Giêsu đã thực hiện bí tích xức
dầu cho bà. Mọi bí tích đều do Chúa thiết lập và cử hành trước. Cử hành bí tích
là làm lại cử chỉ của Chúa Giêsu. Kèm theo một lời của Chúa hay lời cầu nguyện
của Giáo hội.
12. Trong cầu nguyện có nghỉ
ngơi và tìm được sức mạnh
Tạp chí Thế Giới Bên Ngoài (Outdoor World) có đăng một bài rất
hay của Barry Lopez.
Vào một buổi sáng mưa phùn, Barry thức dậy một mình đi dạo trong
rừng trước buổi điểm tâm. Vừa rảo bước giữa những dãy thông và bá hương. Barry
vừa nhớ lại một buối sáng y hệt sáng hôm nay, khi còn là chú bé con, chàng đã
được nhìn thấy ông nội một mình bước ra khỏi nhà đi dạo ngang qua chính những
hàng cây này. Khi ông nội trở về chú bé Barry hỏi thăm nội đã đi đâu và đã làm
gì. Ông nội mỉm cười, ôm choàng Barry rồi nói: "Nào chúng ta hãy cùng đi
dùng điểm tâm, cháu nhé!"
Tiếp tục bước đi dưới cơn mưa phùn, Barry gặp một quãng rừng trống.
Chàng liền quỳ xuống và đặt đôi tay lên mặt đất ẩm ướt. Điều này gây cho chàng
cảm giác rằng chàng đang hiệp nhất với toàn thể vũ trụ. Barry nhớ lại lời ông nội
đã từng dạy bảo chàng: Khi nào cảm thấy cô đơn thì nên đi bách bộ vào rừng tìm
yên tĩnh, đoạn làm bất cứ điều gì đang được thôi thúc trong lòng, chẳng hạn như
quì gối xuống đặt tay lên mặt đất.
Nửa giờ sau, khi Barry trở về nhà, ông cảm thấy như được đổi mới,
được hồi phục sức lực. Bấy giờ ông mới hiểu được lý do ông nội thường hay đi dạo
trong rừng vào buổi sớm mai. Bà của Barry có lần nói cho ông hay đấy chính là
cách thức ông nội cầu nguyện. Ông ấy luôn luôn đi sang tận mé rừng bên kia, đứng
trên bờ biển, tay thọc vào túi, lắng nghe đại dương reo.
Giữa những bận rộn của cuộc sống, Chúa Giêsu vẫn tìm thời gian
nghỉ ngơi và cầu nguyện. Chúng ta cũng nên làm như thế.
13. Lặng yên
Một con tàu của hải quân Anh bị tai nạn. Trong khi bị nạn, con
tàu vang lên một tín hiệu được gọi là tín hiệu "Lặng Yên." Tín hiệu
này có nghĩa là: "Hãy ngưng tất cả những gì bạn đang làm. Hãy nghỉ ngơi và
xem xét lại tình hình của mình, và chuẩn bị làm những gì thật khôn ngoan."
Trước khi tín hiệu vang lên, ít có thuỷ thủ nào biết được điều
nào là điều khôn ngoan để mà làm đây. Nhưng trong thời gian nghỉ ngơi, họ đã biết
được điều gì cần làm. Tín hiệu "Lặng Yên" đã cứu được hàng ngàn mạng
sống quân Anh và hàng triệu bảng Anh.
Trong đời sống thường nhật chúng ta thường bị rơi vào tình trạng
khẩn cấp và chúng ta cũng chả biết làm gì ngay lúc đó. Thế rồi chúng ta la
toáng lên; "chúng ta có thể làm gì đây?" Thực sự, điều tốt nhất chúng
ta có thể làm là nghỉ ngơi và yên lặng. Sự nghỉ ngơi thường tạo nên điều kiện để
ta thành công và tránh cho ta những thất bại.
14. Thinh lặng tận hưởng cái đẹp
Một hôm, nhạc sĩ André Kostelanetz đến thăm nghệ sĩ Pháp Henri
Matisse. Khi Kostelanetz đến nhà Matisse, thần kinh ông bị suy nhược và ông gần
như kiệt sức. Matisse nhận ra tình trạng sức khoẻ người bạn, ông vừa đùa vừa
nói; "Này ông bạn, ông phải tìm ra những cây Áctisô cho đời sống của
ông." Nói xong, ông ta nắm tay dẫn Kostelanetz ra khu vườn nhà ông.
