Sống đức tin _ các ân xá

CÁC ÂN XÁ: ĐẠI XÁ VÀ TIỂU XÁ
(Đ.992-997)
Đức thánh Cha Phaolô VI đã chỉnh đốn lại kỷ luật ân xá, nhằm nêu bật ý nghĩa thiêng liêng của ân xá, và nhắm đến tinh thần bác ái đền tội, hơn là thực hiện những công việc bề ngoài trống rỗng.
I. LỊCH SỬ
Lịch sử các ân xá được bắt nguồn từ kỷ luật hòa giải của thời rất xa xưa trong Giáo hội. Các hối nhân, sau khi đã xưng tội xong phải trải qua một thời gian làm việc đền tội lâu dài, đôi khi đền suốt đời. Những việc đền tội ấy được gọi là “những hình phạt tạm thời” (poenae temporales); đối lại với những hình phạt “đời đời” trong hỏa ngục. Việc đền tội nầy, đôi khi Giáo hội chấp nhận cho các hối nhân, thay vì tự mình làm việc đền tội, có thể nhờ bà con, bạn bè làm thay. Nhờ đó, các tội nhân được giảm hình phạt, được hưởng “ân xá” nhờ tình liên đới của tha nhân.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc trong lịch sử Giáo hội, đã xảy ra những lạm dụng về việc ban ân xá, đến độ biến thành một thứ thương mại, có thể dùng tiền để mua ân xá. Vì thế, sau công đồng Vatian II, với Tông hiến “Indulgentiarum doctrina” (tạm dịch: Tín lý các ân xá), ban hành ngày 01-01-1967, Đức thánh Cha Phaolô VI đã chỉnh đốn lại kỷ luật ân xá, nhằm nêu bật ý nghĩa thiêng liêng của ân xá, và nhắm đến tinh thần bác ái đền tội, hơn là thực hiện những công việc bề ngoài trống rỗng.
Về phương diện thần học, tội lỗi không những xúc phạm đến Thiên Chúa nhưng còn gây ra xáo trộn trong thế giới và trong chính con người phạm tội nữa. Vì vậy, cho dù khi tội đã được tha thứ (khi lãnh nhận bí tích giải tội), nhưng sự xáo trộn vẫn còn, và cần được sửa chữa qua việc đền tội (tội và nợ). Việc đền tội có thể thực hiện do chính tội nhân, hoặc với sự giúp đỡ của Giáo hội, xét như là sự thông hiệp giữa các thánh. Nghĩa là tất cả Giáo hội là nhiệm thể Chúa Kitô, bao gồm cả Chúa Kitô, Đức Mẹ Maria và các thánh, san sẻ công nghiệp cho nhau.
Bộ giáo luật hiện hành dựa vào Tông hiến trên và đưa ra những quy tắc tổng quát, nhưng không đưa ra những chi tiết. Chúng ta tham chiếu cả hai nguồn Giáo luật và Tông hiến để thấy được cụ thể hơn.
II. NHỮNG NGUYÊN TẮC TỔNG QUÁT
1. Định nghĩa
Ân xá là việc tha trước mặt Thiên Chúa hình phạt tạm thời phải chịu vì các tội đã được xóa bỏ; Kitô hữu nào đã được chuẩn bị đầy đủ và đã thực hiện một số điều kiện đã được ấn định, thì được hưởng ơn tha thứ nầy nhờ sự trợ giúp của Giáo Hội; với tư cách là thừa tác viên ơn cứu chuộc, Giáo Hội dùng quyền mình để phân phát và áp dụng kho tàng đền tội của Đức Kitô và các thánh (đ.992).
Định nghĩa trên đây về ân xá được trích ra từ Tông hiến Indulgentiarum Doctrina ban hành ngày 01/01/1967 và Sắc lệnh của Bộ Xá giải Enchiridion of Indulgences ban hành ngày 29/6/1968 với tất cả các qui tắc điều lệ qui định về ân xá. Văn kiện này gồm tóm các nguyên tắc thần học về ân xá cho các tín hữu với sự hiệp thông với Giáo hội. Ân xá tăng cường niềm tin của từng cá nhân các tín hữu trong niềm hy vọng được hòa giải trong bình an với thiên Chúa.
Định nghĩa về ân xá của điều 992 cho chúng ta thấy rằng: Ân xá không tha thứ các tội lỗi đã phạm, nhưng ân xá xóa các hình phạt tạm (poena) gây ra bởi tội lỗi đã phạm (cái nợ); còn tội thì được tha thứ qua Bí tích Giải tội.
2. Các loại ân xá
Có hai loại ân xá: “Ân xá gồm có tiểu xá và toàn xá” (đ.993). Ân xá được gọi là tiểu xá hay còn gọi là từng phần (partialis), nghĩa là ân xá chỉ tha có một phần hình phạt; ân xá được gọi là toàn xá (indulgentia plenria), nghĩa là đại xá, tha hoàn toàn hình phạt tạm phải chịu vì tội (x.đ.993).
Tại sao có lúc gọi là toàn xá có lúc gọi là đại xá?
Trong truyền thống chúng ta có gọi là toàn xá và đại xá, nhưng trong Giáo luật ngày nay không còn phân biệt điều nầy nữa, chỉ còn gọi là toàn xá mà thôi (x.đ.993, GLGHCG.1471). Vì toàn xá hay đại xá cũng là ân xá tha toàn phần. Sở dĩ có sự phân biệt nầy là nhằm muốn nói lên sự trọng đại của những dịp trọng đại mà ta lãnh nhận ơn đại xá thì gọi là toàn xá (năm thánh, bách chu niên...); còn những lần cá nhân chúng ta làm một số những quy định theo luật thì được hưởng ơn đại xá (thờ lạy Mình Thánh Chúa ít là nữa giờ, đọc 50 kinh Mân Côi, đọc Kinh Thánh nữa giờ...).
3. Ai được hưởng ân xá?
Bất cứ tín hữu nào cũng có thể hưởng những ơn tiểu xá hoặc ơn toàn xá, hoặc cho chính mình, hoặc dành cho những người đã qua đời (đ.994).
Ân xá không tự nhiên được ban mà một người ước muốn được hưởng ân xá và phải làm một công việc nào đó đã được qui định. Ân xá này có thể áp dụng cho chính mình hay cho những người đã qua đời. Ân xá theo qui định của Giáo luật, không thể chuyển cho người còn đang sống (tôi không thể lãnh ơn xá nầy và rồi nhường cho một người còn đang sống), mà chỉ cho chính mình hay cho người đã qua đời.
4. Quyền ban ân xá
Theo điều 995 của Bộ giáo luật và những quy định trong sách “Mục lục các ân xá”, những người sau đây có thẩm quyền ban ân xá:
a/ Đức Thánh Cha, đích thân hoặc qua Tòa Ân giải Tòa thánh, có quyền ban ân xá trong toàn thể Hội thánh.
b/ Các Hồng y, Thượng phụ, Giám mục chỉ có quyền ban phép lành Tòa thánh với ơn đại xá một năm ba lần vào dịp lễ trọng thể. Tuy nhiên, các ngài có quyền ban ân tiểu xá cho những người hay những nơi dưới quyền của các ngài mỗi khi có thể. Các tín hữu có thể lãnh phép lành đại xá qua đài truyền thanh hay truyền hình, dựa theo nghị định của Tòa Ân giải Tòa thánh ngày 14/12/1985.
c/ Những người được luật cho phép (tân linh mục trong thánh lễ tạ ơn đầu tiên, kỷ niệm 25, 50 và 60 năm linh mục).
5. Những điều kiện để được hưởng ân xá
Những điều kiện để lãnh nhận ân xá được quy định ở điều 996. Điều luật nầy đưa ra hai yếu tố: yếu tố nền tảng ở đoạn 01 và những điều kiện thông thường khi lãnh nhận ân xá.
a/ Những yếu tố nền tảng:
- là người đã được rửa tội: để thành phần tử trong Giáo hội và được dự phần trong việc “các thánh thông công”;
- là không bị giáo vạ tuyệt thông: ngược lại thì không thể có sự thông công;
- đang có ơn nghĩa cùng Chúa: sạch tội trọng, hoặc ít là lúc cuối của các việc lãnh ân xá.
b/ Những điều kiện
Có hai điều kiện căn bản là: (1) có ý định muốn lãnh nhận ân xá và (2). thi hành những công tác như đã ấn định (ngày, nơi, dịp lãnh nhận ân xá và xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý ĐGH). Một điều kiện đòi hỏi khác là phải dứt lòng quyến luyến tội lỗi, dù tội nhẹ.
(1) có ý định muốn lãnh nhận ân xá : có ý chung chung cũng đủ, hoặc ý thường kỳ tỏ ra một lần mà không rút lại;
(2) thi hành những công tác như đã ấn định : xưng tội rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng.
