Thánh NICHOLAS
TAVELIC và CÁC BẠN
(c.
1391)
Lược sử
Thánh Nicholas và các bạn
là những người trong số 158 tu sĩ Phanxicô được tử đạo ở Đất Thánh
khi họ được giao cho nhiệm vụ trông coi các vương cung thánh đường ở đây vào năm
1335.
Nicholas sinh năm 1340
trong một gia đình giầu sang và quý phái ở Croatia. Ngài gia nhập dòng Phanxicô
và được gửi đi rao giảng ở Bosnia với Deodat Rodez. Năm 1384, các ngài tình nguyện sang Đất Thánh với nhiệm vụ trông coi các địa danh linh thiêng, chăm sóc các người hành hương và học tiếng Ả
Rập.
Vào năm 1391, Nicholas,
Deodat, Peter Narbonne và Stephen Cuneo quyết định thuyết phục người Hồi Giáo
trở lại đạo một cách công khai.
Nicholas và các bạn được
phong thánh năm 1970. Họ là các tu sĩ Phanxicô duy nhất được phong thánh vì tử đạo
ở Đất Thánh.
Suy niệm 1: Tử đạo
Thánh Nicholas và các bạn
là những người trong số 158 tu sĩ Phanxicô được tử đạo ở Đất Thánh.
Có những vị chịu tử đạo
vì đã trực tiếp minh chứng cho các Chân Lý của Ðức Tin (in odium fidei), như
thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi và hầu hết các Thánh Tông Ðồ của Chúa Giêsu
cũng như các Thánh Tử Ðạo Việt Nam. Nhưng cũng có những vị đã chịu chết để bảo
vệ một hoặc nhiều Nhân Ðức Kitô Gíao, như thánh Gioan Batixita đã chịu tử hình
vì đã chống lại việc vua Hêrôđê cưới một người đàn bà (vợ của anh mình) đã có
con về làm vợ (nhà vua đã phạm tội ngoại tình). Thánh Maria Goretti được kể là
tử đạo vì cô đã không để cho kẻ hành hung làm hoen ố đời mình, lỗi nghĩa cùng
Chúa, vì vậy cô đã bị giết chết.
Một vài vị khác cũng được
kể là tử đạo vì đã chấp nhận cái chết để bảo vệ những Huấn Lệnh và Kỷ Luật của
Giáo Hội. Như các thánh Thomas of Canterbury, Anh Quốc, và thánh John of
Nepomuc. Thánh John (Gioan thành Nepomuc) là cha giải tội cho hoàng hậu Sophie,
nước Bohemia, vào cuối thế kỷ thứ XIV. Vua Wenceslaus IV vì nghi ngờ vợ mình đã
phạm tội ngoại tình, nên bắt buộc thánh Gioan phải nói rõ những gì hoàng hậu đã
xưng cho nhà vua. Thánh nhân đã từ chối việc phá bí mật của phép giải tội nên đã
bị nhà vua giết chết.
Việc tử đạo đòi hỏi sự trưởng
thành và sự tình nguyện chấp nhận cái chết, như một số nhà thần học đòi hỏi, chỉ
dành cho các vị tử đạo cách hoàn hảo (in odium fidei). Nhưng họ không thể giải
thích được những trường hợp thiếu niên, hoặc thiếu nhi tử đạo. Vì vậy, nhà thần
học Cajetan đã viết rằng một người có thể chịu tử đạo trong khi ông ta đang ngủ
(không tình nguyện), và những trẻ em chưa được rửa tội nhưng bị giết vì đạo
Chúa cũng được cứu rỗi vì Ðức Tin của cha mẹ. Ðiều này phù hợp với việc giáo hội
tôn kính các thánh Anh Hài như những Ðấng Tử Ðạo, và giáo huấn về sự đổ máu đã
thay thế cho nước tuôn ra từ phép Thánh Tẩy. Thánh Ambrose đã đặt sự can thiệp
của Chúa Thánh Linh như điều kiện tiên quyết để minh chứng việc tử đạo của một
Kitô hữu. Ngài nói rằng tất cả những sự thật trong Chúa Thánh Linh thì đều sẽ được
nhận ra nhanh chóng. Ðiều này cũng phù hợp với giáo huấn của giáo hội trong việc
đòi hỏi các thánh nhân (không tử đạo) phải có những phép lạ, trước khi thực sự được
phong thánh (Lm Phaolô Nguyễn văn Tùng).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
luôn bảo vệ những Huấn Lệnh và Kỷ Luật của Giáo Hội, dầu phải chết cách nào.
