Gia vị cho Lời Chúa Thứ Ba tuần 4 thường niên

TIN NƠI CHÚA GIÊSU

Lời Chúa: Mc 5, 21-43

Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống". Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.

Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành". Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?" Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi: “Ai chạm đến Ta?" Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh".

Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?" Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin". Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê.

Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó". Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi!", nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!" Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy, và bảo họ cho em bé ăn.

TRUYỆN KỂ

1. Đụng đến áo

Giữa đám đông chen lấn chung quanh Ðức Giêsu, có những người đụng vào áo Ngài.

Nhưng chỉ có một cái đụng cố ý, đụng lén như sợ bị bắt quả tang. Ðó là cái đụng của một người phụ nữ, mười hai năm mắc bệnh băng huyết, mười hai năm tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi, mười hai năm bị coi là ô nhơ: không được đụng đến người khác, không được tham dự nghi lễ ở Ðền thờ.

Người phụ nữ đụng vào áo Ðức Giêsu bằng tay và bằng lòng tin, một lòng tin đơn sơ mà mạnh mẽ. “Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi.” Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh.

Trong đời sống Kitô hữu, chúng ta đã nhiều lần đụng vào Chúa. Ðụng đến Lời Ngài, đụng đến Mình Máu Thánh Ngài. Ðụng bằng tay, bằng miệng, bằng rung động của trái tim.

2. Nhận ra phép lạ mỗi ngày

Ngày 17/9/1961, máy bay chở ông David Hamacon, Tổng thư ký Liên hiệp quốc, đã ngộ nạn trên không phận nước Congo, Phi Châu. Ông Hamacon không chỉ là người hoạt động cho hòa bình và là một nhà chính trị lỗi lạc, ông còn là một nhà tu đức có chiều sâu. Sau khi ông qua đời, tại căn phòng của ông ở Nữu Ước, người ta đã tìm được tập tài liệu đánh máy, ghi lại những suy tư và cầu nguyện hằng ngày của ông. 

Trong tập tài liệu này người ta đọc thấy những dòng như sau: “Thiên Chúa sẽ không chết, ngày mà chúng ta không còn tin ở thần linh nào nữa. Nhưng chính chúng ta sẽ chết, ngày nào cuộc sống của chúng ta không còn thấm nhập bởi ánh sáng của phép lạ không ngừng xảy ra, phép lạ mà lý trí chúng ta không biết từ đâu tới".

Cái chết mà ông David Hamacon nói trên đây chính là cái chết của tinh thần con người. Khi tinh thần con người không còn vượt qua khỏi chính mình để đi vào chiêm niệm, nghĩa là đi vào thế giới ở bên ngoài khả năng nắm bắt của lý trí, thì đó là lúc nó trở nên cằn cỗi và chết dần chết mòn.

3. Lòng tin thấy được qua việc làm

Một tác giả người Mỹ đã ghi lại một câu chuyện về niềm tin như sau: Tại một vùng bên Hoa Kỳ, những tháng ngày nắng hạn kéo dài đã làm cho những cánh đồng nứt nẻ vàng úa. Ngày nào người dân trong vùng cũng ngước mắt nhìn lên trên trời với niềm mong đợi sẽ có một tín hiệu tốt, nhưng đất vẫn khô cằn, mưa vẫn không chịu rơi.

Một ngày Chúa nhật nọ, tất cả các vị mục sư tại các nhà thờ trong vùng kêu gọi mọi người đến tham dự một buổi cầu nguyện chung tại quảng trường thành phố để xin trời đổ mưa. Mọi người được yêu cầu đừng mang theo bất cứ điều gì ngoài niềm tin của mình.

