Tìm hiểu Lời Chúa _ thứ hai tuần 28 thường niên

THỨ 2 SAU CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN
NĂM LẺ
Rm 1,1-7; Lc 11,29-32
BÀI ĐỌC: Rm 1,1-7
1 Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Đức Ki-tô Giê-su; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa. 2 Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh. 3 Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
Xét như một người phàm, Đức Giê-su Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít. 4 Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.
5 Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ. 6 Trong số đó, có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giê-su Ki-tô.
7 Kính gửi tất cả anh em ở Rô-ma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh.
Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.
ĐÁP CA: Tv 97
Đ. Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ. (c 2a)
1 Hát lên mừng Chúa một bài ca mới,vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người.
2 Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ, mạc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân; 3ab Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en.
3cd Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. 4 Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát.
TUNG HÔ TIN MỪNG: x Tv 94,7b. 8a
Hall-Hall: Ngày hôm nay, anh em chớ cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa. Hall.
TIN MỪNG: Lc 11,29-32
29 Khi ấy, dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. 30 Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. 31 Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. 32 Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.

THÁNH LỄ, PHÉP LẠ VĨ ĐẠI NHẤT!
Dân chúng đòi Đức Giêsu thực hiện phép lạ theo ý họ, làm cho Ngài phẫn nộ, vì hai lý do:
-   Họ đã mù quáng hay vô ơn Chúa, mà không biết rằng Chúa hằng làm bao nhiêu phép lạ để cho họ sống. Đan cử: Lực ly tâm thì bắn mọi vật tung ra, thế mà trái đất xoay tít với vận tốc 1. 666 km/giờ, lý ra nó phải bắn con người ra khỏi trái đất, thế mà Chúa làm phép lạ trái đất không bắn con người ra mà lại hút muôn tạo vật vào cho ta được sống; người ta sống bởi khí ôxy, thải ra khí carbonic, thì Chúa lại làm phép lạ cho cây cối sống bởi khí carbonic, thải ra khí ôxy nuôi sống con người… hoặc lương thực hằng ngày cần dùng nhất là khí, nước, ánh sáng, cơm bánh, thì trên ¾ lương thực ấy (khí, nước, ánh sáng), Thiên Chúa đã ban đồng đều cho hết mọi người,chỉ còn cơm bánh ta phải lao động mới có, với sự chúc phúc của Thiên Chúa, như Ngài nói: “Ngoài Ta các ngươi không thể làm được việc gì” (Ga 15,5b).
Nói tắt: Con người sống trong ân sủng do bởi Chúa luôn làm phép lạ ban ơn đồng đều, như làm mưa làm nắng cho người công chính cũng như kẻ bất lương (x Mt 5,45).
-   Dân chỉ tìm ơn qua phép lạ cho thân xác sống đời này, mà không biết tìm phép lạ Chúa ban ơn qua mỗi Thánh Lễ mới vươn đến sự sống đời đời, sung mãn như Thiên Chúa (x Ga 10,10; 6,57).
Thực ra, đối với Đức Giêsu làm phép lạ theo đòi hỏi của người ta thì có gì là khó, nên chẳng có gì là lạ, vì Ngài là Thiên Chúa toàn năng, muốn làm gì cũng được. Chỉ có con người làm theo ý Thiên Chúa thì thường là nghịch với suy nghĩ của loài người, và còn vượt khả năng, thế nên cứ tin vào Lời Chúa,chẳng những ta “làm những việc như Đức Giêsu mà còn làm những việc lớn lao hơn thế nữa”! (Ga 14,12) Đó mới thực là phép lạ!
Dầu mọi người thách thức Ngài làm phép lạ với hàm ý nắm chắc Ngài bất lực, để phủ nhận Ngài là Thiên Chúa, thì Ngài cũng vẫn thương họ ban “phép lạ Giona mới” là Thánh Lễ, một phép lạ vĩ đại nhất hằng diễn ra qua Phụng Vụ Hội Thánh cử hành, ai tin nhận thì họ được khôn ngoan, giầu có, và trường thọ hơn vua Salômôn (x 1V 3,9-13).


Để nhận ra Thánh Lễ là một phép lạ vĩ đại, ta hãy so sánh với phép lạ Giona mà Đức Giêsu nhắc đến:
ÔNG GIONA
1-     Giona là người.