Suy niệm 2: Đất Thánh
Thánh Nicholas và các bạn
là những người trong số 158 tu sĩ Phanxicô được tử đạo ở Đất Thánh.
Đất Thánh là thuật ngữ
trong Do Thái giáo chỉ Vương quốc Israel như được xác định trong bộ kinh
Tanakh. Đối với các người Do Thái, việc xác định vùng đất được coi là Thánh
trong "Do Thái giáo" là để phân biệt với các vùng đất khác, do việc
thực hành "Do Thái giáo" thường chỉ có thể diễn ra trong vùng Đất của
Israel. Thuật ngữ "Đất Thánh" cũng được các người Hồi giáo và Kitô
giáo sử dụng để chỉ toàn bộ khu vực giữa sông Jordan và Địa Trung Hải.
Một phần tầm quan trọng của
đất thánh xuất phát từ ý nghĩa tôn giáo của Jerusalem, thành phố linh thiêng nhất
đối với Do Thái giáo, nơi giảng đạo của Chúa Giêsu, và sự kiện Isra và Mi'raj
trong Hồi giáo. Nhiều nơi trong Đất Thánh là những địa điểm hành hương tôn giáo
của người Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo từ thời Thánh Kinh.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
quý trọng miền đất thánh gần gũi nhất, đó là tâm hồn nơi Chúa đang ngự trị.
Suy niệm 3: Tình nguyện
Các ngài tình nguyện sang
Đất Thánh với nhiệm vụ trông coi các địa danh linh thiêng, chăm sóc các người
hành hương và học tiếng Ả Rập.
Tình nguyện là gì? Đó là
sẵn sàng đóng góp một số thời gian và kĩ năng của mình để giúp đỡ cộng đồng. Những
lợi ích của hoạt động tình nguyện: Khi tham gia tình nguyện, một vài hay rất
nhiều người sẽ nhận được lợi ích từ sự tham gia của ta. Giúp đỡ những người
xung quanh vừa mang lại lợi ích cho họ đồng thời ta cũng nhận được rất nhiều thứ
khác: -Rèn luyện được nhân cách -Tinh thần phục vụ bất vụ lợi -Trước khi ta đi đến
một vùng dân tộc, địa phương khác thì ta phải tìm hiểu nghiên cứu xem phong tục
tập quan của người dân ở đó thế nào, cách ăn ở giao lưu ra sao, ngôn từ thế
nào... Chính vì thế mà tình nguyện ở địa phương giúp ta mở rộng tầm nhìn, đó là
chấp nhận cái mới, cái khác biệt để hòa đồng hơn với các dân tộc khác, cộng đồng
người khác. -Khi làm việc gì cũng phải nghiên cứu, hoạch định, tính toán trước.
Điều này giúp ta biết cách nhận xét đúng đắn và tỉ mỉ về sự việc xảy ra xung
quanh mình. -Tham gia hoạt động tình nguyện giúp chúng ta tìm được con đường mới,
thoát khỏi lối mòn bao kín trong ta từ lâu. Tìm kiếm những sở thích mới đó mang
lại nhiều điều thú vị, sự thư giãn và giúp ta có cái nhìn chín chắn hơn về quan
điểm cá nhân và cách nhìn qua khám phá những kinh nghiệm. -Khi tham gia tình
nguyện thì mình sẽ trở thành một thành viên tích cực và trong đầu lúc nào cũng
có ý nghĩ đó là "một người vì mọi người và mọi người vì một người"
-Tình nguyện đưa mọi người từ những nơi khác nhau, địa vị xã hội khác nhau đến
gần nhau hơn. Tạo ra nhiều mối quan hệ trong xã hội để chúng ta có thể phát triển
kĩ năng giao tiếp cá nhân qua sự đánh giá, nhận xét của bạn bè. Gặp gỡ nhiều bạn
bè để giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm mới từ những môi trường, ngành nghề
và hoàn cảnh khác nhau. -Hoạt động tình nguyện cũng mở ra nhiều cơ hội mới để
cho ta có thể lựa chọn nghề nghiệp của mình, vì hoạt động tình nguyện đã mang lại
rất nhiều lợi ích cho ta, giúp ta hoàn thiện mình hơn. Và đi tình nguyện cũng
là cách khám phá ra các lĩnh vực mới tố nhất. Tất cả những đợt tham gia hoạt động
tình nguyện đều giúp chúng ta có cách nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống và con người
hay cụ thể hơn đó là lĩnh vực mà ta đang tham gia tình nguyện.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
luôn phục vụ trong tinh thần tình nguyện.