Vào giữa trưa một ngày thứ Bảy, tất cả mọi cư dân trong vùng tập trung tại quảng trường. Tất cả mọi người đều tin tưởng ở sức mạnh của lời cầu nguyện. Họ đến đó tràn trề hy vọng. Các vị mục sư rất cảm động khi nhìn thấy đám đông đã hưởng ứng lời kêu gọi của họ. Từng đám đông đứng sát bên nhau, nắm tay nhau liên kết với nhau trong cùng một niềm tin và hy vọng. Những bài thánh ca được cất lên một cách sốt sắng. Mọi người đều tin tưởng và chờ đợi phép lạ. Khi buổi cầu nguyện vừa kết thúc, như có một lệnh thần diệu nào đó, những giọt mưa nhỏ đã bắt đầu rơi, những tiếng reo hò cũng bắt đầu vang lên. 

Mọi người đều phấn khởi trước phép lạ tỏ tường. Cầm trong tay bất cứ đồ vật gì, người ta cũng giơ lên để biểu lộ niềm hân hoan. Nhưng từ xa nhìn về đám đông người ta chỉ thấy có một biểu tượng đáng chú ý, đó là hình ảnh một cậu bé trai chín tuổi cầm dù gương lên cao. Em là người duy nhất mang theo dù để chuẩn bị đón mưa

4. Phép lạ còn đòi phải có lòng khiêm nhường.

Ông trưởng hội đường Giairô hôm nay đã diễn tả lòng tin tưởng với khiêm nhường thẩm sâu. Ông là một người có địa vị và thế giá trong dân. Điều này nói lên việc ông làm có ý thức và có thế giá.

Thái độ khiêm nhường của ông trước mặt Chúa Giêsu diễn tả niềm tin sâu sắc của ông, ông đã quỳ mọp xuống dưới chân Chúa và khẩn khoản van xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi, xin Ngài đến đặt tay trên cháu, để nó được cứu chữa và được sống”.

Như vậy ông này phải tin Đức Giêsu là ai, có quyền phép thế nào mới có cử chỉ và thái độ khiêm nhường và kêu xin như thế. Qua thái độ tin tưởng và lời cầu xin ấy, ông đã được toại nguyện.

5. Biết lưu tâm đến người khác.

Vào tháng hai của một khóa học tại trường đào tạo nghiệp vụ y tá, giảng viên chúng tôi làm một bài kiểm tra về kiến thức phổ thông.

Tôi vốn là một sinh viên chăm chỉ nên dễ dàng trả lời mọi câu hỏi trong bài kiểm tra, trừ câu hỏi cuối: “Chị tạp vụ ở trường tên là gì”? Tôi nghĩ đó chỉ là câu hỏi cho vui. Tôi đã trông thấy chị vài lần. Chị có dáng người cao, mái tóc nâu sậm và khoảng 50 tuổi, nhưng làm thế nào mà tôi có thể biết tên chị được kia chứ? Tôi nộp bài và bỏ trống không trả lời câu hỏi đó.

Trước khi tan học, một sinh viên đứng lên hỏi giảng viên về cách tính điểm câu hỏi cuối trong bài kiểm tra vừa làm. Giáo sư bộ môn trả lời:

- Tất nhiên là có tính điểm. Trong mọi ngành nghề, các anh chị luôn phải gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người. Tất cả những con người đó đều có ý nghĩa. Họ đáng được các anh chị quan tâm chú ý đến, cho dù tất cả những gì ta có thể làm cho họ chỉ là một lời chào hỏi và một nụ cười.

Tôi đã không quên bài học đó trong suốt cuộc đời mình. Tôi cũng đã biết được tên của chị tạp vụ trong trường. Chị tên là Mai Hương.

Vâng, chúng ta hãy học tập cho mình một thói quen biết cảm thông và chia sẻ. Một trái tim biết cảm thông và chia sẻ là trái tim của con người.

6. Cầu nguyện chân thành đến đâu?

Một bà cụ năng đến nhà thờ cầu nguyện. Một cậu bé lấy làm ngạc nhiên liền theo dõi. Cậu nấp sau bàn thờ nghe bà cầu nguyện lớn tiếng "Lạy Chúa, con đã già và sống đủ. Bất cứ lúc nào Ngài gọi, con sẵn sàng."

