Sống đức tin _ những nghề trông thấy mà đau đớn lòng


Những nghề trông thấy mà 
ĐAU ĐỚN LÒNG
“Những ai chịu đựng những khó khăn vất vả của lao động trong sự kết hợp với Đức Giêsu… là môn đệ Đức Kitô vác thập giá hằng ngày trong hoạt động họ được kêu gọi thi hành.”
Tâm Hiền
Tôi suy đi gẫm lại Giáo huấn Xã hội về lao động, nhất là số 310-322 nói về NHỮNG ĐIỀU MỚI MẺ: Lao động nay đã thành toàn cầu hóa, công nghệ bây giờ là công nghệ điện tử “nhanh như chớp.” Nhà máy của một đại công ty có thể được đặt rải rác khắp hành tinh. Ông chủ ở một nơi, công nhân nhà máy ở nhiều nẻo, điều mà Giáo huấn Xã hội gọi là "phân mảnh vật lý chu kỳ sản xuất", “phân tán sản xuất.”
Giáo huấn Xã hội báo động những thách đố do tác động của toàn cầu hóa trong lao động, nhất là trên bình diện đạo đức và văn hóa.
Việt Nam cũng bị những thách đố lao động. Có những điều tiếng là “mới” nhưng thuộc loại “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”!
1. NGHỀ BÁN MÁU
Tôi ở bệnh viện để nuôi mẹ bị suy thận. Cạnh giường mẹ tôi là một cụ già miền Tây quá nghèo. Con cái của cụ gầy guộc, vừa nuôi cụ nằm viện, vừa phải đi bán máu mình cho ngân hàng máu để có tiền nuôi cụ và thanh toán viện phí. Ban ngày đi bán máu, ban đêm về lại nhà thương, có điều giường ngủ là ghế đá bệnh viện.
Kết quả của nghề bán máu? Hai vợ chồng rơi vào lao phổi!
2. NGHỀ BÁN THÂN
Chàng sinh viên nghèo, gốc tỉnh lẻ, không trả nổi học phí và tiền trọ. Ngày kia, có người đến rủ đi làm nghề béo bở, trả nổi tiền trường, vừa được bao ăn sung sướng tấm thân, lại được khách hàng Singapore, Malaysia... đưa đi chơi nước ngoài.
Kết quả hành nghề? Chàng bị HIV và mồng gà ở cơ quan sinh dục.
Tôi chỉ nêu hai nghề tương đối mới (nghề bán thân mới đối với nam), còn những nghề tuy không mới nhưng có thể coi là mới đối với du khách đến Việt Nam.
3. NGHỀ BÁN CHÁO PHỔI
Lương giáo viên ba cọc ba đồng sao nuôi nổi con? Thôi thì ban ngày dạy ở trường, tất tả cho nhanh về đến nhà để dạy chiều tới đêm.
Kết quả bán cháo phổi? Bệnh tật và có thể bị con cái nhìn như xa lạ vì thì giờ với con quá ít!
4. NGHỀ ĐẤM BÓP GIÁC HƠI
Du khách nghe những tiếng kêu lúc đêm khuya, vang lên trong ngõ hẻm “xúc xắc, xúc xắc.” Du khách chạy ra xem: một thanh niên khuôn mặt gầy gò, gốc di dân Thanh Hóa.
Kết quả những đêm rao xúc xắc: lao phổi.
Vài câu chuyện trên nói lên những nét chấm phá của “một nước Việt buồn” với những não nề, với những nghề gây thương tổn cho chủ thể lao động.
Cái nhìn lạc quan của vị Tôi tớ Chúa
Bất giác, tôi nhớ đến cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận. Giữa “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, Ngài viết nên những hàng châu ngọc về Việt Nam trong bài “Con có một tổ quốc”:
 Tiếng chuông ngân trầm,
 Việt Nam nguyện cầu
 Tiếng chuông não nùng
 Việt Nam buồn thảm
 Tiếng chuông vang lừng
 Việt Nam khải hoàn
 Tiếng chuông thánh thót
 Việt Nam hy vọng
Giữa những bi thảm của hoàn cảnh chung quanh, vị Tôi tớ Chúa vẫn có cái nhìn lạc quan: “Tiếng chuông vang lừng/Việt Nam khải hoàn.” Trong quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, mà ngài có công khởi thảo, tầm nhìn lạc quan vươn xa đến tầm mức toàn cầu: “Các khía cạnh tiêu cực của sự toàn cầu hoá lao động không được làm tổn hại khả năng mở rộng ra cho tất cả mọi người: khả năng thể hiện một nền nhân bản về lao động trên phạm vi hành tinh, thể hiện tình liên đới trong thế giới lao động trên cùng cấp độ toàn cầu, để nhờ làm việc trong những bối cảnh giống nhau, trải rộng khắp thế giới và nối kết với nhau, người ta sẽ hiểu rõ hơn cùng một ơn gọi được chia sẻ cho họ” (TLHTXHCG 322).
Thế nào là “cùng một ơn gọi được chia sẻ”? Ta hãy đọc tiếp trong quyển cẩm nang Giáo huấn Xã hội trong phần nói về “Đức Giêsu, con người lao động” (TLHTXHCG 259-263):
“Lao động diễn tả một chiều kích căn bản của cuộc sống con người với tính cách sự tham gia không những vào hành vi sáng tạo mà còn vào hành vi cứu chuộc nữa. Những ai chịu đựng những khó khăn vất vả của lao động trong sự kết hợp với Đức Giêsu thì cộng tác, theo một nghĩa nào đó, với Con Thiên Chúa trong công cuộc cứu chuộc của Người và cho thấy họ là môn đệ Đức Kitô vác thập giá hằng ngày trong hoạt động họ được kêu gọi thi hành.”
Trích Tập san ghxhcg số 19