- xưng tội : mỗi lần xưng tội cho một dịp lãnh nhận ân xá đặc biệt có quy định tiền trước; còn lãnh nhận ân xá thông thường thì một lần xưng tội cho những ngày lãnh nhận ân xá liền tiếp theo, nếu trong lòng không mắc hoặc vương vấn tội (cẩm nang các ân xá, No.26).
- rước lễ : điều nầy được thực hiện mỗi ngày khi lãnh nhận ơn xá Tín lý về ân xá No.9). Tuy nhiên, Bản quyền địa phương có thể miễn chuẩn việc rước lễ cho những người không thể tuân giữ được (người bệnh, người ở xa nhà thờ).
- cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng : việc cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng được diễn ta bằng việc đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Kính Mừng là đủ, nhưng vì lòng đạo đức mà đọc thêm những kinh khác cũng là điều tốt (Tín lý các ân xá No.10).
Nếu không có đủ điều đòi hỏi, hay không đủ 3 điều kiện trên, thì chỉ được tiểu xá (Tín lý các ân xá No. 7).
III. CÁC DỊP LÃNH ƠN XÁ
A. Ơn Toàn xá
Sau đây là mục lục các ân xá theo “Cẩm nang các ân xá” của Bộ xá giải, ban ngày 29/6/1968 và được tái bản hai lần từ đó đến nay.
Lưu ý: có thể nhận hưởng ân toàn xá bằng hai cách thế. Một số ân toàn xá có thể nhận mỗi ngày, một số ân toàn xá chỉ có thể được nhận hưởng trong những ngày hay những dịp đặc biệt. Nên để ý một điều là mỗi ngày một tín hữu chỉ nhận hưởng được ân toàn xá một lần mà thôi, ngoại trừ trường hợp nguy tử (articulo mortis). Thí dụ như vào một ngày nào đó, một người đã hưởng nhận ân toàn xá vào buổi sáng, nhưng buổi chiều trong giờ phút lâm chung, người ấy có thể được nhận ân toàn xá lần thứ hai.
 1. Ân toàn xá mỗi ngày
Mỗi ngày, một tín hữu có thể nhận được một ân toàn xá nếu làm những việc sau:
(1) Viếng Mình Thánh Chúa ít nhất nửa tiếng đồng hồ (số 3).
(2) Đọc 50 kinh Mân Côi trong nhà thờ, nhà nguyện, gia đình, tu viện hay cùng với hội đoàn (số 48).
(3) Đọc Kinh Thánh liên tục trong nửa tiếng đồng hồ với ý thức là đang đọc Lời Chúa (số 50).
(4) Đi đàng Thánh giá (số 63).
 2. Ân toàn xá trong những dịp đặc biệt
(1) Thăm viếng một trong bốn đền thờ của các Thánh Giáo Phụ tại Rôma vào ngày lễ kính thánh Giáo phụ đó hay trong các ngày lễ buộc; hay là bất cứ một ngày nào đó trong năm do tự chính mình ấn định trước. Trong lúc thăm viếng đọc một kinh Lạy Cha và một Kinh Tin kính (số 11).
(2) Thăm viếng một đất thánh trong các ngày từ mồng một cho đến ngày mồng tám tháng mười một mỗi năm và cầu nguyện cho các linh hồn. Ân toàn xá nhận hưởng trong lần này phải chỉ cho các linh hồn nơi Luyện tội (số 13).
(3) Viếng nhà thờ hay nhà nguyện trong ngày 2 tháng 11 cầu cho các đẳng linh hồn (số 67).
(4) Viếng nhà thờ chính tòa, nhà thờ xứ vào ngày lễ bổn mạng và ngày 02 tháng 8 (số 65).
(5) Viếng nhà thờ nào vào ngày cung hiến, và đọc kinh Lạy Cha và Tin Kính một lần (số 66).
(6) Viếng nhà thờ hay nhà nguyện của tu viện trong ngày lễ thành lập dòng, và đọc kinh Lạy Cha và Tin Kính một lần (số 68).
(7) Viếng nhà thờ hay nhà nguyện và tham dự phụng vụ ở đó, trong thời gian có cuộc kinh lý mục vụ, và đọc kính Lạy Cha và Tin Kính một lần (số 69).
(8) Đón nhận với tâm tình đạo đức sốt sắng Phép lành của Đức Giáo Hoàng “Urbi et Orbi”. Ngay cả việc nghe hay đọc từ đài phát thanh hay truyền hình (số 12).
(9) Hiện diện tham dự Nghi Thức Thờ Kính Thánh giá vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và hôn kính Thánh giá trong Nghi thức này (số 17).