2-     Giona đi giảng sự chúc dữ cho thành Ninivê.
3-     Giona cưỡng lệnh Chúa nên gây sóng gió cho những người cùng chung chuyến tàu với ông.
4-     Vì tội Giona không đi giảng Lời nên bị cá nuốt vào bụng ba đêm ba ngày.
5-     Giona mới đi giảng 1/3 ngày đường trên phần đất Ninivê.


     
6-     Ông Giona nằm trong bụng cá ba đêm ngày nhưng vẫn không chết, Chúa thương cho cá mửa ra, rồi đi rao giảng làm cho dân ngoại từ vua đến dân, cả súc vật đều ăn chay sám hối, xin Chúa thương xót, nên Chúa không giáng phạt xuống thành như lời giảng của ông Giona.


ĐỨC GIÊSU
1)   Đức Giêsu là Thiên Chúa.
2)   Đức Giêsu rao giảng hồng ân đổ xuống trên dân Ngài.
3)   Đức Giêsu vâng Lời Chúa Cha đi giảng Lời, đem lại bình an cho nhân loại.
4)   Đức Giêsu tình nguyện đi giảng Lời nên bị giết và được an táng trong mộ ba đêm ba ngày.
5)   Đức Giêsu đi khắp ba miền nước Do Thái, sang cả vùng dân ngoại để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa trong suốt ba năm.
6)   Đức Giêsu được an táng trong mộ ba ngày, Ngài từ cõi chết sống lại, sai môn đệ đi rao giảng, cũng là Ngài rao giảng (x Lc 10,16), nhưng nhiều người tự xưng mình là người thờ Thiên Chúa lại không muốn nghe Lời Chúa qua Hội Thánh. Tội này Đức Giêsu kết án: đã phạm đến Thánh Thần, không bao giờ được tha! (x Mt 12,32)

Vậy xưa kia vua Salômôn nhờ có trái tim biết nghe, mà Chúa ban cho ông giầu có và khôn ngoan (x 1V 3,9-13), đến nỗi danh dự của ông được loan đi khắp mặt đất, làm nữ hoàng Saba ở mãi tận cùng trái đất cũng cất bước đến chiêm ngưỡng sự khôn ngoan, tài trí, giầu có của vua Salômôn,khiến bà phán phục như muốn ngất đi! Rồi bà tặng lại cho vua Salômôn vàng bạc châu ngọc vô chừng kể! (x 1V 10,1-10). Thế nên Đức Giêsu xác định khi phép lạ vĩ đại nhất xảy đến chính là lúc Hội Thánh cử hành Hy Tế Thập Giá. Ai đến tham dự, họ sẽ là người khôn ngoan hơn vua Salômôn (x Lc 11,31: Tin Mừng). Cụ thể như Tông Đồ Phaolô tấm tắc tạ ơn Chúa vì qua Phụng Vụ của Hội Thánh,Chúa đã làm phép lạ cứu ông: hoán cải từ kẻ mù quáng đi phá Đạo, trở thành Tông Đồ đặc trách giảng Tin Mừng cho muôn dân (x Gl 2,2), không thua kém các Tông Đồ thượng đẳng (x Cv 9; Rm 1, 1-7; 2Cr 11,5), để qua ông, mọi người được Chúa Giêsu Phục Sinh ban phúc cho hơn vua Salômôn xưa.
Ta biết thời Cựu Ước, Thiên Chúa tạo dựng loài người hai lần:
Lần I: rất dễ dàng, Ngài chỉ cần phán một Lời: “Chúng Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh Chúng Ta” (St 1,26), tức khắc nam và nữ xuất hiện.
Lần II: Chúa phải vất vả lấy đất sét nắn thành người và Ngài thổi hơi vào mũi cho nó sống (St 2,7).
Mạc khải trên đây tiên báo vào thời Tân Ước, Chúa tái tạo con người để trở thành con Chúa cũng hai lần:
Lần I: Rất dễ dàng qua Bí tích Thánh Tẩy, chỉ bằng nước và Lời (x Ga 3,5; Gc 1,18).