Bà cầu nguyện suốt ba ngày vẫn những lời ấy. Ngày thứ tư, sau khi bà cầu nguyện, cậu bé giả giọng nói vọng ra từ sau bàn thờ "Ta đã nghe lời cầu xin của con, Ta sẽ đến đón con lúc chín giờ sáng mai."

Bà về nhà, không sao ngủ được vì lo lắng về điều đã nghe. Bà không chấp nhận nổi những gì bà đã cầu nguyện.  

Ta chỉ tin suông vào sự sống thật mai sau. Thực chất là ta vẫn còn coi trọng sự sống đời này hơn.

7. Tin cho đến cùng

Một ông lão ở Marocco đến gặp một nhà truyền giáo để tìm con đường cứu độ, vì ông biết mình chẳng sống bao lâu nữa. Để giúp ông, nhà truyền giáo dùng một cuốn sách, trong đó trang 1 màu đen tượng trưng cho tội lỗi, trang 2 màu đỏ tượng trưng máu Chúa Kitô, trang 3 màu trắng chỉ lương tâm trong sạch, trang 4 màu vàng chỉ vinh quang Nước Trời.

Sau khi nhập đạo ít lâu, người đó lâm cơn hấp hối. Bà vợ là người theo đạo Hồi khuyên ông kêu cầu đức Mahomet, nhưng ông không chịu, bảo Chúa của ông là Đức Kitô. Bà vợ nói "Vậy ông hãy lấy cuốn sách nhà truyền giáo cho, mở trang 3, hi vọng Chúa sẽ cho ông sạch tội mà vào thiên đàng." Ông đáp "Không, hãy mở trang 2 cho tôi." Và ông chết trong lúc tựa đầu vào trang sách tượng trưng máu Chúa Kitô.

8. Cái nhìn của đức tin

Một vị giám mục nổi tiếng hiền hoà, dễ mến. Khi được hỏi bí quyết, ngài đáp bí quyết đó là:

Thứ nhất, tôi nhìn lên trời để nhớ rằng đời tôi phải tới đó.

Thứ hai, tôi nhìn xuống đất để thấy phần mộ tôi sau này thật nhỏ hẹp.

Thứ ba, tôi nhìn chung quanh để thấy bao người nghèo khổ mà đáng kính trọng hơn tôi.

Thứ bốn, tôi học để biết hạnh phúc thật nằm ở đâu, mọi nổ lực của tôi sẽ chấm dứt thế nào và những than thở của tôi thật vô cớ biết bao!

9. Chỉ cần có đức tin

Nick Vujicic, một người Úc gốc Serbia từ khi sinh ra đã không có tay và chân. Từ nhỏ anh đã từng tuyệt vọng và có ý định tự tử, nhưng nhờ tình thương của cha mẹ và nhờ đức tin, anh đã vượt qua mọi trở ngại của một người khuyết tật và sống rất lạc quan. Anh đi khắp thế giới để làm chứng về niềm tin vào Đức Giê-su của mình.

Trong lần đến Việt Nam vào ngày 23/5/2013, trên sân vận động Mỹ Đình Hà Nội, anh đã lớn tiếng tuyên xưng niềm tin đó trước hàng ngàn khán giả. Anh đã sống niềm tin của mình cách thiết thực nhất, đó là sự tin tưởng, tha thứ và yêu thương. Khi Chúa Giê-su chữa lành người phụ nữ bị băng huyết đã mười hai năm và cho con gái ông trưởng hội đường đã chết được sống lại, chính Ngài đã xác quyết điều này: “…đừng sợ, chỉ cần tin thôi.”

Trong cuộc sống hằng ngày, những thử thách của bệnh tật và đau khổ luôn làm chúng ta lo lắng và mất niềm tin vào Chúa. Chúng ta cũng thường bị cám dỗ đi tìm lời giải đáp ở những việc mê tín dị đoan. Chính Chúa đang mời gọi bạn hãy sống phó thác và đặt trọn niềm tin vào Ngài.

