Suy niệm hạnh thánh _ 15/1

Thánh PHAOLÔ ẨN TU
 (233-345)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Gioan sinh trong một gia đình nghèo ở Portugal. Vì mồi côi cha mẹ từ nhỏ, nên trong nhiều năm ngài phải gõ cửa từng nhà để xin ăn. Sau khi tìm được công việc chăn cừu ở Tây Ban Nha, ngài chia sẻ đồng lương ít ỏi cho những người nghèo đói hơn ngài.
Những gì chúng ta thực sự biết về cuộc đời Thánh Phaolô Ẩn Tu thì không rõ đó có phải là dữ kiện hay truyền thuyết.
Được biết ngài sinh ở Ai Cập, là nơi ngài mồ côi cha mẹ khi 15 tuổi. Ngài còn là một thanh niên có học thức và đạo đức. Trong thời kỳ bách hại của vua Decius ở Ai Cập năm 250, ngài buộc phải trốn tránh trong nhà của một người bạn. Sau đó sợ rằng người anh rể của mình sẽ đi tố cáo, ngài trốn vào sa mạc và ở trong một cái hang. Dự định của ngài là sẽ trở về nhà sau khi việc bách hại chấm dứt, nhưng cái êm đềm của sự cô quạnh và cái sung sướng của sự chiêm niệm đã khiến ngài thay đổi ý định ban đầu.
Ngài tiếp tục sống ở đó trong 90 năm. Nước uống thì ngài lấy từ con suối gần đó, thức ăn và vải che thân ngài lấy từ cây chà là. Sau 21 năm sống trong cô độc có một con chim hằng ngày đem cho ngài nửa ổ bánh. Trong cuộc sống tĩnh mịch đó ngài cầu xin cho thế giới được tốt đẹp hơn.
Thánh Antôn làm chứng cho cuộc đời và cái chết thánh thiện của Thánh Phaolô Ẩn Tu. Bị cám dỗ cho rằng mình là người đầu tiên phụng sự Thiên Chúa nơi hoang dã, Thánh Antôn xin Thiên Chúa soi sáng để được biết điều ấy và ngài đã tìm thấy Thánh Phaolô, và thú nhận rằng Thánh Phaolô còn tuyệt hảo hơn ngài. Và Thánh Antôn là người đã chôn cất Thánh Phaolô Ẩn Tu, lúc ấy ngài được 112 tuổi và được coi là vị Ẩn Tu Đầu Tiên.
Ngày lễ kính nhớ ngài được cử hành trong Giáo Hội Đông Phương và ngài còn được nhắc đến trong nghi thức phụng vụ của Giáo Hội Coptic và Armenia.
Suy niệm 1: Mồ côi
Được biết Phaolô sinh ở Ai Cập, là nơi ngài mồ côi cha mẹ khi 15 tuổi. Ngài còn là một thanh niên có học thức và đạo đức.
Số phận kẻ mồ côi thật đáng thương, vì dễ bị bóc lột (Is 10,2), quyền lợi lại bị coi thường (Gr 5,28), chẳng được thi ân (Br 6,37). Nhưng Chúa lại luôn phù trì (Tv 10,14), sẽ nuôi dưỡng (Gr 49,11). Chúa còn mời gọi hãy bênh quyền lợi kẻ mồ côi (Tv 82,3), hãy xử như một người cha (Hc 4,10), không coi thường lời khấn nguyện (Hc 35,14), đừng áp bức (Dcr 7,10).    
Đồng cảm với những người cùng chung cảnh ngộ, ông Tôbít lớn lên và dùng tiền của có được để giúp đỡ cho cô nhi, quả phụ và kẻ nghèo (Tb 1,8). Cô nhi Étte khi được làm hoàng hậu cũng đứng về phía người dân thấp cổ bé họng để bênh vực và chở che (Et 2,7;8,5-6).
* Lạy Chúa Giêsu, xin cho người mồ côi được nhiều ân nhân chiếu cố, để giúp họ biết tự tin vượt lên số phận và luôn tiến bước về phía trước.   
Suy niệm 2: Bạn hữu
Trong thời kỳ bách hại của vua Decius ở Ai Cập năm 250, Phaolô buộc phải trốn tránh trong nhà của một người bạn. 
Một người bạn dám chấp nhận bị kết tội đồng lõa nếu bị phát hiện, nghĩa là dám hy sinh cả tính mạng vì bạn hữu, quả là một người bạn thật (Ga 15,13). Có được một người bạn thật quả là một món quà vô giá (Hc 6,15). Thật phúc cho Thánh Phaolô Ẩn Tu.
Tình bạn thật còn có đặc điểm là thẳng thắn góp ý xây dựng, chứ không dùng những lời gian ngoa xu nịnh bợ đỡ (Cn 24,26). Nhờ tình bạn này mà con người ngày càng trở nên sắc bén hơn sắt (Cn 27,17). Vì thế hãy cố giữ mãi một tình bạn cố tri như thế (Hc 9,10).
* Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hạ mình kết bạn với các đệ tử để dễ bề giáo hóa họ (Ga 15,15). Xin cho chúng con cũng biết dùng mối quan hệ bình đẳng giữa bạn với bạn trong việc sửa dạy tha nhân. 
Suy niệm 3: Tố cáo  
Sau đó sợ rằng người anh rể của mình sẽ đi tố cáo, Phaolô trốn vào sa mạc và ở trong một cái hang.
Thánh Phaolô Ẩn Tu thật có lý khi lo sợ và đề phòng trước việc người anh rể của mình sẽ đi tố cáo, vì chính Đức Giêsu đã tiên báo những cuộc bách hại: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết” (Mt 10,21).
Nghĩa là không chỉ người ngoài như thông thường, mà ngay cả vợ chồng khi chạy tội cũng không ngần ngại tố cáo và đổ tội cho nhau, như trường hợp hai ông bà nguyên tổ (St 3,12-13). Và chính tội lỗi mỗi người cũng trở thành những chứng cớ hùng hồn tố cáo và buộc tội bản thân (Gr 14,7;Hs 5,5).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hãy luôn giữ mình và biết sống làm sao để không bao giờ bị Chúa tố cáo và hạch tội.   
Suy niệm 4: Dự định
Dự định của Phaolô là sẽ trở về nhà sau khi việc bách hại chấm dứt, nhưng cái êm đềm của sự cô quạnh và cái sung sướng của sự chiêm niệm đã khiến ngài thay đổi ý định ban đầu.
Thánh ý và đường hướng của Thiên Chúa được thấy trong mọi hoàn cảnh của đời sống. Được hướng dẫn bởi ơn sủng của Ngài, chúng ta có tự do để đáp lại lời mời gọi của Ngài qua những chọn lựa nhằm đưa chúng ta đến gần Chúa hơn, và giúp chúng ta lệ thuộc nhiều hơn vào Thiên Chúa. 
Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Có khi những lựa chọn ấy dường như tách biệt chúng ta khỏi người thân quen. Nhưng thực sự, chúng lại đưa chúng ta gần với nhau hơn trong lời cầu nguyện, trong tình bằng hữu, trong tình huynh đệ thiêng liêng.  
* Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin hiệp ý với Chúa để nói lên tâm tình thần phục Thiên Ý: Lạy Cha không theo ý con nhưng theo ý Cha (Mt 26,39).
Suy niệm 5: Tĩnh mịch
Sau 21 năm sống trong cô độc có một con chim hằng ngày đem cho Phaolô nửa ổ bánh. Trong cuộc sống tĩnh mịch đó ngài cầu xin cho thê giới được tốt đẹp hơn.
Rút lui khỏi môi trường xã hội ồn ào và náo nhiệt. Tránh những va chạm muôn thuở giữa người với người do tính khí và ước muốn khác nhau. Khỏi phải bon chen và tranh giành quyền lợi cũng như danh vọng trần thế. Thánh Phaolô tìm vào nơi tĩnh mịch.
Nơi tĩnh mịch chủ yếu phải đạt đến là ở nội tâm. Thật vậy giữa chốn phồn hoa đô thị với bao tiếng động, thật khó nhưng vẫn có thể giữ được sự thinh lặng nội tâm. Ngược lại sống sâu trong lòng đất không có bóng người, nhưng tâm trí vẫn dậy sóng với bao tưởng tượng, bao mơ ước viễn vông.   
* Lạy Chúa Giêsu, đặc ân ẩn tu chắc hẳn Chúa không dành để cho mỗi chúng con, nhưng những dịp tĩnh tâm hằng tháng và thường niên thì dĩ nhiên không thiếu, xin cho chúng con biết tận dụng.  
Suy niệm 6: Hoang dã
Bị cám dỗ cho rằng mình là người đầu tiên phụng sự Thiên Chúa nơi hoang dã, Thánh Antôn xin Thiên Chúa soi sáng để được biết điều ấy và ngài đã tìm thấy Thánh Phaolô, và thú nhận rằng Thánh Phaolô còn tuyệt hảo hơn ngài.    
Hoang dã là nơi thử thách và tinh luyện. Cuộc hành trình của dân Ítraen suốt 40 năm trong sa mạc, với bao biến cố thăng trầm, trước khi đặt chân được vào miền đất hứa, đều xoáy theo chiều hướng này.
Đức Giêsu cũng được Thần Khí đưa đẩy vào miền hoang dã để chịu thử thách. Nhưng khác với các bậc tiền bối, Ngài đã chiến thắng và giữ vững niềm tín trung với Thiên Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, chẳng phải chỉ nơi hoang dã mà ở khắp nơi mọi chốn, ma quỷ vẫn luôn rình chực cám dỗ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ.