Suy niệm hạnh thánh _ 29/11

Thánh GIOAN Ở MONTE CORVINO
 (1247-1328)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Vào lúc Giáo Hội dính líu vào những cuộc xung đột giữa các quốc gia ở Âu Châu, thì đó cũng là lúc Giáo Hội đến với Á Châu để loan truyền Tin Mừng của Đức Kitô cho người Mông Cổ.
Trước khi là một tu sĩ, Thánh Gioan đã từng là một quân nhân, một quan tòa và một bác sĩ. Vào năm 1278, trước khi đến Tabriz, Persio (ngày nay là Iran), ngài đã nổi tiếng về rao giảnggiáo dục. Năm 1291, ngài là đại diện cho Đức Giáo Hoàng Nicholas IV để đến Mông Cổ bệ kiến vua Kublai Khan. Trong chuyến đi ấy, cùng đi với ngài còn có một thương gia người Ý và một linh mục Đaminh. Khi phái đoàn đến được phía tây Ấn Độ thì vị linh mục Đa Minh từ trần. Còn lại Cha Gioan và người thương gia Ý, họ đến Trung Quốc vào năm 1291 thì vừa lúc ấy Kublai Khan từ trần.
Cha Gioan thành lập trụ sở truyền giáo ở Khanbalik (bây giờ là Bắc Kinh), là nơi ngài xây cất hai nhà thờ; đó là những nhà thờ truyền giáo đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc. Vào năm 1304, ngài chuyển dịch Thánh Vịnh và Kinh Thánh Tân Ước sang tiếng Tatar.
Khi Cha Gioan từ trần năm 1328, ngài được người Kitô Hữu cũng như người không có đạo vô cùng thương tiếc. Sau đó không lâu, ngôi mộ của ngài trở thành nơi hành hương.
Suy niệm 1: Á Châu
Giáo Hội đến với Á Châu để loan truyền Tin Mừng của Đức Kitô.
Vào lúc Giáo Hội dính líu vào những cuộc xung đột giữa các quốc gia ở Âu Châu, thì đó cũng là lúc Giáo Hội đến với Á Châu để loan truyền Tin Mừng của Đức Kitô cho người Mông Cổ.
Tình thương quan phòng của Thiên Chúa thật diệu kỳ và siêu việt (Is 55,9) làm sao trí óc con người có thể hiểu thấu (Gđt 8,14;Tv 139,17). Theo lời mách bảo của Chúa (Mt 10,23). cuộc bách hại đạo Chúa tại Giêrusalem với cái chết tử đạo của phó tế Stêphanô đã giúp cho đạo Chúa lan tràn ra nhiều miền khác (Cv 11,19). Thái độ cứng lòng tin của người Do Thái lại khiến cho công cuộc truyền giáo được mở hướng cho dân ngoại (Cv 13,46). Cũng thế, nhờ Âu Châu gặp nhiều rắc rối mà Á Châu được đón nhận Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn xác tín vào tình thương quan phòng của Chúa (Mt 6,34).
Suy niệm 2: Rao giảng
Thánh Gioan Monte Corvino đã nổi tiếng về rao giảng và giáo dục.
Sau chuyến hành trình đầy mạo hiểm của Marco Polo khám phá Trung quốc, một linh mục người Ý thuộc dòng Phanxicô có tên Gioan Monte Corvino đã xâm mình mang Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô vào vùng đất Á Châu này. Ngài là vị giám mục tiên khởi ở Bắc Kinh ngày nay vào năm 1307. Công cuộc truyền giáo giữa Âu Châu và Trung Quốc được thực hiện nhờ vào sự giúp đỡ của vương quốc Mông Cổ.
Thừa lệnh của Đức Giáo Hoàng Nicholas IV, ngài rời Tauris, một thành phố thuộc Persio vào năm 1291 và đến Ấn Độ. Ngài ở lại nhà thờ Thánh Tôma Tông Đồ 15 tháng và đã rửa tội được chừng 100 người. Sau đó ngài mới thật sự đến được Mông Cổ bệ kiến vua Kublai Khan, một vùng đất chưa một vị tông đồ nào đặt chân lên, ngoại trừ nhóm người theo bè rối Nestoria mà thôi. Họ là con cháu của những người bất đồng quan điểm với Công Đồng Ephêsô, đã từng cư ngụ ở Trung Quốc từ thế kỷ thứ bảy. Họ nói xấu và gây khó dễ với ngài suốt 5 năm trời. Nhưng chính Cha Gioan đã giúp họ trở lại với Giáo Hội, cũng như giúp một số người Trung Hoa ở đây đón nhận đức tin Kitô Giáo, kể cả Thái Tử George của tỉnh Tenduk, nằm về phía tây bắc của Bắc Kinh. Sau này, Thái Tử George đặt tên cho con trai của ông theo tên vị linh mục thánh thiện này.
Từ đó sứ mạng truyền giáo tại Trung quốc-Mông Cổ tiếp tục triển nờ dưới sự dẫn dắt của ngài ngay cả sau khi ngài đã qua đời. Khi ngài từ trần năm 1328, ngài được người Kitô Hữu cũng như người không có đạo vô cùng thương tiếc. Sau đó không lâu, ngôi mộ của ngài trở thành nơi hành hương. Vào năm 1368, Kitô Giáo bị cấm ở Trung Quốc khi người Mông Cổ bị trục xuất và triều đại nhà Minh bắt đầu.
Khi Thánh Gioan đến Trung Quốc, ngài tượng trưng cho niềm khao khát của Giáo Hội muốn loan truyền Tin Mừng đến một nền văn hóa mới và sẽ được phong phú bởi nền văn hóa ấy. Các chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho thấy tính cách hoàn vũ của Tin Mừng, và nhu cầu cần phải tiếp tục các công cuộc đầy thử thách để Tin Mừng bén rễ vào các nền văn hóa khác biệt.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm nối tiếp sứ mạng truyền giáo nơi môi trường mình sống theo niềm khao khát của Giáo Hội và lệnh truyền của Chúa (Mt 28,19).
Suy niệm 3: Giáo dục
Thánh Gioan Monte Corvino đã nổi tiếng về rao giảng và giáo dục.
Năm 1975, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI viết: "Qua sức mạnh thần thánh của Tin Mừng mà Giáo Hội rao giảng, hoạt động truyền giáo là để tìm cách thay đổi lương tâm con người về phươ ng diện cá nhân cũng như tập thể, thay đổi các sinh hoạt họ tham dự, và đời sống cũng như môi trường cụ thể của họ" (Truyền Giáo trong Thế Giới Ngày Nay, #18)
Để thay đổi được lương tâm con người như là một đường hướng của hoạt động truyền giáo, Thánh Gioan Monte Corvino đã vận dụng một phương cách, đó là giáo dục. Vì thế ngài đã dần dần mua khoảng 150 bé trai của những cha mẹ lương dân, ở độ tuổi từ 7 đến 11. Ngài dạy chúng tiếng Latinh và Hy Lạp, viết thánh vịnh và các thánh thi cho chúng, cũng như tập chúng giúp lễ và hát trong ca đoàn, với ước mong âm thầm là huấn luyện được một số chúng làm linh mục.
Đồng thời ngài cũng nỗ lực học và giảng dạy chút đỉnh bằng tiếng địa phương, chuyển dịch Tân Ước cũng như Thánh Vịnh, Kinh nhật tụng và các thánh thi dùng trong phụng vụ. Sáu thế kỷ sau, được gợi ý từ ngài, Gabriele Allegra đến Trung quốc và hoàn thành được bản dịch Kinh Thánh Công Giáo đầu tiên bằng tiếng Trung Quốc vào năm 1968.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đánh giá cao vai trò giáo dục trong hoạt động truyền giáo.
Suy niệm 4: Bệ kiến
Thánh Gioan Monte Corvino đến Mông Cổ bệ kiến vua Kublai Khan.