10. Đức tin cần sự hợp tác

Câu chuyện xảy ra vào mùa hè ở vùng đất nọ. Trong một trận lụt dữ dội, có một bà già bị kẹt trong căn nhà của mình. Đang khi đứng tựa cửa sổ nhà bếp nhìn ra, bà thấy có một chiếc thuyền xuất hiện. Người lái thuyền bảo bà: này bà hãy leo lên thuyền để thoát nạn. Bà lão đáp lại: không, tôi tin vào Chúa, Ngài sẽ cứu tôi. Người lái thuyền lắc đầu bỏ đi.

Ngày hôm sau cơn lụt dâng cao đến tầng thứ hai của căn nhà, thì một chiếc thuyền khác lại xuất hiện. Người lái liền thuyền bảo bà: hãy lên thuyền để thoát nạn. Lần này người lái thuyền cũng nghe cùng một câu trả lời như trước.

Ngày kế tiếp, con nước dâng lên tận nóc nhà. Đang khi ngồi trên nóc bà thấy có một chiếc trực thăng hiện ra, viên phi công dùng loa gọi vọng xuống: tôi sẽ thả một chiếc thang dây cho bà, hãy leo lên, bà sẽ thoát nạn. Lần này bà già cũng nói: không cám ơn, tôi tín thác vào Chúa và Ngài sẽ cứu tôi. Viên phi công lắc đầu bỏ đi. Và thế là bà lão đã bị chết chìm khi cơn nước lũ phủ ngập căn nhà.

Khi được đưa về trời, bà nói với Thánh Phêrô: trước khi vào đây, tôi xin được phàn nàn một điều: tôi đã tin chắc Chúa sẽ cứu tôi thoát khỏi trận lụt, thế mà Ngài lại để tôi phải chết chìm. Thánh Phêrô bối rối nhìn bà rồi lên tiếng: tôi không hiểu Chúa Giêsu có thể làm thêm được điều gì giúp bà nữa, vì Chúa đã gửi tới cho bà hai chiếc thuyền và một chiếc trực thăng rồi còn gì.

“Dựng nên con Chúa không cần có con. Nhưng để cứu chuộc con, Chúa lại cần có con”. (th. Augustinô)

11. Ơn cứu độ cần một cái chạm tay

Nguyện đường Sixtina trong nội thành Vatican đã được Đức Giáo Hoàng Sixto IV cho xây cất vào cuối thế kỷ 15. Không những đây là nơi các vị hồng y tụ họp để bầu giáo hoàng, nơi tổ chức những buổi họp quan trọng, nguyện đường Sixtina còn là một bảo tàng viện có những tác phẩm nghệ thuật bất hủ, nhất là những bức bích họa của Michelangelo, nhà danh họa và điêu khắc lừng danh.

Một trong những bích họa nổi tiếng trên trần nguyện đường Sixtina là bức “Thiên Chúa Tạo Dựng.” Bức họa vẽ tả Thiên Chúa như một ông cụ già uy nghi đang giơ bàn tay hướng về Adam tượng trưng cho con người. Adam trong hình ảnh người đàn ông trần trụi, cũng đang giơ bàn tay hướng về Thiên Chúa.

Hình ảnh hai bàn tay, một của Thiên Chúa, một của con người đang cố vươn tới nhau để chạm vào nhau là một hình ảnh thật đẹp đẽ và đầy ý nghĩa. Đang lúc con người không thể vươn lên tới Thiên Chúa, thì Người đã cúi xuống để chạm đến thân phận hư vô và thấp hèn của con người, để nâng con người đứng dậy trong sự hiện hữu của mình.

Hôm nay, trong bài Tin Mừng theo thánh Marcô, chúng ta cũng bắt gặp những “cái chạm tay” đầy ý nghĩa giữa con người với Thiên Chúa và giữa Thiên Chúa với con người.