Khi cả hai đến gần một đám cây Áctisô, Matisse dừng lại. Ông nói
với Kostelantz là mỗi buổi sáng sau khi làm việc một lúc ông thường đến với đám
Astisô này để nghỉ ngơi yên tĩnh. Ông chỉ đứng đó ngắm nhìn đám Acstisô.
Đoạn Matisse nói thêm: "Dầu tôi đã vẽ được trên 200 bức
tranh tôi cũng vẫn luôn luôn nghiên cứu tổng hợp những màu sắc mới cũng như tìm
những bức mẫu tân kỳ. Không ai được phép quấy rầy tôi khi tôi lặng yên đứng ngắm…
điều này mang lại cho tôi nguồn hứng mới, một sự xả hơi cần thiết cũng như một
triển vọng mới cho công việc của tôi."
Mỗi người chúng ta nên ghi vào lòng lời Matisse khuyên nhủ André
Kostelanetz. Chúng ta phải tìm những đám Actisô cho đời chúng ta.
15. Cầu nguyện nâng tâm hồn lên
cao
Vào cuối thế kỷ 19, nhà hoạt động nổi tiếng người pháp tên
Frédéric Ozanam, đã trải qua một cơn khủng hoảng đức tin rất là nghiêm trọng. Một
hôm,để tìm chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi nhà thờ ở Paris.
Từ cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quỳ cầu nguyện một cách sốt sắng
ở hàng ghế đầu. Anh đứng lặng lẽ trong góc Nhà Thờ theo dõi cử chỉ của người
này. Và khi người này vừa đứng lên để ra khỏi Nhà Thờ, thì anh nhận ra ngay đó
chính là nhà bác học Pascal. Lòng đầy thắc mắc, anh theo nhà bác học về đến
phòng làm việc của ông. Thấy anh đứng trước cửa phòng với vẻ rụt rè, nhà bác học
lên tiếng hỏi:
Bạn đang cần gì? Tôi có thể giúp bạn giải một bài toán vật lý phải
không? Chàng ta đáp: Thưa ông, tôi là sinh viên khoa văn, tôi dốt khoa học lắm.
nhưng xin ông cho tôi hỏi một vấn đề đến đức tin.
Nhà Bác học trả lời:Đức tin là môn tôi yếu nhất. Nhưng nếu giúp
anh được việc gì tôi sẳn sàng. Thưa ông có thể vừa là bác học vĩ đại vừa là tín
hữu nhiệt thành cầu nguyện không?
Nhà Bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của anh. Ông ta trả lời: Anh
ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện thôi. Nhà bác học kiêm triết
gia nổi tiếng Pascal nói một câu rất thời danh: "con người chỉ vĩ đại khi
họ cầu nguyện."
Vậy cầu nguyện tức là thiết lập mối tương quan mật thiết với
Chúa. Sự cầu nguyện làm cho con người vĩ đại vì nó thể hiện đúng đắn đạo làm
người.
16. Sự cao trọng của một việc
làm nhỏ bé
Trong vùng có một quân nhân xấu ai thấy cũng chế diễu, bửu môi,
đánh đập, không ai làm bạn với anh cả. Anh sống đời cô đơn uồn tủi. Khi anh chết,
người ta thấy một tờ di chúc trong tay anh: "Xin trao số tiền 10,000 đồng
của tôi cho cô bé Kitty, vì suốt cuộc sống của tôi không nhận được nụ cười nào
của bất cứ ai, ngoại trừ nụ cười của bé Kitty trong một lần tôi gặp cô đi học về.
Đó là niềm an ủi nhất đời tôi, khiến tôi can đảm sống trọn cuộc đời cô đơn."
Cũng một câu chuyện nữa về một "Lời nói thân tình."
Tại một góc hè phố, người hành khất bại tay, nằm co quắp mở miệng
xin ăn. Người thì ném tiền vào nón của ông. Người thì cho cách khinh bỉ. Một
người sang trọng đi qua, ông xỏ tay vào túi rồi chẳng tìm được gì, ông nói:
"Này bác, rất tiếc tôi muốn giúp bác nhưng bất ngờ tôi không có đồng xu
nào trong túi mình cả." Người ăn xin trả lời: "Cám ơn ông, ông đã cho
tôi nhiều hơn cả mọi của bố thí. Ông đã gọi tôi bằng "Bác" thành thật
chưa bao giờ trong đời tôi nhận được danh xưng đó trên môi miệng một người sang
trọng bố thí cho tôi."
Thời đại nào, thế kỷ nào, ai ai cũng cần đến "Cái
tình" của con người, cần đến sự nâng đỡ, khích lệ trong cuộc sống.