Là người lịch sự, ngài tìm đến trình diện chủ nhà vốn là hoàng đế của một vương quốc ngài đặt chân đến. Ngài cũng khiêm tốn tự giới thiệu mình cho hoàng đế bằng việc trình ủy nhiệm thư của Đức Giáo Hoàng lên nhà vua, để tạo mối thân thiện trong thời gian làm việc tại đây.
Nhất là ngài thấu hiểu được vai trò tối quan trọng của một người làm chủ theo phong tục của người Á Đông, từ phạm vi gia đình đến xã hội, mà ngài đã lãnh hội được qua Kinh Thánh, dặc biệt qua chủ nhà mà cả nhà đều tin và được lãnh nhận phép rửa, như rường hợp của ông Conêliô (Cv 10,48), và của bà Lyđia (Cv 16,15) hoặc của viên cai ngục (Cv 16,33). Chính vì thế trong suốt hai năm đầu, ngài vẫn thường xuyên liên hệ với nhà vua và mời gọi ông đón nhận đức tin Công Giáo. Và ngài đã đạt được phần nào thành quả khi nhà vua tạo điều kiện cho hoạt động truyền giáo được thuận lợi dầu chính nhà vua không tin theo, nhưng lại cho Thái Tử George của tỉnh Tenduk tin nhận.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hiểu rằng đức tin là một ơn Chúa ban (Gc 1,16).
Suy niệm 5: Phái đoàn
Phái đoàn đến được phía tây Ấn Độ.
Theo gương Chúa Giêsu, các sứ giả Tin Mừng không đơn độc lên đường mà thường có đồng đội (Lc 10,1;Cv 13,2.4), Trong chuyến đi khởi đầu, cùng đi với ngài còn có một thương gia người Ý và một linh mục Đaminh tên là Nicholas of Pistoia vốn bị chết thời gian còn ở Ấn Độ.
Sau 11 năm phải vất vả làm việc một mình, vào quãng năm 1304, một tu sĩ Phanxicô người Đức tên là Arnold ở Cologne được gởi đến như là vị đồng nghiệp đầu tiên của ngài tại Trung quốc. Hài lòng về thành quả đạt được tại đây và để đáp ứng với thỉnh cầu của Cha Gioan, vào năm 1307, Đức Giáo Hoàng Clement V đã đặt ngài làm Tổng Giám Mục của Khanbalik (Bắc Kinh ngày nay), và bài sai bảy giám mục Âu Châu đến trông coi các giáo phận lân cận. Một trong bảy vị này chưa bao giờ rời khỏi Âu Châu. Ba vị khác từ trần trên đường đến Trung Quốc; ba vị giám mục còn lại là Gerardus, Peregrinus và Andrew cùng các tu sĩ khác đến Trung Quốc vào năm 1308. Vào năm 1312, ba vị Phanxicô khác được gởi đến bổ sung với tư cách là phó. Ngài qua đời vào năm 1328 với sự ngưỡng mộ của người Kitô Hữu cũng như người không có đạo như một thánh nhân.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con xác tín rằng trong hành trình lữ thứ tiến về quê trời với sứ mạng truyền giáo, chúng con không đơn độc nhưng luôn có Chúa cùng đồng hành (Mc 16,19).
Suy niệm 6: Xây cất
Thánh Gioan Monte Corvino xây cất hai nhà thờ.
Vào năm 1299, ngài xây dựng một nhà thờ ở thành phố Khanbaliq nơi có cung điện của nhà vua. Ngài phải mất 6 năm để hoàn thành công trình này, kể cả một tháp chuông với 3 quả chuông lớn ở đó. Chính tại ngôi nhà thờ này, ngài đã rửa rội được 6.000 người vào thời điểm đó. Và vào năm 1305, ngài còn xây dựng một cơ sở gồm có nơi làm việc và chỗ ở cho chừng 200 người.
Nhưng điều quan trọng hơn cả, ngài là vị sáng lập tiên khởi của Giáo Hội Công Giáo Rô Ma tại Ấn Độ và Trung Quốc.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chú tâm xây dựng các đền thờ tâm hồn, vì có nơi thờ phượng mà không còn người thờ phượng thì cũng bằng không.