12. Những cái chạm tay

Vào tháng 12 năm 1986, khi Đức Tổng Giám Mục Canterbury, Robert Runcie đến thăm Dòng Thừa Sai Bác Ái ở Calcutta, ngài đã quỳ gối xuống để hôn chân Mẹ Têrêxa. Đức Tổng Giám Mục không phải là kẻ độc nhất diễn tả tâm tình đó. Khi Mẹ Têrêxa đi đến đâu, đám đông thường vây quanh Mẹ để hy vọng được chạm đến Mẹ hoặc sờ chân Mẹ mà thôi.

Sở dĩ Mẹ Têrêsa được vinh dự đó, vì Mẹ đã để ra cả cuộc đời mình để chạm đến những thân phận đau khổ và bệnh tật, những người cùi hủi và nghèo khó nhất. Qua những con người bất hạnh đó, Mẹ đã đụng chạm đến chính Chúa Giêsu.

Hôm nay, hiện diện nơi những người anh em khốn khổ, Chúa cũng đang chờ đợi chúng ta đến để được chúng ta chạm đến. Và ở nơi bàn tiệc lời Chúa cũng như bàn tiệc Thánh Thể hằng ngày, Chúa cũng mời gọi ta đến để chạm đến Ngài. Chỉ cần được đụng chạm tới Ngài, cuộc đời ta sẽ hoàn toàn đổi mới.

Chúng ta cần có lòng tin để chạm đến Chúa. Và chúng ta cũng cần có sự nhạy cảm để nhận ra những “cái đụng nhẹ” của Ngài trong cuộc sống, khi Ngài muốn nhắc nhở chúng ta điều gì.

13. Con dạy cho mẹ biết yêu

John Killinger kể một câu truyện thương tâm. Gia đình sinh được một con trai, nhưng con trẻ bị bệnh tâm thần. Lúc đầu ba mẹ bị kích động mạnh nhưng họ rất yêu thương con. Họ xây một phòng bằng kính để bất cứ lúc nào họ cũng có thể nhìn thấy con.

Trong vòng 17 năm, người mẹ luôn bên cạnh con và đặt tay cạnh trái tim con. Nếu con có vấn đề gì, bà có thể thức dậy và giúp con thở. Suốt 17 năm trời, bà sống như thế. Vào một ngày vắng mẹ, cậu lên cơn đau và đã ra đi trong an bình. Ôm xác con, bà mẹ cám ơn Chúa đã ban cho họ một người con. Người mẹ nói rằng: Cháu đã dậy cho chúng tôi thế nào là yêu.

Tình yêu Chúa dành cho nhân loại cũng thế. Chúa không chối từ bất cứ người nào chạy đến xin Chúa chữa lành. Với trái tim đầy lòng thương xót, Chúa đã ở lại với chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể để chúng ta tìm nơi ẩn náu và là nguồn linh thiêng chữa lành tất cả bệnh hoạn xác hồn.

14. Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin.

Đức Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con" (c.34).

Ngài nâng đỡ lòng tin đang chao đao của Gia-ia: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi" (c.36).

Cần có lòng tin khi đụng chạm Chúa Giêsu. Cần nhạy cảm để nhận ra cái đụng nhẹ của Ngài.

Khi đụng vào Thân Mình Ngài nơi bí tích Thánh Thể, ta được mời gọi đụng đến nỗi khổ của anh em, là những chi thể của Nhiệm Thể Ngài.

Khi đụng đến Lời Chúa nơi những trang Tin Mừng, ta được mời gọi chạm đến Lời Chúa nơi mọi biến cố.

Chỉ cần để Chúa đụng đến bạn một lần thôi, đời bạn sẽ hoàn toàn đổi mới.

15. Lòng tin đã cứu con

Mary Stevenson đã có một câu chuyện nên thơ về tình yêu Chúa:

 “Một đêm, tôi mơ thấy mình đang đi bộ trên bãi biển với Chúa. Các tình huống cuộc đời tôi lóe lên trên bầu trời. Trong mỗi tình huống, tôi để ý nhìn các dấu chân trên cát.

Có lúc có hai dấu chân. Có lúc chỉ có một dấu chân.