17. Không cầu nguyện không được
việc gì
Đức Cha Tihamer Toth đã nói chuyện với thanh niên như sau :
”Bạn không muốn sao lãng những công việc bề bộn, thế thì, bạn
ơi, hãy nghe tôi : Đây là chiếc tầu vượt đại dương bắt đầu mở máy giữa lúc
giông tố nổi to, và một đoàn hải điểu theo bên như những tầu khác khởi hành.
Chiếc tầu nọ mở hết tốc lực mà không vượt được những làn sóng dữ dội. Gió ngược
mạnh vô cùng, chiếc tầu nghiêng ngả. Cả bộ máy rung chuyển, nhưng chiếc tầu chỉ
tiến khó khăn được đôi chút. Một hành khách thương hại nói: "Khốn nạn đàn
hải điểu. Mở máy tới hàng trăm, hàng ngàn mã lực thế mà chúng ta chỉ tiến được
đôi chút thôi. Chim ơi, chim làm được gì với đôi cánh mong manh và bắp thịt yếu
đuối” ?
Nhưng người hành khách thương hại bỗng nói và cảm động vô ngần:
"Đàn hải điểu nhẹ nhàng bay lượn với đôi cánh Đức Chúa Trời ban cho. Chúng
gối lưng lên gió vật. Và trong khi chỉ còn một việc, chỉ trông cậy có máy móc,
người ta tiến rất khó khăn, rất vất vả, thì đàn hải điểu vượt nhẹ nhàng lên trước
chiếc tầu với đôi cánh khéo léo, bay lượn thay cho sức yếu đuối của mình."
Bạn ơi, chiếc tầu đó là hình ảnh kẻ muốn thắng bằng sức riêng
mình. Đôi cánh chim hải điểu là hai tay người ta giơ lên trong lúc cầu guyện. Bạn
có còn cho rằng thời giờ bạn nguyện ngắm là thời giờ bỏ phí không ? Bạn có còn
nói rằng bạn không có thời giờ cầu nguyện không”?
18. Bỏ cầu nguyện, bỏ Chúa
Tại bảo tàng viện ở Wittenberg (Đức) người ta còn lưu giữ một lá
thư của một tu sĩ dòng Augustinô rất thời danh, mới 35 tuổi, đã làm tới chức
Giám tỉnh. Bức thư như sau: "Tôi quá bận rộn, phải đi dạy học, giảng thuyết,
viết sách, tôi làm quản lý, bắt cá ở hồ... nên không có giờ đọc kinh, không có
giờ nguyện gẫm, không có giờ dọn mình dâng Thánh lễ, có lúc phải bỏ luôn cả lễ...”
Vị cựu tu sĩ thời danh ấy là ai? Là Luther, người đã khởi xướng lên chủ thuyết Tin
lành, ly khai khỏi Giáo hội, ra khỏi dòng, lập gia đình, lôi kéo nhiều người
theo, đi vào con đường ly khai.
Tuy thế, có những người vần chưa công nhận sự cầu nguyện là cần
thiết, mà còn bác bỏ và chê trách sự cầu nguyện. Thi sĩ Alfred de Vigny đã nói:
"Thở than khóc lóc, cầu khẩn là hèn nhát."
Phải phân biệt hai lối cầu nguyện : thụ động và chủ động. Cầu
nguyện thụ động là thái độ của kẻ ươn hèn, muốn được điều lành mà không cố gắng,
không làm gì cả : họ chỉ há miệng chờ sung hay ôm gốc cây chờ thỏ. Trái lại cầu
nguyện chủ động là tính cách của người vừa cầu nguyện vừa làm việc để đi tới mục
đích mình cầu xin : Aide-toi, le Ciel 1’aidera!
Câu nói trên của Alfred de Vigny chỉ đúng cho những kẻ cầu nguyện
thụ động. Còn chính nhà khoa học lừng danh Alexis Carrel đã nói: "Dẫu có vẻ
lạ lùng, người ta vẫn phải nhận là đúng rằng kẻ nào cầu xin sẽ được và cửa sẽ mở
cho kẻ gõ." Một nhà khoa học đã từng được giải Nobel vào năm 1912 còn tin
tưởng như vậy, thì sự cầu nguyện đã rõ ràng không phải là sự mơ hồ.
Văn hào Cronin đã than thở cho những kẻ mất lòng tin tường, những
kẻ không cầu nguyện: "Địa ngục là khi lòng mất hy vọng." Sống là hy vọng,
mà mất hy vọng thì còn sống làm sao? Chính vỉ vậy, những kẻ tự tử là những kẻ
không còn tin tưởng, những kẻ không biết có sự cầu nguyện.
