DẤU CHỈ CỦA TÌNH YÊU
Hãy
dâng tất cả cho Chúa, đừng giữ lại gì như bà goá hôm nay.
Trong Chúa Nhật 31 vừa qua, nhân thắc mắc của một ký lục,
Đức Giêsu đã nhắc lại cho chúng ta giới răn quan trọng nhất của mỗi người kitô
hữu, đó là: “Mến Chúa hết sức, hết linh hồn…
và yêu mến đồng loại như chính mình” (c. 30-31). Lời Chúa hôm nay cho chúng
ta thấy tình yêu đó không chỉ là một lời tuyên xưng trên môi miệng, nhưng cần được
thể hiện trong cuộc sống hàng ngày.
Do đó, trong giờ này, tôi muốn được cùng quý ông bà anh
chị em nhìn lại một vài dấu chỉ của tình yêu thật sự dưới ánh sáng của Lời Chúa
hôm nay.
Sự chân thành:
Dấu chỉ đầu tiên của tình yêu chân thật là sự chân thành,
không giả dối. Trong cuộc sống đời thường, chúng ta cũng vẫn muốn gần gũi những
người đến với chúng ta bằng một tình yêu chân thật, với cả tấm lòng của mình và
xa lánh những kẻ “khẩu Phật, tâm xà”, hay những kẻ “bên ngoài thơn thớt nói cười, bên trong nham hiểm, giết người không
dao.” Chính Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay cũng đã kết án lối sống giả
hình của những người luật sĩ trong thời của Ngài: “Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng,
ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và
trong đám tiệc.” Kế đó là tội đạo đức giả: “Họ giả bộ đọc kinh dài.” Và cuối cùng là tính tham lam: “để nuốt hết tài sản của các bà goá.”
Nhìn chung lại, cùng với kinh nghiệm trong cuộc sống của
mình, chúng ta thấy tất cả các tật xấu này rất dễ đi với nhau, và chúng ta cũng
rất dễ vi phạm. Vì thích được người khác khen ngợi nên giả bộ đạo đức. Lớp vỏ đạo
đức này lại che đậy cho tính tham lam. Hay nói cho cùng đó là sự kiêu ngạo mà
nguyên tổ đã phạm khi muốn bằng Thiên Chúa.
Như thế, dấu chỉ đầu tiên của một tình yêu chân thật, đó
phải là một tình yêu chân thành, không mưu cầu tư lợi, không giả dối khoe
khoang.
Sự hiến dâng và phó thác:
Nếu như tham lam là lo thu tích về mình, chỉ nghĩ đến
mình và đó là điều Chúa lên án thì hình ảnh một bà goá bỏ vào hòm tiền tất cả của
độ thân thật là một tấm gương hoàn hảo của sự phó thác. Một sự phó thác phát xuất
từ lòng tin và yêu mến sâu thẳm.
Bà goá chỉ bỏ hai trinh, tức là một xu (1/4 đồng bạc
Roma, chưa bằng 1/8 khẩu phần của người nghèo mỗi ngày), nhưng lại được Chúa
khen là bỏ vào nhiều nhất. Điều này khiến chúng ta cần coi lại quan niệm về cái
gọi là nhiều. Như thế nào là nhiều? Một lượng ,
hai lượng, mười lượng vàng, hay vài chục ngàn dollars là nhiều?
Trước mặt các môn đệ, Chúa Giêsu đã tuyên bố rõ ràng: “Thầy nói thật với các con: Trong những người
đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo nầy đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người
kia bỏ của mình dư thừa, còn bà nầy đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình
có để nuôi sống.” Như thế, Chúa khen bà ta bỏ vào nhiều không phải nhiều
theo số lượng, nhưng vì bà đã bỏ tất cả những gì mình có. Bà đã sẵn
sàng dâng tất cả “những gì mình có để
nuôi sống”, thì có khác gì bà đã dâng cả mạng sống mình. Việc làm này của
bà goá này thật trái ngược với việc làm của những người đạo đức giả, họ chỉ “bỏ của mình dư thừa.” Hành vi của bà
goá này quả thật là một dấu chứng của một tình yêu vĩ đại. Một tình yêu sẵn
sàng dâng hiến tất cả, không giữ lại gì cho riêng mình.
Sự hiến dâng này của bà goá cũng chính là hình ảnh báo trước
một sự hiến dâng trọn vẹn hơn, có giá trị đem lại ơn cứu rỗi cho từng người
chúng ta, đó là sự hiến dâng chính mạng sống mình của Đức Giêsu Kitô, như lời
tác giả thư Do thái trong bài đọc hai: “Như
đã qui định, người ta chỉ chết một lần thế nào, …, thì Đức Kitô cũng hiến tế một
lần như vậy, để xóa tội lỗi của nhiều người.” Vâng, để chứng tỏ tình yêu của
Ngài đối với chúng ta, Đức Kitô đã bỏ nhiều, rất nhiều điều thuộc về Ngài, kể cả
mạng sống.
Luôn nghĩ đến người khác:
Sỡ dĩ Đức Giêsu sẵn sàng từ bỏ vinh quang Thiên Chúa, để
làm người, chịu chết mà cứu chuộc chúng ta, đó là vì trong tình yêu, Ngài
đã không ngừng nghĩ đến chúng ta. Cũng chính trong một tình yêu luôn nghĩ đến
người khác đã khiến bà goá thành Sarephta dám đem chút bột cuối cùng làm bánh
cho ngôn sứ Elie như chúng ta vừa nghe trong bài đọc một.
Chúa Giêsu đã từ bỏ vinh quang Thiên Chúa để làm người và
chết trên thập giá; bà góa trong bài Tin mừng đã sẵn sàng dâng vào Đền Thờ tất
cả những gì bà có để nuôi sống bản thân; bà góa trong thành Sarephta cũng đã
mau mắn dùng chút bột ít ỏi còn lại để làm cho ngôn sứ Êlia một tấm bánh. Tất cả
như muốn diễn tả một tình yêu chân thành, sẵn sàng hiến dâng và luôn nghĩ đến
người khác hơn là bản thân mình.
Phần chúng ta, tôi và quý vị, chúng ta vẫn nói mình yêu mến
Thiên Chúa. Thế nhưng, chúng ta đã làm gì để biểu lộ lòng yêu mến của chúng ta?
Chúng ta có dám bỏ ý riêng, lối sống
ích kỷ chỉ nghĩ đến mình, để góp phần xây dựng gia đình, và xây dựng
cộng đoàn giáo xứ chúng ta không?
Nhìn vào mẫu gương của hai người đàn bà goá này, mỗi người
chúng ta cũng cần tự vấn lại lương tâm của mình. Tất cả những suy nghĩ, những lời
nói, những hành động của chúng ta trong gia đình, trong giao tiếp hàng ngày với
người khác có phải phát xuất từ tình yêu Chúa, yêu tha nhân, muốn xây dựng cộng
đoàn hay không? Hay tất cả chỉ là bên ngoài, giả dối? Chỉ để được người khác
khen ngợi?
Cuối cùng, Lời Chúa hôm nay muốn mỗi người chúng ta khi đến
với Chúa, hãy dâng cho Ngài tất cả không giữ lại bất cứ điều gì. Chúng ta hãy
dâng niềm vui, nỗi buồn; dâng tương lai và hiện tại và cả con người yếu đuối, tội
lỗi của mình nữa. Hãy dâng tất cả cho Chúa, đừng giữ lại gì như bà goá hôm nay.
Chúa muốn chúng ta đến với Ngài như chúng ta đang là, không màu mè, kiểu cách,
che đậy như các ký lục kẻo lại bị Chúa lên án.