Điều làm tôi buồn lòng là những lúc tồi tệ trong đời, những khi tôi gặp đau khổ, tôi phải buồn phiền hoặc thất bại, lại chỉ thấy có một dấu chân.

Vì vậy, tôi đã thưa với Chúa, "Lạy Chúa, Chúa đã hứa với con, là nếu con theo Chúa, Chúa sẽ luôn đồng hành với con. Nhưng con thấy là trong những lúc gian nan nhất lại chỉ có một dấu chân trên cát. Tại sao khi con cần Chúa nhất, Chúa lại không ở bên con?"

Chúa trả lời: "Khi con chỉ thấy có một dấu chân là khi Ta bồng con lên".

16. Cộng tác với ơn Chúa

Chuyện kể rằng một bà già bị đau răng, bà đã làm Tuần chín ngày để kính thánh Antôn, vì người ta nói: Thánh Antôn "chuyên trách" về bệnh này.

Hết tuần chín ngày bà vẫn còn đau. Lúc đó một vị linh mục đến thăm. Bà liền hỏi:

- Xin Cha nói cho con biết: có phải thánh Antôn chuyên trách bệnh đau răng không?

Vị linh mục nói:

- Bà hãy nghe tôi: Đây là địa chỉ của nha sĩ. Hãy đến đó và nói là tôi giới thiệu, họ sẽ làm không công cho bà.

Bà già la lên:

- Trời đất ơi, một ông linh mục vô thần.

Thánh Antôn tự nhủ:

- Kể ra cũng đau lòng, để nhận lời cầu nguyện của bà, chính ta đã gởi cho bà vị linh mục này. Thế mà!

17. Phục vụ sự sống

Một cậu bé nghèo bán hàng rong để kiếm tiền ăn học. Một hôm cậu dậy sớm, bụng đói meo, mới nhớ ra là mình chỉ còn một hào nên chẳng biết ăn sáng làm sao. Cậu bèn gõ cửa nhà kế bên định xin một bữa ăn.

Một phụ nữ trẻ đẹp ra mở cửa, cậu bỗng trở nên ngượng ngùng không dám xin ăn, mà chỉ xin một chút gì để uống. Người phụ nữ đoán biết cậu đang đói lắm nên mang ra cho cậu một ly sữa lớn.

Cậu chầm chậm vừa nhấp từng ngụm sữa vừa hỏi: “Thế cháu phải trả cô bao nhiêu ạ?” Người phụ nữ trả lời: “Cháu không phải trả gì cả. Mẹ cô dạy không bao giờ nhận tiền trả công cho lòng tốt!”

Cậu bé cảm kích đáp: “Thưa cô, cháu hết lòng biết ơn cô.”

Cậu đang ngã lòng, muốn đầu hàng trước số phận nghèo đói. Tấm lòng tốt của người phụ nữ làm cho cậu lại thấy có sức thúc đẩy mình vươn lên trong đường học vấn, và sau trở nên bác sĩ tiến sĩ Howard Kelli.

Một hôm có một ca bệnh ngặt nghèo và lạ lùng được chuyển đến các bác sĩ chuyên khoa thành phố nghiên cứu. Tiến sĩ Kelli được mời đến tham vấn. Khi đến phòng bệnh, ông… nhận ra vị ân nhân năm xưa của mình. Trở lại phòng hội chẩn, ông quyết định dốc hết tâm lực để cứu sống bệnh nhân.

Khi việc điều trị đã có kết quả tốt, tiến sĩ Kelli đề nghị phòng y vụ cho ông xem tờ hoá đơn viện phí của bà, và viết thêm vài chữ bên lề, rồi nhân viên bệnh viện trao tờ hóa đơn cho người bệnh.

Nhìn tờ hoá đơn, người phụ nữ buồn bã thấy rằng bà chẳng còn gì để trả được mọi chi phí. Nhưng bên lề tờ hoá đơn, bà thấy hàng chữ ngắn ngủi: “Trị giá hoá đơn = một ly sữa”, ký tên: Howard Kelli.