Lần II: Người Công Giáo hằng ngày lại được tái tạo nhờ Chúa Giêsu Phục Sinh (x Cv 2,38) mỗi khi họ rước Lễ, Bánh và Rượu cũng là vật chất. Thực vậy, Chúa Giêsu Phục Sinh đã đến thổi hơi vào các môn đệ tức là ban Thánh Thần và trao quyền tha tội cho các ông, để hoàn tất cuộc Sáng tạo thuở ban đầu (x Ga 20,19t). Đó là hiệu quả của Thánh Lễ: phép lạ Giona mới.
Con Thiên Chúa phải mất mạng, thậm chí cả khi Ngài từ cõi chết sống lại, Thân Thể Ngài vẫn còn mang thương tích, Ngài đến thổi hơi vào các môn đệ để hoàn tất cuộc tạo dựng mới (x Ga 20,19t). Đó là hiệu quả phép lạ Giona Mới: Thánh Lễ Ngài thiết lập.
Mỗi ngày đi dự Lễ, thì ta như cục đất sét trong tay Thiên Chúa (x Is 64,7). Nắm đất sét nằm trong tay người thợ gốm, nếu ông nặn hình giống ông, thì rất vất vả và khó khăn. Bởi đó mỗi ngày qua Thánh Lễ, Chúa nắn tạo ta một chút, nếu ta sống 100 tuổi, Ngài nắn tạo ta ít nhất là 30. 000 lần, mới thực là kiệt tác; còn nếu mỗi tuần ta chỉ dự Lễ một lần, thì Ngài nắn tạo ta được 5. 000 lần, như thế ta bị khuyết 25. 000 điểm, không biết vào ngày cánh chung, ta có phải là vị Thánh khuyết tật hay không?
 Thánh Lễ là phép lạ vĩ đại nhất và quý giá như vậy, mà kẻ nào còn coi thường không tham dự, chỉ muốn Chúa làm phép lạ theo ý mình mới tin, thì Ngài không tín nhiệm họ, như Tin Mừng Gioan ghi nhận: “Trong lúc Đức Giêsu ở Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. Nhưng chính Đức Giêsu không tín nhiệm họ, vì Người biết họ hết thảy” (Ga 2,23-24). Kẻ sống Đạo như thế, chắc chắn vào ngày cánh chung, dân ngoại như bà nữ hoàng Saba và cả dân ngoại Ninivê đứng lên xét xử tội chúng! (x Lc 11,31-32: Tin Mừng). Vì dân ngoại đã nghe lời ông Giona mà ăn năn sám hối, xin Chúa thương xót, nhưng Chúa Giêsu trổi vượt hơn ông Giona, vì Ngài là Thiên Chúa đã tình nguyện đi giảng dạy, ưu tiên cho dân Ngài chọn, rồi mới tới dân ngoại, sao dân Chúa lại không muốn nghe, để khám phá ra mình có tội mà sám hối và tìm đến với Chúa Giêsu để được thương xót. Vì tình Chúa thương không dừng lại riêng cho một dân tộc nào, mà Ngài còn muốn cả loài người đón nhận được Tin Mừng cứu độ. Chính vì thế mà Chúa đã chọn tên ác Saulô và hoán cải, uốn nắn ông trở nên Tông Đồ xuất sắc cho dân ngoại qua Phụng Vụ Hội Thánh cử hành. Ông nói: “Tôi được làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa. Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Xét như một người phàm, Đức Giêsu Kitô xuất thân từ dòng dõi vua David. Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng. Nhờ Người chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu Người được rạng rỡ” (Rm 1,1-5: Bài đọc năm lẻ). Vì “Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ” (Tv 98/97,2a: ĐC năm lẻ).
Vậy nếu người Công Giáo sống chỉ đòi phép lạ như dân Do Thái xưa, mà chối bỏ Chúa Giêsu không rước Lễ, và chối bỏ nghe Lời Ngài, không nghe Hội Thánh giảng dạy, thì chính Chúa Giêsu sẽ chối họ trước mặt Chúa Cha cùng với các Thần Thánh, chắc chắn có cả Mẹ Maria là Đấng họ hằng cầu khẩn, cũng đứng lên tố cáo tội họ (x Lc 9,26; 2 Tm 2,12b). Vì Đức Giêsu đã nói với người Do Thái: “Các ông đừng tưởng tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là ông Môsê, người mà các ông tin cậy” (Ga 5,45).
