Chỉ cần Chúa biết việc mình làm, chỉ
cần Chúa biết sự hy sinh của mình là đủ.
Bài Tin Mừng Chúa Nhật
XXXII thuật lại việc Chúa lên án những người luật sỹ, sống kiêu hãnh, thích
được người ta tôn trọng, chọn những ghế nhất trong hội đường. Họ còn giả hình,
thiếu thiện chí, tỏ ra mình là những con người đạo đức, nhằm chiếm đoạt gia sản
của những bà góa.
Rồi khi Chúa quan sát
đám đông bỏ tiền dâng cúng đền thờ vào thùng quyên góp, Ngài đã ca tụng một bà
góa nghèo chỉ bỏ có hai đồng tiền kẽm (trị giá một phần tư đồng bạc Roma thời
đó). Chúa không ca tụng những người bỏ thật nhiều tiền, là vì có thể những
người bỏ thật nhiều tiền lại là những người muốn cho người ta khen sự giầu có
của mình, hoặc muốn cho người ta ca tụng mình đã dâng cúng nhiều cho Chúa… Còn,
bà lão này, tuy bỏ ít nhưng lại không để tâm đến tiếng khen chê người đời, mà
chỉ có thiện chí duy nhất: Dâng cúng cho Chúa, hy sinh cho Chúa, hy sinh tới
nỗi sẵn sàng "bỏ tất cả những gì bà
có để sống", đó là một việc làm đầy thiện chí. Chỉ cần Chúa biết việc
mình làm, chỉ cần Chúa biết sự hy sinh của mình là đủ. Tôn giáo nào cũng ca
tụng và đề cao thiện chí: "Làm mọi
việc với ý nghĩ và mục đích cao thượng.” Sau đây là câu truyện chứng minh
kết quả thiện chí của một người theo đạo Bàlamôn.
Một người Bàlamôn,
vụng về, khờ dại, phạm phải một tội lớn. Có người khuyên lão, đến tắm nước
thánh tại sống Hằng Hà trọn đời, mới hòng giải thoát. Lão liền giao việc gia
đình cho con, một mình mang chiếc chậu tắm và cái gậy đến sông Hằng Hà làm lễ
thống hối.
Đi được mấy ngày, đến
bên một con suối, mùa hè nước cạn hết, lão nghĩ bụng: nhất định đây là sông Hằng
Hà thiêng liêng. Lão tu hành ở bên bờ khe, hằng ngày đi tìm chỗ có nước để tắm
rửa. Cứ làm như thế trong 5 năm trời.
Một hôm có một đạo sỹ
đi qua thấy vậy liền bảo: "Ông còn ở
đây làm gì mãi?" Lão trả lời: "Để
sám hối, rửa sạch tội lỗi, nên tôi phải đến sông Hằng Hà này.” Đạo sỹ cười:
"Ta sống từng này tuổi, mà chưa thấy
trên đời có ai ngu như ông, ông thật đáng thương, kẻ nào nó lừa dối ông như
thế, sông Hằng Hà cách đây còn mấy trăm dặm nữa."
Người Bàlamôn cảm ơn
đạo sỹ, rồi vội vàng mang chậu gậy đi nơi khác. Đi một thời gian, ông lại gặp
một con sông, ông mừng reo lên: "A!
Đây nhất định là sông Hằng Hà thiêng liêng!" Lão lại ở cạnh sông đó 5
năm nữa. Ngày nào cũng xuống sông tắm rửa.
Một hôm có một đạo sỹ
khác bắt gặp và hỏi "Tại sao ông lại
phí thời gian mà dừng lại tại con sống tầm thường này, mà không đi đến sống
Hằng Hà?"
Lão kinh ngạc: "Ồ! Thế ra sông này cũng không phải là
sông Hằng Hà ư?"
Đạo sỹ nói: "Hằng Hà! Ông đã đem chó rừng sánh với
sư tử… Ông còn chiêm bao hẳn."
Bấy giờ lão hết sức
ngạc nhiên và nói: "Đạo sỹ đáng
kính! xin cảm tạ ngài, rất may, hôm nay được gặp Ngài."
