Thánh Tôma Trần Văn Thiện
Cậu Thiện vững một
lòng kiên trung không sợ chết để giữ đức tin. Cậu đã dứt khoát lựa chọn giá trị
thật là linh hồn cao quí của mình.
Muốn xây một tòa nhà hay chế tạo một chiếc
xe, người ta cần có họa đồ, một cái khuôn, cái mẫu. Muốn được đào tạo thành những
người tốt, người ta cần những người mẫu lý tưởng để rập khuôn theo. Sống trong
một xã hội đầy những quảng cáo qua những người mẫu "model" nhằm thu
hút để bán đồ dùng, nên khó phân biệt đâu là mẫu thật toàn vẹn. Thì nay cả thế
giới Công Giáo trong ngày 19.6.1988 đã công khai xác nhận và giới thiệu một người
mẫu lý tuởng chắc chắn đáp ứng nếp sống xô bồ hiện tại, bảo đảm mang lại nếp sống
an vui hạnh phúc và trẻ trung. Đó là Thánnh Tôma Trần văn Thiện.
Trần văn Thiện sinh năm 1820 trong một gia
đình đạo hạnh tại Trung Quán tỉnh Quảng Bình, con ông bà Hiêrônimô Miên, hai chị
là Yến và Sào. Chị Yến về sau đi tu. Cậu Thiện đưởc người dì tên là Nghi làm bề
trên nhà dòng, hết sức thương yêu giúp vun trồng ơn gọi đi tu. Mồ côi cha từ
lúc 10 tuổi, cậu Thiện được cha Chính giúp đỡ dạy dỗ để sửa soạn cho vào chủng
viện.
Vào thời đó, vua Minh mạng rất ghét người
Công Giáo, muốn tiêu diệt tận gốc, nên ra lệnh cấm đạo, bắt người Công Giáo phải
đạp ảnh Thánh Giá để tỏ dấu bỏ đạo.
Năm 18 tuổi, Tôma Thiện được lệnh bề trên gọi
vào Di Loan để nhập chủng viện An Ninh. Dù đang lúc bắt đạo dữ dội, cậu Thiện vẫn
cương quyết lên đường cùng với chị Sào đi Di Loan tuân hành lệnh bề trên chẳng
nề quản nguy hiểm đang chờ đợi. Khi chị Yến cho biết tình hình bắt đạo ở Di
Loan, và cha bề trên Kim đã trốn ẩn, cậu Thiện đã nói với chị:
-
Dù không gặp Ngài, em cũng phải tới nơi cho
chắc. Cha gọi em, em không thể không đi.
Đó là tinh thần kính phục người trên trong
đức vâng lời và chu toàn bổn phận trách nhiệm. Trên đường đi Di Loan cậu đã bị
bắt, đeo gông giải về Quảng Trị. Cậu bị đánh đập tra tấn : "Hãy bỏ đạo thì
sẽ được tha.
Cậu Thiện trả lời:
-
Đạo dạy tôi thờ kính Thiên Chúa là đạo thật,
tôi không thể bỏ được.
Quan lại nói:
-
Có lệnh vua cấm. Nếu không bỏ đạo thì sẽ bị
chém đầu.
Cậu Thiện hiên ngang trả lời:
-
Tôi sẵn sàng bị chém đầu chứ không chịu bỏ
đạo.
Dùng biện pháp mạnh không được, các quan lấy
lời ngon ngọt dụ dỗ:
-
Nếu cậu bỏ đạo thì Ta gả con gái cho và
giúp cho làm quan.
Cậu Thiện cương quyết trả lời:
-
Tôi chỉ ước mong làm quan có địa vị trên trời, chứ làm quan
dưới đất thì tôi không thèm.
Quan lại tỏ dấu thương mến:
-
Người còn trẻ lại khôi ngô tuấn tú, hãy đạp
ảnh theo lệnh vua để được tha, rồi sau đó về giữ đạo thế nào thì giữ. Cứ bỏ đạo
đi đã rồi tính sau.
Đúng là một tấm gương cương quyết dứt khoát
chọn rõ lý tưởng, không giả vờ toa rập viện cớ này cớ kia để được lợi nhất thời.
Đây là cơn thử thách "cám dỗ" nặng nề nhất đối với cậu Thiện, vì chỉ
cần nhắm mắt chiều theo một chút có sao đâu. Rồi vì còn trẻ, còn đủ giờ làm lại
cuộc sống mà.
Cũng giống như câu chuyện Chúa Giêsu trên
hoang địa, Tôma Thiện cũng phải đương đầu với những thử thách: bị cám dỗ biến
những nhu cầu vật chất và thân xác như bánh ăn hay việc lấy được con gái quan
làm đích điểm đời sống, ngoài ra không còn gì hơn nữa; bị cám dỗ đạt thành công
trước mắt bằng sức trai trẻ của mình; bị cám dỗ thờ lạy tà thần để được làm
quan có địa vị chức tước quyền uy, và hưởng những thú vui chóng qua.
Nhưng cậu Thiện vững một lòng kiên trung
không sợ chết để giữ đức tin. Cậu đã dứt khoát lựa chọn giá trị thật là linh hồn
cao quí của mình. Cậu biết rằng chỉ có sự lựa chọn dứt khoát này mới là chọn lựa
được hạnh phúc. Cậu xác tính vào bản chất của mình như lời Chúa xác quyết:
"Con thật quí báu trước mắt Cha và thật danh giá, cha yêu thương con"
(Is. 43:5), và con "thuộc dòng giống được tuyển chọn" (1 Phêrô 2:9),
là dòng giống tiên rồng vươn lên, là loài phượng hoàng bay cao, chứ không thấp
hèn sà sà mặt đất như gà, với những bả mồi tẹp nhẹp. Cậu hãnh diện mình là dòng
giống Việt, nghĩa là luôn vượt tới, luôn vươn lên và bay cao, chứ không lùi bước.
Vì thế quan đã tức giận cho lính đánh không thương tiếc, rồi bắt ngồi phơi nắng
giữa trưa mùa hè cùng với Cha Phan, và cấm không cho ăn uống. Phơi nắng xong,
quan lại lấy kìm nung nóng để tra tấn, thịt da cháy kêu xèo xèo tỏa mùi khét.
Có lúc quan lại tra tấn bằng kìm sống cho đau hơn. Nhưng Tôma Thiện luôn miệng
cầu xin Chúa ban ơn sức mạnh để chịu nổi cực hình và cương quyết trung thành với
đức tin.
Cuối cùng quan phải làm án xử tử. Tôma Trần
văn Thiện bị thắt cổ chết vì đạo ngày 21.9.1838 lúc t8 tuổi tại pháp trường Nhan
Biều.