(10) Hiện diện tham dự cử hành Thánh lễ trọng thể cử hành trong dịp bế mạc một hội nghị Công giáo (số 23).
(11) Hiện diện tham dự tuần cấm phòng (tĩnh tâm) ba ngày liên tiếp (số 25).
(12) Hiện diện tham dự cách sốt sắng buổi cầu nguyện công cộng Reparation or Atonement theo nghi thức qui định vào ngày lễ Thánh Tâm Chúa;
(13) Đọc chung kinh Thánh hiến nhân loại cho Chúa Giêsu Kitô Vua vào ngày lễ Chúa Kitô Vua (số 27).
(14) Vào giờ chết: bất cứ ai đó có thói quen đọc kinh nào đó hàng ngày lúc còn sống (số 28).
(15) Khiêm nhường tôn kính một vật thể đã được Đức Giáo Hoàng hay một Giám mục làm phép (thánh giá, tượng chịu nạn, áo đức bà, ảnh thánh đeo cổ). Tuy nhiên, ân toàn xá này chỉ được nhận hưởng trong ngày lễ kính Thánh Phêrô và Phaolô tông đồ khi đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Tin kính (số 35).
(16) Hiện diện tham dự một buổi giảng thuyết truyền giáo với điều kiện là phải tham dự đến nghi thức bế mạc buổi giảng thuyết;
(17) Khi nhận lãnh Bí tích Thánh Thể lần đầu. Ân toàn xá này được ban cho người rước lễ lần đầu và những người giúp đỡ trong nghi thức Thánh lễ Rước lễ lần đầu (số 42).
(18) Thánh lễ mở tay (Lễ mở tay hay Thánh lễ Tạ ơn của Tân Linh mục). Ân toàn xá này được ban cho chính vị tân Linh mục và những người tham dự lễ (43).
(19) Thánh lễ trong dịp kỷ niệm 25 năm, 50 năm và 60 năm ngày thụ phong Linh mục, với điều kiện đương sự ý thức lập lại trước mặt Chúa ý của lời tuyên hứa của ngày thụ phong: hứa chu toàn bổn phận cách trung thành trong ơn gọi. Nếu Thánh lễ được cử hành trọng thể, thì cả những người tham dự Thánh lễ cũng được nhận hưởng ân toàn xá (số 49).
(20) Thăm viếng nhà thờ nơi đang có hội nghị Giáo phận với điều kiện đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin kính. Trong suốt thời gian hội nghị, ân toàn xá này chỉ được nhận hưởng một lần thôi.
(21) Ngày Thứ Năm Tuần Thánh hay Ngày lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa với điều kiện đọc hay hát bài Tantum ergo cùng với câu Panem de coelo. Deus, qui nobis (Chúa đã ban bánh bởi trời cho nhân loại) (số 59).
(22) Hiện diện tham dự một nhà thờ hay bàn thờ trong lễ cung hiến với điều kiện đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin kính.
(23) Lập lại các lời hứa khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội vào Thánh Lễ Vọng Phục sinh hay trong ngày kỷ niệm giáp năm hàng năm ngày nhận lãnh Bí tích Rửa tội (số 70).
(24) Đọc chung kinh “Veni Creator” ngày đầu năm dương lịch và lễ Hiện Xuống (số 61).
(25) Đọc chung kinh “Te Deum” vào ngày cuối năm dương lịch (số 60).
B. Ân tiểu xá
Ơn tiểu xá thì nhiều vô số kể, xin tạm ghi vài số của “Cẩm nang các ân xá mà thôi.
(1) Khi làm dấu Thánh giá: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (số 55).
(2) Đọc các kinh Tin, Cậy, Mến, Ăn năn tội (số 2); Tin kính (số 16)
(3) Kinh trước Thánh giá “Lạy Đức Chúa Giêsu nhân lành” (số 9); Kinh đền tạ Thánh Tâm Chúa (số 26)...
Trên đây là những ân xá ban cho tất cả các tín hữu. Các tu sĩ, các hội viên các hiệp hội có thể được hưởng các ân xá khác ban riêng cho tu hội hay đoàn thể của họ.
Mỗi người chúng ta không những có thể lãnh nhận ân xá cho bản thân mình, nhưng còn có thể áp dụng cho người đã qua đời nữa (đ.994). Việc áp dụng ân xá cho người qua đời không những là một nghĩa cử liên đới bác ái, nhưng còn giúp chúng ta liên tưởng đến những giá trị vĩnh cửu đang khi chúng ta phấn đấu tại thế gian nầy nữa.