Lão lại mang chậu và
gậy đi nơi khác, cuối cùng, lão đã tới sông Marmada. Lão nghĩ bụng: sông Hằng
Hà đây rồi, lão rất mừng, lại sống bên sống Narmada 5 năm, mỗi ngày xuống sông tắm
nước thánh.
Một hôm, lão thấy một
người hành hương, ném hương hoa, lễ vật xuống sông, miệng lầm rầm khấn tên sông
Narmada.
Đến trước người ấy,
lão nói: "Thưa quý khách, sông này
gọi là sông gì?"
Người hành hương nói: "Ông không biết đây là con sông linh
thương Narmada ư?"
Lão thở dài nói: "Vị quý khách thật đã mở mắt cho
tôi." Đoạn rời đi nơi khác.
Tới lúc này thì lão đã
quá già yếu, do một thời gian tu hành khổ hạnh quá lâu, thân thể, tinh thần suy
nhược lắm rồi. Cả ngày, lão cố gắng bước dưới ánh mặt trời gay gắt và giẫm lên
cát nóng bỏng, đến nỗi toàn thân phát sốt.
Ngày càng ốm nặng.
Nhưng lão vẫn gượng bước đi cho tới lúc lão ngã gục xuống; rồi lão gắng hết hơi
hết sức tàn của mình, trèo lên một cái gồ cao. Chao ôi! trước mặt lão sông Hằng
Hà hiện ra, oai linh và mầu nhiệm. Hai bên bờ sông và giữa dòng không biết bao
nhiêu là thiện nam tín nữ. Lão bèn kêu lên: "Ôi!
Đức Mẹ Hằng Hà của con, con đem cả công sức suốt một đời người, để tìm mẹ. Thế
mà nay con phải chết gục ở đây, trước mặt mẹ!"
Tim lão vỡ nát, lão
thở cuối cùng, mà không bao giờ được tắm nước sông Hằng Hà!
Lão xuống âm phủ.
Diêm Vương truyền hỏi
thần Minh Hộ: "Tên kia phạm tội
chi?"
Thần Minh Hộ tâu: "Hắn phạm tội rất nặng, nhưng nhờ tu
hành khổ hạnh tắm nước sông Hằng Hà mười năm năm, nay được giải thoát."
Hồn người Bàlamôn ngạc
nhiên nói: "Tâu Diêm Vương, ngài lầm
rồi, tôi chưa được đến tu ở sông Hằng Hà đâu!"
Diêm Vương mỉm cười.
Truyện này trích trong
tập truyện "20 đêm hỏi đáp (Prem Xagar)" của Ấn Độ. Khi kể truyện
xong, Rơxkôsơ đố công chúa Anangaraga, một công chúa thông minh và khôn ngoan
tuyệt vời "Thưa công chúa, tại sao
Diêm Vương lại mỉm cười"
Công chúa đã trả lời
rất đúng như sau "Diêm Vương minh
mẫn, không hề lầm lẫn, mà thần Minh Hộ cũng không thể mắc lừa được. Nếu tu hành
với thái độ giả dối, dù ở cạnh sông Hằng Hà suốt đời chăng nữa, thì cũng không phải
là sám hối thật. Người Bàlamôn chất phác đáng thương ấy, khi tu hành cứ tin
rằng mình đang ở bên sông Hằng Hà, bởi vậy Đấng Tối Cao đã chứng tri và cho
hưởng quả phúc thực sự. Người đời thường hay đoán xét theo cám giác bên ngoài,
và bị lừa, còn thần thánh thì căn cứ vào tấm lòng thực, dối mà phê phán."
Ta hãy thành thực dâng
mọi việc ta làm cho Chúa, việc to, việc nhỏ, việc coi vẻ rất tầm thường, cũng
như công việc được mọi người chú ý. Và điều quan trọng là ta hãy thầm nói với
Chúa: ta làm mọi việc đó vì Chúa, sáng danh Chúa, chứ không phải vì danh vọng
hão huyền cho riêng ta.
Đề
tựa của Lm. HK