Đường nên thánh của
TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU
Đường nên thánh của Têrêsa như chiếc “thang máy tình yêu” rộng mở. Ai vào, thang sẽ tự động nâng lên. Vấn đề là ta có thích bước vào hay không?
Vũ Duy Thống, Gm
Nhưng lớn lên, tôi mới ngộ ra rằng: đàng sau những trò tưởng là
trẻ con “mít ướt” ấy lại là cả một tâm tình tự nhiên của trực giác tuổi thơ,
cộng thêm những thao thức vươn lên của ước mơ xuân trẻ, và đi đi về về trên nẻo
đường vừa thơ vừa trẻ ấy là nhấp nhô những cây Thánh giá của hy sinh đong đầy
hy vọng. Đó là đường nên thánh của Têrêsa.
1. Đường nên thánh của Têrêsa được dệt bằng những tâm tình tự
nhiên tuổi thơ.
Ai trong chúng ta cũng biết tình yêu là điều đáng giá nhất trên
đời, và chẳng cần ai bảo ai người ta vẫn cứ thi nhau làm những việc càng lớn
càng tốt để diễn tả tình yêu ấy. “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông
cũng lội mấy đèo cũng qua.” Có biết đâu tình yêu xét cho cùng lại là
điều thuộc về trật tự của tấm lòng, thế nên, khi có tấm lòng lớn thì dù việc
làm có khiêm tốn đến đâu đi nữa, cũng vẫn là một tình yêu đầy đặn vuông tròn.
Nhất là khi tấm lòng ấy xin dành cho Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Đó
là nét đầu tiên của đường thơ ấu Têrêsa.
2. Đường nên thánh của Têrêsa cũng được ghi dấu bằng những ước mơ
tươi trẻ.
Nếu “giống như trẻ thơ,” Têrêsa đã tham lam ôm lấy mọi biến cố
trong đời, dù vui hay buồn dù lớn hay bé dù hữu ý hay vô tình dù được người
khác biết đến hay không, để làm thành vốn liếng sinh lời trong tình yêu Chúa
thì độ bền của nẻo đường thiêng liêng ấy lại ngày từng ngày làm bằng những thao
thức rất trẻ trung táo bạo.
Trẻ trung ở chỗ thánh nữ luôn bị thiêu đốt bởi những ước
mơ, nói theo kiểu Sea Games, là mơ “cao hơn xa hơn và nhanh hơn” trên đường
thánh đức. Có lần Têrêsa muốn yêu Chúa thật nhiều như chưa bao giờ Chúa được
yêu như thế. Lần khác thánh nữ lại muốn lên đường truyền giáo thật dài như
đường đi của loài người mọi thời gom góp lại.
Táo bạo ở chỗ thánh nữ dù sống trong một đan viện kín cổng cao
tường, như Đan Viện Cát Minh Sàigòn đây, ngài cũng không chịu dừng lại đôi cánh
ước mơ, mà còn vươn lên những đỉnh cao thao thức, như khi một mình dưới ánh
sáng Lời Chúa trong thư thứ nhất Côrintô chương 12, Têrêsa đã reo lên vì khám
phá ra rằng: từ nay trong Giáo Hội mình sẽ là trái tim, trong trái tim mình sẽ
là tình yêu, và trong tình yêu mình được ở trong lòng Thiên Chúa là Cha.
Thế đó, ước mơ trẻ trung và táo bạo, như con ốc nhỏ mơ uống cả đại
dương tình thương Thiên Chúa, để dù phận ốc phải chôn vùi ở đáy sâu thầm lặng,
cũng vẫn hiên ngang có Chúa gần kề, và dù có phải chết trong kiếp người đi nữa,
cũng vẫn tin yêu phó thác, vì như Têrêsa đã quả quyết lúc lâm chung: “Tôi không
chết, nhưng tôi đi vào cõi sống”.
3. Đường nên thánh của Têrêsa còn là đường ngả nghiêng bóng cây
Thánh giá.
Đẹp như tuổi thơ, đẹp như ước mơ, nhưng trên nẻo thiêng liêng ấy,
Têrêsa đã gặp không ít khó khăn. Có điều là ngài chủ động tiếp nhận như Thánh
giá gieo mầm cứu độ.
Chín tháng đầu tiên trong Nhà kín Lisieux, Têrêsa cảm
nghiệm thật nhanh hương vị Thánh giá, tức là cái giá phải trả cho sự thánh
đức. Đó là những muộn phiền về gia cảnh cha già neo đơn (nhớ nhà); đó cũng là
những chịu đựng trước ánh nhìn của người khác, và đó còn là những vật lộn với
chính bản thân khi phải trút bỏ tất cả để thích ứng được với cuộc sống chung.
Về giai đoạn này, Têrêsa tâm sự là ngài đã gặp nhiều gai nhọn hơn hoa hồng.
Ngài viết: “Đau khổ dang tay đón tôi và tôi đã gieo mình vào khổ đau với lòng
yêu mến.”
Nhưng Thánh giá thường xuyên hơn cả trong suốt chín năm tu trì của
ngài chính là những nỗi đau âm ỉ trong tâm hồn kìa, như thấy
mình bất toàn kiểu Phêrô “Tinh thần thì mau lẹ nhưng xác thịt lại yếu
đuối,” như thấy mình bị bỏ rơi không niềm an ủi kiểu “con tim vô
tình,” như thấy mình bị mỏi mệt nản lòng kiểu “hai môn đệ trên đường Emmaus.”
Song cũng khởi đi từ những Thánh giá trong lòng vốn nhiều thao thức ấy, thánh
nữ khám phá ra tâm tình phó thác làm thành ý tưởng chủ đạo giúp ngài nên thánh,
đó là “muốn những gì Chúa muốn”.
Đã đành, ai cũng có thể gặp đau khổ cách này cách khác, nhưng biết
đón nhận đau khổ theo phong cách Têrêsa bằng niềm đam mê dâng hiến nguyện cầu
truyền giáo, thì quả là đã nhận lấy Thánh giá một cách hiệu quả nhất. Đó
là đường Thánh giá của hy sinh và cũng là đường Thánh giá của hy vọng.
Sống tâm tình con thảo trước Chúa là Cha yêu thương gần gũi, để
reo vui trước thành công, cảm thông khi thất bại và quảng đạo dâng hiến chẳng
tiếc với Chúa bất cứ sự gì. Đó là khởi đầu tập đi trên đường thơ ấu. Vẫn biết
rằng “dòng đời không êm ái như dòng sông,” như dòng tu, nhưng đẩy ước mơ lên
những đỉnh cao lành thánh như góp phần hy sinh cầu nguyện cho thế giới hoà bình
hơn, cho người người thương yêu hơn, cho thị trường công bình hơn, cho chân lý
toả sáng hơn, cho mình cho gia đình cho cộng đoàn được nên thánh hơn. Đó cũng
là những bước chân âm thầm trên đường thơ ấu. Và với tình yêu phó thác sẵn
sàng đón nhận tất cả như hồng ân, cho dẫu là hồng ân vinh quang hay
Thánh giá, thể xác hay tâm hồn, cá nhân hay Giáo Hội, đó chính là tuyệt chiêu
trẻ trung trên đường thơ ấu Têrêsa.
Đường nên thánh của Têrêsa như chiếc “thang máy tình yêu” rộng mở.
Ai vào, thang sẽ tự động nâng lên. Vấn đề là ta có thích bước vào hay không?
Câu trả lời xin dành cho riêng từng người hôm nay. Còn bây giờ là chứng từ của
cô Lindsay Younce người đóng vai chính trong một cuốn phim mới về thánh Têrêsa
thành Lisieux. Cô đã trở lại đạo sau khi cuốn phim được hoàn thành. Được hỏi:
điều gì hấp dẫn nhất nơi Têrêsa? Cô trả lời: việc nên thánh ở ngay trong tầm
tay của mọi người. Mong rằng đó cũng là điều hấp dẫn chúng ta.
Vũ Duy Thống, Gm