19. Cầu nguyện chữa lành tâm hồn
Môt hôm, một bệnh nhân trạc tuổi 40 , đến gõ cửa phòng mạch bác
sĩ. Người bệnh nói:
- Đã lâu rồi tôi mắc bệnh mất ngủ. Tôi đã uống nhiều loại thuốc
an thần, thuốc ngủ. Ban đầu uống một viên, sau đó uống hai viên. Hiện giờ tôi uống
những ba viên mà cũng chẳng tài nào ngủ được. Hết muốn sống.
Bác sĩ là một người Công giáo, liền cho một toa thuốc an thần,
thật bất ngờ, lại không mất tiền mua:
- Từ nay ông đừng uống thuốc ngủ nữa. Thế vào đó, trước khi lên
giường, ông hãy đọc một câu kinh sốt sắng, và dâng phú những lo lắng của ông
vào lòng Thượng Đế.
Đã lâu lắm, bệnh nhân chẳng hề đọc kinh chiều. Tối hôm ấy, chàng
áp dụng toa thuốc của bác sĩ đã cho một cách nghiêm chỉnh.
Một tuần lễ sau, thần kinh bớt căng thẳng, chàng được lành mạnh,
ăn ngon ngủ ngon và làm việc như thường lệ.
Bác sĩ Carl Jung cho biết: "Trong 30 năm trời gần đây, có
nhiều người từ các nước văn minh tới phòng mạch của tôi. Tôi nhận thấy rằng những
bệnh nhân trên 35 tuổi, rút cuộc người nào cũng phải tìm một giải pháp tôn giáo
mới hết bệnh. Họ đau vì mất quân bình, mất tin tưởng."
20. Cầu nguyện và làm việc.
Một ông cụ già dẫn một thanh niên xuống thuyền của mình. Thuyền
này có hai mái chèo: một cái đề chữ “cầu nguyện”, một chiếc khác có đề hai chữ
“làm việc."
Người thanh niên nói kháy cụ già:
- Ông cụ ơi, chèo thế này chậm lắm. Người đã làm việc thì không
cần cầu nguyện nữa (có ý nói: chỉ cần chèo một chiếc chèo có chữ “làm việc”
thôi).
Ông cụ không nói gì, chỉ buông chiếc chèo có hai chữ “cầu nguyện”
ra thôi, rồi cứ chèo chèo chiếc có hai chữ “làmviệc” kia.
Ông cụ cứ cố sức chèo nhưng thuyền không đi được bước nào, chỉ
quay tròn đi thôi.
Thấy thế người thanh niên kia mới hiểu rằng, ngoài chiếc chèo
làm việc ra, còn cần phải có chiếc chèo cầu nguyện nữa, thuyền mới đi được.
21. Cầu nguyện là để Chúa lo liệu
cho ta
Người ta kể lại rằng, sau khi vẽ xong bản họa đồ kiến trúc cho
ngôi thánh đường nổi tiếng tại Roma - Đại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô,
Kiến trúc sư Bramante dắt đứa con nhỏ của ông cùng đi vào để yết kiến Đức Thánh
Chúa và trình lên cho Ngài xem. Lúc đó là Đức Thánh Chúa Juilio II. Đức Thánh
Cha xem xong Ngài rất vui. Bản họa dồ kiến trúc đã thể hiện được đúng ý muốn của
Ngài. Để tưởng thưởng cho những công lao vất vả của Kiến trúc sư Bramante, Ngài
tế nhị dẫn đứa con nhỏ của ông đến chỗ ngài để tiền rồi bảo cậu bé:
- Con bốc đi. Bốc đầy hai bàn tay của con. Phần thưởng cho con
đó.
Cậu bé do dự mãi không bốc. Đức Thánh Chúa chờ mãi... Sau đó
Ngài thò tay vào bốc và bảo cậu bé đưa vạt áo ra. Ngài bốc bỏ đầy vạt áo của cậu.
Lúc ra về ông bố hỏi cậu con
- Sao Đức Thánh Chúa bảo con đưa tay mà bốc mà con không bốc?
- Ồ, bố không biết là tay con nhỏ còn tay Đức Thánh Cha lớn hơn
sao?
Chúa cũng bốc với bàn tay to lớn cho những ai biết hy sinh cho Chúa như thế.