Suy niệm 4: Trông coi
Các ngài tình nguyện sang
Đất Thánh với nhiệm vụ trông coi các địa danh linh thiêng, chăm sóc các người
hành hương và học tiếng Ả Rập.
Thánh Phanxicô đưa ra hai
đường lối truyền giáo cho các tu sĩ trong dòng. Trong nhiều năm trời, Nicholas
và các bạn đã chọn đường lối thứ nhất (sống thầm lặng và làm chứng cho Đức
Kitô).
Các tu sĩ Phanxicô hiện vẫn
hoạt động ở Đất Thánh qua đời sống gương mẫu để nhiều người biết đến Đức Kitô hơn.
Đồng thời các cơ vật chất cũng rất cần có sự hiện của những người trông coi.
Công việc tuy âm thầm lặng lẽ nhưng cũng rất quan trọng, ít ra là để quét dọn sạch
sẽ, hạn chế tình trạng xuống cấp vì thiếu vắng sinh khí, chưa nói đến việc phải
kịp thời ngăn chận những sự phá hoại có thể xảy đến cho một ngôi nhà vắng chủ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
luôn trông coi cẩn mật ngôi nhà linh hồn chúng con, không để cho ma quỷ thời cơ
cướp phá.
Suy niệm 5: Chăm sóc
Các ngài tình nguyện sang
Đất Thánh với nhiệm vụ trông coi các địa danh linh thiêng, chăm sóc các người
hành hương và học tiếng Ả Rập.
Nhu cầu trước mắt của các
người hành hương là được chăm sóc sức khoẻ thể xác với nơi ăn chốn nghỉ sau một
hành trình nhọc nhẳn. Đồng thời họ cũng cần có người hướng dẫn và giải thích cặn
kẻ về các thánh tích mà họ đang chứng kiến tận mắt nhưng chưa thấu hiểu.
Ngoài nhu cầu thể xác và
tinh thần, họ cũng có thể ao ước được chỉ điểm về mặt tôn giáo, khi họ được diễm
phúc đặt chân đến những bước đường mà Đấng Cứu Thế đã sinh sống, rao giảng và
chết đi cho chính họ. Sự hiện diện của các ngài thật không thể thiếu được.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cũng
biết chăm sóc bản thân không chỉ về thể xác, tinh thần mà còn về mặt tín ngưỡng
nữa.
Suy niệm 6: Công khai
Vào năm 1391, Nicholas,
Deodat, Peter Narbonne và Stephen Cuneo quyết định thuyết phục người Hồi Giáo
trở lại đạo một cách công khai.
Trong Quy Luật 1221,
Thánh Phanxicô viết cho các tu sĩ được sai đến Saracens (Hồi Giáo) "có thể
tự đối xử trong hai phương cách. Một cách là tránh tranh luận hoặc cãi cọ, và
'vì Chúa, hãy tùng phục bất cứ ai' (1 Pr 2,13), để làm chứng rằng mình là Kitô
Hữu. Một cách khác là công khai rao giảng lời Chúa, khi họ thấy đó là ý Chúa muốn
mời gọi những người được rao giảng hãy tin vào Thiên Chúa toàn năng, là Chúa
Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, Đấng Tạo Dựng muôn loài, và qua Chúa Con, Đấng
Cứu Thế, hãy rửa tội cho họ để trở nên người Kitô đích thực và thánh thiện"
(Ch. 16).
Sau những năm sống thầm lặng
và làm chứng cho Đức Kitô, họ cảm thấy được mời gọi để đi theo đường lối thứ
hai là rao giảng công khai. Ngày 11-11-1391, họ đến Đền Omar ở Giêrusalem và
xin được gặp Qadi (giáo sĩ Hồi Giáo). Từ một bản văn viết sẵn, họ nói mọi người
phải chấp nhận phúc âm của Đức Giêsu Kitô. Và khi được yêu cầu rút lại lời
tuyên bố ấy, họ đã từ chối. Sau khi bị đánh đập và cầm tù, sau cùng họ bị chặt đầu
trước đám đông.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
luôn biết lắng nghe và đáp lại lời mời gọi của Chúa, cho dầu phải hy sinh mạng
sống.