Là Đấng hằng sống, “Thiên Chúa không làm ra cái chết”, và “sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt” (Kn 1,13;2,23). Thế nên phục vụ sự sống là nét vẽ sau hết mà mỗi người được Chúa giao cho để hoàn tất công trình sáng tạo quí giá Chúa thực hiện nơi chính mình, khi dựng nên họ theo hình ảnh Ngài.

18. Tâm hồn đang sống

Cha Mello kể lại câu chuyện về một người đàn ông tại Bangladesh, một trong vài nước nghèo nhất thế giới: Sau một ngày làm việc cực nhọc tại xưởng thợ, ông đi bộ về nhà. Vì quá mệt mỏi, ông dừng lại ngồi nghỉ dưới bóng cây ven đường và ngủ thiếp đi. Khuôn mặt tiều tuỵ của ông khiến người qua đường ngỡ ông là một hành khất kiệt sức và ngất xỉu. Người ta chạnh lòng thương, ai đi qua cũng bỏ vào chiếc mũ của ông vài xu.

Khi thức giấc, ông hết sức ngạc nhiên vì thấy chiếc mũ cũ kỹ của mình đầy những đồng xu. Số tiền còn nhiều hơn một ngày công thợ. Ông mỉm cười với ý nghĩ mình là một người hành khất bất đắc dĩ.

Trên đường về nhà, ông nhìn thấy nhiều người ăn mày đui mù tàn tật, ông lặng lẽ chia đều cho họ số tiền vừa mới nhận được. Và hơn ai hết, người công nhân nghèo ấy hiểu được: được nhận lãnh và được chia sẻ là một niềm hạnh phúc không gì có thể sánh bằng.

Tôi cũng thế, chỉ là một người hành khất, nhưng với những gì Chúa ban, tôi hãy trở nên hình ảnh Chúa Kitô, nói với người khác lời phục vụ sự sống của Chúa: “Trỗi dậy đi.”

19. Bước nhảy của đức tin

Bệnh băng huyết là căn bệnh làm cho con người luôn ở trong tình trạng suy kiệt về thể chất và nhơ uế theo luật Môsê. Người bị bệnh này không được tiếp xúc với người khác, kẻo làm người khác cũng ra nhơ uế. Bệnh tật nào cũng khổ nhưng với căn bệnh này thì cái khổ và cái đau nhân lên gấp bội, nhất là mặc cảm về sự nhơ uế của mình. Người bệnh đã tốn tiền tìm thầy chạy thuốc mà bệnh không thuyên giảm, lại còn nặng thêm. Chính trong hoàn cảnh bị dồn đến chân tường, bệnh nhân đã quyết định: đặt niềm tin vào tình thương của Chúa Giêsu. Bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.” Bà đã thực hiện bước nhảy của niềm tin: từ chỗ tuyệt vọng sang chỗ hy vọng, từ người xa cách trở thành kẻ gần gũi với Ngài.

Giữa đám đông chen lấn, chỉ có con người đau khổ với bước nhảy của niềm tin đã thực sự chạm đến Đấng có năng lực chữa lành. Giữa cuộc đời đầy sự chết chóc này, mời bạn thực hiện bước nhảy của đức tin để chạm đến con người của Chúa Giêsu, để năng lực ban sự sống của Ngài đem lại cho bạn sự sống thần linh của Ngài.

Tôi “chạm” đến Chúa, để tín thác vào Ngài trong các việc nhỏ bé mỗi ngày, để hoàn toàn tín thác vào Ngài trong bước nhảy lớn lao hơn của đức tin.

20. Con mắt đức tin nhìn và thấy

Sandra Hook, một giáo viên người Canada đang làm công tác tự nguyện cho mẹ Têrêsa tại những khu ổ chuột Ấn độ. Một ngày kia, cô được yêu cầu tắm rửa cho một phụ nữ bị ốm. Cô rùng mình khi nghĩ đến điều đó. Chợt cô nhớ lại lời mẹ Têrêsa đã nói: “Khi chạm vào một người nghèo, bạn hãy làm như thể bạn đang chạm vào Chúa Giêsu tình yêu.” Lúc đó, Sandra nhìn người phụ nữ với con mắt đức tin và thấy chẳng khó khăn gì khi tắm rửa cho bà ta. Đó cũng là cách biểu lộ đức tin đơn sơ đã chữa lành người phụ nữ trong bài Kinh thánh hôm nay.

Niềm tin đơn sơ như trẻ thơ là gì? Làm thế nào để đạt được và làm cho nó trở nên sâu sắc hơn? Cái gì ngăn cản tôi trở nên trẻ thơ hơn trong đức tin?

Đức tin là con mắt để nhìn thấy Ngài, là bàn tay để nắm lấy Ngài, là sức mạnh giúp ta tự hiến cho Ngài (James Woodbridge).

21. Chúa cần sự hợp tác

Cách đây nhiều năm, Joseph Lewis, thủ lãnh nhóm Tự do Tư tưởng của Mỹ, đã tuyên bố nơi sân ga WMIE, bang Miami: “Nếu tôi có quyền lực như Chúa Giêsu đã có trong Kinh thánh kể lại, tôi không chỉ chữa lành cho một người mù, tôi sẽ làm cho bệnh không còn tồn tại. Tôi sẽ chữa không phải một người phong cùi, nhưng sẽ tận diệt bệnh phong”

Tại sao Chúa Giêsu không tiêu diệt bệnh tật, như mù lòa hay phong hủi? Lời đáp của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ trong Tin mừng hôm nay có thể gợi cho ta một câu trả lời như thế nào?

Chúng ta thường nhìn tới Chúa như nguồn lực cuối cùng và mong manh nhất. Chúng ta đến với Chúa vì không thể đi đâu khác hơn. Và rồi chúng ta học biết rằng bão tố trong cuộc đời không đưa chúng ta lên những mỏm đá, nhưng vào nơi ẩn náu chúng ta hằng ước mơ. (George McDonald)

22. Đức tin là chìa khóa vạn năng

Hai người, hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng cả hai đều làm chứng cho một điều là chỉ có lòng tin mãnh liệt vào Chúa Giêsu mới có thể cứu chữa họ, ngay cả khi tưởng như không còn tia hy vọng, không còn một lối thoát nào: Người đàn bà bệnh băng huyết 12 năm, không thuốc men nào chữa lành, nhưng chỉ cần sờ vào gấu áo Chúa với lòng tin là được khỏi ngay lập tức. Con gái ông Giaia, trưởng hội đường, đã chết rồi nhưng Chúa nói: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi;” và quả thật, Chúa đã cầm tay em và cho em sống dậy. Niềm tin vào Chúa Giêsu chính là chìa khoá vạn năng mở được mọi cánh cửa trong hành trình đức tin của chúng ta.

Hẳn bạn có lúc phải ngậm ngùi nếm mùi ê chề của thất vọng; hoặc có khi bạn đã gặp những con người đáng thương đứng bên bờ vực thẳm tuyệt vọng, thậm chí đến mức tự kết liễu đời mình. Trước hoàn cảnh bi đát đó, lòng tin vào Đức Kitô chính là liều thuốc thần hiệu có thể chữa lành. Mời bạn hãy đến với Ngài bằng cuộc sống cầu nguyện thân mật để thắp sáng đức tin trong lòng bạn và để bạn khơi lại niềm tin nơi những tâm hồn đang rơi vào tuyệt vọng ở quanh bạn.

Hãy chia sẻ kinh nghiệm về việc bạn tìm lại được niềm tin nhờ kiên trì trong lời cầu nguyện.

Duy trì nề nếp cầu nguyện riêng với Chúa hằng ngày, nhất là những lúc gặp khó khăn, thử thách.

Lời Chúa Tuần 4 Thường Niên

Thường niên V-GS C-PS Ngoại lịch