22. Lý do để cầu nguyện
Đức Cha Tihamer Toth kể:
Một triết gia kia buồn vì người học trò xuất sắc của mình ngày
càng ham suy tư nhiều cho nên việc cầu nguyện càng ngày càng ít đi. Khi hỏi lý
do thì người học trò đáp:
- Thứ nhất, Chúa biết hết
mọi sự, không cần chúng ta nói. Thứ hai, Chúa tốt lành vô cùng, Ngài sẽ cho
chúng ta mọi thứ chúng ta cần. Thứ ba, Ngài là Đấng Vĩnh Cửu, lời cầu nguyện của
chúng ta chẳng thay đổi được Ngài.
Triết gia không nói gì. Ông đến ngồi dưới bóng cây, mặt buồn bã.
Người học trò hỏi:
- Tại sao thầy buồn thế?
- Người bạn của thầy có một thửa ruộng rất tốt, hằng năm sản xuất
rất nhiều hoa màu. Nhưng bây giờ ông ta bỏ mặc không chăm sóc gì cho nó nữa .
- Bộ ông ta khùng ư ?
- Không đâu. Ông còn khôn nữa là đành khác. Ông nói: Chúa yêu
thương vô cùng. Ngài sẽ lo cho tôi mọi thứ tôi cần, thế nên chẳng cần làm ruộng
nữa. Chúa quyền phép vô cùng, dù tôi không cày xới, Ngài vẫn thừa sức cho nó
sinh sản hoa màu.
- Như thế nghĩa là thử thách Chúa rồi còn gì nữa?
- Thì con cũng thế thôi .
Một thanh niên người Scotland làm mướn cho gia đình khá giả.
Nhưng hai tuần sau, anh xin nghỉ. Một người bạn hỏi:
- Có phải công việc quá nặng không?
- Không.
- Hay lương thấp?
- Không, lương cao.
- Có lẽ thức ăn không hợp với anh? .
- Thức ăn rất ngon.
- Thế sao anh nghỉ việc?
- Tôi nói để anh biết. "Nhà không có mái che ."
Ở Scotland, thành ngữ này ám chỉ một gia đình không có sự cầu
nguyện.
23. Hãy cầu nguyện
Cuốn sách “Quẳng gánh lo đi mà vui sống” được coi là
cuốn sách bán chạy nhất thế giới vào những năm 1948-1950. Tác giả
cuốn sách này, Dale Carnegic, đã thu tập tài liệu trong 7 năm. Đặc
biệt, để cuốn sách có giá trị, tác giả đã đặt giải thưởng 200 mỹ
kim cho ai viết được câu truyện có thực về bản thân: “Tôi đã thắng
được ưu phiền cách nào?” Kết quả cuộc thi, ban giám khảo đã chọn
được hai truyện hay nhất, hay ngang nhau, do đó giải thưởng phải chia
đôi. Sau đây là một trong hai truyện đó:
Trong cuộc kinh tế khủng hoảng, lương trung bình nhà tôi
là 18 mỹ kim mỗi tuần. Nhiều khi không được số đó nữa, vì hễ đau
thì bị trừ lương, mà nhà tôi thường lại đau vặt. Chúng tôi nợ tiệm
tạp hoá 50 mỹ kim và phải nuôi năm đứa con, tôi phải giặt ủi thuê cho
hàng xóm và phải mua quần áo cũ về sửa lại cho cháu bận, rồi âu
sầu quá, tôi hoá đau. Một hôm người chủ tiệm tạp hoá kia lại mách
tôi rằng đứa con trai bảy tuổi của tôi ăn cắp hai cây viết chì. Tôi
hỏi cháu, cháu khóc. Tôi biết rằng cháu ngay thẳng dễ cảm động và người
ta đã làm nhục cháu ở trước đám đông. Từ đó tôi phát đau lung. Tôi
nghĩ tới tất cả những nỗi đau khổ đã chịu đựng và không thấy chút
hy vọng gì về tương lai hết. Ưu tư quá đến nỗi suýt nữa tôi hoá điên.
Tôi khoá máy giặt lại, gọi đứa cháu gái năm tuổi vào phòng ngủ,
đóng kín cửa sổ, lấy giấy và giẻ bịt hết các lỗ hở trong phòng,
cháu hỏi tôi: “Má làm gì đó?” Tôi đáp: “Cho gió khỏi lọt.” Rồi tôi
mở vòi hơi đốt (ta biết hơi đốt rất độc, nếu không đốt, ngửi vào
một lúc sẽ chết). Hai mẹ con nằm cạnh nhau trên giường. Cháu hỏi:
“Má, sao kỳ vậy má? Mới dậy lúc nãy, sao bây giờ đã buồn ngủ?” Tôi
đáp: “Không hại, má con mình ngủ thêm chút nữa.” Rồi tôi nhắm mắt
nghe hơi phì từ vòi ra. Chao ôi! Không bao giờ tôi quên mùi hôi ấy…! Đột
nhiên tôi vẳng tai nghe tiếng âm nhạc, tôi lắng tai. Thì ra tôi đã quên
tắt máy thâu thanh trong bếp. Mặc kệ. Nhưng bài nhạc tiếp tục. Kế đó
có ai lên tiếng ca một điệu cổ:
Tâm hồn bình tĩnh mất đi,
Đớn đau vô ích rước chi vào mình
Chỉ vì dại chẳng nguyện kinh,
Mọi điều cầu Chúa thênh thênh trong lòng
Nghe đoạn tôi nhận thấy đã lầm lẫn một cách thê thảm,
khi một mình tranh đấu ghê gớm với đời mà chẳng biết trông cậy vào
sức mạnh của Chúa. Thế là tôi nhảy phắt dậy, khoá vòi hơi và mở
cửa ra. Tôi vừa khóc lóc vừa cầu xin. Không những tôi cầu Chúa giúp
tôi, mà tôi còn đem cả tấm lòng thành kính cảm tạ Ngài: nhờ Ngài
phù hộ mà tôi có năm đứa con khoẻ mạnh, xinh xắn, thông minh, ngoan
ngoãn. Tôi hứa với Ngài không bao giám quên ơn Ngài nữa. Và tôi đã
giữ được lời hứa ấy.
Tình thế của tôi từ ngày đó mỗi ngày mỗi khả quan.
Nghĩ lại cái ngày ghê gớm mà tôi tự tử, tôi cảm ơn Chúa ngàn lần
đã thức tỉnh tôi, nếu tôi mê muội, sau này tôi mất bao nỗi vui, bao
nhiêu năm đẹp đã lạ lùng! Bây giờ mỗi lần nghe ai có ý định tự tử tôi
muốn la lớn: Đừng! Đừng! Những ngày đen tối nhất trong đời ta sẽ qua
đi, tương lai rực rỡ sẽ tới… HÃY CẦU NGUYỆN.
24. Giá trị của đau khổ
Ông Gióp là người công chính, được Chúa ban của cải dư đầy, ông
có 7 người con trai, chúng khôi ngô tuấn tú, và ba cô con gái của ông là hoa
khôi trong vùng. Con cái ông luân phiên mở tiệc từ nhà anh cả cho đến em út, rồi
ngược lại. Dầu ăn uống vui vẻ như thế, nhưng tối nào ông Gióp cũng họp các con
lại để xét mình và cầu nguyện, xin Chúa soi sáng xem trong ngày các con có làm
gì phiền lòng Chúa và xóm giềng không?
Ngày nọ, qủy đến trình diện Chúa, Ngài hỏi:
- Ngươi có thấy Gióp của Ta trung tín không?
- Thưa Ngài, vì Ngài cho nó giàu có, sống sung sướng, nếu Ngài để
nó khổ, chắc nó sẽ chửi Ngài.
- Ta cho ngươi được quyền trên của cải Gióp có.
Thế là qủy liền ra tay hành hạ Gióp.
Ông Gióp đang ở nhà, thình lình có người chạy về đưa tin:
- Bò đang cày, lừa đang ăn, thì dân Saba xông vào cướp hết, các
tôi tớ bị giết chết, còn mình tôi sống sót về báo tin cho ông….
Hắn còn đang nói, thì một người khác chạy vào nhà hớt hải:
- Thưa ông chủ, lửa từ trời đổ xuống thiêu rụi bầy cừu và các
tôi tớ ngài, chỉ mình tôi chạy thoát về báo tin cho ngài…
Người đầy tớ chưa hoàn hồn, thì một đầy tớ khác chạy đến, gương
mặt tái xanh, giọng run run:
- Ba toán người Kanđê cướp hết lạc đà và giết hết các tôi tớ,
còn mình tôi thoát chạy về đây …
Ông Gióp chưa nghe hết câu, thì bỗng một người khác với gương mặt
đầy kinh hoàng chạy đến:
- Có môt cơn gió lốc từ sa mạc ùa vào làm sập nhà các con ông
đang ăn uống, tất cả đều chết bẹp dí trong đó, chỉ còn mình tôi may mắn thoát
chết chạy về báo tin cho ông….
Bao nhiêu tai họa dồn dập trút xuống ông Gióp. Dầu vậy vẫn không
lay chuyển được lòng trung tín của ông đối với Thiên Chúa, như ông nói: “Chúa
đã ban cho Ngài lại lấy đi, xin chúc tụng danh Chúa!” (G 1, 21)
Ma qủy lại được Thiên Chúa cho phép làm hại trên thân xác ông
Gióp: ung nhọt lở loét khắp người, ông ngồi trên đống tro và dùng mảnh sành cạo
máu mủ chảy xuống!
Bấy nhiêu đau khổ cũng chưa chua xót bằng chính người vợ ông đã
không tiếc lời xỉa xói: “Ông còn kiên quyết trong sự liêm chính của ông nữa hay
thôi? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi!”
Rõ ràng ông Gióp bị Satan, người đời, cả vợ cũng xông vào tấn
công, mà xem ra Chúa chẳng thương! Cả vào thời ân sủng, thời mà Con Thiên Chúa
vào đời, Đức Giêsu cũng gặp thấy cảnh con người phải khổ đủ mặt ở khắp nơi nội
trong một ngày, và Ngài đã ra tay cứu giúp:
Đức Giêsu bước vào đời, không phải Ngài đến đập phá mọi thập
giá, vì chính Ngài “dầu là Con Thiên Chúa, Ngài cũng phải trải qua nhiều đau khổ,
để học cho biết thế nào là vâng phục”(Dt 5, 8), để Ngài dạy cho mọi người biết
biến đổi khổ giá thành Thánh Giá chuộc tội mình, và cộng tác với Đức Giêsu, hy
vọng được bù vào những gì còn thiếu sót trong cuộc Tử Nạn của Ngài (x Cl 1,
24), một khi biết vâng phục thánh ý Thiên Chúa để được kết hợp với Chúa Giêsu.
25. Gương bày lôi kéo
Người ta nói: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.” Quả thế, lời
nói phải luôn đi đôi với việc làm. Đó chính là yếu tố làm cho lời nói có sức
thuyết phục nhất.
Sách Tin Mừng cũng như bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu
là con người nhất quán, vì việc làm luôn song hành với lời Ngài rao giảng; Ngài
chữa trị cho người bị quỷ ám giữa cử tọa đông đúc ở hội đường, cũng như chữa
lành cho bà nhạc mẫu ông Simon trong căn nhà nhỏ bé, trước sự chứng kiến vỏn vẹn
vài người của gia đình.
Cách Ngài chữa bệnh cho bà cũng rất thân tình: đến bên giường, cầm
tay người bệnh và đỡ dậy. Chúa không chỉ chữa bệnh mà còn muốn bày tỏ tình
thân, sự quan tâm gần gũi đối với bệnh nhân.
Kinh Thương người có mười bốn mối, thương xác bảy mối dạy ta: viếng
kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Bạn đã đọc nhiều lần lời kinh này, nhưng thực hành được
bao nhiêu lần?
26. Thiên Chúa là nơi con người
nương tựa
Có một gia đình sống giữa cánh đồng. Đang đêm khuya thì căn nhà
bốc cháy dữ dội. Cha mẹ, con cái chạy ra sân đứng nhìn một cách bất lực ngọn lửa
đang hừng hực thiêu huỷ căn nhà theo từng luồng gió.
Bỗng người mẹ thấy thiếu mất cậu con út. Khi nghe kêu cháy, cậu
cũng chạy xuống thang, nhưng thấy lửa cháy dữ quá cậu lại chạy ngược lên lầu.
Đang lúc cả nhà hốt hoảng không biết làm cách nào cứu cậu ra thì cánh cửa trên
lầu mở toang, cậu bé kêu la trong hoảng sợ trong khung cửa. Người cha gọi tên
con và kêu lớn với cậu: “Con cứ nhảy xuống đi, ba sẽ đỡ con.”
Nghe tiếng cha, nhưng nhìn xuống bên dưới chỉ thấy khói mù và lửa
cháy, cậu bé hét lên: “Con không thấy ba ở đâu hết!”
Người cha trả lời, giọng cương quyết: “Cứ nhảy đi, ba thấy rõ
con.”
Lửa cháy sát sau lưng buộc cậu bé leo lên cửa sổ, nhảy liều xuống
và an toàn rơi vào vòng tay vạm vỡ đầy tình yêu thương của người cha.
Chính khi đi tìm hạnh phúc là lúc người ta thấy rõ tình trạng bất
lực, không điểm tựa của mình: “Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là
thời khổ dịch sao? Và chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê?”
Giữa cuộc đời nhiều thay đổi, người ta mới nhận ra Thiên Chúa là chỗ nương tựa
vững vàng cuối cùng mà họ phải chạy đến giữa cảnh đời bấp bênh: “Ngày đời tôi
thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt, không một tia hy vọng. Lạy Đức Chúa,
xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc
bao giờ” (G 7,1.6.7).
27. Nhận để cho
“Đức Giêsu lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay
và bà phục vụ các Ngài.” (Mc 1,29-39)
Ở Palestin có một cái biển nằm giữa đất liền. Sông Gio-đan đổ nước
vào nó, nhưng nó không có chỗ nào khác để thoát nước ngoại trừ việc nước biển bị
bốc hơi rất nhanh do sức nóng của sa mạc. Chính vì thế mà nước biển rất mặn, mặn
đến độ không một sinh vật nào sống nổi, trừ một ít vi khuẩn. Do đó mà nó mang một
cái tên ‘xui xẻo’: “Biển Chết." Biển thường được ví như mẹ sinh ra muôn
loài sinh vật, thế mà biển ở đây vắng bóng sự sống vì nó chỉ biết nhận mọi nguồn
nước đến, mà lại không cho đi cái nó nhận.
Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa chữa lành mẹ vợ ông Si-mon. Bà
đã mau mắn phục vụ Chúa và các môn đệ cách quảng đại, sau khi được chữa lành.
Thái độ “nhận để cho” của bà là sứ điệp Chúa mời chúng ta phải biết nhân rộng
ơn lành của Chúa đến cho người khác. Nhận mà không cho là lối sống giống như biển
chết, không phải của con cái sự sống. Nhận để cho mới chính là sống chứng nhân
của người Kitô hữu trong xã hội hôm nay.
“Chúng ta muốn ban phát
yêu thương đến cho người khác, chính chúng ta phải được tràn đầy tình yêu để
ban phát. Nếu chúng ta cảm nhận được tình yêu Chúa dành cho chúng ta, thì chính
tình yêu này lan toả từ chúng ta” (Têrêsa Calcutta).
28. Sống để làm gì?
Một chiếc xe lửa tốc hành đụng vào một chiếc xe hơi do một sinh
viên trường đại học Cincinnati lái. Thật lạ lùng, cô sinh viên không hề hấn gì.
Biến cố này đã tác động sâu xa đến cô. Cô không cảm thấy sự sống này là của
mình, cũng không sử dụng cuộc sống như cô muốn nữa. Cô cảm thấy mình được cứu sống
không phải do công lao hay tài năng của mình. Cô tin rằng cô được cứu sống là để
“phục vụ” Bà mẹ vợ của Phêrô đáp trả như thế khi bà được Chúa Giêsu chữa lành.
Phúc âm nói: “Bà bắt đầu phục vụ các ngài”
Bạn đã có lần nào giáp mặt với tử thần chưa? Biến cố đó đã tác động
đến quãng đời còn lại của bạn như thế nào? Tại sao?
Bạn không thể cứ mãi mãi là quả trứng tốt. Hoặc bạn sẽ nở ra hoặc
bạn sẽ hư đi (C.S Lewis).
29. Gieo gì thì gặt nấy
Một nhà truyền giáo người Scottland tên là Robert Moffat từ Châu
Phi trở về, cố gắng tuyển một số người để giúp ông. Một đêm lạnh giá nọ, chỉ có
một vài bà già và một cậu bé đến nghe ông nói chuyện. Moffat thầm nghĩ: “Thật
chẳng nên mất thời giờ cho buổi nói chuyện này” Nhưng rồi ông vẫn hết mình làm
việc đó. Những lời nói của Moffat đã thúc đẩy cậu bé. Khi lớn lên, cậu đã trở
thành một bác sĩ, làm việc như một nhà truyền giáo ở Châu Phi. Đó là bác sĩ
David Livingstone, một người nổi tiếng khắp thế giới.
Câu truyện về việc Êli đã dạy cậu Samuel và việc Moffat gợi hứng
cho cậu Livingston mời gọi tôi kiểm điểm xem tôi đã giúp đỡ và truyền cảm thế
nào trong khi tiếp xúc người trẻ?
Hãy đối xử với một em bé như thể em đã là người mà em có thể trở
thành trong tương lai (Halm Ginott).
Lời Chúa Tuần 5
Thường Niên
Mùa Thường Niên _ Mùa Vọng / GS _ Mùa Chay /
PS