Ta biết mỗi lần dự Thánh Lễ, là ta được tái sinh bởi Chúa Giêsu Phục Sinh (x Cv 2,38). Thánh Phaolô nói: “Chúng ta không còn là dòng giống của Adam, Eva, như Ismael là con của bà Hagar làm nô lệ, mà ta trở thành con của Adam cuối cùng (Chúa Giêsu), và của Eva mới (Đức Maria), là những người con tự do mà Đức Kitô đã giải thoát, được hưởng gia tài Nước Trời hơn Isaac là con chính thức của tổ phụ Abraham và bà Sara, được thừa kế gia tài của cha mẹ” (x Gl 4,22-24. 26-27. 31-5,1: Bài đọc năm chẵn), để ta được “chúc tụng danh Chúa từ bây giờ cho đến muôn đời” (Tv 113/112,2: ĐC năm chẵn). Thế nên Hội Thánh muốn chúng ta hằng ngày trong giờ kinh Phụng Vụ ban Sáng đọc Lời Chúa: “Ngày hôm nay, anh em chớ cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa” (Tv 95/94, 7b. 8a: Tung Hô Tin Mừng).
Ông Barty vốn dĩ là người Công Giáo, nhưng không nhận ra ơn Chúa gọi ông, đặc biệt từ khi ông lãnh Bí tích Thánh Tẩy, ông đã được nhận sứ mệnh tư tế, ngôn sứ, vương đế, để ông loan báo kỳ công của Thiên Chúa không thua các tạo vật. Thế mà ông đã vô ơn Chúa sống không lý tưởng, không tìm được ý nghĩa niềm vui trong cuộc sống, dù ông rất giàu có. Ông muốn tự tử, nhưng sợ không có ai chôn ông, nên ông đã bỏ ra 200. 000 dollars để trả công cho người thanh niên, sau khi ông xuống hố nằm mà sáng hôm sau anh chàng không thấy ông bò dậy thì lấy xẻng lấp đất. Nhưng người thanh niên không can đảm làm việc ấy. Ông lại nhờ một Linh mục trẻ giúp ông, nhưng Linh mục ấy cho ông biết: ông tự tử như thế là vi phạm điều răn thứ V, nên Linh mục không thể làm theo yêu cầu ông được. Ông nói lại: Sống không hạnh phúc, chỉ gây u sầu cho những người xung quanh, thì tội ấy nặng hơn tự tử. Ông lại đi thuê một người làm trong Viện Bảo tàng, người này nói với ông: tôi làm trong Viện này, nhìn thấy các vật cổ Chúa đã cho người ta khéo tay để họa lại những kỳ công Chúa thực hiện nơi vạn vật. Tôi cảm thấy mình đang sống trong ơn huệ Thiên Chúa, Ngài đã làm bao nhiêu phép lạ bao phủ lấy tôi. Cho nên tôi không nhận tiền công của ông để chôn sống ông được! Thế là ông Barty phải tự sát, vì không ai giúp ông chết, ông quàng dây thừng lên cây dâu và thắt thòng lọng để chui đầu vào đó. Nhưng chính lúc ấy, tay ông lại động vào trái dâu chín mọng,ông nếm thử và chưa thấy có trái nào ngọt lịm như vậy, lúc đó ông mới ngộ ra rằng Chúa đâu có phải cho mình một trái dâu, mà Ngài cho cả vũ trụ này, nhất là “Chúa ban Con Một Người, ngõ hầu ai tin vào Ngài thì khỏi phải hư đi, nhưng được sự sống đời đời” (Ga 3,16). Thế là ông từ bỏ ý định tự tử.
THUỘC LÒNG
Hãy có những cảm nghĩ trung thực về Thiên Chúa, và tìm kiếm Người với tâm hồn đơn sơ. Vì những ai không thách thức Người,mới được Người cho gặp, những ai vẫn một niềm tin tưởng, mới được thấy mặt Người (Kn 1,2).
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH